Du lịch bằng thuyền rồng trên sông Hương là loại hình văn hoá trải nghiệm vô cùng thú vị và đậm đà bản sắc dân tộc. Du khách có thể ngắm toàn cảnh dòng sông đậm chất thơ khi xuôi theo dòng sông Hương đến viếng cảnh chùa Thiên Mụ hay đến thăm hệ thống các lăng tẩm triều Nguyễn.
Hình ảnh của những cô gái Huế mộng mơ sở hữu giọng hát say đắm lòng người trên thuyền rồng
Ai đã từng một lần trải nghiệm chắc hẳn sẽ khó lòng quên được hình ảnh của những cô gái Huế mộng mơ không những nết na, nhu mì mà còn sở hữu giọng hát say đắm lòng người.
Khách tham quan ngoài việc thưởng lãm cảnh sắc nơi này thì trên chính chiếc du thuyền ấn tượng ấy, du khách còn có cơ hội được trải lòng mình khi lắng nghe ca Huế sâu lắng.
Trẻ nguy cơ bỏ học - già không tiền chữa bệnh
Thế nhưng ít ai biết rằng, những chủ thuyền rồng ấy từng là những ngư dân “vạn đò” lênh đênh sông nước không có “mảnh đất cắm dùi”.
Khoảng 10 năm trước, chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế đã quy hoạch khu tái định cư cho ngư dân vạn đò. Hầu hết lên bờ, còn một số người vay vốn đóng thuyền rồng chở khách du lịch làm vốn sinh nhai. Nhiều gia đình cả nhà trông chờ vào một con thuyền rồng. Tuy nhiên, có đến hơn 40 thuyền rồng hết hạn sử dụng vào năm 2022 và 2023 và theo quy định phải thay thuyền mới.
Ông Nguyễn Duy Vĩnh, đại diện cho xã viên HTX vận tải Đường sông TP.Huế, cho biết: “Có đến 80% xã viên của HTX này cả nhà sinh sống nhờ vào chiếc thuyền rồng. Trước đây mỗi tháng chạy thuyền rồng dư được 7 đến 10 triệu đồng. Hai năm Covid-19 thuyền nằm chơi, các chủ thuyền phải lên bờ làm thuê đủ nghề. Có nhiều gia đình lâm vào hoàn cảnh rất khó khăn”.
Anh Nguyễn Văn Linh, lái thuyền TTH-0045, than thở: “Trước kia ba, mẹ và em sống nhờ vào chiếc thuyền rồng này. Cách đây 2 năm mẹ em bị bệnh ung thư, bố lên bờ đưa mẹ đi chữa bệnh khắp nơi, giao thuyền lại cho em, nhưng vướng vào 2 năm Covid-19 thuyền nằm chơi. Đến tháng 10/2022 thuyền hết hạn sử dụng, em không biết làm gì để có tiền chữa bệnh cho mẹ. Đến nay đã 35 tuổi, em cũng chưa dám lấy vợ, vì nghèo quá”.
Trao đổi với PV các chủ thuyền ước ao được một lần gặp lãnh đạo tỉnh để trình bày nguyện vọng
Anh Ngô Văn Trang, chủ thuyền TTH- 0056 cũng chẳng khá hơn. Cả nhà có 5 người trông chờ cả vào chiếc thuyền rồng, nhưng cũng chỉ đến đầu năm 2024 thuyền hết hạn sử dụng. 2 năm Covid-19 không có tiền đóng học một người con trai của anh phải bỏ học từ lớp 10 đi làm thuê trợ giúp gia đình. Bây giờ một người con nữa sắp vào đại học anh Trang lo không biết lấy tiền đâu cho con ăn học.
Hoàn cảnh chị Hà Thị Ty, chủ thuyền TTH- 0002 còn đáng thương hơn. Chồng chị qua đời cách đây mấy năm, bỏ lại chị và 3 người con. 2 năm Covid-19 thuyền nằm chơi, không có nhà ở trên đất liền người phụ nữ mới 31 tuổi này đành gửi con cho mẹ, để đi làm thuê khắp nơi. Nay hết Covid-19, khách du lịch đến Huế, thuyền rồng hoạt động trở lại thì thuyền của chị lại hết hạn sử dụng.
Chị Trần Ánh Nguyệt, chủ thuyền TTH- 0016, có chồng bị bệnh động kinh, nên chị không cho anh xuống thuyền. Mình chị “lặn lội thân cò” bươn trải trên chiếc thuyền rồng để nuôi 3 con với 1 chồng. 2 năm Covid-19 thuyền nằm chơi chị đành phải làm thuê thời vụ cho Công ty môi trường…
Hầu hết là tàu tự phát, chưa có cơ sở đóng tàu đủ tiêu chuẩn
Theo Nghị định 111/2014/NĐ-CP của Chính phủ về “Quy định niên hạn sử dụng của phương tiện thủy nội địa và niên hạn sử dụng của phương tiện thủy được phép nhập khẩu,” khi phương tiện thuyền chở khách hết niên hạn hoạt động bắt buộc phải đóng mới để tiếp tục hoạt động.
Trước đây, các thuyền du lịch chở khách trên sông Hương được đóng theo kinh nghiệm của các xưởng đóng tàu, quy định pháp luật ở thời điểm đó cũng không chặt chẽ, cụ thể như hiện nay. Một phương tiện chở khách du lịch muốn đưa vào hoạt động hiện phải đáp ứng ba điều kiện cơ bản gồm: giấy phép đăng kiểm về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa và bằng lái phương tiện đó.
Đến năm 2024 có 80/132 thuyền rồng hết hạn sử dụng
Ông Lê Xuân Sơn, Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 13 (Cục Đăng kiểm Việt Nam) cho biết, một phương tiện thủy nội địa chở khách muốn đóng mới phải có bản vẽ thiết kế kỹ thuật do các đơn vị chuyên môn có năng lực thực hiện, dựa trên đặc điểm địa bàn sông nước, số lượng khách, kiểu dáng văn hóa vùng miền.
Sau khi Cục Đăng kiểm Việt Nam duyệt thẩm định bản vẽ thiết kế, mới bắt đầu triển khai đóng mới tại các xưởng đóng tàu có đủ điều kiện hoạt động theo quy định, dưới sự giám sát của cơ quan đăng kiểm cho đến khi hạ thủy. Chiếc thuyền mới khi đáp ứng đủ các yêu cầu an toàn kỹ thuật, được cấp giấy chứng nhận khi đó mới được phép đưa ra hoạt động. Ngoài ra, nếu phương tiện hoạt động chở khách du lịch còn cần thực hiện những quy định riêng của địa phương.
Các xưởng đóng tàu trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế từ trước đến nay đều là tự phát, có quy mô nhỏ. Hiện nay, văn bản quy phạm pháp luật quy định rõ về năng lực của cơ sở đóng và sửa chữa tàu, bắt đầu áp dụng từ năm 2020 với một hệ thống quy chuẩn.
Căn cứ theo quy định hiện nay, 4 cơ sở đóng tàu của tỉnh Thừa Thiên-Huế chưa được cơ quan chức năng chứng nhận về năng lực đóng tàu, chủ yếu là do chưa có giấy chứng nhận về đất đai và vùng nước hoạt động để neo đậu, chạy thử tàu sau khi đóng. Điều này xuất phát từ việc tỉnh Thừa Thiên-Huế chưa có quy hoạch những vị trí để phát triển các xưởng đóng tàu.
Liên quan đến thuyền chở khách du lịch trên sông Hương, năm 2014, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế có ban hành Quyết định 817/QĐ-UBND về việc phê duyệt mẫu thuyền phục vụ ca Huế và du thuyền trên sông Hương do Công ty TNHH Ngôi nhà Nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh thiết kế với một kiểu dáng duy nhất là thuyền đầu rồng.
Tuy nhiên, theo ông Lê Xuân Sơn, Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 13, mẫu thuyền phục vụ ca Huế và du thuyền trên sông Hương theo Quyết định 817/QĐ-UBND mới chỉ là kiểu dáng, không phải là bản vẽ thiết kế kỹ thuật để đóng mới.
“Vấn đề bản vẽ thiết kế kỹ thuật của một phương tiện thủy nội địa hoạt động chở khách rất quan trọng. Để giải quyết vấn đề một loạt các thuyền rồng du lịch sẽ hết niên hạn buộc phải đóng mới thì bản vẽ thiết kế có thể do chủ tàu thuê, hoặc UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế thuê những đơn vị chuyên nghiệp thiết kế định hình một số mẫu thuyền trên sông Hương, sau đó lấy ý kiến rộng rãi các nhà nghiên cứu văn hóa và cơ quan chuyên môn về kiểm định kỹ thuật, từ đó người dân có thể sử dụng bản vẽ thiết kế kỹ thuật này để xin cấp phê duyệt đóng mới,” ông Lê Xuân Sơn chia sẻ.
Ai sẽ hỗ trợ người dân vay vốn đóng thuyền mới?
Theo quy định, chiếc thuyền TTH 0045 của ông Nguyễn Văn Lân sẽ hết niên hạn hoạt động vào đầu tháng 10/2022. Chiếc thuyền thân đôi này có chiều dài là 12m, chiều rộng gần 6,4m, với vật liệu vỏ là hợp kim nhôm, được phép chở tối đa 35 khách. Theo ông Lân, gia đình đã được cơ quan chức năng đăng kiểm phổ biến quy định về niên hạn hoạt động của chiếc thuyền, nếu muốn hoạt động chở khách trên sông Hương bắt buộc phải đóng thuyền mới.
“Một chiếc thuyền đóng mới hiện có giá ít nhất từ 2-3 tỷ đồng, nhưng hiện vợ tôi đang bị bệnh ung thư, thì biết lấy tiền ở đâu. Cả cuộc đời đã gắn bó với dòng sông Hương từ nghề đánh cá đến khi chuyển sang nghề chở khách du lịch, tôi không thể bỏ nghề. Nếu có đóng thuyền mới, thủ tục để đóng tàu mới cùng với kiểu dáng, mẫu mã và những quy định liên quan đến nay chưa có cơ quan chuyên môn nào của tỉnh xuống phổ biến cho bà con được nắm rõ,” ông Nguyễn Văn Lân cho biết.
Người dân cần được hỗ trợ vốn để đóng mới thuyền rồng
Theo Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên - Huế, hiện tại trên sông Hương có 132 thuyền du lịch hoạt động, thuộc 12 doanh nghiệp và 1 HTX quản lý. Đến năm 2024 có đến 80 thuyền lần lượt hết hạn sử dụng phải thay mới. Về vấn đề hỗ trợ vốn cho các chủ thuyền đóng thuyền mới, theo đại diện Sở GTVT vấn đề này liên quan đến ngân hàng, và phải có cơ chế hỗ trợ phù hợp, và có sự chỉ đạo từ tỉnh.
Tuy nhiên, theo những chủ thuyền, đến nay chưa bao giờ các chủ thuyền được gặp gỡ để trình bày những khó khăn, nguyện vọng với lãnh đạo chính quyền địa phương, cũng như các sở ban ngành. Để hy vọng tỉnh có giải pháp phù hợp nhất giải quyết vấn đề hỗ trợ người dân vay vốn đóng thuyền du lịch mới.
“Năm 2019, ông Phan Ngọc Thọ khi đó còn làm Chủ tịch UBND tỉnh, ông đã có kế hoạch tiếp xúc, lắng nghe những người làm nghề trên sông nước trình bày tâm tư nguyện vọng. Tuy nhiên Covid-19 đến không thể tổ chức được. Đến nay, những chủ thuyền du lịch chúng tôi muốn được gặp gỡ lãnh đạo tỉnh nhưng không biết bằng cách nào. Mới đây các đơn vị vận tải du lịch, các chủ thuyền rồng, đã cùng nhau viết đơn gửi lên UBND tỉnh để kêu cứu…”, ông Nguyễn Duy Vĩnh, cho biết.