Thái Nguyên phát triển mô hình chăn nuôi an toàn sinh học theo hướng hữu cơ

Những năm gần đây, lĩnh vực chăn nuôi của tỉnh Thái Nguyên có bước phát triển cả về lượng và chất, tạo sinh kế và nâng cao thu nhập cho nhiều bà con nông dân. Đồng thời, các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học theo hướng hữu cơ không chỉ bảo vệ tốt đàn vật nuôi, giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn thúc đẩy trồng trọt hướng hữu cơ.
1-021303-413-111959-1703490707.jpg

Việc sử dụng chế phẩm sinh học đã giúp giảm đáng kể chi phí sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm chăn nuôi, giảm ô nhiễm môi trường. Ảnh: Phạm Hiếu.

Chăn nuôi quy mô trang trại phát triển nhanh, đang thay thế dần chăn nuôi nhỏ lẻ và việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, tiến bộ kỹ thuật, xây dựng chuỗi liên kết giá trị trong chăn nuôi đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành chăn nuôi của Thái Nguyên cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi. Chính vì vậy, thời gian qua, ngành chức năng đã khuyến khích bà con sử dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi, từng bước hình thành những mô hình chăn nuôi theo hướng hữu cơ, tuần hoàn, sinh thái.

Thời gian tới, ngành chăn nuôi tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục khuyến khích bà con áp dụng công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi gắn với sản xuất phân bón hữu cơ, góp phần tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế, tạo ra sản phẩm chăn nuôi an toàn, thân thiện với môi trường, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi.

Bên cạnh đó, các hộ chăn nuôi cũng cần chủ động trong việc đầu tư hệ thống chuồng trại hiện đại phù hợp với từng loại vật nuôi và loại hình chăn nuôi, đáp ứng yêu cầu sinh trưởng, phát triển vật nuôi và bảo vệ môi trường.

Theo ông Đỗ Đình Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thuỷ sản tỉnh Thái Nguyên, hiện nay các trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh bắt buộc phải tuân thủ quy chuẩn về điều kiện chăn nuôi, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi đối với trang trại quy mô lớn.

“Ngành chức năng đã thực hiện nghiêm quản lý chất lượng con giống, điều kiện sản xuất con giống, hỗ trợ xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh tại các cơ sở sản xuất giống gia súc, gia cầm. Quản lý an toàn dịch bệnh trong vận chuyển, giết mổ, buôn bán động vật. Bên cạnh đó, xây dựng và nhân rộng các mô hình chăn nuôi theo hướng hữu cơ, kết hợp với xử lý chất thải trong chăn nuôi phục vụ cho sản xuất trồng trọt theo hướng nông nghiệp tuần hoàn”, ông Đỗ Đình Trung thông tin thêm.

Ngoài ra, các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, VietGAP, theo hướng hữu cơ tại tỉnh Thái Nguyên đang được nhân rộng, mang lại nhiều lợi ích cho người chăn nuôi, tiết kiệm chi phí, bảo vệ sức khoẻ người chăn nuôi cũng như người tiêu dùng, đặc biệt là góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, xử lý chất thải chăn nuôi thành phân bón hữu cơ nhằm thúc đẩy sản xuất trồng trọt phát triển theo hướng hữu cơ, bền vững.