Thái Nguyên: Hướng đến phát triển nông nghiệp xanh thông qua tái cơ cấu chăn nuôi

Tỉnh Thái Nguyên đang phát triển chăn nuôi theo mô hình "tăng trưởng xanh" nhằm đảm bảo sự bền vững và hiệu quả trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Điều này sẽ góp phần quan trọng vào việc bảo vệ môi trường và gia tăng giá trị kinh tế của ngành chăn nuôi.

Theo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Thái Nguyên, tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện nay đang phát triển tích cực với xu hướng chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại quy mô lớn. Việc ứng dụng công nghệ tiến bộ, xây dựng chuỗi liên kết giá trị đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi.

Năm 2024, giá trị sản xuất chăn nuôi của tỉnh ước đạt 7.497 tỷ đồng; tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 222.850 tấn; sản lượng trứng gia cầm 465 triệu quả. Tỉnh có 95.000 con trâu bò, 600.000 con lợn, 16 triệu con gia cầm. Trong đó, đàn lợn ngoại, lợn lai chiếm 76% và đàn gà lông màu chiếm 87% tổng đàn. Quy mô chăn nuôi trang trại chiếm 46% tổng đàn; cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học, dịch bệnh và thực phẩm chiếm trên 65% tổng đàn.

ga-thai-nguyen-17183612449181075070550-1718771008.jpg

Tỉnh có 74 hợp tác xã, tổ hợp tác chăn nuôi, 9 doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi và 30 doanh nghiệp, công ty liên doanh, liên kết chăn nuôi chuỗi thịt lợn, gà.

Để thực hiện cơ cấu lại ngành chăn nuôi theo hướng tăng trưởng xanh, tỉnh tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tăng trưởng xanh và chuyển đổi hệ thống chăn nuôi tuần hoàn-carbon thấp. Về phương thức chăn nuôi, tỉnh thực hiện chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại, gắn với bảo vệ môi trường, an toàn sinh học và ứng dụng công nghệ.

Tất cả các cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ, cơ sở chế biến sản phẩm chăn nuôi phải có giải pháp kiểm soát môi trường phù hợp, bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường và sử dụng có hiệu quả nguồn chất thải cho nhu cầu trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi côn trùng, sản xuất năng lượng tái tạo...

Tỉnh Thái Nguyên cũng thực hiện xây dựng lối sống xanh, tiêu dùng bền vững, thúc đẩy tiêu dùng xanh, phát triển thị trường cho các sản phẩm chăn nuôi, thủy sản sản xuất theo hướng xanh dưới các hình thức hỗ trợ trực tiếp cho đầu tư và sản xuất, hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, xúc tiến thương mại, hỗ trợ chi phí và thủ tục bảo hộ sở hữu trí tuệ, chi phí và thủ tục cấp chứng nhận, có chính sách trợ giá sản phẩm, chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch.

Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm truy xuất nguồn gốc sản phẩm thịt gia súc, gia cầm, thủy sản gắn với mã định danh trang trại và chỉ dẫn địa lý, xây dựng vùng nguyên liệu xanh. 

Thời gian tới, Thái Nguyên phát triển chuỗi giá trị sản phẩm chăn nuôi xanh-carbon thấp cho các sản phẩm chăn nuôi chủ lực; triển khai dán nhãn, công nhận chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, tuần hoàn, hữu cơ sinh thái cho các cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sản phẩm OCOP xanh.

Ngoài ra, tăng cường chuyển đổi số và đổi mới công nghệ để sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường. Thúc đẩy chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, tiếp cận áp dụng công nghệ mới xanh, sạch, hiện đại để sử dụng hiệu quả tài nguyên từ phế, phụ phẩm, xử lý chất thải, ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất chăn nuôi, chế biến, kinh doanh, tiêu dùng sản phẩm chăn nuôi, thủy sản. Đồng thời, phát triển phần mềm hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý chăn nuôi trên địa bàn.