Nông nghiệp thông minh với trí tuệ nhân tạo: Bước tiến của Việt Nam

Tại Mỹ, khi đứng trước trang trại nho mênh mông ở California, tôi không thể tưởng tượng được và tự hỏi tại sao họ làm được như vậy. California, “Thiên đường rượu vang”, nổi tiếng với những cánh đồng nho bạt ngàn trải dài dưới bầu trời xanh ngát, những thung lũng thơ mộng ẩn mình sau dãy núi hùng vĩ và những nhà máy rượu vang đẳng cấp thế giới.
nong-nghiep-my-1-1719971450.jpg
Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi cách người Mỹ làm nông nghiệp mà không cần đầu tư quá lớn

Tại đây, công nghệ y sinh đã phát triển đến mức chủ trang trại có thông tin đầy đủ về bộ gene của từng gốc nho để có chế độ chăm sóc phù hợp với quá trình sinh trưởng. Hệ thống điện tử được cắm vào từng gốc cây, “lắng nghe” và “thấu hiểu” cây thiếu gì, cần gì. Phân bón được hòa vào nước, tưới hoàn toàn tự động. Toàn bộ quy trình được chuẩn hóa và cá thể hóa đến từng thửa đất. Hàng trăm nghìn hecta nho ở Mỹ đang được chăm sóc như vậy, cho ra năng suất cao và chất lượng hàng đầu thế giới.

Rời những trang trại nho trù phú ở California, tôi đến những trang trại chăn nuôi bò ở bang Nevada và Arizona. Trên những cánh đồng cỏ rộng mênh mông tới tận đường chân trời, hàng chục nghìn con bò đang gặm cỏ. Quy trình chăn nuôi bò ở đây đã được chuẩn hóa từ con giống, phương pháp nuôi, thời gian nuôi, công tác chữa bệnh, chuồng trại, giết mổ, thực đơn, khẩu phần ăn của từng giai đoạn sinh trưởng. Trang trại rộng mênh mông nhưng rất ít công nhân, người ta dùng máy bay để lùa hàng trăm ngàn con bò một cách nhanh gọn.

Sau khi giết mổ bằng quy trình công nghiệp, một phần da và nội tạng lại được chế biến thành thức ăn chăn nuôi như một phần của nền kinh tế tuần hoàn. Móng bò, da bò được sử dụng cho các ngành thời trang và các ngành công nghiệp khác. Tất cả những yếu tố đó trả lời vì sao ngành chăn nuôi bò Mỹ có năng suất rất cao, nổi tiếng bởi hương vị thơm ngon và độ mềm mại của thịt, nhưng giá lại rất cạnh tranh. Thậm chí, chỉ cần bán bộ da bò người nông dân đã có lãi rồi.

Học hỏi từ Mỹ để phát triển nông nghiệp Việt Nam

Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi cách người Mỹ làm nông nghiệp mà không cần đầu tư quá lớn, không quá phức tạp như vẫn thường hình dung. Trước hết, cần thay đổi tư duy và mô hình sản xuất, định vị theo chiến lược quốc gia. Đó là tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, từ mô hình sản xuất nhỏ lẻ manh mún sang mô hình đại điền và tổ chức theo chuỗi giá trị, liên kết nhiều chủ thể theo hướng công nghệ cao.

Luật Đất đai 2024 đã có quy định về tập trung, tích tụ ruộng đất nhằm phù hợp với xu thế phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao. Đây là điều kiện thuận lợi để dồn điền đổi thửa, đánh giá lại các loại cây trồng, vật nuôi, từ đó có cách đầu tư phù hợp, từng bước điều chỉnh theo những mô hình nông nghiệp đã thành công ở Mỹ.

Tôi đã lập nghiệp bằng cách trồng nhiều cánh rừng gió bầu ở Tây Nguyên để tạo nên trầm hương bằng công nghệ y sinh hiện đại. Nếu không có sự hỗ trợ từ chính quyền giao nhiều hecta đất, tôi không thể phát triển ngành trầm hương với quy mô lớn. Chính vì thế, tích tụ ruộng đất là điều kiện cần để tiến tới một nền nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao.

Các nhà quản trị, nhà khoa học cũng cần nghiên cứu để đưa ra chính sách nông nghiệp phù hợp cho từng vùng miền, điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu. Đảng ta đã có nghị quyết về “Tam nông” từ năm 2008, tạo ra nhiều đổi thay cho ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, có những chính sách không theo kịp sự phát triển, chúng ta cần mạnh dạn đề xuất tháo gỡ, vì lợi ích chung.

Hướng tới nông nghiệp công nghệ cao

Trong thời đại 4.0, cần hướng tới nền nông nghiệp công nghệ cao để tạo đột phá về năng suất và chất lượng, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội và bảo đảm sự phát triển nông nghiệp bền vững. Muốn vậy cần kết nối, hợp tác với những tổ chức khoa học, trí tuệ đẳng cấp thế giới, đặc biệt là từ Mỹ - đất nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới.

Trong thời gian ở Mỹ, tôi đã có vinh dự gặp ông Mark Kennedy - Giám đốc Trung tâm Wilson (Wilson Center) thuộc Quốc hội Hoa Kỳ. Trung tâm Wilson là nơi phát kiến những hiểu biết sâu sắc về những vấn đề chiến lược toàn cầu cho các nhà hoạch định chính sách. Ông Mark Kennedy cho rằng đó là cơ hội tốt cho Trầm Hương Khánh Hòa phát triển và hoàn toàn ủng hộ, sẵn lòng hỗ trợ, kết nối để các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng đi sâu vào thị trường Hoa Kỳ.

Chính sách ổn định, thị trường cởi mở giàu tiềm năng và thái độ chân thành, giàu thiện chí của người Việt Nam là những yếu tố hấp dẫn đối với Mỹ. Việt Nam cần tận dụng cơ hội này để học hỏi và áp dụng các công nghệ tiên tiến, thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển bền vững và hiện đại.