TOP 100 Hồng bảo Kỷ lục Thế giới tại Việt Nam (P.132): Đình So (Hà Nội): 'Đẹp đình So, to đình Cấn' – [VIETKINGS-TOPPLUS đề cử]

Với một địa thế phong thủy độc đáo cùng nét kiến trúc cổ tiêu biểu, đình So (làng So, xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai, Hà Nội) được mệnh danh là ngôi đình cổ đẹp nhất xứ Đoài khi đã trải qua tuổi đời gần 400 năm.

Đình So là một công trình kiến trúc lịch sử nằm ở làng So, trong phạm vi của xã Cộng Hòa và xã Tân Hoà, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Được xây dựng từ thế kỷ XVII, đình So không chỉ là nơi thờ cúng mà còn là biểu tượng của nền văn hóa lâu đời và sự phồn thịnh của xứ Đoài.

Đình So thờ Tam vị Nguyên soái Đại vương, vốn là Linh Linh Tướng quân, con của Lạc Long, làm quan Thủy Thần ở Long cung phụng mệnh Thiên đình đầu thai làm con ông Cao Hiển và bà Lã Thị Ả. Ba ông đều là các vị tướng có công lớn, đã giải cứu vua Đinh Tiên Hoàng bị quân Ngô bao vây ở chùa Bối Khê và phù vua Đinh dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất giang sơn, lập nên nước Đại Cồ Việt. Nhớ ơn giải cứu, vua Đinh Tiên Hoàng cử người về làm lễ tế, phong tước là Tam vị Nguyên soái Đại vương và bốn mỹ tự “Cao thông, Bác đạt, Tĩnh chính, Tối linh”. Đình So trải qua hơn 400 năm đã nhận được 45 đạo sắc phong - tài liệu lưu trữ quý hiếm từ 27 vị vua (từ thời Đinh Tiên Hoàng, năm 968 đến cuối thời nhà Nguyễn, năm 1945). Sắc phong của các triều đại kết tinh giá trị tinh thần, truyền thống yêu nước và là niềm tự hào của cư dân địa phương về quê hương đất nước.

Ngôi đình tọa lạc trên một khoảng đất rộng mà cao tiền hướng sông, hậu tựa núi. Trước cửa đình có một ao nước lớn hình bán nguyệt được ví như điểm tụ thủy, tụ phúc cho dân làng. Bên cạnh đó, đình So nằm trên thế đất hình con quy theo thế gối sơn đạp thủy. Phía sau đình là ngọn núi đất Vĩ Quy làm thế tựa, phía trước đầu Quy là tòa nghi môn trông xuống hồ bán nguyệt. Bên ngoài đê là cánh đồng bãi màu mỡ ven dòng sông Đáy linh thiêng. Quanh đình là vườn cây lưu niên tạo không gian xanh mát, tĩnh lặng cho ngôi đình.

Đình nằm trên thế đất hình con quy theo thế gối sơn đạp thủy, phía sau là ngọn núi đất Vĩ Quy làm thế tựa, phía trước là hồ bán nguyệt. Bên ngoài đê là cánh đồng bãi màu mỡ ven dòng sông Đáy linh thiêng 

Đình có khuôn viên rộng hơn 4 ha, kiến trúc kiểu nội công ngoại quốc. Tòa Đại đình dài 32,9m, rộng 13,1m; gồm 5 gian, 2 chái, 2 dĩ, bốn mái lợp ngói mũi hài cổ, bờ nóc gần hai hàng gạch hộp rỗng hoa chanh và bốn đầu đao gắn tượng nghê, uốn cong vút lên theo kiểu “Tàu đạo lá mái”. Đình được dựng bởi  6 bộ vì kèo, nóc được kết cấu theo kiểu “Chồng rường - giá chiêng” quy mô bề thế. 

Cổng tam quan đình làng So rất đẹp với một dãy bậc thang đá có 18 cấp dắt xuống phía hồ bán nguyệt, hai bên có hai hàng lan can bằng đá, mỗi đầu có tạo hình đám mây rất mềm mại và sống động, tạo cảm giác mây vờn, gió thổi rất nhẹ nhàng. Toàn bộ khuôn viên ngôi đình có tường gạch trổ hoa bao lơn hài hòa với nền sân gạch đỏ, về hai phía tả hữu bố trí hai dãy nhà dải mỗi dãy 5 gian mái ngói chạy dọc đến nhà Đại bái. Trước gian Đại bái có bậc đá tam cấp hai bên đặt hai tượng rồng bằng đá. Nhìn tổng thể gian đại bái cao rộng, vững chãi bao quanh bởi móng đá xanh. Hệ thống cửa bức bàn và các chắn song con tiện chạy dọc về hai phía tạo cảm giác mộc mạc, cổ kính.

 

 

Cổng tam quan đình làng So rất đẹp với một dãy bậc thang đá có 18 cấp dắt xuống phía hồ bán nguyệt, hai bên có hai hàng lan can bằng đá, mỗi đầu có tạo hình đám mây rất mềm mại và sống động,

Toàn bộ khuôn viên ngôi đình có tường gạch trổ hoa bao lơn hài hòa với nền sân gạch đỏ, về hai phía tả hữu bố trí hai dãy nhà dải mỗi dãy 5 gian mái ngói chạy dọc đến nhà Đại bái.

Trước gian Đại bái có bậc đá tam cấp hai bên đặt hai tượng rồng bằng đá. 

Bên trong đình So không gian cao rộng thoáng đãng gồm 7 gian hai chái, gian Đại điện nằm ở chính giữa trũng hơn hẳn so với các gian ở hai bên. Đây là nơi đặt án hương thờ nhà Thánh, cũng là nơi diễn ra các nghi lễ quan trọng trong dịp hội hè lễ Tết. Gian đại bái trưng bày nhiều đồ thờ quý giá như: 4 bộ kiệu sơn son thếp vàng phủ nhiễu điều, 2 chiếc trống cái lớn làm bằng da trâu, và một đôi hạc, một đôi lọng đặt hai bên án thờ, cùng nhiều đồ thờ bằng sứ bằng đồng giá trị.  Phía sau là Hậu cung đặt 3 bộ ngai thờ Tam vị Đại Vương chỉ mở cửa khi sắp có hội làng và cũng chỉ một số người có bổn phận mới được vào trong hậu cung hầu Thánh.

Gian thờ chính ở đại đình

Chạm khắc trên Hương án tại tòa Tiền đường

Bên trong đình là hệ thống hơn 60 cột gỗ lim lớn nhỏ được bố trí hài hòa, có khả năng chịu lực lớn

Đặc biệt, đình còn lưu giữ được nhiều đạo sắc phong từ thời Đinh đến thời Nguyễn. 

Ngoài ra, trang trí mỹ thuật của đình So khá phong phú và đa dạng với những mảng chạm có giá trị mỹ thuật và mang tính kỹ thuật cao. Các mảng chạm khắc ở đình So tập trung chủ yếu ở Nghi môn, gian giữa tòa Đại đình và Ống muống. Ở Nghi môn của đình So với những bức chạm khắc các đề tài phong phú nhưng hình tượng rồng được làm đề tài chính xuyên suốt từ Nghi môn vào đến Đại đình. Với bức chạm bộ tứ linh thì trung tâm là hai con rồng lớn đang trong tư thế quay đầu vào nhau được thể hiện rất dữ tợn với hai mắt lồi về phía trước, trán u và mũi chạm vào nhau.

Mái tam quan đình So

 

 

 

 

 

Các mảng chạm khắc gỗ vô cùng tinh xảo

 

 

 

 

Đình làng So một năm có 3 lễ lớn, lễ hội từ mùng 8 tháng 2 âm lịch, lễ khao quân mùng 10 tháng 7 âm lịch, lễ Thánh hóa mùng 10 tháng 12 âm lịch. Hội làng So diễn ra trong 3 ngày từ mùng 8 tháng 2 đến mùng 10 tháng 2 âm lịch với nhiều hoạt động tế lễ, rước kiệu, bịt mắt bắt dê, hát, thể thao …

Theo các nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa, Đình So là một trong những kiệt tác của kiến trúc và điêu khắc. Đình So được tặng 3 bằng xếp hạng Di tích Quốc gia: Di tích Kiến trúc thế kỷ XVII (1980); Di tích Lịch sử - Văn hóa (1995) và Di tích Quốc gia đặc biệt (2018).

Hồng bảo Kỷ lục được hiểu là những công trình Kỷ lục được thực hiện trong một thời gian dài, tích hợp những giá trị về kiến trúc, thẩm mỹ, văn hóa… để hình thành nên cho mai sau những di sản, đồng thời góp phần viết tiếp những câu chuyện mà cha ông đã gây dựng, từ đó góp phần định vị những giá trị địa phương nói riêng và Việt Nam nói chung vươn tầm khu vực và thế giới, góp phần định hình, phát triển hình ảnh du lịch địa phương nói riêng và đất nước nói chung thông qua những công trình biểu tượng.

Hành trình tìm kiếm TOP 100 Hồng bảo Kỷ lục Thế giới tại Việt Nam được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) giao cho Trung tâm TOP Việt Nam triển khai và đề cử đến Viện Kỷ lục Thế giới (World Mark) với mong muốn góp phần nhận diện, định vị, quảng bá hình ảnh quốc gia – địa phương ra thế giới. Dự án là một hành trình dài hơi và có thể tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác trong mục tiêu chung tạo ra những thay đổi về kiến trúc cảnh quan hiện hữu và quan trọng hơn là góp phần tạo nên những giá trị chiều sâu về văn hóa điểm đến hay lịch sử gắn liền với điểm đến.