Phú Xuyên (Hà Nội): Ứng dụng công nghệ cao, tạo sự liên kết

Sau hơn 10 năm thực hiện phong trào "Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới", huyện Phú Xuyên (Hà Nội) đã cán đích huyện nông thôn mới (NTM). Huyện xác định ưu tiên nguồn lực cho phát triển sản xuất nông nghiệp với các sản phẩm sạch chất lượng cao

 

Xây dựng sản phẩm sạch, chất lượng

Theo Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên Lê Ngọc Anh, Phú Xuyên vốn được mệnh danh là vùng đất “chiêm khê, mùa úng”, nên sản xuất nông nghiệp từng gặp không ít khó khăn. Mặc dù có thế mạnh về phát triển làng nghề truyền thống, nhưng quá trình tổ chức sản xuất đã phát sinh các vấn đề về xử lý rác thải, nước thải, ô nhiễm môi trường… Do đó, kinh tế, xã hội của huyện cũng chưa phát triển đúng tiềm năng.

Chú thích ảnh

Lãnh đạo thành phố Hà Nội trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và tặng hoa chúc mừng huyện Phú Xuyên đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. Ảnh: LP

Để hoàn thành mục tiêu trong xây dựng huyện NTM, huyện Phú Xuyên đã duy trì, nâng cao các tiêu chí đạt chuẩn, tiến tới xây dựng xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu. Trong đó, huyện xác định ưu tiên nguồn lực cho phát triển sản xuất nông nghiệp với các sản phẩm sạch chất lượng cao; Nâng cao chất lượng sản phẩm làng nghề truyền thống. Qua đó, huyện từng bước nâng cao thu nhập của người dân, hướng đến nông nghiệp, nông thôn hiện đại.

Từ năm 2016 đến nay, toàn huyện đã sửa chữa, nâng cấp, bê tông hóa 210km đường trục xã, liên xã với kinh phí 736,2 tỷ đồng; 125km đường trục liên thôn, kinh phí 285 tỷ đồng và 115km đường ngõ xóm, kinh phí 241,4 tỷ đồng.

Trong thời gian này, huyện đã mở 73 lớp dạy nghề với trên 2.500 học viên tham gia, tổng kinh phí thực hiện hơn 6 tỷ đồng. Địa phương chủ động phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội, các doanh nghiệp tuyển dụng lao động; tổ chức được các phiên giao dịch việc làm, góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.

Ngoài việc chú trọng đầu tư nguồn kinh phí thích hợp, huyện đã đẩy mạnh phát triển các mô hình hợp tác xã làm “đầu kéo” phát triển nông nghiệp cũng như các làng nghề.

Thời gian qua, các mô hình hợp tác xã phát triển hiệu quả đã giúp huyện Phú Xuyên thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; từng bước đưa nông nghiệp sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, giúp nâng cao đời sống Nhân dân.

Hiện, toàn huyện có 73 hợp tác xã đã chuyển đổi hoặc thành lập mới theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Mô hình liên kết chuỗi trong phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực tại các hợp tác xã được hình thành và phát huy hiệu quả, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm.

Chú thích ảnh

Các sản phẩm làng nghề của huyện Phú Xuyên được nhiều người quan tâm. Ảnh: LP

Đơn cử như tại xã Phú Túc, địa phương có làng nghề guột tế (đan cỏ tế) với gần 4.000 lao động tham gia sản xuất các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp xuất khẩu, các tổ hợp tác, hợp tác xã đã liên kết với doanh nghiệp bao tiêu đầu ra cho người dân.

Nhờ vậy, mỗi năm tổng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn ước đạt 260 tỷ đồng. Phát triển tiểu thủ công nghiệp cũng là một trong những điều kiện giúp Phú Túc trở thành điểm du lịch và nhanh chóng về đích nông thôn mới.

Hướng tới xây dựng xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu

Với nỗ lực và thành quả đạt được, mục tiêu của huyện Phú Xuyên thời gian tới là duy trì, nâng cao các tiêu chí xã đạt chuẩn NTM, huyện đạt chuẩn NTM, tiến tới xây dựng xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu.

Bà Nguyễn Thị Tuyến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cho biết: "Phú Xuyên là cửa ngõ phía Nam của Thủ đô, là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, cách mạng, mang đậm bản sắc văn hóa vùng Đồng bằng sông Hồng; huyện có vị trí địa lý và giao thông thuận lợi, là một trong 5 đô thị vệ tinh của Thủ đô với những làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống có thương hiệu, giá trị kinh tế cao".

Chú thích ảnh

Làng nghề sơn mài Bối Khê thuộc xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, Thành phố Hà Nội chuyên sản xuất các sản phẩm sơn mài khảm trai, sơn mài khảm trứng, sơn mài bạc… Ảnh: TTXVN

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội chỉ đạo: Cán bộ và nhân dân huyện Phú Xuyên không hài lòng, thỏa mãn với những thành tựu đã đạt được, mà cần khơi lên khát vọng phát triển, tiếp tục duy trì và nâng cao hơn nữa các tiêu chí NTM theo hướng nâng cao, NTM kiểu mẫu gắn với tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn; tích hợp tiêu chí xây dựng NTM với tiêu chí xây dựng và phát triển đô thị vệ tinh.

Để thực hiện, huyện cần bám sát các Nghị quyết của Trung ương và Thành ủy để tiếp tục phát huy các thành quả trong việc xây dựng NTM trong 10 năm vừa qua; đồng thời khẳng định người dân là chủ thể, là đối tượng được thụ hưởng những thành quả tích cực từ chương trình.

Bà Nguyễn Thị Tuyến cũng đề nghị huyện Phú Xuyên xây dựng NTM phải gắn với phát triển kinh tế địa phương; chú trọng đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất công nghệ cao, nông nghiệp sạch, tuần hoàn gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo vành đai xanh cho Thủ đô...

Ngày 18/6, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) tổ chức lễ công bố và đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.

Theo đó, sau hơn 10 năm xây dựng NTM, với sự quyết tâm và nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân, diện mạo huyện Phú Xuyên ngày càng giàu đẹp, văn minh; kinh tế cũng có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, tổng thu ngân sách năm 2020 của huyện đạt 1.893,116 tỷ đồng (tăng 13,3 lần so với năm 2010). Đến nay, 25/25 xã đạt chuẩn NTM và ngày 25/4/2022, Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận huyện Phú Xuyên đạt chuẩn NTM năm 2020.

Bài viết có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội.