Thời gian qua, Hà Nội đã thể hiện rõ hơn vai trò "đầu tàu" trong hỗ trợ các tỉnh, thành phố khác giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề trên thị trường Thủ đô đã tạo động lực để chương trình phát triển mạnh mẽ và bền vững. Từ thực tế triển khai, bài viết tổng hợp một số nét nổi bật trong thực hiên chương trình OCOP trên địa bàn Thủ đô.
Tổng quan về OCOP
OCOP là tên viết tắt của cụm từ “One Commune, One Product” hiểu là “Mỗi xã một sản phẩm”, được triển khai thực hiện từ năm 2018. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chủ trương về OCOP như một Chương trình phát triển kinh tế nông thôn, nhằm thực hiện mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) trong phạm vi cả nước.
Là chương trình phát triển kinh tế theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị, nội dung OCOP là những nhiệm vụ và giải pháp thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM với trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân và tập thể thực hiện. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách. Theo đó, Nhà nước định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; hỗ trợ đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ; xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm và tổ chức dịch vụ tín dụng.
Mục tiêu tổng quát cuả Chương trình OCOP nhằm vào: Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh để sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế phát triển và khả năng cạnh tranh trên thị trường, góp phần phát triển kinh tế xã hội nông thôn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về NTM.
Thông qua phát triển sản xuất ở nông thôn, OCOP thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động hợp lý, bảo vệ môi trường và bảo tồn giá trị truyền thống tốt đẹp của nông thôn Việt Nam.
Về mục tiêu cụ thể, OCOP đã hướng vào: Xây dựng hệ thống quản lý, điều hành chương trình một cách đồng bộ từ trung ương đến tỉnh, huyện, xã thông qua các Bộ tiêu chí, quy trình đánh giá, xếp hạng sản phẩm; áp dụng chính sách đồng bộ để thực hiện hiệu quả chương trình trên phạm vi cả nước;
Chương trình thực hiện những công việc cụ thể cụ thể, nhằm tiêu chuẩn hóa ít nhất 50% số sản phẩm hiện có (khoảng 2.400 sản phẩm); củng cố, hoàn thiện tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa hộ sản xuất với hợp tác xã và doanh nghiệp; Triển khai thực hiện từ 8 - 10 mô hình Làng văn hóa du lịch; Xây dựng các Trung tâm thiết kế sáng tạo, phát triển sản phẩm OCOP gắn với quảng bá, giới thiệu sản phẩm ở những nơi có điều kiện; đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại và quảng bá thương hiệu;
Để đạt được mục tiêu để ra, giới phân tích cho rằng, cần tập trung vào nhiệm vụ đào tạo, tập huấn kiến thức chuyên môn, quản lý sản xuất, kinh doanh ( khoảng 1.200 cán bộ quản lý nhà nước các cấp từ trung ương, đến các tỉnh, huyện và 100% cán bộ lãnh đạo doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh) tham gia chương trình.
Hà Nội nơi đang dẫn đầu cả nước về sản phẩm OCOP
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thủ đô, Hà Nội luôn xác định rõ mục tiêu triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn để nâng cao thu nhập cho đông đảo người dân góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững.
Sau gần 4 năm triển khai thực hiện, đến nay, với sự tham gia và ủng hộ của đông đảo các thành phần kinh tế (gồm hàng trăm doanh nghiệp,nhiều hợp tác xã và đông dảo hộ sản xuất-kinh doanh) trong tạo việc làm, nâng cao thu nhập, giúp nông dân mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, Chương trình OCOP thành phố đã khẳng định được vị thế của mình.
Hà Nội có 47 nghề trong tổng số 52 nghề truyền thống của cả nước, với 1.350 làng nghề, bao gồm 321 làng nghề và nghề truyền thống được công nhận. Bên cạnh làng nghề, Hà Nội còn có 1.136 HTX nông nghiệp đang hoạt động, 1.695 trang trại, 149 chuỗi liên kết được duy trì và phát triển, hơn 164 mô hình ứng dụng công nghệ cao, cùng với hàng nghìn sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng, đây là điều kiện thuận lợi để triển khai thực hiện chương trình.
Trên toàn địa bàn Hà Nội đã có 2.167/9.852 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP, chiếm tới 22% tổng số sản phẩm đạt chuẩn của cả nước. Thành phố đã công nhận 06 sản phẩm 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.369 sản phẩm 4 sao, 780 sản phẩm 3 sao. Năm 2022, Thành phố đã công nhận 518 sản phẩm, vượt chỉ tiêu kế hoạch 118 sản phẩm trong năm (29,5%).
518 sản phẩm, đạt tiêu chí sản OCOP năm 2022 của Hà Nội (Ảnh: VGP/Thiện Tâm).
Chương trình OCOP Hà Nội đã góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội nông thôn và xây dựng NTM bền vững, đánh thức tiềm năng sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp Thủ đô, được cho là "cú hích" đổi mới tư duy sản xuất, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng gia tăng và tạo chuyển dịch tích cực trong xây dựng và phát triển kinh tế xã hội nông thôn.
Phản ánh thực trạng phát triển Chương trình OCOP thảnh phố, Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Chí cho biết: Sau khi được công nhận sản phẩm đạt chất lượng OCOP, Thành phố đã quan tâm tổ chức các sự kiện, hội chợ, hội thảo kết nối giao thương, trưng bày sản phẩm nhằm quảng bá, xúc tiến thương mại, giúp các chủ thể giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng (NTD). Qua đó, NTD đã nhận diện và tiêu thụ mạnh sản phẩm. Đến nay, Thành phố đã khai trương đưa vào hoạt động 85 điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP. Các chủ thể OCOP đã không ngừng nâng cao chất lượng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm. Nhiều sản phẩm đã xuất khẩu ra thị trường Thế giới, được NTD rất ưa chuộng.
Hà Nội xác định, để thực hiện thành công Chương trình OCOP cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành và sự vào cuộc của toàn thể nhân dân; Công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân được coi là giải pháp quan trọng. Việc truyền tải cơ chế, chính sách của Nhà nước về Chương trình và phổ biến mô hình, cách làm của các tổ chức thực hiện thành công có ý nghĩa lớn. Chương trình OCOP thành phố đã góp phần vào quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, tạo sức lan tỏa rộng rãi trong toàn hệ thống chính trị từ Thành phố đến cơ sở.
Công tác xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP được Thành phố rất quan tâm và chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tổ chức thực hiện. Hàng năm, sở Công Thương, các Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch nhất là sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố đã tổ chức nhiều sự kiện như Festival, giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa của các tỉnh, thành trong cả nước; các tuần tư vấn, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; tham gia các Hội chợ do Trung ương và các địa phương khác tổ chức. Bên cạnh đó, Thành phố đã lựa chọn và khai trương, đưa vào hoạt động 85 điểm giới thiệu, quảng bá và thường xuyên bán sản phẩm OCOP trên toàn Thành phố.
Phó Chủ tịch UBND thành phố từng khẳng định, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm đã tạo “làn gió mới” trong sản xuất và phát triển nông nghiệp. Đây là giải pháp, nhiệm vụ triển khai thực hiện chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng NTM, thực hiện bền vững các tiêu chí về sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt ở khu vực nông thôn. Các sản phẩm OCOP của Hà Nội không những đã và đang tạo dấu ấn,mà còn là niềm tin của người dân Thủ đô.
Có thể thấy, phát triển sản phẩm OCOP nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân đã góp phần tích cực,để cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững.
Trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan môi trường nông thôn và nông nghiệp đô thị Chương trình OCOP đã, góp phần xứng đáng để xây dựng NTM theo chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
Hà Nội đã, đang và sẽ thể hiện rõ hơn vai trò "đầu tàu" trong hỗ trợ các tỉnh, thành phố khác giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề trên thị trường Thủ đô, tạo động lực để chương trình này phát triển mạnh mẽ và bền vững./.