Phát triển Nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội: Những vấn đề đặt ra

Nông nghiệp đô thị hiện đại bao gồm Nông nghiệp ven đô và nông nghiệp nội đô. Tuy nhiên, trong quá khứ, khái niệm Nông nghiệp Đô thị (NNĐT) xuất phát là mô hình tận dụng các diện tích nhỏ, các lô đất trống, sân vườn, thảm cỏ, ban công, sân thượng, nơi sinh hoạt cộng đồng trong các đô thị để trồng cây hoặc chăn nuôi gia cầm, gia súc nhỏ đáp ứng những nhu cầu thiết thực cho cư dân đô thị. Nhiều nghiên cứu đề cập đến khái niệm nông nghiệp nội đô

Tính cấp thiết của NNĐT

Dần dần với sự hỗ trợ của khoa học cộng nghệ và nhu cầu ngày càng cao của đời sống, mô hình này đã được quan tâm đầu tư trở thành một ngành kinh tế sinh thái giá trị cao trong và ven đô thị, bao gồm hoạt động sản xuất, chế biến và làm dịch vụ chuyên sâu về cây trồng nông nghiệp, vật nuôi phù hợp với điều kiện cụ thể của các đô thị được sử dụng phương pháp canh tác hữu cơ, công nghệ cao, giải pháp kỹ thuật truyền thống kết hợp với hiện đại có khả năng sử dụng và tái sử dụng tài nguyên thiên nhiên và chất thải đô thị…

Ở đó những loại cây trồng như rau, hoa, củ, quả, cây xanh, thảm cỏ, cây cảnh, cây trang trí, cây dược liệu, cây trồng nông nghiệp và sinh vật hữu ích khác, trước hết đáp ứng nhu cầu làm lương thực thực phẩm tươi sống an toàn và phục vụ hoạt động tiện tích cho đời sống của cư dân. Sau đó là giải pháp kiến tạo hệ sinh thái vi khí hậu từ làm đẹp cảnh quan kiến trúc môi trường đến kiến tạo không gian sống trong lành, không gian thư giãn nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe; giải pháp giảm tiếng ồn, ô nhiễm không khí, hiệu ứng nhà kính, bê tông hóa và những tác động tiêu cực khác của quá trình đô thị hóa góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

rr1-1663726369.jpg
Quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ ở Hà Nội đang đặt ra vấn đề cần thiết phải có một chiến lược phát triển NNĐT trong tổng thể chiến lược phát triển bền vững

Theo khái niệm của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), NNĐT là hoạt động sản xuất các loại thực phẩm và các sản phẩm nông nghiệp khác, dựa trên quỹ đất và nguồn nước ở khu vực đô thị và các vùng ngoại vi, ứng dụng các phương pháp sản xuất chuyên canh, sử dụng hoặc tái sử dụng các nguyên vật liệu tự nhiên và chất thải đô thị.

Không gian NNĐT là không gian đô thị chứa đựng tất cả các hoạt động liên quan đến NNĐT. Không gian NNĐT bao gồm cảnh quan đô thị truyền thống và cảnh quan đô thị sản xuất. NNĐT đóng vai trò quan trọng trong phát triển đô thị của của các quốc gia khi là nơi cung cấp lương thực, thực phẩm tại chỗ cho các đô thị.

NNĐT dễ dàng tiếp cận các dịch vụ, tiện ích đô thị, góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho một bộ phận dân cư đô thị, đồng thời góp phần vào quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tạo dựng cảnh quan đô thị, cải thiện sức khỏe người dân.

Với đặc trưng là hoạt động sản xuất và phân phối tại chỗ nên thực phẩm từ NNĐT có chi phí vận chuyển, đóng gói và lưu trữ, tỉ lệ hao hụt do lưu trữ - vận chuyển giảm; tươi ngon, giàu dinh dưỡng và có giá cạnh tranh do giảm được các chi phí trung gian; chi phí sản xuất thấp và phát thải CO2 cũng giảm đáng kể.

Cùng với đó, NNĐT còn là giải pháp cân bằng giữa đời sống vật chất và hưởng thụ những giá trị tinh thần của cư dân đô thị. Những vòng xoay liên tục của cuộc sống bận rộn và áp lực công việc ở đô thị khiến con người không tránh khỏi những căng thẳng, âu lo; tâm trí bị nhiễu loạn từ tiếng còi xe, cảm xúc bị tù túng giữa rừng bê-tông, không khí không bị ô nhiễm vì khói bụi...Ngày qua ngày, những bất ổn đó tích tụ và dẫn đến tình trạng thiếu kiềm chế, mất kiên nhẫn, dễ nóng giận, những tổn thương tâm lý gây ra những hệ quả hiển nhiên cho cộng đồng.

Vì vậy, những không gian xanh từ NNĐT là những nhịp dừng tạm thời mang lại cơ hội cho con người được cân bằng cảm xúc để xoa dịu những thương tổn đó. Chính khi được hòa mình vào không gian xanh của NNĐT ngay chính trong không gian sống của mình như một chậu hoa cây cảnh trước khung cửa sổ, một mảnh vườn trồng rau xanh xinh xinh trên sân thượng cũng giúp con người tìm lại sự an yên thật sự vì được hít thở bầu không khí trong lành và cảm nhận được sự tĩnh lặng từ bên trong tâm hồn.

Việt Nam là quốc gia đang phát triển nên quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ ở các vùng đô thị lớn và khu vực nông thôn ven đô. Trên thực tế, các thành phố trực thuộc Trung ương như Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, các đô thị loại I trong giai đoạn 2010-2020 có xu hướng mở rộng không gian từ trung tâm lõi đô thị ra ngoại vi.Tỷ lệ đô thị hóa ở Việt Nam tăng rất nhanh từ 19,6% với 629 đô thị năm 2009 lên khoảng 39,3% với 833 đô thị năm 2020. Mật độ dân số đô thị của Việt Nam đạt ở ngưỡng rất cao, nhất là các đô thị lớn như là Hà Nội với 2.398 người/km2 và TP. HCM với 4.292 người/km2. Tỷ cây xanh trên đầu người tại các đô thị Việt Nam ở mức từ 2 - 3 m2/người, mức rất thấp so với yêu cầu tối thiểu của Liên Hiệp Quốc đề ra là 10 m2/người. Trong khi, phần lớn các đô thị trên thế giới đã đạt 20 - 25 m2/người, nhiều đô thị hiện đại trong khu vực và trên thế giới từ 30 - 50m2/người như: Singapore 30,3 m2/người, Seoul (Hàn Quốc) 41 m2/người, Berlin (Đức) 50 m2/người, Moscow (Nga) là 44 m2/người, Paris (Pháp) 25 m2/người...

Cùng với đó, vấn đề ô nhiễm không khí, tiếng ồn và rác thải đô thị đã và đang là vấn đề cấp bách tại tác đô thị của Việt Nam. Các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, hay các đô thị có hoạt động công nghiệp mạnh như Việt Trì (Phú Thọ), ô nhiễm bụi vẫn còn ở ngưỡng cao, đặc biệt là các khu vực gần các trục giao thông chính. Tại các đô thị này, số ngày có chỉ số chất lượng không khí AQI ở mức kém, xấu (AQI=101-200), và rất xấu (AQI=201-300) chiếm tỷ lệ khá lớn. Điển hình như tại Hà Nội, số ngày trong năm 2014 có AQI ở mức kém chiếm tỷ lệ hơn 50% tổng số ngày quan trắc trong năm, thậm chí, có những ngày chất lượng không khí suy giảm đến ngưỡng rất xấu và nguy hại (AQI trên 300).

Ô nhiễm không khí gây ra bệnh tật, tức thời và lâu dài, là tác nhân ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người dân. Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2006, trên thế giới có 777.000 người chết non do phơi nhiễm ô nhiễm bụi không khí, trong đó châu Á có 531.000 người chết, chiếm 68%.

Còn theo kết quả nghiên cứu của Đề tài Chương trình khoa học quốc gia số 23 do Cục Y tế, Bộ Giao thông Vận tải thực hiện trong hai năm 2011-2012, tỷ lệ số người bị mắc các bệnh đường hô hấp ở Hà Nội cao hơn TP. HCM từ 1,3-1,5 lần. Số liệu quốc tế cho thấy, năng suất lao động tăng khoảng 5% khi người ta làm việc trong môi trường không khí có chất lượng tốt, tiện nghi.

Quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ ở Hà Nội đang đặt ra vấn đề cần thiết phải có một chiến lược phát triển NNĐT trong tổng thể chiến lược phát triển bền vững để không chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân về lương thực, thực phẩm tươi sống, an toàn và các nhu cầu tiện ích của cư dân, mà còn đáp ứng yêu cầu cấp bách về nhiệm vụ cải thiện môi trường sống trong lành, kiến tạo cảnh quan kiến trúc không gian đô thị thông minh, đáng sống cho hiện tại và tương lai.

Thực trạng và xu hướng phát triển NNĐT

Trong hai mươi năm qua, Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung đã trải qua sự phát triển đô thị nhanh chưa từng có. Khi tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, kéo theo một loạt các thách thức mới: diện tích đất nông nghiệp giảm trên quy mô lớn, một bộ phận lao động trong nông nghiệp mất đất sản xuất trở nên thiếu công ăn việc làm; một bộ phận lao động từ nông thôn chuyển về đô thị gia tăng áp lực lên các nguồn tài nguyên như đất đai, thực phẩm và nước.

Những thay đổi này đặc biệt nghiêm trọng đối với nông dân Hà Nội, khi các xã nông nghiệp thuộc quyền quản lý của đô thị, đất trồng lúa được giao cho các nhà đầu tư, nông dân đã mất nhiều hoặc toàn bộ đất đai, thường là nguồn thu nhập duy nhất của họ. Các mảnh đất nông nghiệp manh mún và không liền mạch khiến việc mở rộng canh tác, đầu tư sản xuất trở nên khó khăn hơn bao giờ hết, các hợp tác xã của nông dân có thể giải thể hoặc ngừng hoạt động. Điều này dẫn đến việc đất nông nghiệp ngày trên địa bàn Thủ đô bị bỏ hoang. Với những hạn chế về tuổi tác, trình độ học vấn, và các kỹ năng cần thiết, những người nông dân này khó có cơ hội tìm kiếm việc làm ở những khu công nghiệp. Điều này làm cho những người nông dân này dễ bị nghèo và không có việc làm, đặc biệt là phụ nữ trung niên, những người thường có nhiệm vụ chăm sóc trẻ em hoặc cha mẹ già. Do vậy nông nghiệp Thủ đô vẫn đóng vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo sinh kế và công ăn việc làm cho cư dân nông thôn.

Dân số Hà Nội gia tăng nhanh chóng đã làm nảy sinh những lo ngại về việc cung cấp lương thực và làm thế nào để đạt được an ninh lương thực một cách bền vững mà không gây nguy hại đến tài nguyên môi trường. Nhu cầu về “thực phẩm an toàn” có sẵn tại địa phương ngày càng tăng, nhưng các hộ sản xuất quy mô nhỏ, manh mún lại thường không có phương tiện hoặc được đào tạo kỹ thuật để đáp ứng các yêu cầu về thực phẩm an toàn hoặc đáp ứng cho nhu cầu của thị trường.

Về mặt môi trường, dân số gia tăng nhanh chóng cũng kéo theo những vấn đề nảy sinh như ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí nặng nề, các vấn đề môi trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Phát triển NNĐT cần chú ý đến vai trò đa chức năng khi lựa chọn các giải pháp phát triển bền vững đô thị. NNĐT không những đóng vai trò quan trọng trong chiến lược bền vững sinh kế của dân cư đô thị, tạo nên nguồn GDP cho thành phố dựa trên giá trị gia tăng từ đất nông nghiệp mà còn được xem là hướng đi tối ưu, có tính khả thi cao để giải quyết các vấn đề bất cập liên quan đến quá trình đô thị hóa như an ninh lương thực và vấn đề môi trường, hướng tới xây dựng các đô thị sinh thái cảnh quan bền vững cho tương lai.

Cụ thể, về kinh tế xã hội, phát triển NNĐT bao gồm nông nghiệp ven đô và nông nghiệp nội đô sẽ tạo ra được các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, các vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, từng bước ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, phù hợp với tính chất đô thị, sản phẩm hàng hóa có chất lượng đáp ứng nhu cầu đô thị và nhu cầu thị trường, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng và giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp; tái cơ cấu hợp lý ngành nông nghiệp, khai thác, sử dụng có hiệu quả đất nông nghiệp và sức lao động, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho lao động nông nghiệp, góp phần giúp nông dân làm giàu chính đáng và giảm nghèo bền vững.

Về mặt môi trường, phát triển NNĐT sẽ từng bước thay đổi nhận thức của người nông dân từ nền sản xuất nông nghiệp theo phương thức truyền thống sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và những phương pháp canh tác mới theo hướng sinh thái, bền vững, an toàn sinh học, giảm thiểu các tác động của ô nhiễm môi trường, cải thiện môi trường và cảnh quan đô thị. NNĐT sẽ đóng góp vào chiến lược đô thị xanh, thông minh và bền vững của Hà nội.

Đồng thời, phát triển NNĐT sẽ sản xuất các sản phẩm có chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vì lợi ích của người tiêu dùng, góp phần nâng cao sức khỏe cho cộng đồng, đảm bảo an ninh dinh dưỡng.

Hà Nội mở rộng sau năm 2008 có diện tích trên 334.470 ha (gấp 3 lần trước đó) đã trở thành địa phương lớn với số dân hơn 8,4 triệu người. Từ yêu cầu phát triển kinh tế xã hôi, mức tiêu thụ nông sản thực phẩm hàng tháng của thành phố đã lên tới trên 300 nghìn tấn với khoảng 103 nghìn tấn rau củ quả, 93 nghìn tấn gạo, 25 nghìn tấn thịt, 5,1 nghìn tấn thủy hải sản, 5 nghìn tấn thịt chế biến từ gia súc, gia cầm…Với nhu cầu này, sản xuất nông nghiệp Thủ đô mới tự đáp ứng được 30% về gạo, 55% về rau-củ-quả và khoảng 3% về thủy, hải sản…Phần lớn lượng thiếu hụt phải nhớ vào các địa phương khác trong cả nước. Từ đây, nhiệm vụ đặt ra đối với nông nghiệp thành phố còn rất nặng nề. Cùng với phát triển nông nghiệp để đáp ứng nhu cầu lương thực thực phẩm, vấn đề lớn đặt ra trong quá trình phát triển Thủ đô là NNĐT.

Mặc dù 10 năm về trước tại Quyết định số 17/2012/QĐ-UBND ngày 09/7/2012 của UBND thành phố về việc phê duyệt “Quy hoạch phát triển nông nghiệp TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng 2030”, Hà Nội đã xác định phát triển nông nghiệp theo hướng NNĐT sinh thái là định hướng cơ bản của ngành kinh tế quan trọng này. Tuy nhiên, đến nay, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, thì ngành nông nghiệp của Thủ đô vẫn chưa xác định rõ phương hướng phát triển. Vẫn chưa phân biệt được loại hình nông nghiệp mà Hà Nội đang xây dựng và phát triển là NNĐT sinh thái hay là nông nghiệp truyền thống; Loại hình nông nghiệp công nghệ cao hay mô hình nông nghiệp hữu cơ? Mô hình nông nghiệp quy mô lớn hay mô hình kinh tế hộ…

NNĐT tại Thủ đô cần được xác định vừa là động lực, vừa là công cụ thích hợp để huy động các nguồn lực xã hội một cách đồng bộ giải quyết những bất cập nêu trên. Hà Nội đang khẩn trương rà soát điều chỉnh, bổ sung và hoàn thành quy hoạch phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn; xây dựng thị trường tiêu thụ nông sản ổn định với hệ thống cơ sở thương mại đều khắp ở các vùng; khuyến khích các tổ chức, cá nhân hợp tác trực tiếp với nông dân, hợp tác xã sản xuất các loại nông sản chất lượng cao dần thay thế các sản phẩm nhập khẩu và phục vụ xuất khẩu; đẩy mạnh dồn điền đổi thửa; nâng cao trình độ sản xuất cho nông dân; tái cấu trúc ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng gắn với mục tiêu phát triển nhanh, mạnh và bền vững.

Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững đến 2030 và tầm nhìn 2045 đã xác định rõ định hướng nông nghiệp sinh thái. Đối với Hà nội, Luật Thủ đô sửa đổi cũng xác định rõ tầm nhìn đô thị sinh thái, bền vững.

Phát triển NNĐT gắn với phát triển bền vững

Quá trình đô thị hóa của Thủ đô Hà Nội, cũng giống phần lớn các đô thị ở Việt Nam đang diễn ra theo hướng mở rộng quy mô là chủ yếu, chưa quan tâm tới sự phát triển đồng bộ các yếu tố kinh tế, xã hội, văn hóa, trình độ quản lý đô thị với vai trò động lực cho đô thị hóa phát triển bền vững. Vì vậy, định hướng phát triển NNĐT bền vững trong tổng thể các ngành kinh tế đô thị cần phải chú ý tới một số vấn đề đặt ra như sau:

Thứ nhất, vai trò của NNĐT phải được xác định rõ gắn với chiến lược phát triển bền vững của các đô thị trong tiến trình đô thị hóa. NNĐT góp phần khắc phục những mặt trái của quá trình đô thị hóa như: vấn đề di dân nông thôn ra thành thị; tình trạng thất học, thất nghiệp và phân hoá giàu nghèo; vấn đề nhà ở và quản lý trật tự an toàn xã hội ở đô thị; vấn đề hệ thống cơ sở hạ tầng quá tải và ô nhiễm môi trường; vấn đề an toàn về lương thực, thực phẩm, vấn đề cảnh quan đô thị, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống trong không gian đô thị hiện đại…NNĐT cần phải được thể chế hóa thành những chính sách ưu tiên, khuyến khích thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư với vai trò là động lực nội quyết định sự phát triển nhanh, mạnh và bền vững của Hà Nội.

Thứ hai, NNĐT phải được định hình là một ngành kinh tế sinh thái giá trị cao không chỉ đáp ứng nhu cầu lương thực thực phẩm an toàn tại chỗ, mà còn kết nối các giá trị kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường và góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Đổi mới mô hình tăng trưởng, tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Việc tái cơ cấu nền nông nghiệp cần tập trung mạnh vào tái cơ cấu đầu tư công và dịch vụ công trong nông nghiệp, tạo ra môi trường thuận lợi cho hình thành có hiệu quả và bền vững chuỗi giá trị nông sản dựa trên lợi thế so sánh của từng vùng, từng địa phương; tiếp tục tập trung đầu tư vào kết cấu hạ tầng; nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ sản xuất và chế biến nông sản, tập trung phát triển sản phẩm có lợi thế so sánh, có khả năng cạnh tranh và thị trường tiêu thụ; đa dạng hóa thị trường, cả thị trường trong nước và xuất khẩu; đầu tư phát triển nhân lực trong nông nghiệp.

NNĐT không chỉ giải quyết được bài toán đưa công nghệ mới, công nghệ cao vào sản xuất, gia tăng sản lượng, chất lượng sản phẩm cây trồng, vật nuôi trong bối cảnh quỹ đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp mà còn có thể phát triển các mô hình nông nghiệp chuyên biệt để cung ứng dịch vụ cho đô thị như: Cây xanh, thực phẩm an toàn cho khách sạn, dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng…Để thực hiện các chức năng môi trường, điều hòa không khí, thì NNĐT phải chú trọng phát triển nông nghiệp hữu cơ - tuần hoàn có thể tái sử dụng chất thải đô thị để làm phân bón, nước tưới cho cây trồng vật nuôi; nông nghiệp tạo ra hệ thống cảnh quan như hệ thống cây xanh, công viên, các vành đai xanh ven đô, ao hồ điều hòa…

rr2-1663726385.jpg
NNĐT không chỉ giải quyết được bài toán đưa công nghệ mới, công nghệ cao vào sản xuất, gia tăng sản lượng, chất lượng sản phẩm cây trồng, vật nuôi trong bối cảnh quỹ đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp mà còn có thể phát triển các mô hình nông nghiệp chuyên biệt để cung ứng dịch vụ cho đô thị.

Thứ ba, NNĐT phải hướng đến xây dựng một nền nông nghiệp thông minh tích hợp các công nghệ tiên tiến cho năng suất cây trồng vật nuôi vượt trội, đảm bảo chất lượng sản phẩm ổn định, an toàn cho sức khỏe con người, thân thiện môi trường. Nông thông minh đang là xu hướng phát triển tất yếu của thời đại nhằm giải quyết những bất cập của các mô hình nông nghiệp truyền thống.

Hướng dẫn các cơ sở sản xuất kinh doanh nông nghiệp áp dụng tốt bộ quy chuẩn về thực hành nông nghiệp tốt và tăng cường quản lý ở khâu chế biến và lưu thông để bảo đảm lương thực, thực phẩm an toàn.

Tuy nhiên, Hà Nội đến nay chưa có mô hình Nông nghiệp thông minh hoàn chỉnh, đầy đủ theo khái niệm về Nông nghiệp 4.0. Hiện tại, mô hình này mới áp dụng ở một số lĩnh vực và phạm vi cụ thể do hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ. Vì vậy, trong quá trình hoạch định và triển khai những chính sách phát triển NNĐT cần xác định rõ mục tiêu phù hợp với từng giai đoạn cụ thể.

Thứ tư, NNĐT trên địa bàn thành phố Hà Nội phải có mục tiêu xuyên suốt là tạo ra sự phát triển cân bằng và bền vững, kết nối không gian đô thị và nông thôn, giá trị truyền thống và hiện đại, đồng thời thúc đẩy lối sống hòa đồng của con người với thiên nhiên.

Sự phát triển của khoa học công nghệ một mặt tạo ra vô vàn những tiện ích cho đời sống con người, mặt khác cũng đặt ra những hệ lụy đe dọa đến sự tồn vong của chính con người và sự sống trên hành tinh xanh. Đó là tình trạng suy kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên, hủy hoại môi trường sống trong lành; hình thành những hiện tượng thiên nhiên cực đoan; phát sinh những dịch bệnh lạ, những căn bệnh thời đại đang hàng ngày hàng giờ hủy hoại chất lượng đời sống con người. Từ đó đòi hỏi con người phải điều chỉnh lại hành vi của mình, hình thành lối sống hài hòa với thiên nhiên hơn để từng bước tạo ra sự phát triển cân bằng và bền vững. NNĐT là quá trình giúp con người tiến tới mục tiêu cao đẹp đó.

Thứ năm, NNĐT là một quá trình thay đổi từ nhận thức đến hành động về phương thức, điều kiện và phạm vi không gian tổ chức sản xuất nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại. Nó phản ánh trình độ phát triển của xã hội. Vì vậy, ngoài việc chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch phát triển ngành và tổ chức không gian đô thị; xây dựng các chính sách khuyến khích thu hút đầu tư phát triển, thì cần tập trung đẩy mạnh hoạt động đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao khoa học kỹ thuật và tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi những thói quen, tập quán xấu và có những nhận thức mới về đô thị hiện đại, phát triển bền vững gắn với nông nghiệp công nghệ cao, đô thị thông minh, nông thôn mới và các mục tiêu bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nâng cao năng lực quản lý và ứng phó rủi ro liên quan đến thời tiết và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu cũng như các rủi ro về thị trường. Cải thiện hệ thống dự báo, cảnh báo sớm và gắn kết hệ thống này với dịch vụ tư vấn nông nghiệp; thay đổi phương pháp canh tác và lựa chọn giống phù hợp với các vùng đất có những biến đổi khác nhau về khí hậu; xây dựng năng lực nghiên cứu và phát triển để có thể giải quyết được những thách thức mới nảy sinh của quá trình biến đổi khí hậu và nước biển dâng; thúc đẩy thị trường bảo hiểm nông nghiệp, tăng cường khả năng ứng phó của nông dân đối với rủi ro, bảo đảm nông nghiệp ít chịu tác động từ biến đổi khí hậu.

Thứ sáu, Phải tổ chức NNĐT để hướng đến quy hoạch phát triển đô thị xanh - thông minh và bền vững trong bối cảnh đô thị hóa và biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét. Cần có nghiên cứu từ quy hoạch tổng thể đến quy hoạch chi tiết các khu vực có hoạt động NNĐT theo hướng phát triển đô thị xanh - thông minh cùng với việc ban hành các cơ chế chính sách nhằm tạo điều kiện cho phát triển NNĐT trong thời gian tới.

Các quy hoạch và kế hoạch phát triển ở Hà Nội thời gian vừa qua như quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội các huyện, quy hoạch phát triển nông nghiệp Hà Nội,  quy hoạch xây dựng nông thôn mới ở các huyện vùng ven đô đến năm 2020 đã là những nội dung và tiêu chí cơ bản của phát triển nông nghiệp Hà Nội theo hướng NNĐT, giá trị cao, kinh tế xanh và phát triển bền vững.

Thứ bảy, Để hướng đến phát triển NNĐT theo hướng phát triển bền vững, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong quá trình đô thị hóa, Hà Nội cần thực hiện nhiều giải pháp, trong đó bao gồm: ổn định địa bàn sản xuất NNĐT, tiếp tục nghiên cứu và quy hoạch chi tiết các vùng sản xuất giống, cây trồng vật nuôi chủ yếu; công khai phổ biến các quy hoạch nghiên cứu khoa học về phát triển sản xuất nông nghiệp đến các cấp chính quyền và người dân; triển khai áp dụng công nghệ cao vào các lĩnh vực phát triển NNĐT.

Thực hiện các biện pháp như tăng cường đầu tư công vào các công trình phòng, chống thiên tai, giảm tác động bất lợi về môi trường, tăng cường quản lý nước thải nông nghiệp, tăng cường áp dụng các biện pháp giảm khí thải nhà kính; quán triệt tư duy nền kinh tế xanh trong phát triển nông nghiệp. Tư duy kinh tế xanh đòi hỏi thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh trong nông nghiệp.

Bên cạnh đó, Hà Nội thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ và cho vay ưu đãi của Trung ương. Thành phố tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật nông nghiệp, nông thôn; có chính sách phát triển dịch vụ logictics đô thị trong điều kiện xây dựng thành phố thông minh; tăng cường hợp tác liên kết kinh tế vùng và toàn quốc…

Một số mô hình NNĐT trong nội đô có thể phát triển ở Hà Nội

Quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ ở vùng ven đô Hà Nội đang đặt ra vấn đề cấp bách là phải xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện đất đai, thị trường… Việc ứng dụng, phát triển thành công mô hình NNĐT không chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân về lương thực, thực phẩm tươi sống và an toàn, mà còn đáp ứng yêu cầu cảnh quan đô thị, tăng thêm không gian xanh.

Với những đặc điểm của mình, các mô hình NNĐT ở Hà Nội đáp ứng các yêu cầu cấp thiết trong đời sống của cư dân đô thị như: Góp phần cung ứng nguồn lương thực, thực phẩm tươi sống tại chỗ cho đô thị; Tạo việc làm và thu nhập cho một bộ phận dân cư sinh sống bằng sản xuất nông nghiệp nay bị mất đất do đô thị hóa như ở Long Biên, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Tây Hồ…; Dễ tiếp cận các dịch vụ đô thị, mở ra cơ hội mới cho phát triển chiều sâu theo hướng nông nghiệp công nghệ cao; Góp phần tạo cảnh quan, giảm ô nhiễm môi trường và cải thiện sức khỏe cộng đồng.

Với việc mở rộng diện tích thành phố năm 2008, Hà Nội đã và đang ưu tiên phát triển nông nghiệp cả ở nội thị và ngoại thị. Đối với nội thị, nông nghiệp tồn tại trong đô thị và vùng ven đã có từ xa xưa, chỉ riêng Hà Nội đã có húng Láng, rau Tây Tựu, hoa Ngọc Hà, đào Nhật Tân, cá rô Đầm Sét, tôm cá Hồ Tây, rau muống trong ao hồ, kênh mương…

Có một xu thế đang diễn ra rất mạnh hiện nay là nhiều gia đình ở Hà Nội cũng bắt đầu trồng rau để phục vụ bữa ăn gia đình. Để có rau sạch, nhiều hộ đã trồng rau vào chậu cảnh, hộp xốp, thậm chí cải tạo cả tầng thượng thành một vườn rau, tận dụng mọi góc ngõ để các chậu rau, một số hộ bắt đầu trồng rau theo phương pháp thủy canh trên ban công và sân thượng. Các loại rau được trồng đa phần đều dễ chăm sóc như rau muống, rau lang, cải cúc kèm với rau ăn sống như xà lách, rau diếp, rau má, tía tô, mùi tàu…

Các mô hình nông nghiệp nội đô để phổ biến rộng nhằm đạt mục tiêu đô thị sinh thái cần có chính sách khuyến khích như tiêu chuẩn môi trường, truyền thông, thúc đẩy các dịch vụ tư vấn tư nhân tại Hà Nội có thể liệt kê các mô hình chính như sau:

1. Mô hình trồng rau an toàn, rau sạch tại các quận huyện trên diện tích đất xen kẹt phân tán hay tại các làng nghề truyền thống lâu đời của Hà Nội và các diện tích mới được quy hoạch áp dụng các công nghệ hiện đại để trồng các loại rau xanh, rau gia vị, cây ăn quả phục vụ nhu cầu đời sống hàng ngày. Nhiều mô hình đã phát huy tốt những giá trị truyền thống và hiện đại như mô hình hoa cây cảnh truyền thống (Đào, Quất) gắn với các chợ hoa cây cảnh được đầu tư bài bản hay các khu sinh thái phục vụ du lịch ở Nghi Tàm, Nhật Tân, Quảng Bá (quận Tây Hồ); Mô hình trồng cây ăn quả (Cam Canh, Bưởi diễn) gắn với mô hình trồng các loại cây ăn quả mới phục vụ thăm quan du lịch trải nghiệm (Nho, Dâu tây) tại quận Bắc Từ Liêm…

2. Mô hình Nông nghiệp trên mái nhà là các mô hình nông nghiệp như vườn rau gia đình trên mái nhà ứng dụng Nông nghiệp hữu cơ hay nông nghiệp công nghệ cao mang tính chất tự cung cấp cho gia đình. Các mô hình này cũng có thể ứng dụng để đào tạo học sinh trong trường học. Nhiều mô hình sáng tạo như tháp rau an toàn bằng vật liệu tái chế thân thiện môi trường trong các gia đình vừa xử lý rác thải hữu cơ trong sinh hoạt vừa tạo ra không gian xanh và đáp ứng một phần rau, hoa, quả cho cuộc sống; mô hình rau thủy sinh ban công tại các chung cư cũng thu hút được sự quan tâm của nhiều gia đình.

3. Mô hình Nông nghiệp theo chiều dọc là mô hình làm nông nghiệp trong nhà sử dụng công nghệ cao và chính xác, không cần dùng đất, kiểm soát ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm và dinh dưỡng. Đây là mô hình cần được đầu tư nhân rộng bởi tính hiệu quả của nó và đang trở thành một xu thế không thể thiếu trong các đô thị thông minh. Mô hình này đã trở nên phổ biến ở các đô thị hiện đại trong khu vực và trên thế giới. Hà Nội có thể học hỏi tiếp cận và thu hút các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển ở những diện tích đất xen kẹt phân tán trong các quận nội thành.

4. Mô hình sinh vật cảnh bao gồm hoa, cây cảnh, vật nuôi cảnh…đa dạng trong vườn hay trên mái nhà, cung cấp cây xanh văn phòng, gia đình. Các mô hình sinh vật cảnh có thể tích hợp trong kiến trúc xanh của đô thị như không gian các công viên, hồ nước, cây xanh đô thị, vườn hoa, thảm cỏ và sân vườn trang trí tại các khu di tích lịch sử, các công sở trường học, các khu đô thị mới…Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung có truyền thống chơi Sinh Vật Cảnh lâu đời nên việc kiến tạo không gian sinh thái xanh sạch đẹp càng trở thành một nhu cầu bức thiết khi đời sống người dân được cải thiện. Thực tế đã xuất hiện nhiều mô hình vườn hoa cây cảnh treo trong kiến trúc nhà ở đô thị đã tận dụng hầu hết các khoảng không gian như cầu thang, sân thượng, ban công, giếng trời.

5. Mô hình NNĐT gắn với việc kiến tạo các không gian sinh thái, phát triển du lịch, nghỉ dưỡng, trải nghiệm, thăm quan học tập ngày càng được quan tâm đầu tư, nâng cấp. Không gian sống ngày càng bị thu hẹp, từ đó đòi hỏi nhiều mô hình NNĐT được gắn với các dịch vụ nghỉ dưỡng, du lịch, thăm quan trải nghiệm, khu sinh hoạt tiện ích công cộng như chung cư văn phòng cao cấp, bệnh viện xanh, công sở xanh, nhà hàng xanh, phim trường, vườn hoa, công viên…

 PGS.TS. Đào Thế Anh, Viện KHNNVN (VAAS)

ThS. Vương Xuân Nguyên, Tạp chí Khoa học PTNTVN (PHANO)