Tìm đầu ra bền vững cho nông sản Việt

Nước ta với nền khí hậu nhiệt đới gió mùa, sự phong phú về các mặt hàng nông, lâm sản luôn là thế mạnh, cũng là cơ hội để đất nước phát triển nền nông nghiệp tiên tiến, bên cạnh sự phát triển của công nghệ và công nghiệp. Đó là những điều kiện quan trọng nhằm phục vụ nhu cầu sản xuất, chế biến ngày càng cao của người nông dân.

Nông sản Việt đã có những bước tiến lớn trong hành trình chinh phục các thị trường khó tính trên thế giới. Với việc vải mở cửa thị trường Nhật Bản, chanh leo mở cửa New Zealand, nhãn, xoài, thanh long... bước vào thị trường châu Âu, thị trường Mỹ... cơ bản, ngành hàng nông sản đã và đang ghi được những dấu ấn trên thị trường quốc tế.

vai-1675223847.jpg
Vải đã mở cửa được thị trường Nhật Bản

Những năm gần đây, nhiều đóng góp của các nhà khoa học thật sự đã góp phần làm thay đổi bộ mặt của nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Giờ đây, đi từ bắc chí nam, có thể nhìn thấy những ngôi nhà cao tầng theo phong cách hiện đại nằm trên những triền đồi, giữa những chòm xóm trù phú và sung túc. Vài thí dụ tiêu biểu, giống gạo ST 25 đã trở thành đại diện thiết thực cho niềm tự hào của những người nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long cò bay thẳng cánh chứ không chỉ của một miền Sóc Trăng như đã định danh. Các thương hiệu vải thiều Lục Ngạn, Yên Thế  (Bắc Giang), Thanh Hà (Hải Dương) đã góp phần quan trọng đưa những vùng quê nghèo bán sơn địa hoặc nông thôn đồng bằng thay da đổi thịt. Sự phát triển trù phú với nhiều loại cà-phê ở các tỉnh Tây Nguyên thật sự đưa tên tuổi cà-phê Việt Nam nằm trong tốp các nước xuất khẩu cà-phê lớn trên thế giới…

gao-1675224085.jpg
Gạo ST 25 đã trở thành đại diện thiết thực cho niềm tự hào của những người nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long

Đáng chú ý, năm 2022, ngành hàng rau quả đã đạt được kim ngạch xuất khẩu ngoạn mục, khép lại bức tranh xuất khẩu của toàn ngành hàng nông sản một gam màu sáng, hứa hẹn những thành công tiếp theo cho xuất khẩu ngành hàng này trong cả năm 2023.

170911-cho-rau-sach-382c9-1675224390.jpg
Ngành hàng rau quả đã đạt được kim ngạch xuất khẩu ngoạn mục

Bên cạnh sự biến chuyển về chất của các mặt hàng nông sản Việt Nam, còn có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, giới nghiên cứu và doanh nghiệp theo tinh thần cùng hợp tác, hỗ trợ cho nông sản và người nông dân trên hành trình tham gia vào thị trường thế giới. Có thể thấy nỗ lực của các bộ phận hải quan từ những cửa khẩu nhằm giúp thông luồng nông sản thuận lợi, cùng những động thái từ ngành nông nghiệp, công thương và chính quyền các tỉnh, thành phố nhằm hỗ trợ, giúp nhà nông tìm kiếm, tiếp cận những thị trường vốn khó tính, với kỳ vọng, đó sẽ là nơi tiêu thụ sản phẩm của nông dân Việt Nam một cách hiệu quả cả về số lượng sản phẩm và nguồn thu tài chính.

Tuy nhiên, trên thực tế nỗi lo về câu chuyện “được mùa mất giá” vẫn chưa khi nào nguôi. Bởi người nông dân vẫn làm nông nghiệp theo cách làm truyền thống, hầu hết bà con vẫn trồng, nuôi cái mình có, chứ chưa chú trọng trồng, nuôi cái thị trường cần. Chính bởi vậy, hàng năm vẫn xảy ra cảnh ùn ứ nông sản nơi cửa khẩu biên giới. Vấn đề ùn tắc ở cửa khẩu đã được giới chuyên gia không ít lần mổ xẻ, lý do của việc ùn ứ đơn giản là bởi cung vượt quá cầu. Khi điều chỉnh được cung và cầu ngang bằng nhau thì sẽ không còn cảnh ùn ứ.

Bài toán có lời giải là như vậy, thế nhưng nhà sản xuất, ở đây chủ yếu là bà con nông dân vẫn chưa có những tư duy mới để thay đổi cách làm, vẫn sản xuất ra hàng loạt nào dưa hấu, hành tím, rồi củ cải, cà rốt... Những sản phẩm đáng lẽ ra nếu sản xuất một cách khoa học, nắm bắt tâm lý thị trường, có đầu tư vào khâu chế biến, nâng cao chất lượng... chắc chắn người nông dân sẽ có lời lớn, chứ không phải lo cảnh chờ giải cứu như hàng năm vẫn diễn ra.

Vấn đề chất lượng, chế biến và thị trường cũng tiếp tục được Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Trần Thanh Nam đưa ra tại Hội nghị tổng kết năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023 của Ban chỉ đạo phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2020 – 2025 diễn ra mới đây. Tại hội nghị này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT yêu cầu đẩy mạnh khâu thị trường, chủ động để không lặp lại việc “được mùa mất giá”. Ông Nam nhấn mạnh đến việc ngành nông nghiệp cần phải rất quan tâm đến 3 vấn đề chính đó là: Chất lượng, chế biến và thị trường và lưu ý ngành nông nghiệp cần theo dõi các thị trường, “bởi không khéo năm nay chúng ta được mùa mất giá nữa, sản xuất nhiều mà bán không được”. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị cần “thúc đẩy thị trường, truyền thông, quảng bá sản phẩm của mình để tạo ra hiệu ứng thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ”.

Giới chuyên gia cũng nhiều lần nhận định, quan trọng nhất vẫn là thông tin thị trường, nếu hàng hóa chất lượng tốt, nhưng nếu thông tin thị trường không rõ ràng, người nông dân không nắm được nhu cầu thị trường, cứ sản xuất, nuôi trồng một cách ồ ạt, thì chắc chắn ngành nông sản vẫn chưa thể thoát khỏi điệp khúc “được mùa mất giá”.