Những diễn biến gần đây
Trong nghiên cứu thường niên, giới phân tích thường dựa vào thực trạng phát triển của khu vực kinh tế thực, kinh tế đối ngoại, tài chính tiền tệ và tài chính ngân sách để xem xét sự phát triển của mỗi quốc gia. Thông điệp phát đi vào trung tuần tháng 5 năm 2022 của Ngân hàng Thế giới (The World Bank W.B) cho biết, đến đầu tháng này, số ca lây nhiễm Covid -19 mỗi ngày trong cả nước chưa đến 5.000 với dưới 10 trường hợp tử vong. Nhờ chống dịch có kết quả và giãn cách xã hội nới lỏng, các chỉ số đi lại đã phục hồi mạnh mẽ. Cùng với sử dụng phương tiện giao thông công cộng gia tăng, số khách đến các nhà hàng, trung tâm mua sắm và những điểm bán hàng, giải trí đã đạt mức trước đại dịch. Xu hướng này giúp người dân yên tâm hơn để quay lại các hoạt động kinh tế và xã hội.
Trong bối cảnh kinh tế hồi phục, nhiều quốc gia thích ứng được sự chuyển biến bằng triển khai tiêm vaccines mở rộng, đã tạọ động lực và giúp nhiều nền kinh tế tăng trưởng ấn tượng. Nhìn nhận về kinh tế Việt Nam, Ngân hàng Thế giới cho rằng, khu vực kinh tế thực đang tăng trưởng và chất lượng được cải thiện với nhiều triển vọng. Chỉ số sản xuất công nghiệp và doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ lần lượt tăng ở mức 9,4% và 12,1%, tương đương với trước đại dịch. Cho dù bất định toàn cầu gia tăng, song xuất khẩu vẫn gia tăng, nhập khẩu đi ngang và giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục tăng mạnh.
Phân tích cụ thể các lĩnh vực hoạt động của nền kinh tế có thể nhận thấy :
Trong khu vực kinh tế thực
Ngành công nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng vững chắc. Nhu cầu trong nước đã thúc đẩy mạnh doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng và cán cân thương mại tháng 4/2022 đã đạt thặng dư ở mức 0,8 tỷ USD.
Trong đà tăng trưởng vững chắc, sản xuất công nghiệp tăng trưởng tương đương mức trước đại dịch, đạt mức tăng 9,4% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, may mặc, giày dép, điện tử, thiết bị điện và mặt hàng kim loại là những ngành năng động với tốc độ tăng trưởng đạt 2 con số, Đáng chú ý là chỉ số PMI của công nghiệp chế biến, chế tạo vượt qua điểm 51,7 là tháng thứ 7 liên tục gia tăng.
Sự phục hồi của nhu cầu trong nước đã thúc đẩy mạnh doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng. Nhờ người dân tăng chi tiêu, nhu cầu trong nước được củng cố, doanh thu bán lẻ đã từ 10,4% tăng lên 12,1% trong tháng 4. Đây là lần đầu tiên tăng trưởng doanh thu bán lẻ đưa về sát với tốc độ trước đại dịch. Kết quả này cũng phản ánh cả về tăng trưởng vững chắc của doanh thu bán lẻ và sự hồi phục mạnh mẽ của doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Theo nhiều phân tích, sự phục hồi của dịch vụ tiêu dùng được dẫn dắt bởi doanh thu từ dịch vụ lưu trú và ăn uống bùng nổ với mức tăng 14,8% so cùng kỳ năm trước.
Nhờ sản xuất trong nước gia tăng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đã từ 17,0% tăng lên 25,2% trong khi nhập khẩu tăng nhẹ (từ 14,6% lên 16,5%) so cùng kỳ năm trước; giúp cho cán cân thương mại hàng hóa có thặng dư 0,8 tỷ USD. Mức thặng dư nàỳ đã,góp phần đáng kể vào đảm bảo ổn định vĩ mô của nền kinh tế .
Về kinh tế đối ngoại
Điểm nổi bật trong khu vực này là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký giảm trong khi vốn giải ngân vẫn tiếp tục tăng cao. Do tài chính toàn cầu thắt chặt, bất định gia tăng cùng với biến động ở nhiều khu vực khiến các nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn.
Trong tháng 4, vốn FDI đăng ký đạt 1,9 tỷ USD, giảm 12,6% so với cùng kỳ năm trước. Sau giai đoạn sôi động, hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) đã chững lại với giá trị góp vốn mua cổ phần giảm 35%, đây cũng là lần giảm đầu tiên sau 7 tháng M&A liên tục gia tăng.
Theo từng lĩnh vực, vốn FDI đăng ký trong công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 30,4% , bất động sản giảm 33,9%;nhưng tăng ở phân khúc bán buôn và bán lẻ với mức 36,0%. Mặc dù vốn FDI đăng ký có giảm, nhưng vốn thực hiện của các dự án được phê duyệt vẫn tăng 7,1% so cùng kỳ năm trước, đây là tháng thứ năm liên tiếp gia tăng.
Đối với lĩnh vực tài chính, tiền tệ.
Đánh giá của W.B cho thấy, lạm phát nhích lên và tăng trưởng tín dụng được đẩy mạnh. Tuy nhiên, lạm phát vẫn ở dưới mức mục tiêu và tín dụng đã tập trung vào đáp ứng nhu cầu gia tăng.Tư liệu nghiên cứu của W,B cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 đã từ 2,4% tăng lên 2,6% so với cùng kỳ năm trước.
Sau 3 tháng liên tục tăng cao, giá xăng tháng 4 giảm 2,5%; nhưng so với 1 năm trước đó, giá vẫn cao hơn gần 50%, đã trở thành nhân tố lạm phát lớn nhất trong nhóm giao thông. Cùng với xăng dầu, lương thực, thực phẩm (LTTP) cũng là yếu quan trọng của lạm phát, Trong, tháng 4 giá LTTP đã tăng 1,1% và lạm phát cơ bản đã tăng từ 1,1% lên 1,5% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tỷ lệ cao nhất kể từ tháng 12 năm 2020.
Giá cả gia tăng đã thể hiện tác động của cả yếu tố cung-cầu. Một phần tăng của giá hàng hóa và chi phí giao thông đã được chuyển sang giá LTTP và các mặt hàng khác trong nước. Khi nhu cầu được đẩy mạnh nhờ người dân gia tăng chi tiêu, lạm phát do cầu kéo bắt đầu hoạt động. Chỉ số giá trong nhóm văn hóa, giải trí và du lịch đã tăng từ 0,5% lên 1,8% trong tháng 4, đây cũng là tỷ lệ tăng cao nhất kể từ đầu đại dịch đến nay.
Cùng với giá cả và lam phát gia tăng, tăng trưởng tín dụng dược thúc đẩy để đáp ứng nhu cầu cao hơn. Số liệu ghi nhận được cho thấy, tăng trưởng tín dụng đã từ 15,9% lên 16,4% so với cùng kỳ năm trước, đây cũng là mức cao nhất kể từ tháng 01 năm 2018 Tín dụng tăng nhanh phản ánh nhu cầu cao do người tiêu dùng tăng chi tiêu và các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Mặc dù tín dụng gia tăng, song lãi suất qua đêm liên ngân hàng vẫn giảm từ 2,08% xuống 1,37%, thấp hơn nhiều so với lãi suất chiết khấu 2,5% của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Lãi suất giảm cho thấy thanh khoản tương đối dồi dào trên thị trường. Điều này cũng phản ánh mức thặng dư ngân sách Nhà nước và tăng trưởng mạnh hơn của tiền gửi của khu vực tư sau khi một số ngân hàng đã nâng lãi suất.
Trong lĩnh vực tài chính ngân sách
Cập nhật kinh tế vĩ mô tháng 5 năm 2022 của W.B cho thấy; cân đối ngân sách nhà nước bội thu 2,9 tỷ USD, nhờ nguồn thu gia tăng liên tục trong 4 tháng đầu năm với mức độ 32,2%, trong khi chi lại giảm tới 2,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 4 tháng đầu năm 2022, thu ngân sách đạt 46% trong khi chi ở mức 26% so với dự toán, dẫn đến ngân sách bội thu 7,7 tỷ USD. Theo kế hoạch được Quốc hội phê duyệt, giải ngân vốn đầu tư công đạt 18,2%,đương với mức của cùng kỳ năm trước. Mặt khác, bội thu ngân sách còn do kho bạc Nhà nước đã phát hành lượng trái phiếu tương đương 201 triệu USD trong tháng 4. Tổng khối lượng trái phiếu phát hành trong 4 tháng đầu năm đạt 11,5% kế hoạch cả năm; tuy nhiên, mức này vẫn thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước là 18,7%.
Đôi dòng thay cho lời kết
Trong bối cảnh bất định gia tăng, giá hàng hóa lên cao và điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt. kinh tế Việt Nam vẫn lấy lại được đà hồi phục.
Cảm phục và cùng chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà toàn dân phải vượt qua để phát triển bền vững, hướng tới trở thành quốc gia phát triển, các nhà phân tích của Ngân hàng Thế giới đã lưu ý đến những vấn đề mà các cấp có thẩm quyền cần phải quan tâp, tiếp tục theo rõi để xử lý kịp thời. Theo đó, cần thận trọng với lạm phát và những rủi ro đối với gia tăng xuất khẩu mạnh mẽ như hiện nay.
Lạm phát cơ bản và giá lương thực, thực phẩm tiếp tục tăng cao là nôi dung cần được theo dõi chặt chẽ. Nếu lạm phát tiếp diễn ra trong trung hạn, nền kinh tế cần được điều chỉnh theo mức giá cả cao hơn. Điều này có vai trò quan trọng trong ưu đãi, khuyến khích đầu tư nhằm nâng cao năng suất và tổng cung.Vấn đề cần lưu ý là gián đoạn chuỗi cung ứng có thể sẽ nâng cao giá nhập khẩu và ảnh hưởng tiêu cực đến tỷ giá thương mại vốn đã xấu đi từ quý I của năm 2022.
Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu và Trung Quốc là những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam Những nền kinh tế này sẽ đạt tốc độ tăng trưởng thấp hơn dự kiến trong năm 2022, điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến viễn cảnh xuất khẩu của Việt Nam.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai và là nguồn nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Tình trạng phong tỏa ở quốc gia này sẽ ảnh hưởng mạnh đối với hoạt động sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo và xuất khẩu của Việt Nam, Từ đây, trong đa dạng hóa đối tác thương mại cũng cần cân nhắc tới chiến lược giảm nhẹ rủi ro và đảm bảo tăng trưởng xuất khẩu luôn được duy trì.
Là những nhìn nhận khách quan của một định chế tài chính toàn cầu, hy vọng thông điệp tháng 5 về kinh tế vĩ mô Việt Nam của Ngân hàng Thế giới sẽ là một tư liệu nghiên cứu có ích đối với những nhà nghiên cứu và hoạch định chiến lược phát triển kinh tế xã hội Việt Nam./.