Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần thứ tư do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Sơn La chủ trì, giao báo Nông thôn ngày nay/Dân Việt tổ chức sẽ được tổ chức tại Sơn La vào ngày 29/5 tới, trong bối cảnh nền kinh tế, trong đó có ngành nông nghiệp đang hồi phục một cách mạnh mẽ sau dịch Covid - 19 với những con số tăng trưởng ấn tượng. Ông đánh giá như thế nào về sự kiện này?
- Tôi nghĩ, nông dân, các doanh nghiệp và những người làm trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ rất vui mừng và đặt nhiều kỳ vọng vào Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần này.
Bởi trong điều kiện nền kinh tế nói chung, nông nghiệp nói riêng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do những tác động của dịch Covid-19, biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, giá cả thị trường biến động, nhất là giá các loại vật tư đầu vào như phân bón, thức ăn chăn nuôi tăng cao, để giải quyết những vấn đề này cần có quyết sách nhanh, mang tính liên ngành.
Do vậy, sự vào cuộc của Thủ tướng Chính phủ rất quan trọng và đúng lúc vì trong Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân sẽ có sự đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu Chính phủ với nông dân, đối thoại liên ngành giữa các bộ ngành để cùng phối hợp tìm giải pháp.
Thực tế, các vấn đề của nông nghiệp, nông dân, nông thôn cần phải có giải pháp liên ngành, nếu theo các quy định hành chính, ngành nào giải quyết việc của ngành đó thì sẽ không giải quyết được tận gốc của vấn đề.
Hy vọng, trong bối cảnh Chính phủ vừa ban hành Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, cuộc đối thoại này sẽ giúp Chính phủ, các bộ ngành nắm bắt được khó khăn của người dân, từ đó đưa ra giải pháp căn cơ, thiết thực.
Là một chuyên gia nghiên cứu rất sâu về các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn, ông có kiến nghị gì về mặt chính sách để nông nghiệp, nông thôn phát triển đúng như trong định hướng của Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050?
- Làm việc ở cơ quan nghiên cứu khoa học về nông nghiệp nhiều năm, tôi nhận thấy trong bối cảnh có nhiều biến động như hiện nay, vai trò của khoa học công nghệ rất cấp thiết, làm thế nào để chuyển giao được tiến bộ kỹ thuật cho nông dân trong thời gian ngắn nhất để bà con làm chủ công nghệ, đổi mới sản xuất, đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Do vậy, rất cần các ngành chức năng vào cuộc, chuyển giao tiến bộ đến tay nông dân.
Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu xây dựng một thế hệ nông dân mới, văn minh, hiện đại, hướng đến nền nông nghiệp tuần hoàn, sinh thái, trong quá trình chuyển đổi này, nông dân rất cần tiếp cận các kiến thức mởi về nông nghiệp.
Tuy nhiên, hiện nay, có một thực tế ở nhiều địa phương, hệ thống khuyến nông, thú y, lực lượng quan trọng để chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân lại đang có xu hướng tinh gọn, sáp nhập, điều này khiến việc tiếp cận tiến bộ kỹ thuật của nông dân khó khăn, trong khi nhu cầu của bà con là rất lớn.
Do vậy, tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân Việt Nam lần thứ tư tại Sơn La, tôi kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngành chức năng có giải pháp tổ chức lại hệ thống thú y, khuyến nông.
Thực tế, hệ thống này không chỉ phải sử dụng ngân sách nhà nước mà có thể huy động từ cộng đồng, sự hợp tác của doanh nghiệp, có thể xây dựng các hợp tác xã làm khuyến nông bằng cách tăng năng lực cho đội ngũ cán bộ hợp tác xã để làm cầu nối chuyển giao tiến bộ kỹ thuật.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số để rút ngắn khoảng cách giữa các vùng miền, nếu chuyển đổi số sẽ tăng cường kết nối, tư vấn từ xa thông qua các app, diễn đàn, từ đó cải thiện công tác khuyến nông.
Theo ông đâu là vấn đề khó khăn nhất hiện nay nông dân đang gặp phải?
- Còn nhiều vấn đề nhưng quan trọng nhất hiện nay là đa số bà con nông dân khó tiếp cận thị trường, chưa có cách tiếp cận thị trường để bán sản phẩm tốt hơn, với giá cao hơn.
Do vậy, muốn tiếp cận thị trường tốt phải hình thành các hợp tác xã, nếu từng hộ riêng lẻ thì không thể tham gia thị trường một cách bền vững.
Thị trường luôn có những thay đổi, những đòi hỏi mới, ví dụ như thị trường Trung Quốc đã thay đổi triệt để, chúng ta không thể trông đợi xuất khẩu tiểu ngạch mà phải đầu tư sản xuất để thúc đẩy xuất khẩu theo chính ngạch. Không còn con đường nào khác phải tham gia hợp tác xã.
Hiện nay, Nhà nước đã có nhiều chính sách khuyến khích nông dân nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua hợp tác xã, nâng cao năng lực của các hợp tác xã, tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay của các hợp tác xã là tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Do vậy, cần có sự đột phá trong chính sách về tiếp cận vốn tín dụng cho các hợp tác xã để các đơn vị đầu tư dây chuyền sơ chế, chế biến, áp dụng công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm.
Tôi cho rằng các vấn đề của nông nghiệp, nông thôn, nông dân không chỉ là việc của ngành nông nghiệp mà còn là trách nhiệm của các ngành. Do vậy, để thực hiện tốt các mục tiêu đề ra trong chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững rất cấn hệ thống giải pháp đồng bộ và đa ngành.
Nhìn từ Sơn La, nơi sẽ diễn ra Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần thứ tư vào ngày 29/5, từ một tỉnh nghèo, nhờ chuyển đổi tư duy sản xuất, Sơn La đã biến bất lợi đất dốc thành một lợi thế. Ông đánh giá như thế nào?
- Nhìn từ quá trình chuyển đổi sản xuất của nông dân Sơn La, tôi thấy việc thay đổi tư duy của nông dân là rất quan trọng, chỉ khi tự thân nông dân muốn thay đổi thì mới tạo ra cuộc cách mạng trên đồng ruộng.
Đến nay, Sơn La đã trở thành vựa trái cây lớn nhất miền Bắc, các sản phẩm nông sản của tỉnh đã được xuất khẩu đến nhiều thị trường.
Hiện nay, không chỉ đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu nông sản, Sơn La còn đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sinh thái kết hợp với du lịch, đánh thức tiềm năng vùng đất dốc, mang lại thu nhập cao cho người dân.