Thương binh Đặng Sỹ Ngọc tặng sách ông viết, nhưng... mang tên người khác

Gần 20 năm trước, tôi là người có vinh dự "phát hiện" ra thương binh Đặng Sỹ Ngọc (sinh năm 1948 tại Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) với tư cách là một Tác giả tham gia tủ sách "Mãi mãi tuổi 20". Đó là vào tháng 7/2006, khi tôi trực tiếp về phường Hưng Dũng, TP. Vinh, nơi gia đình ông đang ở, để lấy tài liệu, biên soạn và giới thiệu cuốn nhật ký "Trời xanh không biên giới" cho thương binh Đặng Sỹ Ngọc.
dt3dvh3-1719113920.jpg
CCB thương binh Đặng Sỹ Ngọc. Ảnh do tác giả cung cấp.

Và tôi cũng là nhà báo đầu tiên viết bài phóng sự đăng nhiều kỳ trên báo Tiền Phong về ông Đặng Sỹ Ngọc: "Một thương binh 7 lần bị thương làm xe lai ở thành Vinh", gây xôn xao dư luận: 3 lần bị thương khi làm lính bộ binh và 4 lần bị thương khi làm lính cao xạ, thương tật vĩnh viễn 81%, có tiêu chuẩn người phục vụ. Vậy mà, ông đã xin khỏi trại điều dưỡng thương binh nặng để về sống với gia đình, lại làm nghề xe lai (như xe ôm và Grab hiệu nay). Lại thêm mấy lần bị thương vì bị hành hung, bị tai nạn giao thông tới vỡ đầu, dập bàn tay, gãy xương cẳng chân nữa...

dt1dvh1-1719106381.jpg
dt2dvh2-1719106514.jpg
Ảnh minh hoạ do tác giả cung cấp.

Nhiều năm qua, Đặng Sỹ Ngọc đã trở thành một thương binh, một nhà báo không chuyên nổi tiếng ở Nghệ An, với hàng trăm bài viết tư liệu và người tốt việc tốt. Đặc biệt, từ khi có diễn đàn "Trái tim người lính" trên mạng xã hội facebook, ông là một trong những tác giả tham gia nhiệt tình và hiệu quả nhất!

Thỉnh thoảng, thương binh Đặng Sỹ Ngọc vẫn điện thoại cho tôi, trao đổi một bài dự định sẽ viết, nhờ góp ý. Nhưng trong những cuộc điện thoại ấy, chỉ có ông nói và nói. Còn tôi thì chỉ biết nghe và nghe. Bởi tai ông bị bom Mỹ làm cho điếc đặc từ lâu. Gặp nhau, ai nói gì ông cũng chỉ... lắc đầu và cười hiền lành.

Vốn có giao tình thân thiết từ lâu, nên mỗi lần có điều kiện ra Thủ đô, Thương binh Đặng Sỹ Ngọc đều ghé qua Cà phê Lục Bát thăm tôi. Lần này, ông điện thoại báo trước: "Tôi muốn tặng chú cuốn sách tôi viết mới được in xong".

Gặp nhau, tay bắt mặt mừng, Đặng Sỹ Ngọc háo hức mang cuốn sách mới ra khoe, ghi tặng tôi và bảo:

- Chỉ tiếc là tôi không có tiền, nên phải nhờ người khác in hộ. Nhưng may là có cuốn “Hoa chạc chìu” này để tặng cho đồng đội và người thân.

- Chúc mừng bác lại có thêm tác phẩm mới!

Tôi cầm cuốn sách ông Ngọc đưa, lật nhanh và xem qua. Thấy sách mỏng, chưa đầy trăm trang in, với 14 bài viết (xem mục lục), không có Nhà xuất bản và ngạc nhiên hỏi:

- Bác có nhầm không? Đây là sách của người khác, là của Tác giả Lưu Thị Thu Giang chứ!

- Không. Đây là những bài do tôi viết. Thật đấy. Tôi không nói dối đâu. Vì chị Lưu Thị Thu Giang cần chọn những bài tôi viết chất lượng tốt, để lưu truyền cho thế hệ trẻ đọc. Chị ấy có tiền in, nên chị ấy xin đề tên Tác giả thôi.

- Sao lại có chuyện như thế được chứ?

- Thật vậy mà! Tôi được chị ấy trả “nhuận bút”… 20 cuốn sách. Thấy ít quá, nên tôi đã phải đề nghị chị ấy được mua thêm 100 cuốn, với giá ba triệu đồng.

- Như thế là bác phải mua chính tác phẩm của mình, nhưng đứng tên người khác rồi!

- Chị ấy còn nói sẽ đưa những bài viết này vào một tập dày hơn 400 trang, in ở Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, hay Hội Nhà văn gì đó, nhưng cũng đứng tên tác giả là chị ấy.

Tôi tin Thương binh Đặng Sỹ Ngọc là người trung thực. Ông hồn nhiên, thật thà và dễ tính đến đáng thương. Chính vì thế mà đã bị người ta lợi dụng mà không biết.

Bạn nghĩ sao về câu chuyện trên?

Hà Nội, 23/6/2024

Trái Tim Người Lính