Chiều 3/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 triển khai kế hoạch năm 2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT).
Nông nghiệp "vượt cơn gió ngược"
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương, đánh giá cao những kết quả đã đạt được của ngành nông nghiệp trong năm qua. Trong bối cảnh khó khăn, thách thức, ngành nông nghiệp đã vượt cơn gió ngược thu được nhiều kết quả tích cực, đóng góp lớn vào việc kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng chung cả nước, giúp nước ta đạt mức tăng trưởng cao trên thế giới.
Dẫn chứng từ cơn sốt gạo trong năm nay, Thủ tướng nói, thời điểm đó nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam nên hạn chế xuất khẩu gạo để đảm bảo an ninh lương thực. Nhưng chúng ta vẫn quyết tâm xuất khẩu gạo tối đa có thể được và cuối cùng đạt mức kỷ lục, bởi Việt Nam quan niệm là thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.
Đặc biệt, thời điểm ngành nông nghiệp tham mưu tổ chức cuộc đối thoại giữa Thủ tướng với doanh nghiệp ngành gỗ, thủy sản, lúc đó bối cảnh rất bi quan vì kết quả xuất khẩu giảm sâu.
“Năm nay, nông nghiệp đã xoay chuyển tình thế từ lúng túng, bị động, bất ngờ, sang chủ động, tự tin, kịp thời, sáng tạo, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, vượt qua các thách thức để đạt có kết quả cao. Có thể thấy nông nghiệp có năm được mùa được giá, bội thu. Vai trò, vị thế của ngành nông nghiệp ngày càng được khẳng định, xứng đáng là trụ đỡ của nền kinh tế”, Thủ tướng nói.
Có được kết quả này, Thủ tướng cho rằng ngành nông nghiệp đã có sự điều hành linh hoạt, có tư duy mới như công nghiệp hóa nông nghiệp, tri thức hóa nông dân… tích cực phát triển mở cửa thị trường, tăng cường chuyển đổi số và hợp tác chặt chẽ giữa các bộ, ngành.
Bên cạnh kết quả đạt được, Thủ tướng lưu ý ngành nông nghiêp không được chủ quan, tự mãn. Thủ tướng cho rằng ngành nông nghiệp còn nhiều vấn đề tồn tại, cần khắc phục. Trong đó điển hình là Nghị định 67 liên quan đến việc hỗ trợ ngư dân nâng cấp tàu cá, vấn đề gỡ thẻ vàng thủy sản vẫn chưa thực hiện được...
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu ngành nông nghiệp thời gian tới cần kế thừa, phát huy thành quả đã đạt được; triển khai thực hiện các Nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, thực hiện phương châm chỉ đạo, điều hành năm 2024 của Chính phủ là "Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững".
Thủ tướng nhấn mạnh, toàn Ngành phải thực sự đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm hành động cao nhất để thích ứng linh hoạt, hiệu quả với bối cảnh, tình hình mới; thực hiện thắng lợi mục tiêu trong năm 2024 là tăng trưởng đạt từ 3,5-4%.
“Ngành nông nghiệp cần tập trung đổi mới sáng tạo, đặc biệt đẩy mạnh chuyển đổi số, tập trung phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, coi đây là động lực mới xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, nông nghiệp sinh thái. Đây cũng là đòi hỏi khách quan, lựa chọn đúng đắn, ngành cần ưu tiên nguồn lực. Trong đó, trước mắt tập trung nguồn lực xây dựng cơ sở dữ liệu, phát triển thị trường tín chỉ carbon”, Thủ tướng chia sẻ.
Thủ tướng đề nghị Ngành NN&PTNT và các bộ, ngành liên quan phải làm tốt dự báo cung cầu, thông tin về tình hình thị trường (Ảnh: Tùng Đinh).
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, nhất là 3 quy hoạch ngành quốc gia về phát triển lâm nghiệp, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và hệ thống cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão cho tàu cá.
Thủ tướng lưu ý, ngành NN&PTNT và các bộ, ngành liên quan phải làm tốt dự báo cung cầu, thông tin về tình hình thị trường, kết nối giữa người sản xuất với người tiêu dùng, tranh thủ lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do, nhất là EVFTA, CTPPP để cơ cấu lại thị trường xuất khẩu, giảm sự phụ thuộc vào một số thị trường, tháo gỡ rào cản để thâm nhập thị trường mới, đồng thời coi trọng thị trường nội địa. Đặc biệt, trong năm 2024, ngành cần tập trung giải quyết dứt điểm các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) để gỡ "Thẻ vàng".
Mục tiêu đạt 54 - 55 tỷ USD trong năm 2024
Trước đó, báo cáo về kết quả trong năm 2023, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết, trong điều kiện có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; đặc biệt khó khăn về thị trường xuất khẩu lâm sản và thủy sản, toàn ngành vẫn duy trì đà tăng trưởng cao, phát triển toàn diện; thể hiện nổi bật ở nhiều mặt và lĩnh vực.
Xuất khẩu nông sản đạt mức 53 tỷ USD, với xuất siêu đạt kỷ lục 12,07 tỷ USD, tăng 43,7% so với năm ngoái.
Ngành nông nghiệp cũng tổ chức thành công nhiều sự kiện lớn mang tầm quốc gia, quốc tế; triển khai có hiệu quả nhiều Đề án, Chương trình, cơ chế, chính sách quan trọng cho phát triển ngành như Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn; Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao.
Tuy nhiên, toàn ngành còn gặp một số khó khăn, hạn chế như 3 Quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (về lâm nghiệp, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão) chưa được ban hành đúng kế hoạch; chưa gỡ được “Thẻ vàng” của EC; hạ tầng nông nghiệp, nông thôn còn những bất cập so với yêu cầu phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn...Năm 2024, ngành NN&PTNT đặt mục tiêu đạt 54-55 tỷ USD giá trị xuất khẩu nông sản.