TS. Lê Thành Ý: Nhà chống lũ sự bền vững tạo nên khi cộng đồng cùng chung tay xây dựng

Là một trong những nước chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), Việt Nam bị ảnh  hưởng năng nề bởi thiên tai bão lũ, sạt lở đất và xâm nhập mặn….Thiên tai đã gây nhiều tổn thất về người, tài sản , cơ sở hạ tầng và nhất là nhà ở. Trung bình hàng năm tại Việt Nam đã xảy ra khỏang 640 đợt thiên tai, làm chết và mất tích trên 400 người, hơn 200 nghìn căn nhà và hàng trăm nghìn ha lúa, hoa màu bị hư hại, thiệt hại về kinh tế đã vượt qua ngưỡng 20.000 tỷ VNĐ.

Trước thiệt hại to lớn do thiên tai, tháng 11 năm 2013 Chương trình Nhà chống lũ đã chính thức ra đời với sứ mệnh hỗ trợ xây dựng nhà an toàn và phát triển sinh kế cho người dân ở những vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai và BĐKH. Hết năm 2020, Chương trình đã hỗ trợ xây dựng được 800 căn nhà với sự chung tay góp sức của nhiều cộng đồng dân cư.

Nhằm giới thiệu những mô hình nhà an toàn và trao đổi, thảo luận phương pháp chung tay thực hiện chương trình, ngày 13 tháng 5 năm 2022 Quỹ Hỗ trợ phát triển cộng đồng sống bền vững đã phối hợp cùng viện Goethe Hà Nội tổ chức hội thảo “Cùng cộng đồng dựng nhà an toàn và ra mắt sổ tay Nhà chống lũ”. Sự kiện diễn ra tại Hà Nội với sự tham gia của Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản, Tổng cục Phòng chống Thiên tai, UBND tỉnh Quảng Nam, Đại diện của nhiều cơ quan nghiên cứu, trường Đại học, đông đảo chuyên gia và giới chuyên môn về Bất động sản. Tại hội thảo các nhà khoa học, giới quản lý và đại biểu tham dự đã đóng góp nhiều ý kiến thiết thực.

vv1-1652691785.png
 Mô hình nhà chống lũ hiệu quả ảnh VNTTX

Nhà ở an toàn mối quan tâm rộng lớn của người dân và vấn đề đặt ra

Từ cổ xưa, được sống trong một căn nhà an toàn là điều mong mỏi của mỗi người dân. Tại các vùng chịu thiệt hại do thiên tai và thời tiết cực đoan, ước mơ có một căn nhà tránh lũ an toàn là nguyện vọng tha thiết từ nhiều đời người. Tuy nhiên, cho đến nay, sau 10 năm khởi động, chương trình Nhà chống lũ mới giúp được khoảng 1.000 hộ dân có nhà an toàn để ứng phó với thiên tai. Do mức độ tàn phá của thiên tai lớn hơn rất nhiều so với số nhà an toàn xây dựng được nên việc lựa chọn giải pháp để đẩy nhanh việc xây dựng nhà ở an toàn cho mọi người dân dã trở thành vấn đề cấp bách.

Trong bối cảnh thiên tai ngày càng phức tạp, việc thay đổi từ tư duy khắc phục thiệt hại sang chủ động ứng phó, xây dựng năng lực chống chịu và nâng cao khả năng thích ứng của cộng đồng là một vấn đề cốt lõi. Nhà chống lũ chỉ đi vào cuộc sống khi người dân thực sự tin tưởng và mong muốn thay đổi. Nếu sự thay đổi chỉ đến từ một phía mà thiếu tính đến nhu cầu và khả năng của người dân dễ dẫn đến tình trạng thụ động, trông chờ không thể phát huy được hiệu quả tối đa của các nguồn lực. Do vậy, chương trình nhà chống lũ đòi hỏi phải có sự chung tay từ cộng đồng của tất cả các bên có liên quan.

vv2-1652691825.png

Miền Trung ngập nước trong mùa lũ Ảnh Vn Express

Sự chung tay của cộng đồng trong xây dựng sẽ giúp người thụ hưởng thấu hiểu nhu cầu. Phía hỗ trợ không chỉ đóng góp đơn thuần về tài chính mà còn cần cả về thời gian và năng lực chuyên môn một cách hiệu quả. Khi người dân tham gia vào quá trình xây dựng bằng cả công sức và tiền của, họ mới thấy trân trọng và yêu quý căn nhà xây dựng.

Theo chương trình Nhà chống lũ, việc thiêt kế, giám sát và xây dựng sẽ được hỗ trợ từ 20 đến 35 triêu VNĐ cho nhà cải tạo và từ 30 đến 45 triệu VNĐ cho nhà xây mới. Người được hưởng lợi phải đóng góp nguyên vật liệu và công sức xây dựng; Chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ giám sát và đốc thúc triển khai thực hiện. Sự chung tay của cộng đồng bao gồm các chuyên gia, tình nguyện viên, cá nhân và doanh nghiệp sẽ cùng đóng góp vào quá trình cả về chuyên môn, gây quỹ và tài trợ cho các dự án.

Chung tay của cộng đồng, chìa khóa thành công xây dựng

Chương trình Nhà chống lũ được thành lập với mục tiêu hỗ trợ người nghèo chịu ảnh hưởng bởi thiên tai và BĐKH xây dựng nhà, phát triển sinh kế và thúc đẩy sự tham gia chủ động phòng chống thiên tai. Với sự chung tay của cộng đồng, giá trị cốt lõi của chương trình nhằm vào cuộc sống an toàn, sử dụng sản phẩm sáng tạo để thúc đẩy các giá trị nhân văn, qua đó xác định vai trò và sự nỗ lực của mỗi người dân.

Chung tay là phương pháp được áp dụng trong hoạt động cộng đồng, chương trình đã đặt người hưởng lợi là trọng tâm của quá trình phát triển. Theo đó, người dân và chính quyền ở các địa phương sẽ trực tiếp tham gia vào thực hiện các dự án cùng với sự hỗ trợ từ các chuyên gia và của cả cộng đồng.

Chung tay giúp nhà chống lũ trở thành dự án cộng đồng là giải pháp cộng đồng giúp đỡ cộng đồng. Chương trình đã cụ thể hóa phương pháp chung tay thông qua cách tiếp cận đồng thiết kế (Co-Design), cho phép các bên liên quan cùng đóng góp sáng tạo trong xây dưng và giải quyết vấn đề. Người hưởng lợi đóng vai trò là chuyên gia trải nghiệm và trở thành trung tâm của quy trình thiết kế, đảm bảo sản phẩm tạo ra đáp ứng đúng yêu cầu thực tế của mình.

Theo cách làm chung tay, chương trình Nhà chống lũ trao quyền cho người dân chủ động ra quyết định. Họ được quyền xác định giải pháp, góp vốn và công sức vào xây dựng ngôi nhà của mình. Dự án Nhà chống lũ đóng vai trò truyền cảm hứng, hướng dẫn kỹ thuật và cung cấp công cụ hỗ trợ cho người dân thụ hưởng. Theo đó, chương trình dự án sẽ đưa ra cốt lõi kỹ thuật đảm bảo an toàn, những phần còn lại được người dân sáng tạo theo nhu cầu sử dụng, khả năng tài chính, số lượng nhân khẩu và sở thích của từng gia đình. Việc người dân tham gia vào mọi công đoạn từ lên ý tưởng thiết kế đến xây dựng và nghiệm thu công trình, khiến họ trở nên tự tin, yêu quý và trân trọng căn nhà xây dựng, Ngôi nhà do người dân xây dựng và được làm chủ trong cả cuộc đời, đó chính là giá trị nhân văn mang lại.

Thay cho lời kết

Nhấn mạnh cách tiếp cận cùng thiết kế trong chương trình Nhà chống lũ, PGS TS KTS Nguyễn Hạnh Nguyên cho rằng “ Khi thiết kế cho cộng đồng, điều quan trọng nhất là hiểu được người dân, thâm nhập vào đời sống của họ để cùng suy nghĩ để từ đó giúp người dân trở thành chủ thể của công trình. Như vậy sự thay đổi mới thật sự có giá trị”.

Theo cách tiếp cận này, trong bối cảnh thiên tai ngày càng phức tạp, giới kiến trúc nước ta đã giới thiệu 11 mô hình nhà an toàn, xây dựng trong những điều kiện khác nhau. Hy vọng với sự chung tay xây dựng của cả cộng đồng, bước vào giai đoạn mới, chương trình Nhà chống lũ với những căn nhà an toàn sẽ gặt hái được nhiều thành công./.