Tản mạn về Mã Pí Lèng (phần II)

18/10/2022 07:27

Đồng bào kể chuyện xa xưa rằng, con đèo nổi tiếng với dốc cao dựng đứng này đã khiến những con ngựa cái leo chưa đến đỉnh đã trụy thai mà chết, có những con ngựa đực chưa vượt qua đèo đã phải tắt thở. Đành bỏ ngựa mà đi. Không rõ từ đâu lưu truyền câu ai oán:

-“Quẩy tấu đè vai đè cả cuộc đời.

Dấu chân đất in trên đường vạn dặm,...”.

Đoạn Mã Pí Lèng chỉ có 21 km từ Đồng Văn sang Mèo Vạc mà phải mất gần 2 năm mới hoàn thành. Lối mở ban đầu chỉ rộng 30 – 40 cm, phần vì dốc thẳm, phần vì làm tay, chứ chẳng có công cụ nào lên được. Dưới kia, dòng sông Nho Quế uốn mềm như một sợi chỉ xanh, nhìn hiền hòa vậy mà là vực hiểm.

vv-1666052756.png

Ở những chỗ “phần chết nhiều hơn phần sống” thi làm lễ truy điệu trước khi cầm choòng, cầm búa leo lên vách đá. Những người khỏe mạnh, gan dạ nhất đã gia nhập đội cảm tử, gọi là “Đội Cơ dũng”. Trên đỉnh núi đặt sẵn 10 cỗ quan tài thể hiện ý chí “quyết tử”. Mỗi sáng, các thành viên “Đội Cơ dũng” hô “Quyết thắng” rồi vác choòng 8 cạnh, chiếc búa tạ, kíp nổ, trèo lên vách núi.

Lưng đèo mây là gió hút, mưa xoáy, ai cũng biết nên cứ làm lễ “tế sống” chẳng phải kiêng kỵ gì. Cái điều ai cũng thấm thì ngại nói ra là cái đói có lúc quay quắt. Thương nhất là mấy anh “Cơ dũng”, sức trai ăn “thủng nồi trôi trã” mới quại nổi búa tạ. Một ngày 8 lạng lương thực quá hẻo; nhưng cả nước vậy, xin ưu tiên sao đành. Đơn vị rụt rè đề nghị: “… cấp cho 30% là độn thì tốt, ngô xay hoặc sắn lát cũng được; tốt hơn là cấp gạo nếp ăn mau đói” (trích 1 báo cáo).

Các văn nghệ sĩ lên thăm đã viết những dòng thấu cảm:

- “Rửa mặt xong nửa ca nước đổ dồn,

Chiều rửa chân tay đem ra giặt,

Giữ lại hôm sau đổ lỗ choòng” (Xuân Diệu).

- “Ai chưa đến công trường hãy đến thăm một lần cho biết,

Đến mà xem tận mặt những anh hùng thanh niên”. (Nguyễn Tuân).

Thời thế chuyển nhanh, chỉ ít năm, những mẩu chuyện này đã thành cổ tích, nhưng sự thật thì hiện hữu. Ngày 10.3.1965 đã chính thức khai thông tuyến đường từ Hà Giang lên Đồng Văn và sang Mèo Vạc. Chuyến xe đầu tiên của Hà Giang lên Đồng Văn là chở muối, dầu thắp, gạo và sách vở học trò... Gần một nghìn đồng bào ở Đồng Văn đến sờ vào cái xe ô tô, nhìn thấy muối, thấy dầu và thấy gạo, thấy sách vở...  nhiều cụ già đã bật khóc. Trong thư khen, cụ Hồ gọi đó là “Con đường Hạnh phúc”.

PS. Với thời gian, mọi đớn đau, mọi hy sinh của lớp người đi trước rồi cũng nhòa đi cả, bởi nó là những giá trị phi vật thể. Những giá trị ấy trường tồn được bao nhiêu trong trí nhớ của lớp người tiếp sau tùy thuộc vào tấm lòng thủy chung của họ.

 

 

Nguyễn Tử Siêm
Bạn đang đọc bài viết "Tản mạn về Mã Pí Lèng (phần II)" tại chuyên mục Diễn đàn. Hotline: 0846460404 - Liên hệ Quảng cáo: 0912563309