Tối ưu hóa nguồn lực, vượt qua thách thức tại Diễn đàn thường niên kinh tế Việt Nam lần thứ 15

Tiếp nối hành trình 15 năm kiến taọ và phát triển Diễn đàn thường niên Kịch bản Kinh tế Việt Nam –VESF 2008 , ngày 11 tháng 1 năm 2023, tại Hà Nội. Bộ Ngoại giao đã phối hợp với tạp chí Kinh tế Việt Nam (Vn Economy) tổ chức Diễn đàn Kich bản kinh tế Việt Nam lần thứ 15 với chủ đề “Tối ưu hóa nguồn lực, vượt qua thử thách”.

Tham dự và chủ trì Diễn đàn có Ủy viên dự khuyết BCH TW Đảng, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Vũ Minh; Phó trưởng Ban Kinh tế TƯ Đảng Nguyễn Đức Hiền cùng đông đảo đại diện lãnh đạo của các Bộ Tài Chính, Kế hoạch & Đầu tư, Công Thương, Lao động Thương binh & Xã hội, Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước; Đại diện lãnh đạo của nhiều tỉnh, thành phố và đông đảo chuyên gia kinh tế, lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp trong, ngoài nước.

nguon-luc-1-1675831448.jpg
Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam –VESF 2008 , ngày 11 tháng 1 năm 2023, tại Hà Nội

Với sứ mệnh và mục tiêu trở thành kênh thông tin trao đổi, đối thoại và hiến kế về các vấn đề chính sách trong bối cảnh mới; tổng hợp nhận định, đánh giá đa chiều về những thuận lợi khó khăn, cơ hội và thách thức đối với nền kinh tế và hoạt động doanh nghiệp; hiến kế và khuyến nghị tới các nhà hoạch định chính sách, quản lý, lãnh đạo nhà nước các cấp và cộng đồng doanh nghiệp nhằm thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, kịch bản Kinh tế Viêt Nam 2023 đã được tổ chức với chủ đề tối ưu hóa nguồn lực để vượt qua thách thức.

Sau phần khai mạc, Diễn đàn VESF 2023 đã có phiên đặc biệt tranh biện giữa các chuyên gia kinh tế với 2 cặp cùng nhận định chiều hướng thách thức và khả năng xoay chuyển, hóa giải của Việt Nam cũng như cộng đồng doanh nghiệp. Trên cơ sở nhận định, phân tích và đánh giá  chuyên gia, phiên thảo luận với chủ đề "Tối ưu hóa nguồn lực, sẵn sàng vượt qua thách thức”, đại diện của các Bộ, Ngành cùng các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng đã trao đổi nhiều nội dung cụ thể, phù hợp với thực trạng hoạt động của từng lĩnh vực, thị trường và trong từng khu vực để đề xuất quyết sách khả thi.

Phiên thảo luận đã thu hút được những ý kiến thiết thực với sự tham gia của vụ Chính sách Tiền tệ Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Bộ Tài Chính, Cục Chế biến & Phát triển Thị trường Nông sản Việt Nam; Cục Xuất Nhập khẩu Bộ Công Thương, Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội, VCCI cùng lãnh đạo nhiều tập đoàn, doanh nghiệp trong, ngoài nước….Phiên thảo luận đã tập trung vào những vấn đề đang được cộng đồng doanh nghiệp rất quan tâm như các chính sách tài khóa hỗ trợ chương trình phục hồi tăng trưởng trong năm 2022-2023 với các hoạt động cụ thể về miễn giảm, giãn hoãn thuế, phí sẽ được triển khai; chủ trương điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng nhằm đảm bảo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Liên quan đến tìm giải pháp cho vấn đề khát vốn cho doanh nghiệp thực hiện mục tiêu phục hồi sản xuất kinh doanh. Đại diện của nhiều ngân hàng đã trao đổi những kế hoạch cụ thể trong năm 2023. Tham gia thảo luận, nhiều đại biểu đã thẳng thắn đưa ra những vấn đề về kế hoạch ứng phó cũng như chủ động thích ứng và xoay chuyển thách thức thành cơ hội của ngành nông nghiệp, công thương với những chia sẻ của doanh nghiệp và đại diện của các bộ, ngành về cải thiện thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh nhằm thúc đẩy sự phát triển của các doamh nghiệp nhỏ và vừa; tăng cường đầu tư tư nhân vào những lĩnh vực trọng tâm nhất là về nông nghiệp nông thôn trong chiến lược phát triển Việt Nam trong giai đoạn 2031-2025 và đến 2030.

Tăng năng suất lao động xã hội là vấn đề được thảo luận và bàn giải pháp cải thiện trong giai đoạn tới, đã tập trung vào chỉ tiêu tăng tốc độ tăng năng suất lao động xã hội nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng.

Trao đổi tại Diễn đàn, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh “Chủ đề của Diễn đàn là “Tối ưu nguồn lực, vượt qua thách thức” rất phù hợp với bối cảnh thế giới trong “nguy” có “cơ” nhưng “nguy” nhiều hơn “cơ” hiện nay. Điều này thậm chí còn ý nghĩa hơn, đó là khẩu hiệu hành động rất thức thời cho tất cả các ngành và doanh nghiệp”.

nguon-luc-2-1675831519.jpg

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đảng Nguyễn Đức Hiển ghi nhận “Nhiều tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ chậm lại, từ 2,2 đến 2,5%; nhiều khu vực và, quốc gia có nguy cơ rơi vào suy thoái. Những tác động này sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam, từ thị trường tài chính tiền tệ đến các yếu tố khác”.

Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính -Tiền tệ Quốc gia, TS. Cấn Văn Lực, cho rằng “Hai yếu tố có thể là động lực tăng trưởng trong năm 2023 là việc mở cửa của Trung Quốc và các chương trình phục hồi và phát triển. Ngoài ra, những "cơn gió xuôi" với kinh tế Việt Nam như: Chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ trong năm 2021-2022 cũng là một thuận lợi cho năm 2023. Bên cạnh đó, kiều hối của Việt Nam trong năm 2022 rất tích cực tăng 5%, trong khi nhiều quốc gia trên thế giới giảm thấp”.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng SOM ASEAN của Việt Nam, Phạm Quang Vinh đánh giá “Kinh tế thế giới năm 2023 sẽ đương đầu với nhiều yếu tố khó khăn, nhưng tính bất ngờ không còn và sự chuẩn bị đã có. Môi trường quốc tế trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương dù có những khó khăn nhưng vẫn có những điểm thuận”.

 Đại diện của Đại học FulBright Việt Nam cho rằng “Trước những khó khăn, thách thức trong bối cảnh chung, Việt Nam vẫn có “cửa hẹp” để có thể đổi chiều chính sách và giải quyết những khó khăn nội tại của nền kinh tế khi các điều kiện bên ngoài cho phép”.

Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng ADB tại Việt Nam nhận xét : "Năm 2023 bên cạnh "những cơn gió ngược" cũng có những "cơn gió xuôi" xuất hiện. Ẩn số của năm nay là việc mở cửa của Trung Quốc, đây là một chủ thể vừa gây ra gió ngược và gió xuôi với nền kinh tế Việt Nam".

Những thông tin trao đổi  tâm huyết và thiết thực của nhiều đại biểu tại Diễn đàn lần này sẽ được Tạp chí Kinh tế Việt Nam lần lượt phát triển thành các chuyên đề báo chí, nhằm đáp ứng sự quan tâm rộng rãi của mọi tầng lớp nhân dân./.