Ngay sau đó, Quân giải phóng đã áp giải Tổng thống chính quyền Việt Nam cộng hòa sang Đài phát thanh để tuyên bố đầu hàng. Các sĩ quan Quân giải phóng có mặt cùng hợp lại soạn thảo văn bản đầu hàng cho đối phương và văn bản tiếp nhận sự đầu hàng ấy. Nhưng có một chi tiết còn ít người biết: Một chiến sĩ Quân giải phóng, sau nghe đọc bản dự thảo tuyên bố đầu hàng của Tổng thống - Đại tướng Dương Văn Minh, chuẩn bị phát chính thức lên sóng, đã đề nghị thêm 3 chữ "Vô điều kiện" vào sau 2 chữ "Đầu hàng”. Và 3 chữ “Vô điều kiện” ấy đã được bổ sung, viết thêm, riêng một dòng... Vậy người chiến sĩ ấy là ai?
Ảnh do tác giả cung cấp.
Đang ngồi cà phê vườn tại khách sạn Tân Sơn Nhất (số 202 Hoàng Văn Thụ) trước khi ra sân bay về Hà Nội, một người bạn chợt giới thiệu: Đây là anh Nhu “Vô điều kiện”! Tên đầy đủ là Nguyễn Khắc Nhu – Trưởng Ban Liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn 66 TP.HCM. Còn đây là anh Đặng Vương Hưng – Một Nhà văn chuyên sưu tầm và nghiên cứu tư liệu chiến tranh. Tôi đứng lên, ông Nhu vồn vã và xởi lởi: Tôi biết anh Đặng Vương Hưng từ thời tổ chức sự kiện “Mãi mãi tuổi 20” và bây giờ là “Trái tim người lính”… chỉ chưa có duyên gặp nhau trực tiếp thôi. Chúng tôi bắt tay và làm quen rất nhanh như thế, rồi trò chuyện bên ly cà phê như đã thân thiết từ lâu.
Đại tá Nhà văn Đặng Vương Hưng (bên trái) tặng sách "Phi công Mỹ ở Việt Nam" cho CCB Nguyễn Khắc Nhu – Trưởng Ban Liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn 66, Sư đoàn 304 tại TP.HCM.
Cựu chiến binh Nguyễn Khắc Nhu (khai sinh là Nguyễn Văn Nhu) sinh năm 1948 tại Hải Phòng. Lên 5 tuổi, cậu bé theo gia đình chuyển lên Hàng Vôi (Hà Nội) sinh sống. Năm 1966, học hết 10, anh không thi đại học mà xin vào Sở Bưu điện Hà Nội, làm nhân viên Kỹ thuật Đài điện thoại tự động. Năm 1967, Nguyễn Khắc Nhu viết đơn tình nguyện nhập ngũ bằng máu. Huấn luyện tân binh xong, anh được điều về đơn vị Trinh sát. Nguyễn Khắc Nhu đã cùng đơn vị tham gia chiến đấu nhiều chiến trường ác liệt: Khe Sanh, Đường 9 – Nam Lào, Thành cổ Quảng Trị, Thượng Đức (Quảng Nam). Đặc biệt, năm 1972, trong trận đánh tại Động Toàn (Quảng Trị), nhờ chiến công xuất sắc bắt tù binh địch, mà Nguyễn Khắc Nhu đã được thăng chức từ Tiểu đội trưởng lên thẳng Đại đội phó (bỏ qua Trung đội).
Nửa thế kỷ trước, vào trưa ngày 30/4/1975, lịch sử đã sắp đặt để Trung úy Nguyễn Khắc Nhu, Trợ lý Tham mưu Trung đoàn, là một trong những chiến sĩ quân giải phóng đầu tiên tiến vào Dinh Độc Lập, tiếp quản sự đầu hàng của Chính quyền Sài Gòn. Trong bức ảnh nổi tiếng do một phóng viên nước ngoài chụp thời khắc lịch sử đó, tại sân Dinh Độc Lập, khi Tổng thống ngụy Dương Văn Minh và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu bị dẫn giải tới Đài phát thanh. Những người có mặt trong ảnh là: Phó Trung đoàn trưởng Phạm Xuân Thệ (bên phải), Trợ lý tham mưu Nguyễn Khắc Nhu (giữa), chiến sĩ Bàng Nguyên Thất (bên trái) cùng một số cán bộ chiến sĩ Trung đoàn bộ binh 66, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2, mũi thọc sâu đánh chiếm Dinh Độc Lập bắt sống Tổng thống Dương Văn Minh cùng toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn.
Cựu chiến binh Nguyễn Khắc Nhu bồi hồi nhớ lại: Khi chúng tôi áp giải Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu đến Đài phát thanh (đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, cách Dinh khoảng gần 3km), ai cũng xác định phải nhanh chóng buộc họ tuyên bố đầu hàng, địch không kháng cự nữa, thì quân ta sẽ bớt đổ máu. Lên tới phòng thu âm, Dương Văn Minh hỏi: "Tôi đồng ý tuyên bố đầu hàng, nhưng tôi sẽ phải nói gì"? Đại úy Phạm Xuân Thệ trả lời: "Ông nói theo lời mà chúng tôi yêu cầu". Tiếp đó, anh Thệ chủ động viết ra một tờ giấy. Sau khi viết xong, thì đưa cho Dương Văn Minh đọc để ghi âm. Nhưng chữ viết của anh Thệ rất khó đọc. Dương Văn Minh bảo: “Cấp chỉ huy đọc để tôi ghi lại cho dễ xem được không?”. Anh Thệ liền đọc cho ông Minh chép lại lời tuyên bố đầu hàng.
Lúc đó, Trung tá Bùi Văn Tùng, Chính ủy Lữ đoàn Xe tăng 203 cũng đã có mặt tại Đài phát thanh. Đồng chí Thệ báo cáo với đồng chí Tùng nội dung dự thảo. Đồng chí Tùng nhất trí và có góp ý vài câu chữ cho hoàn chỉnh. Cảm thấy nội dung như thiếu thiếu gì đó, Trợ lý Tham mưu Nguyễn Khắc Nhu mạnh dạn đề nghị: Cần thêm 3 chữ “Vô điều kiện” sau 2 chữ “Đầu hàng”. Hồi còn ở nhà, khi xem phim Liên Xô, tôi thấy Phát xít Đức khi đầu hàng Hồng quân Liên Xô cũng là “Vô điều kiện”. Mọi người đồng ý. Sau khi ghi lại hết, thì ông Dương Văn Minh đọc lời chuẩn để phóng viên người Đức ghi âm. Ghi âm xong, tua băng lại cho tất cả cùng nghe thử và giao cho nhân viên kỹ thuật của Đài phát trên sóng phát thanh. Lời đầu hàng đại ý rằng: “Tôi Tổng thống nước Việt Nam cộng hòa Dương Văn Minh, ra lệnh toàn bộ lực lượng sỹ quan và binh lính đầu hàng vô điều kiện quân giải phóng, quay trở về với quốc gia...”.
Sau khi nghe lời tuyên bố đầu hàng xong, đồng chí Bùi Văn Tùng và đồng chí Phạm Xuân Thệ bàn với nhau: Đã có lời tuyên bố đầu hàng thì phải có lời chấp nhận đầu hàng. Đồng chí Tùng là người Đà Nẵng, có giọng miền Nam, nên viết và đọc lời chấp nhận đầu hàng, đại ý rằng: “Tôi đại diện cho quân giải phóng miền Nam Việt Nam chấp nhận lời đầu hàng vô điều kiện của của Tổng thống Dương Văn Minh. Và tuyên bố miền Nam hoàn toàn giải phóng…”.
Sau ngày đất nước thống nhất, Nguyễn Khắc Nhu xin phục viên và chuyển ngành về công tác tại Ty Công nghiệp tỉnh Đồng Nai. Ông làm Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ. Năm1982, do sức khỏe yếu, vì bị thương và sốt rét nhiều, một năm ông thường phải nằm viện 6 tháng, kinh tế gia đình rất khó khăn. Ông Nhu quyết định xin nghỉ hưu sớm để lo cho vợ con đỡ vất vả. May mắn là sau khi về hưu, ông được bầu làm Chủ nhiệm Hợp tác xã Tiêu thụ của phường 3 (Tân Định) Quận 1, TP.HCM, vợ chồng được gần nhau, cùng chăm sóc các con, lại còn tự mua được một ngôi nhà nhỏ…
Trước khi chia tay, với tư cách là Trưởng Ban liên lạc cựu chiến binh Trung đoàn 66 TP.HCM, cựu chiến binh Nguyễn Khắc Nhu đã trực tiếp viết và gửi tôi Giấy mời dự Lễ kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sự kiện diễn ra vào sáng ngày 28/4/2025, tại Hội trường Thống Nhất (Dinh Độc Lập). Ông nhắc đi nhắc lại: Mời nhà văn bố trí thời gian đến với chúng tôi nhé! Rất mong được đón tiếp anh cùng tham dự và chứng kiến sự kiện trang trọng này!
Hà Nội, 27/3/2025
TTNL