Tác phẩm Bê Trọc của nhà báo Phạm Việt Long: Nhật ký chiến trường về một thời máu và hoa (Phần XXV)

27/08/2022 09:52

Bê trọc, còn gọi là Chuyện đời thường trong chiến tranh, là tác phẩm của Phạm Việt Long, do Nhà Xuất bản Thanh niên xuất bản vào đầu năm 1999.

NĂM 1974

NGÀY 22/1/1974 (THỨ BA - 30 TẾT QUÝ SỬU)

Đêm giao thừa này tôi ở C.9 (Nhà máy in của Ban) - nơi mà Ngân mới chuyển về công tác. Anh em tổ chức đón xuân thật vui. Cùng đón giao thừa, vui văn nghệ. Sau đó về nhà. Lần đầu tiên được cùng Ngân đón giao thừa. Ngân nói rằng đây là giao thừa đầu tiên Ngân không khóc. Thức với nhau tới 2 rưỡi sáng.

NGÀY 23/1/1974

Cả ngày và đêm này Ngân vui xuân với tôi. Trời nắng và ấm áp.

NGÀY 31/3/1974

Hậu phương lớn đang chuẩn bị xây dựng Lăng Bác. Khu Năm lập ra Ban khai thác gỗ miền Trung Trung bộ, gồm các đồng chí Võ Chí Công (tức Năm Công - Bí thư Khu ủy), Bình, Sáu, Thể, Quyết và tổ chức khai thác, vận chuyển gỗ ra Bắc đóng góp vào việc dựng Lăng. Một công trường khai thác gỗ đặc biệt được mở ra ở khu vực suối Blau, xã Phước Hiệp huyện Phước Sơn. Anh Tô Đình Cơ, Phó trưởng Ban Lâm nghiệp Khu, được cử làm Chỉ huy trưởng công trường. Hôm nay, Khu ủy tổ chức lễ khai mạc công trường, chặt cây gỗ đầu tiên. Anh Năm Công chặt những nhát rìu đầu tiên vào cây gỗ hương, một trong những loại cây gỗ quý nhất của rừng núi khu Năm. Ba lực lượng chính được huy động vào việc này: Lâm trường Trà Mi - chuyên chặt hạ gỗ. Bộ đội các binh chủng và lực lượng giao thông vận tải chịu trách nhiệm cưa xẻ. Lực lượng công binh làm đường. Ngoài ra, còn có lực lượng nhân dân đi tìm gỗ và khiêng gỗ. Tôi đến công trưòng chụp ảnh và làm tin về những ngày đầu sôi nổi của công trường.

NHỮNG NGÀY THÁNG 4/1974

Trong khi chỉ đạo đẩy mạnh tấn công trừng trị bọn địch vi phạm Hiệp định, giữ vững vùng giải phóng, Khu ủy cũng chỉ đạo tăng cường xây dựng căn cứ cách mạng. Đánh giá tình hình, Khu ủy tự thấy chưa có kinh nghiệm về lãnh đạo và xây dựng kinh tế, quản lý sản xuất theo tình hình mới. Khu ủy cũng phê phán chế độ quản lý hành chính phân phối hiện không còn phù hợp, cần từng bước vững chắc chuyển qua chế độ quản lý có kế hoạch, hạch toán. Hướng phát triển về kinh tế là xây dựng một nền kinh tế dân chủ nhân dân, độc lập tự chủ, xóa bỏ mọi ảnh hưởng của kinh tế thực dân kiểu cũ, đáp ứng yêu cầu chiến đấu, đời sống, làm giàu cho Tổ quốc. Lấy nông nghiệp và lâm nghiệp làm then chốt, sản xuất lương thực, thực phẩm làm trọng tâm.

Năm nay, toàn Khu có bước tiến khá dài về xây dựng vùng giải phóng: Đồng bằng phát triển ruộng vườn, miền núi định canh định cư. Khai hoang, phục hóa 2 vạn héc ta ruộng (kể cả năm 1973). Trồng gần 24.000 héc ta sắn, cao nhất từ trước đến nay. Chăn nuôi 53.800 con trâu, bò (tăng 20%), 180.000 con lợn (tăng 30.000 con). Trồng 2,5 triệu cây quế, 2 vạn cây dừa, 50 vạn cấy mít, 20 vạn cây cam. Phát triển nghề tiểu thủ công nghiệp. Có 2 lâm trường, 2 xưởng gỗ. 8 tỉnh có màng lưới điện thoại... Miền núi đã vượt khỏi đói, rách, nhạt muối.

Đoàn 773 được thành lập từ năm 1973, với trách nhiệm sản xuất, huấn luyện quân sự (lực lượng hậu bị), giúp địa phương sản xuất, có cơ sở ở Khâm Đức, Hiệp Đức, Đak Lon, Đức Cơ, đã khai hoang được gần 1.500 héc ta để trồng lúa, chăn nuôi gần 1.000 trâu bò, lợn giống, đắp 7 đập, đưa lò vôi vào hoạt động, mỗi tháng cho ra lò 12 tấn vôi...

Tôi đến một đơn vị sản xuất viết bài về việc thực hiện chủ trương đó.

NHỮNG NGƯỜI GIEO MẦM XUÂN

TRÊN VÙNG KINH TẾ MỚI

Hà Nội (VNTTX 10-4-74) - Họ là 85 người trong đội sản xuất 10 thuộc đoàn 773, lên thung lũng T (Tây Nguyên) quyết biến đất hoang thành ruộng cày, cấy, đồng thời giúp đỡ những đồng bào bung từ khu dồn dân của địch về xây dựng cả khu vực rộng lớn trở thành vùng kinh tế mới.

u1-1661568645.jpg

Việc đầu tiên khi đoàn quân đặt chân lên "trận địa" mới này là phát, dọn, chuẩn bị đất cho máy cày hoạt động. Vũ khí của họ là dao, cuốc, và ý chí sắt đá quyết hoàn thành nhiệm vụ của người chiến sĩ cách mạng.

Đồng ruộng bị bỏ hoang 7,8 năm, đã biến thành rừng cỏ, lớp này chồng lên lớp khác dày đặc. Mảnh bom, đạn của địch còn vương vãi khắp nơi. Dao chém xuống gặp phải dây kẽm gai bùng nhùng, văng trở lại, có nhiều chỗ phải 3,4 nhát rựa mới đứt một lớp cỏ. Có những lúc trời mưa dầm dề, buốt lạnh thấu xương.

Nhưng, những khó khăn, gian khổ ấy không làm chùn bước những chiến sĩ chỉ biết chiến thắng. Phong trào thi đua "Bám đồng ruộng như bám chiến trường", cải tiễn kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động phát triển rầm rộ, đều khắp. Ban chỉ huy đội bám sát các tổ, vừa trực tiếp lao động, động viên anh em, vừa nghiên cứu kế hoạch sản xuất cho thích hợp. Đội trưởng có sáng kiến dùng rựa cán dài thước hai, dang thẳng tay phát, đưa năng suất từ 80 lên 200 mét vuông một ngày.

Tổ anh Ký, anh Tề phát huy sáng kiến, đưa năng suất phát gai lên gấp đôi lúc đầu. Các đồng chí Chính, Đoàn, Bảy, Thông, Tề, Ký, Nhiệm... luôn luôn đạt ngày công và năng suất cao, được nêu gương cho toàn đội học tập.

Nạn lụt bão hồi tháng 11 năm ngoái đã cuốn trôi hết cả nhà cửa của đội, nay anh em phải vừa dựng lại nhà, vừa tranh thủ dọn những bãi đất cao. Khi nước rút, mọi người lại tràn xuống thấp dọn, phát...

Giành được thắng lợi bước đầu, đội tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch "Tấn công đồng cỏ". Các tổ dàn quân trên đồng cày, cuốc. Tổ máy kéo bắt đầu ra quân. Chỉ trong thời gian ngắn, thung lũng T đầy cỏ hoang, gai góc đã trở thành cánh đồng rộng bát ngát.

u2-1661568648.jpg

Cùng với việc làm đất, đội 10 khẩn trương xây dựng các công trình thuỷ lợi. Những hố bom của địch được cải tạo thành những hồ chứa nước nhỏ. Một con đập nước chắn ngang dòng suối lớn, dâng nước lên cao, chảy theo con mương dài trên 2 ki lô mét uốn quanh sườn đồi, tưới mát cho hàng chục héc ta ruộng đất.

Cùng thời gian này, mạ được gieo xuống, khoai được lên luống. Đến ngày cấy, toàn đội đổ xuống đồng, đông vui như hội. Anh Tuân, cán bộ kỹ thuật, cùng các cô Ngát, Đạo, Bảy... làm nòng cốt trong việc cấy chăng dây, thẳng hàng. Những hàng lúa thẳng tắp thi nhau mọc lên phủ kín dần cánh đồng./.

Việt Long (TTXGP)

TỪ 22 ĐẾN 25/4/1974

Tôi được cử đi dự đại hội Đoàn thanh niên Khu bộ lần thứ nhất. Ban chấp hành mới của đoàn Khu bộ có 17 người, trong đó tôi là ủy viên, phụ trách công tác Tuyên huấn .

TỪ 28/4 ĐẾN ĐẦU THÁNG 5 NĂM 1974

Quân khu Năm tổ chức Đại hội liên hoan Anh hùng, Chiến sĩ thi đua toàn Quân khu. Tôi thay mặt Phân xã vào dự Đại hội, được gặp nhiều anh hùng, chiến sĩ thi đua từ khắp các địa phương về, thu thập được nhiều tài liệu quý. Anh Nguyễn Chí Trung chủ trì việc biên soạn một cuốn sách loại gương điển hình chiến đấu của các lực lượng vũ trang Khu Năm. Chúng tôi hăng hái tham gia, mỗi người một bài - tôi viết bài về bệnh xá 78 ở Quảng Nam.

u3-1661568653.jpg

NGÀY 21/6/1974

Tôi dự giao ban của Ban, tổng hợp tình hình tình miền Trung Trung bộ từ 21 tháng 4 đến 15 tháng 6 năm 1974 như sau: Ta tấn công tiêu diệt và làm bị thương 12.500 tên địch, 13 tiểu đoàn, 47 đại đội, 113 trung đội, san bằng 250 cứ điểm, phá bung 30 khu dồn, giải phóng 10 vạn dân. Bản tin Thông tấn xã của chúng tôi ra đều, trong đó đưa tin khá tốt về binh vận, tố cáo tội ác của địch, chiến sự và xây dựng lực lượng cách mạng. Có những tin nổi bật như: Bình Định, Quảng Nam - binh lính ngụy chống lệnh hành quân. Hàng ngàn đồng bào người nhà binh sĩ ngụy ở Bình Định đấu tranh đòi chồng con em về nhà làm ăn. Trong 10 ngày (18 - 28 tháng 5), 15.000 đồng bào Hoài Nhơn, Phù Mỹ bao vây, bức rút 11 đồn bốt, thu hồi về vùng giải phóng 3 xã. Ngành Nông nghiệp miền Trung Trung bộ giúp đồng bào mới ở khu dồn về nông cụ, giống để sản xuất: 6.000 lưỡi rựa, 1.000 lưỡi cuốc, 55 ki lô gam hạt rau giống, 1 tấn phân đạm. Có một số bài đã tập trung cho trọng điểm tuyên truyền: nêu bật khí thế nổi dậy của đồng bào (Đẩy lùi xe tăng địch, San bằng đồn bốt địch, Như chim sổ lồng), công tác binh vận (Sự tỉnh ngộ của trung úy K'Rông, Con đường sống duy nhất của người lính Sài Gòn, Cuộc hành quân phải bỏ dở). Bài về xây dựng cũng khá (Thăm trường cấp một nội trú đầu tiên của tỉnh Gia Lai, Một buổi tập luyện đánh chốt).

NGÀY 1 THÁNG 7 NĂM 1974

Sinh nhật lần thứ 28 của tôi trong không khí sôi động của toàn chiến trường. Trời trong xanh, nắng vàng dịu.

Thư từ, tin tức của anh em từ khắp nơi của miền Trung gửi về truyền cho tôi cái hừng hực của phong trào, giúp tôi có thêm "lửa" cho trái tim đồng thời giữ được cái "lạnh" của đầu óc để biên tập tin cho có chất lượng (các thầy dậy tôi: nghề làm báo vừa phải có trái tim nóng đầy nhiệt tình với cuộc sống, lại phải có cái đầu lạnh để tỉnh táo xem xét hiện thực).

Phân xã của chúng tôi đã có tới 42 người, gồm phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật ảnh, kỹ thuật máy ảnh, trong đó 22 đồng chí được biên chế vào các tổ phóng viên tỏa về 9 tỉnh làm nghiệp vụ. Trong 6 tháng đầu năm 1974, toàn Phân xã của chúng tôi phát được 493 tin, bài (có 97 bài, mẩu chuyện), trong đó có 47% về quân sự, 34% về chính trị, 7% về binh vận, 7% về kinh tế, còn lại là về văn xã, 7.295 tấm ảnh các loại, trong đó phát cho các báo Cờ giải phóng, Văn nghệ, Hình ảnh Việt Nam 135 tấm và triển lãm 1.602 tấm. Tin, bài, ảnh của chúng tôi gửi về Tổng xã phần lớn được phát, là nguồn phong phú cho các báo, đài ở Miền Bắc và Đài Giải phóng, cho các cuộc triển lãm và cho yêu cầu tuyên truyền của các địa phương.

NGÀY 7/7/1974

Xuân Quang, phóng viên ở tổ Quảng Nam viết thư cho tôi. Có lẽ đây là lá thư duy nhất tôi nhận được nói đến chuyện không vui trong quan hệ công tác: "Nhân tiện đây, em muốn tâm sự với anh một chuyện trong thời gian qua mà theo em được biết, dường như các anh và các bạn ở nhà quá quan tâm và lo lắng. Đó là chuyện giữa em và cơ quan mình đến công tác trong mối quan hệ. Những khuyết điểm của em như anh đã biết. Có! Em mạnh dạn dám nhận là thời gian qua em có mắc một vài thiếu sót: tự động dùng máy chữ mấy lần (trong đó có một lần nặng tự ý bỏ tập giấy đang đánh dở ra mà không hỏi ý kiến của ai, chỉ cốt làm được việc mình), có lần làm việc mệt quá ngủ thiếp trên bàn, đi khỏi nhà ít khi báo cho cơ quan. Những thiếu sót đó em đã nhận và sửa chữa. Còn quan hệ với cơ quan, với các đồng chí lãnh đạo như thế nào cho đúng mực, phải tôn trọng địa phương... thì những cái đó em không mắc khuyết điểm gì. Cho đến nay sự quan hệ giữa em và mọi người ở đây vẫn bình thường, trên tình đồng chí. Ngoài công việc của mình, em vẫn tham gia những việc làm ở cơ quan thấy hợp với sức khoẻ và thấy cần thiết. Anh có thể yên trí rằng: Em vẫn yên tâm công tác được ở đây.

u4-1661568656.jpg

Anh dạo này vẫn khoẻ đấy chứ, hơn 3 tháng nay chưa được gặp anh, mong một ngày gần đây về nhà chơi để tâm sự với anh. Em nghe tin anh Chu, Minh, Mùi đã đi chiến dịch. Các bạn ở nhà vẫn khoẻ và rất bận. Tuyết Trinh đi đón Thuỳ về, không hiểu tình hình Thuỳ ra sao, lo cho Thuỳ quá... Còn Phú thì đi viện. À, nghe Yên nói em còn sữa hộp ở nhà, anh nhớ gửi hộ em cho Phú một hộp nhé. Thôi chào anh.

Chúc anh và các bạn ở nhà khoẻ.

Thân.

TB. Anh Long ạ!

Rất buồn là cho tới hôm nay, Minh ngữ vẫn chưa hoạt động được (hết pin), thành thử đã từ lâu chúng em phải gửi tin, bài về bằng đường dây, do đó rất chậm và hình như có phần không bảo đảm (không hiểu sao lâu lắm không có một tin nào nói về Quảng Nam. Vừa qua, bên cạnh đưa tin về chiến sự, chúng em có đưa tin về vùng giải phóng.)

Ở trên này, giữa cơ quan có trách nhiệm và người làm việc phát tin thiếu sự thông cảm với nhau về nghề nghiệp, cho nên lâu nay thường trắc trở về khâu này. Mấy hôm nay, anh điện báo viên đài minh ngữ đã về Khu để trình bầy tình hình thực tế dưới này cho anh Sinh biết. Không biết kết quả ra sao. Em rất lo khi chiến dịch nổ ra, mà tình trạng ngừng trệ hoạt động của bộ phận phát tin như hiện giờ kéo dài mãi thì thật là phiền phức, không hay ho gì cả, sẽ ảnh hưởng tới công việc chung."

NGÀY 11/7/1974

Tôi làm việc với anh Phương, Phó trưởng Ban Tuyên huấn khu. Anh còn có tên là Hồ Dưỡng, nguyên là Phó Tổng biên tập báo Nhân Dân. Là một người đầy kinh nghiệm trong khâu biên tập, anh đã sửa từng dòng tin do tôi trình duyệt, với độ chuẩn mực về chính trị và sắc sảo về nghiệp vụ đến lạ lùng. Bao giờ tôi cũng đọc kỹ chỗ anh sửa để rút kinh nghiệm cho bản thân về cách viết, cách biên tập. Anh căn dặn tôi: Đối với phóng viên, cần giúp anh em nắm được nhiệm vụ, yêu cầu tuyên truyền chung, yêu cầu tuyên truyền trong từng thời gian (tổ chức cho anh em nghiên cứu Nghị quyết của Khu ủy, Tỉnh ủy...) Cần thường xuyên trao đổi, bồi dưỡng, rút kinh nghiệm cụ thể về nghiệp vụ với từng phóng viên - tổ ở tỉnh xa có thể đi lâu, tổ ở tỉnh gần thì một vài tháng tổ trưởng về Khu làm việc với phân xã một lần. Chú ý đưa tin đều về 3 mũi giáp công, 3 vùng chiến lược (nông thôn đồng bằng, miền núi, đô thị), cân đối tin chiến đấu và xây dựng. Về ảnh, nên có phương hướng cung cấp cho tỉnh, tiến tới dùng ảnh làm phương tiện giáo dục, tuyên truyền quần chúng (có thể giúp tỉnh có ảnh để triển lãm).

Anh Phương vào trong này đã lâu, có vợ công tác bên Phụ nữ Khu - chị tên là Lụa. Vốn tính hài hước, anh Phò hay đùa là anh Phương thích nhất điệu múa Lụa! Anh Phương rất hiền, chỉ cười.

NGÀY 12/7/1974

Cơ quan chúng tôi tổ chức đào ao thả cá. Tới hôm nay, các bộ phận đã góp được 338 công. Cùng với 5 đơn vị bạn, Thông tấn xã của chúng tôi được Ban biểu dương về tinh thần đóng góp và hiệu quả lao động. Chúng tôi đã tạo thành hình ao, đang làm mương dẫn nước, thoát nước để ngày 15 này đưa nước vào. Chúng tôi cũng lập được một đội bóng chuyền, tập luyện thường xuyên vào chiều thứ bẩy và các sáng chủ nhật.

NGÀY 18/7/1974

Họp Phân xã. Chúng tôi bàn biện pháp phát huy tác dụng tuyên truyền của ảnh Thông tấn. Cử người đi quanh Khu nắm và điện cho ban Tuyên huấn các tỉnh nắm nhu cầu về ảnh để đáp ứng. Chúng tôi dự kiến sẽ cung cấp cho mỗi huyện trong Khu một bộ ảnh vào dịp này. Không những chúng ta triển lãm ảnh ở vùng giải phóng, mà còn phải đưa ảnh cách mạng vào sâu trong vùng địch kiểm soát. Chúng tôi cũng điện ra Hà Nội xin Tổng xã cấp cho giấy ảnh số 3 có độ đen trắng tốt, phù hợp với điều kiện in, phóng ảnh trong này.

TỪ 20 ĐẾN 25/7/1974

Anh em ở các tổ phóng viên và gia đình liên tục biên thư cho tôi.

Những lá thư của các bạn từ Bình Định, Quảng Đà, Quảng Nam... không những phản ánh tình hình thực tế mà còn thể hiện nỗi trăn trở về nghiệp vụ, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của đội ngũ nhà báo trẻ trước cuộc sống. Cao Tân Hòa bị sốt suốt một tuần, nhưng dứt sốt lại lần xuống xã Hoài Châu để viết tin. Hòa đề nghị được ở thêm địa phương, tới tháng 12 mới về. Hoàng Chu viết sôi nổi: "Như vậy là cứ điểm Nông Sơn đã được giải phóng, mình đã viết bài tường thuật về trận chiến đấu diệt gọn 2 tiểu đoàn địch này. Bài viết gửi ngày 19/7/1974, ngay sau khi Nông Sơn giải phóng. Nhưng đồng chí Văn - báo quân giải phóng - ở A4 nói chưa có, mình viết lại có cụ thể hơn một chút để gửi tiếp một đồng chí cán bộ về A4. Nhưng sợ không về tới nơi, mình lại gửi bài viết này có chữa lại và gửi qua Tuyên huấn Quảng Đà để điện về nhà (Bài này mình viết để phục vụ cả cho sư đoàn, để sư đoàn đánh máy gửi xuống các đại đội).

Mình đang ở Phòng Tham mưu F để tiếp tục theo dõi, chuẩn bị tài liệu viết bài tổng hợp chiến dịch. Có thể chiến dịch phát triển đánh trận quyết định, mình sẽ đi chứ không ở Phòng Tham mưu F nữa. (F: Sư đoàn).

Bộ chỉ huy tiền phương chuyển luôn nên làm nhà, đào hầm thường xuyên và mệt (mình cũng phải đi cõng gạo).

Tuy vậy viết bài không biết gửi về nhà bằng cách nào cả, mình tìm mọi cách, hỏi mọi nơi để tìm cách gửi nhanh nhất mà cũng khó khăn. Anh Trung có hứa sau khi Nông Sơn giải phóng sẽ có công vụ đến đưa bài đi nhưng không thấy.

Còn ảnh thì không hoàn thành được (Khi về mình sẽ báo cáo lại vấn đề này). Giờ mình trình bày sơ lược thế này:

- Hà không thực hiện chương trình, phương hướng công tác của tổ (mình và anh Trung bàn). Hà tự do đi làm theo ý của mình nên mình hẹn ngày phải có mặt ở D8 đánh cứ điểm Nông Sơn, Hà đã không có. Hà đi mũi của một E dự bị của chiến dịch nên không làm được ảnh. Khi Nông Sơn đánh xong mình hẹn phải về sư đoàn bàn công tác, không về. Ở chỗ này Hà đã làm cho anh Trung và mình băn khoăn và khó chịu (Tất nhiên có vấn đề ý thức, về tư tưởng ngại gian khổ).

Như vậy Hà đã không có ảnh về Nông Sơn. Mặc dầu trận đánh Nông Sơn rất đẹp và có đủ điều kiện làm ảnh. Mình đang xin phim của đồng chí Thôi, phóng viên của F. Đồng chí Thôi chụp được 6 cuốn, đủ các vấn đề: từ lúc nổ súng đến khi giải phóng, dân trở về. Mình sẽ gửi phim về để ở nhà kịp tuyên truyền cho Nông Sơn.

Đến hôm nay E1 và D31 đã đánh giải tỏa diệt 2 tiểu đoàn, nhưng Hà vẫn chưa thấy về, mình đã viết thư gọi về. Mình rất buồn vì ảnh Nông Sơn ta không làm được.

Tình hình có vậy, mình có bàn với Yên cố gắng đến nơi dân về, trại tù binh để khai thác, chắc ở nhà cũng cử phóng viên đi rồi.

Mình rất khó đi vì đường xá không biết, hơn nữa đi rồi cơ quan chuyển, lại không về kịp thì rất gay. Mình chỉ làm được một việc về chiến đấu mà thôi."

Nguyễn Thụ vừa đến Quảng Đà là lao xuống huyện Duy Xuyên ngay. Tuy vậy, " khu vực đó khó làm ăn quá, nhất là ảnh nữa. Hoạt động chủ yếu vùng này về quân sự tập kích lẻ tẻ, phát động quần chúng, tuyên truyền và chỉ hoạt động ban đêm. Một số ý đồ khác nữa thì thấy cứ nằm ở rừng thì không làm ăn gì được. Tôi quyết định lên vùng tây Duy Xuyên. Hiện nay chiến sự đang diễn ra lớn ở An Hoà - Đức Dục (chưa biết cụ thể). Số dân đưa về vùng giải phóng cũng đang có chiều hướng tốt, còn phương thức hoạt động thế nào nữa thì phải xuống đó nắm cụ thể. "

Nguyễn Xuân Quyết đến Quảng Nam là "bay" ngay về Nông Sơn mà vẫn không kịp, dân đã ra hết rồi, chỉ còn một số ở lại giữ của thôi. Mấy hôm nay ở Nông Sơn vui lắm. Bộ đội, du kích vẫn một mặt đón đánh bọn địch tới giải toả, một mặt truy lùng tề điệp, ác ôn và tàn binh. Dân chưa ổn định lắm, mật độ bom pháo vẫn dày, trị an còn gặp khó khăn. Hôm tôi xuống không kịp làm về dân bung ra, mà chỉ ra ngay được phía truớc gặp số phòng vệ dân sự mới quay súng trở về đang làm công tác ở ngoài đó để chụp một số ảnh tại chỗ.

Đợt vừa rồi đi Nông Sơn cũng chưa kịp đi sâu tìm hiểu gì nhiều lắm, qua tìm hiểu sơ bộ tại chỗ, và qua những điều tai nghe mắt thấy từ hôm 20/7 đến nay, tôi có viết 3 bài gửi kèm về đây để các anh xem xem có sử dụng được không. Đó chỉ mới là những ghi chép sơ bộ, có gì các anh sửa chữa lại cho thích hợp. Viết hơi vội không kịp chép lại, tôi gửi nguyên cả bản gốc về để kịp với yêu cầu, các anh thông cảm. Ở nhà có gì góp ý hoặc có chỉ thị gì mới các anh cứ gửi xuống HT 435 Quảng Nam (Cổ Vũ) nhờ họ chuyển cho tôi (nhất là về ý đồ tuyên truyền)".

Riêng Hồng Tiếu, cán bộ Ban Hiệp Định, tỏ ra rất quan tâm đến hạnh phúc riêng của tôi. Anh viết: "May chiều nay lại gặp Ngân vào công tác, anh em gặp nhau vui vẻ, tình cờ gặp được đồng hương.

Trước đây thú thật mình không hiểu tại sao chàng thanh niên thủ đô Hà Nội mà có thể đặt chân tại xứ Quảng với một quyết tâm vững chắc như thế. Bây giờ được giải đáp rồi, qua câu chuyện với Ngân rất cởi mở, vui vẻ như anh em quen thân từ lâu. Bây giờ thì tớ hoàn toàn nhất trí và chúc hạnh phúc trăm năm của cậu và Ngân."

Bố mẹ, anh Đức và các em tôi đều có thư cho tôi, đặc biệt là thể hiện sự đồng tình vun đắp cho hạnh phúc của tôi với Ngân.

Tôi gửi một bức điện cho Ban tuyên Huấn Bình Định:

"Đồng chí Hoà tiếp tục ở lại công tác. Khi nào về sẽ báo trước nửa tháng.

Hoà trả lời gấp: trong tin 6 tháng về Hoài Nhơn, có con số du kích diệt gần 10 trung đội địch. Vậy cụ thể là mấy, 7,8 hay bao nhiêu? Những con số loại này nên đưa số tròn.

TTXGP - K5"

NGÀY 4/8/1974

Trong tháng 7, phân xã chúng tôi phát 149 tin, bài (25 bài), có 42 % về quân sự, 25% về chính trị, 14% về binh vận, 1.280 tấm ảnh, chữa 3 máy ảnh. Chúng tôi còn góp 42 công đào ao (vượt định mức 7 công), 7 công gùi cõng (vượt 1), cử 2 người tham gia sản xuất ở Trà Mi, 1 người tham gia xây dựng trường Tuyên huấn.

TỪ 7 ĐẾN 10/8/1974

Những đồng chí ở tuyến trước lại gửi một loạt thư cho tôi.

Từ Quảng Đà, anh Hồ Điển, cán bộ Công đoàn Khu viết: "Tôi xuống Quảng Đà gần 20 ngày nay, hôm nay xin gửi về các anh bài "Nỗi kinh hoàng của bọn lấn chiếm ở quân đoàn I" (viết theo phản ánh của cơ sở ta ở Đà Nẵng đã lượm lặt được).

Chỗ tôi là bộ phận phía trước của Liên hiệp Công đoàn Quảng Đà. Ở đây, thỉnh thoảng lại có "khách" từ Đà Nẵng ra. Mười ngày nay, bị thua đau, địch kiểm soát gắt đường đi. Thành thử vắng "khách".

Xin báo tin để các anh rõ:

- Tập ảnh (5 bộ) được các anh cung cấp và in giúp đã được phân phối cho cán bộ ta đem ra các bàn đạp gần sát Đà Nẵng để các "khách" từ nội thành ra xem. Anh em cán bộ ở Ban Công vận và Ban Mặt trận - Thành phố của Quảng Đà rất hoan nghênh mấy tập ảnh, cho rằng đấy là những tài liệu rất có giá trị đối với quần chúng đô thị; tuyên truyền bằng hình ảnh có sức thuyết phục rất nhạy.

Các anh ấy chỉ tiếc một điều: hình ảnh miền Bắc quá ít (đồng bào trong đó - đô thị - nhất là giới trí thức - rất mong mỏi được thấy tận mắt một số hình ảnh miền Bắc XHCN).

- Phim chụp lại hình ảnh Bác và phim chụp lại hình ảnh Võ Thị Thắng (do anh chụp) đã vào lọt Đà Nẵng rồi. Ta có một cơ sở bí mật làm ảnh nghệ thuật ở trong đó. Cơ sở nhận được phim, lấy làm mừng lắm và hứa sẽ in phóng thật đẹp để phát cho nhiều nơi.

Họ đã đưa tôi chụp lại 4 tấm ảnh 9x12 vừa gửi từ Đà Nẵng ra. Hôm nay, tôi xin gửi về anh 4 tấm phim ấy. Nội dung của 4 phim như sau:

1. Phim số 14-15: Tuổi thơ Đà Nẵng bơ vơ lạc lõng bên rào thép gai của chế độ Thiệu.

2. Phim số 16-17: Trên bờ biển Đà Nẵng: Đây, những nạn nhân được gọi là "Việt cộng" trong cuộc chiến tranh ghê tởm của đế quốc Mỹ! (hai em bé cụt chân).

3. Hè phố Đà Nẵng không thiếu gì cảnh nức nở của những em bé mất cha, mất mẹ vì cuộc chiến tranh của Mỹ - Thiệu, như em bé trong ảnh này (Phim 18-19).

4. Phim 20-21: Đà Nẵng trong tủ kính và Đà Nẵng của những em nhỏ lòng không dạ đói (Em bé đói bụng thèm thuồng đứng nhìn những món ăn bày trong tủ kính của một hàng bánh mì gà, pa-tê, chả).

Rất tiếc là xoay mãi mới có 1/2 cuộn phim và chỉ 1/2 mà thôi, nên không thể chụp thêm những cảnh khác.

Đây là 4 tấm phim duy nhất, xin gửi cả về anh để xem có thể phát ra Bắc được không? Dù được hay không cũng đề nghị anh và các anh phóng hộ 4 tấm ảnh 9x12 để tôi báo cáo những hình ảnh thật của Đà Nẵng với các anh lãnh đạo. Nhờ các anh giữ hộ phim.

Có một chiếc mấy ảnh trong tay, nhưng không phim, nên có nhiều hình ảnh tốt muốn chụp để gửi về các anh sử dụng mà không sao làm được. Quanh chỗ tôi ở, quân ta đánh dữ quá! Phim vùng địch không ra được. Và cũng chưa được duyệt tiền mua. Tiếc quá! Hôm trước, tôi ngỏ ý xin 1-2 cuộn phim với anh Hà, nhưng anh Hà bảo hết. Có lẽ anh Hà chưa hiểu tôi xin phim làm gì, cực thế!

Nếu nhận được bài và phim, xin anh báo cho tôi biết ngay. Địa chỉ: Hồ Điển đang công tác ở Công đoàn Quảng Đà. Mong thư anh, xin gửi lời thăm anh và các anh chị em đồng nghiệp.

Hẹn gặp anh

Vẫn với giọng bỡn cợt, nhưng với suy nghĩ hết sức nghiêm túc, Trần Hồng Cơ viết: "Thủ trưởng của ..."em"

Nhận thư thủ trưởng lâu rồi mà hôm nay mới thực sự ngồi viết thư trả lời được. Đầu thư chân thành chúc thủ trưởng vui, khoẻ, mau mau chung... võng với phu nhân N (mà nghe nói chi đoàn làm cho thủ trưởng cái giường to lắm mà - nhưng giường to quá không lợi đâu, giận nhau khó làm lành).

Đùa cho vui tí, bây giờ Cơ nói chuyện với anh Long nhé!

Đọc thư anh Long, Cơ vừa vui vừa buồn, cũng chả hiểu vì sao nữa. Anh Long có nhã ý động viên Cơ ghê quá. Nhưng Cơ cần một cái gì đó chứ những lời khen và động viên thì... nghe cũng vui tai nhưng chẳng vui lòng được. Nhưng Cơ rất vui là qua những lời khen ngợi, động viên ấy Cơ thấy quả thật anh Việt Long rất quan tâm đến Cơ - một điều Cơ không ngờ tới. Cơ quí tấm lòng đó thôi còn lời khen hay lời an ủi kia Cơ không thích lắm.

Anh Long có nói với Cơ về nghề nghiệp. Cơ cũng tưởng là Cơ nói giữa cuộc họp vậy thôi chứ ai ngờ, có người lại nghĩ và nhớ lời Cơ nói đến như vậy. Trừ bì đi cái phần "trách nhiệm thủ trưởng" thì vẫn còn nguyên vẹn một tấm lòng rất thành thực. Cơ rất cảm động. Cơ chẳng biết nói gì hơn. Cơ tin tưởng một cách chắc chắn rằng anh Long rất hiểu Cơ.

Nói về tình yêu nghề nghiệp thì đó là chuyện cả đời người chứ đâu phải chuyện một vài lời nói (dù rất thâm thuý). Không dễ gì có được lòng yêu nghề thực sự đâu, chắc anh Long hiểu rõ hơn Cơ về việc đó.

Nghề "ta" Cơ nói, là "hời hợt" là theo cách cảm nghĩ của Cơ. Còn tác dụng khách quan của nó thì Cơ không phải không hiểu đâu. Nhưng dù sao thì ý thức trách nhiệm vẫn là yếu tố tốt nhất có thể đem thay thế cho tình yêu (tất nhiên tình yêu gắn với ý thức trách nhiệm). Còn cái nghề xưa kia em yêu thì nó "xưa kia" lắm rồi, em không nghĩ tới nữa đâu. Khi em nói ra ước mơ xưa kia của em có nghĩa là em đã từ bỏ nó rồi. Ước mơ bao giờ cũng sống với nội tâm thôi anh Long ạ (em nghĩ vậy). Anh cũng đừng lo gì về lòng yêu nghề của Cơ cả. Cơ rất yên tâm nghề nghiệp và cố gắng làm tròn trách nhiệm anh Long ạ.

Tình hình công tác của Cơ: Tin bài thì Cơ không nói gì vì ở nhà nhận được cả rồi. Công tác cụ thể dưới này thì Cơ nói vắn tắt thôi. Xuống Quảng Đà được một đêm (đêm 28/3) sáng hôm sau đi họp Tuyên huấn 3 ngày rồi đi Điện bàn luôn (Đi Điện bàn hôm 2/4). Đợt ấy đi 1 tháng. Dạo ấy Điện bàn chưa vui như bây giờ vì chả có ai xuống cả và không khí còn "phát quang cày ủi" lắm. Trở về ở nhà trực được 2 tuần Cơ lại tiếp tục đi Điện bàn 1 tháng nữa. Lần này Cơ đi chủ yếu giúp Đán chụp ảnh chiến sự. Đi 2 lần 2 tháng trời ở một mảnh đất ác liệt nóng bỏng như thế mà Cơ chả viết được gì cả ngoài mấy mẩu chuyện con con, Cơ tức quá mà không biết làm sao được. Cơ sống ở Điện bàn 2 tháng, đi rất nhiều, ghi đặc cả mấy cuốn sổ, nghĩ rất nhiều, và cảm thấy biết được cũng kha khá, đặc biệt Cơ rất xúc động. Đi xuống gặp dân, Cơ khóc luôn (nhiều người đi với Cơ dạo ấy cũng thế thôi). Dân cực lắm và anh hùng lắm. Chúng ta chưa nói được gì nhiều về dân lắm đâu, anh Long ạ (Cơ nghĩ vậy). Thôi, chuyện đó hôm nào về Cơ sẽ nói chuyện. Đấy, thời gian đi 2 tháng đó Cơ lấy nhiều tài liệu mà không viết được gì cả. Chỉ vì Cơ chưa biết viết thôi anh Long ạ (nói thiệt đó). Đến nay Cơ chỉ thấy mang máng là viết tin và mẩu chuyện thế nào thì ra tin ra mẩu chuyện. Còn bài (phóng sự, ghi nhanh, tường thuật gì đó) Cơ chưa biết xoay xở thế nào cho nó ra bài cả.

Tất nhiên đó là điều rất bậy và cũng là sản phẩm của cách nghĩ về cái nghề "hời hợt" mà ra thôi. Biết sao được, Cơ sẽ cố gắng học và tập.

Lần này ở nhà trực gần 2 tháng, Cơ mới viết được mấy cái tin (mà luộm thuộm quá đi mất). Hôm nay anh Quảng về rồi, Cơ lại được đi. Cơ thích đi lắm, đi lâu bao nhiêu cũng được, đi đến đâu cũng thích, không nghĩ gì đến chuyện hiểm nguy ác liệt đâu.

Lần này đi Cơ sẽ cố tập viết mấy cái bài xem cái sự viết lách của mình ra làm sao.

Công tác đoàn thì chỉ được dự một buổi lễ kết nạp còn chả thấy họ họp hành gì cả. Quan hệ với địa phương thì tốt thôi. Nhưng mà cũng không phải "êm đẹp" hết. Cơ đã nổi tự ái mấy bữa rồi. Nói năng, cư xử thì cũng hơi "tự do bừa bãi" chút ít. Nhưng mà không có tội gì tày đình cả đâu, anh yên tâm. Còn tội nhỏ và vừa thì hôm nào về họp Cơ sẽ "xưng tội" hết.

Không viết thư cho anh Cầm và các bạn ở nhà được. Anh Long thông cảm hộ em nhé. Vả lại có gì mà phải viết. Công tác đoàn thì cũng chả có gì để báo cáo.

Thôi anh Long nhé. Cơ dừng bút."

Dương Đức Quảng, tổ trưởng tổ phóng viên Quảng Đà, viết: "Mình vừa đi công tác Điện bàn về. Chuyến đi vừa rồi của mình khá vất vả và nguy hiểm nhưng công việc làm chưa được bao nhiêu. Mình đi theo bộ đội và quyết tâm làm về nổi dậy nhưng cứ "đuổi" theo sự kiện mãi mà chưa "bắt" được. Điện bàn vừa rồi hoạt động tốt, có khí thế, nhưng địch phản ứng cũng rất quyết liệt, tập trung. Mình đã sống những ngày vất vả, nguy hiểm nhất trong suốt tất cả các đợt mình ra công tác Quảng Đà từ trước đến nay. Nhưng được cái là rất vui.

Mình đi theo đơn vị chủ công của tỉnh đánh căn cứ tiểu đoàn và một đại đội Bảo an địch đóng trái phép tại ngã 3 Trùm Giao. Chuyến đi có nhiều kỷ niệm. Trước khi đánh, kế hoạch bị lộ, địch đề phòng rất kỹ. Tối hôm tiếp cận có đồng chí lại vấp mìn địch do đó địch càng đề phòng. Nhưng với quyết tâm cao, bộ đội vẫn vào sát đồn bí mật, an toàn ngoài dự kiến. Nhưng cũng chính vì bảo đảm tiếp cận thật bí mật nên vào đến vị trí nổ súng thì đã 4 giờ. Cuối cùng phải tới 4h30 mới nổ súng được. Vừa nổ súng độ 3 phút pháo địch đã bắn cấp tập vào điểm và chung quanh điểm. Ta làm chủ được nhưng vì pháo dập quá (có thể nói như mưa mà không sợ ngoa) nên sau phải rút. Lúc đó trời đã sáng rõ. Bọn mình được một bữa chạy "tương đối" ngay dưới mắt bọn địch ở trên núi Cấm, núi Bồ Bồ mà không ai sứt mẻ gì, chỉ riêng có Nguyễn Xuân Thâm (Văn nghệ) bị mất khẩu súng K.59 thôi! Tối hôm nổ súng đó mình có chụp độ 10,12 kiểu phim gì đó nhưng không biết kết quả ra sao? Mình hy vọng được 1 hay 2 kiểu chụp đúng lúc đang nổ súng (vì mình ở sát điểm - cách độ 100m), nhưng không hiểu kỹ thuật chụp ảnh loại bét của mình có đáp ứng được hy vọng đó của mình hay không? phim đó mình vẫn đang giữ mà không dám tráng lấy, sợ hỏng.

Sau chuyến đi Trùm Giao, mình về các xã Điện thọ, Điện Hoà, Điện An - sát đường Một. Tưởng rằng có thể "làm ăn" được, nhưng kết quả cũng không làm được bao nhiêu. Ban ngày phải mặc hợp pháp mà lại không được đi lại vì rất gần địch, ban đêm thì chịu không thể chụp ảnh được. Hơn nữa mấy hôm mình xuống dưới đó là mấy hôm Trung đoàn 54 nguỵ và 2 Tiểu đoàn Bảo An nó càn (giải toả) khu vực mà mình đứng công tác hòng bao vây, tiêu diệt lực lượng ta. Suốt ngày dội bom, pháo. Dân một số lớn bị bom pháo, địch đánh quá nên chạy dạt ra Đà Nẵng và các xã khác, số còn lại không bao nhiêu cũng chạy "xà quần" suốt ngày; còn dân ở thành phố và khu đồn thì hầu như không về trong những ngày đó. Vì vậy công việc của mình cũng không được thuận lợi. Thằng địch thì nó quyết liệt đánh vào dân để dân không về, còn ta giành từng người dân, thật giằng co, quyết liệt. Trước đó mấy ngày, hôm dân Điện Thọ đấu tranh bức rút đồn sau đó phá đồn Dốc Ba Lê thì mình lại đi theo mũi chủ công của tỉnh, không có mặt. Lúc mình có ở đấy thì dân lại tạm thời dạt đi tránh pháo. Thật chụp được cái ảnh nổi dậy quả là khó!"

Nguyễn Long Phi viết: " Tôi đã nhận được thư anh và tin, bài anh gửi lại để rút kinh nghiệm. Qua thư biết cơ quan năm nay làm việc khoẻ và vui tôi rất mừng. Nhân tiện đợt này, có người về K, tôi giúp anh mua 1m80 vải may áo cưới, và gửi về.

Riêng tôi, thời gian tháng 8, 9 có đi vô Phù Cát, đi nhiều nhưng làm được ít việc. Tôi thấy cũng buồn. Vả lại Vinh cứ ốm hoài và nặng, mà tư tưởng nó cứ quanh co ở Vinh. Vinh càng bi quan với sức khoẻ, tôi càng thấy ngại... Đi có 2 anh em, tôi không rời Vinh lâu được. Gặp Vinh lại chạy mua thuốc men, mua đường sữa, ra, vào trạm luôn mệt quá.

Sức khoẻ tôi vẫn không mạnh lắm. May mà nó không sốt rét, nên còn đi lại được.

Về tình hình công tác:

Vinh những ngày đầu tháng 9 tuy có sốt song vẫn cố viết hoàn chỉnh một số tin, bài về Phù Mỹ, còn ảnh không làm được.

Tôi trở lại Phù Cát, chống phản kích mạnh, tự mình, tôi thấy cần phải xông xáo ở đó để lấy tin tức. Lần này đi một mình, có buồn hơn các lần đi trước, song tôi vẫn bám được với bộ đội và địa phương mà làm việc. Có điều bom, đạn liên tục, dữ dội vả lại những ngày này riêng cán bộ, du kích địa phương ở 2 xã Cát Minh, Cát Tài bị tổn thất bất ngờ quá, chỉ một đêm mất 5, 6 đồng chí liền, trong khi đó, dân chạy không còn một người. Đi đến các tiểu đoàn, anh em bộ đội đánh phản kích tốt, tuy vậy công tác tư tưởng cũng có phần kém hơn những ngày đầu chiến dịch.

Tự kiểm điểm, tôi thấy chỉ viết được tin thôi.

Thôi, chuyện báo cáo tạm thời vậy, các anh góp ý cho."

Nguyễn Xuân Quyết viết: "Đợt vừa qua tôi đi hai điểm ở phía trước để cố làm cho được ảnh nổi dậy mà vẫn không được. Nay theo ý kiến anh Thành (Thường vụ Quảng Nam) đứng cánh ở đây, tôi lại mấy xã vùng Trung (tức phía dưới đường 105, sâu trong vùng địch) để may ra có thể kiếm được mấy miếng phim nổi dậy.

Về công tác, ở dưới này có nhiều khó khăn, nhiều địa phương ngại ác liệt và thiếu công sự nên không dám nhận anh em phóng viên xuống công tác, họ viện đủ lý do và kiên quyết từ chối. Mấy anh quay phim xuống đây cũng đang nằm dài. Mặt khác càng đi ra phía trước thì càng không mua ra gạo ăn. Muốn có gạo phải về tận Sơn - Long mới lấy được thành ra căng lắm, trong lúc đó đi phía trước và vượt đường đòi hỏi trang bị gọn nhẹ và không phải lúc nào cũng an toàn.

Vừa qua lấy được một số tài liệu tôi cũng đang cố gắng viết để kịp gửi về. Tôi gửi kèm đây hai bài, bài Bức chốt ghi lại xã Phú Hương, sự việc xảy ra xong rồi tôi mới được biết thành ra chỉ khai thác ở những người có tham gia đó thôi còn ảnh không chụp được vì hôm tôi xuống họ không cho ở như đã nói ở trên. Bài Em bé dũng cảm thì lấy tài liệu ở xã Phú Thọ, do một số cơ sở ta và một số cán bộ địa phương kể lại, các chi tiết hoàn toàn đúng sự thật (bọn địch cũng thừa nhận là em này gan, các anh xem và chữa giúp)"

Trong các địa bàn công tác, Phú Yên là nơi xa xôi và gian khổ nhất. Từ Phú yên, Nguyễn Hưng Thạnh viết: "Tôi đi xuống huyện Tuy Hoà 1 về được 1 tuần nay. Tôi đi từ 13/6, đáng lẽ đầu tháng 7/1974 về nhưng bị kẹt đường liên tiếp 2 lần không về được, thành ra đi suốt 1 tháng 20 ngày. Từ khi vào đây đến nay tôi vẫn khoẻ, không đau ốm gì.

Về phần công tác, có một số vấn đề phải trao đổi với các anh ở Ban Tuyên huấn tỉnh để làm việc được. Thường sang văn phòng tỉnh thì các anh ấy bảo tài liệu đã tổng kết gửi sang Tuyên huấn. Về TH thì có khi có, có khi tìm không ra. Mà các anh ở Ban cũng làm tin dựa vào tài liệu đó để gửi về K.

Đi sang các cơ quan quanh tỉnh cũng có ít tài liệu thôi, do đó công việc đưa tin, bài nói chung là không làm được bao nhiêu.

Một nhận xét của tôi là các anh ở đây muốn mình đi địa bàn nhiều.

Tất nhiên đi các huyện, xã nhiều là mong ước của tôi. Song nghĩ đến nhiệm vụ của mình, nếu đi nhiều thì mất tin ở tỉnh, lại không sao quét hết các nơi. Tôi sẽ cố gắng giải quyết tốt bằng cách đi tranh thủ chừng 10-15 ngày thì về, khi ở tỉnh đi qua văn phòng, các cơ quan xung quanh tỉnh... như vậy sẽ tốt hơn.

Quan hệ với các anh chị em ở trong cơ quan bình thường, không có gì đáng ngại. Tôi làm như phương hướng của Ban ta: góp phần sản xuất, cõng gạo, cải thiện đời sống cơ quan... việc gì làm được là tôi làm, do đó không có sự cách biệt gì cả. Mong là các anh yên tâm.

Các anh thân mến, nghe tin anh em ta ở các nơi làm ăn khá, tôi nóng ruột lắm. Kể ra một mình ở trong này cũng buồn, song cũng cố làm việc trong khả năng và điều kiện mình có thôi.

Cuối cùng chúc tất cả anh em vui, khoẻ, công tác tốt nhất."

Việc phối hợp với Ban Hiệp định để làm tin tiến triển tốt. Bản tin của chúng tôi cung cấp cho các cơ quan quanh Khu đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu. Anh hào Hiệp ở Ban Hiệp định viết: " Từ 2/8 đến nay chúng tôi (Hiệp định) chưa nhận được Bản tin hàng ngày của TTXGF, chưa rõ lý do nào mà gián đoạn, bản tin ấy, chúng tôi rất cần, ghi lại những tư liệu trong đó để phục vụ cho nhiệm vụ lâu dài của Liên hiệp Quân sự 2 bên.

Đề nghị anh kiểm tra lại và cho gửi sang chúng tôi thật đều đặn, coi như công văn "có phong bì, có địa chỉ" để tránh thất lạc. Hết sức mong các anh lưu ý cho.

- Tội ác mới của E4 ở Quảng ngãi

+ Phá chùa xã Bình Thanh - Đông Sơn.

15h00 ngày 27/7/1974 E4 cho HU1A bắn 50 rốc két và hơn ngàn đạn 20ly và đại liên xuống chùa.

Sáng 28/7 các trận địa pháo Bạc Hà, Bình Liễn và quận lỵ Sơn Tịnh bắn gần 1000 quả vào chùa, sau đó C2, D2/4 xông vào đập phá, cướp... Chúng đã phá huỷ 5 ngôi chùa, 1 mả tổ, toàn bộ tượng Phật, bàn thờ, đốt hết kinh phật, bắn chết 6 bò, phá hoại vườn chùa hơn 1 mẫu tây, hàng ngàn cây ăn quả, đánh bà sư chết ngất, cướp 100.000 đồng tiền mặt của nhà sư, của chùa, cướp phá các tài sản khác trị giá trên 8 triệu đồng.

+ 2 ngày 27, 28/7/1974 D1/4 còn phá thôn Nhơn Hoà(xã Bình Tân), đốt 6 nóc nhà, đánh sập 100 hầm trú ẩn, giết chết 6 người dân, bắn bị thương 6 người, cướp phá nhiều tài sản khác trị giá trên 500.000 đồng.

Đề nghị kết hợp tố cáo tội ác của bọn nguỵ quân trên đài."

NGÀY 17/ 8/1974

Được tin ta đánh thắng trận Thượng Đức vào 5 giờ sáng ngày 7 tháng 8. Đây là Chi khu quân sự đồng thời là quận lỵ nằm trên thôn Hà Tân cách Đà Nẵng 45 Km, là vị trí xung yếu của địch. Trong đêm đầu, ta chỉ bóc được lớp vỏ bên ngoài. Sau đó, suốt 8 ngày đêm, ta dùng chiến thuật bao vây đánh lấn mới giải phóng được hoàn toàn khu vực này, bắt sống trên 300 tên địch, giải phóng 20.000 dân.

NGÀY 18-21/8/1974

Các tổ phóng viên Bình Định, Quảng Đà, Quảng Nam đều viết thư cho tôi.

Bình Định vẫn là mảnh đất sôi động nhất và hoạt động nghiệp vụ ở đây có điều kiện phát triển tốt nhất. Tổ Bình Định có ý thức phấn đấu tốt, trong đó thể hiện rõ tinh thần phấn đấu trở thành đảng viên của Đảng Nhân dân cách mạng.

Nguyễn Thành Vinh viết: "Tình hình Bình Định chắc anh đã biết, rất sôi động, nhất là sự nổi dậy của quần chúng. Phi đã đi Nam Phù Cát. Anh Huề cũng đi phía trước. Hoà mới về trực. Em lên tỉnh làm phim. Vừa qua em đi Phù Mỹ có nhiều chuyện hay. Em đã làm được một số phim nổi dậy đợt 2 này và đã gửi về .

Như thư anh nói về tin bài của em, em phấn khởi quá, càng động viên cho em lao vào công tác. Thời gian qua ở Phù Mỹ em cũng gắng làm hết sức anh ạ, nhiều lúc kể ra cũng khá nguy hiểm nhưng nghĩ về nghề nghiệp, trách nhiệm nên em chẳng quản. Về công tác ở xã Mỹ Lợi, em cũng hút chết mấy lần. Các anh ở xã Mỹ lợi hỏi thăm anh nhiều. Anh Nhu thường vụ P gửi lời thăm anh và kể chuyện hồi năm anh về đó. Đầm Trà năm nay nhiều cá chép vô kể, đó là thực phẩm chính của bọn em. Đường sá năm nay căng nhiều vì bị đánh các nơi, địch tập trung xung quanh trục đường Một. Em phải đi luôn nên cũng chờn…

Em mong anh khoẻ."

Cao Tân Hòa viết: "Bình Định đang họp sơ kết chiến dịch Hè thu nhưng em không được dự, cũng tiếc. Trước đó em đã nhận lời mời đi dự hội nghị này nhưng sáng hôm khai mạc khu vực họp bị bắn phá và thành phần dự phải thu hẹp. Ở các vùng mới mở ra địch đang phản kích tuy chưa mạnh nhưng việc đi lại làm việc khó khăn hơn hồi trước. Riêng Hoài Nhơn đồng bào vẫn giữ khí thế đấu tranh, giá như em còn ở đây đến bây giờ thì hay quá. Trận càn ở Hoài Hương khá lớn nhưng khai thác tài liệu qua báo cáo làm tin tố cáo bị hạn chế. Tin tố cáo bọn địch giết đồng bào ở Tuy Phước sáng nay điện về, em rất áy náy vì không biết được tên của em bé bị giết đó. Em đã nhờ văn phòng điện hỏi nhưng không kết quả, em cũng gửi về để các anh nghiên cứu thêm.

Hồi tháng 6, đi Đông đường Hoài Nhơn em viết một số bài đến khi về tỉnh chỉ nhận 1 tin; tin bài của Phi cũng bị thất lạc một số.

Em mong anh mau khoẻ. Anh nói Ngân, em gửi lời hỏi thăm, em vẫn nhớ Ngân, nhớ hết cả anh em phân xã."

Dương Đức Quảng viết: "Tình hình địch thì Long biết rồi, chúng tăng đột ngột cả quân bộ lẫn phi pháo. Từ tháng 7 đến nay nó đã điều thêm quân về Quảng Đà 2 lữ dù, 1 liên đoàn biệt động, 2 trung đoàn bộ binh và khoảng gần 100 khẩu pháo từ 105 đến 175 ly. Hiện nay nó đang cố đánh lấy lại những vùng đã mất, đổ quân chủ lực quét dọc núi từ Hoà Vang qua Đại Lộc tới Duy Xuyên. Chỗ mình ở một tuần nay bị địch uy hiếp liên tục, ngày, đêm nào cũng có pháo, bom, còn bộ binh chúng thì ở quả đồi trước mặt. Dưới đồng bằng Điện Bàn thì địch đánh phá quyết liệt, một số xã du kích cũng tạm thời bật lên núi. Ở tỉnh đang tiếp tục động viên khí thế quần chúng, cán bộ để tiến lên giành và giữ thắng lợi. Trong cái chung và cái riêng ấy nên hiện nay tình hình rất phức tạp, do đó có ảnh hưởng tới công việc chung của anh em mình trong Khu ra đây, khó có thể thực hiện được đúng ý định từ ở nhà.

Đài, điện ảnh và ngay cả anh em mình nữa cũng đang xà quần ngoài này, chưa dễ chi làm được đâu.

Còn mình có theo dõi tin trên đài đưa về Quảng Đà thì thấy tin chiến sự nhiều khi đưa không đúng, và không thống nhất, ví dụ như có tin nói là Quảng Đà đánh sập Cầu Giáng (mình xem trên báo ND và QĐND cũng thấy đăng như vậy) thì thật là lạ, vì ở Giáng La không có chiếc cầu nào, ngoài chiếc cầu... tre bắc qua một khe nước rất cạn mà mình đã được đi qua. Hay là những trận đánh xung quanh An Hoà, Đức Dục, Thượng Đức v.v... lúc thì nói là của Quảng Nam, lúc thì nói là của Quảng Đà.".

Trần Hồng Cơ viết: “Quảng Đà hiện nay chỉ còn mỗi mình em ở nhà trực thôi. Gọi là hậu cứ nhưng căng thẳng lắm. Bom pháo suốt, không yên tĩnh gì cho lắm. Hôm nay ban Tuyên huấn (cùng Thường vụ) chuyển chỗ ở, để "trốn pháo bom". Chuyển nhà, đồ đạc mấy hôm nay mệt quá.

Điện báo Quảng Đà bị kẹt. Cường bị thương đi viện. Dũng thì đi tiền phương. Hiện nay chưa có ai làm việc cả. Nóng ruột lắm. Em gửi các tin về cho anh (vớt vát). Anh Chu có đến chỗ em nhưng em đi vắng không gặp được. Anh ấy ở F bộ, tiếng là "tiền phương" nhưng lại ở phía sau em đó (cũng vui).

Thôi anh nhé. Mai 4 giờ em lại phải mang đồ đạc đến chỗ ở mới rồi (đi 3 tiếng - 2 dốc). Em xin dừng bút chúc anh khoẻ. Em gửi kèm thư anh Chu gửi anh.

Cơ.

TB: Anh Thụ đi tây Duy Xuyên rồi (nổi dậy ghê lắm). Anh Quảng đi Điện Bàn, còn Đán em không rõ đi đâu, em phải ở "tù" cho hết chiến dịch".

(Còn nữa

 

Phạm Việt Long