PHÁT TRIỂN HTX VÀ HÌNH THỨC LIÊN KẾT SẢN XUẤT KINH DOANH NÔNG NGHIỆP
Thực trạng vận động và phát triển kinh tế hộ nông dân và tổ chức nông nghiệp
Sự phát triển kinh tế tập thể, hình thức HTX và liên kết sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp nước ta đã dựa trên nền tảng phát triển kinh tế hộ gia đình (KTHGĐ) và trải qua những giai đoạn thăng trầm khác nhau. Trong giai đoạn xây dựng HTX theo chủ trương tập thể hóa về mặt pháp lý và sở hữu trong những năm từ 1955 đến 1978, trên thực tế đã không còn tồn tại kinh tế hộ nông dân với tư cách là đơn vị kinh tế tự chủ.
Chủ trương từ Chỉ thị 100 đến khoán 10 (năm 1988) của Bộ Chính trị đã từng bước khôi phục lại vai trò của kinh tế hộ nông dân. Khoán 10, tiếp theo là nghị quyết của Hội nghị TW 6 (khóa VI, 1989) và Luật Đất đai năm 1993 đã khẳng định “hộ nông dân là đơn vị kinh tế tự chủ”, được trao quyền làm chủ về ruộng đất, tư liệu sản xuất và quá trình sản xuất kinh doanh. Từ đó đến nay, Đảng và Nhà nước tiếp tục có những chế chính sách về đất đai, đầu tư, thuế, tín dụng, thị trường, khuyến nông… để hỗ trợ kinh tế hộ nông dân phát triển.
Đi vào kinh tế thị trường, hộ nông dân có sự vận động dưới tác động của xu thế khách quan và trong từng điều kiện cụ thể, đã bộc lộ xu hướng tích cực và hạn chế trong sự vận động gắn liền với quan hệ ruộng đất và quá trình sản xuất nông sản hàng hóa; phát triển công nghiệp, dịch vụ và đô thị hóa. Mối quan hệ dân số, lao động, đất đai; trình độ sản xuất hàng hoá nông sản; mức độ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và đô thị hóa quyết định khả năng hợp tác liên kết song hạt nhân cơ bản vẫn là quyền sử dụng ruộng đất của hộ nông dân trong cơ chế thị trường.
Trong sản xuất nông sản hàng hoá, yếu tố đất đai, tư liệu sản xuất, vốn và lao động là những điều kiện quan trọng, nhưng quyết định nhất là năng lực kinh doanh của các chủ hộ. Sự khác biệt về năng lực sản xuất kinh doanh là một trong những yếu tố cơ bản tác động quyết định đến mức độ tham gia của ruộng đất vào quá trình sản xuất. Có những hộ phát triển đi lên, tích tụ được đất đai, mở rộng quy mô canh tác; nhưng cũng có nhiều hộ không phát triển, thậm chí giảm quy mô canh tác hoặc chuyển sang lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác. Sự thay đổi mục đích sử dụng ruộng đất và nâng cao hiệu quả kinh tế theo hướng sản xuất hàng hoá là chỉ số cơ bản của nền nông nghiệp hàng hoá; điều này cũng phản ánh sự tham gia của ruộng đất vào cơ chế thị trường.
Trong quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá đất nước, phi nông nghiệp có vai trò quyết định để phát triển nông sản hàng hoá và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Quá trình này tác động trực tiếp đến sự vận động của kinh tế hộ nông dân và quan hệ ruộng đất đồng thời cũng tác động mạnh tới cơ cấu và loại hình KTHGĐ theo xu hướng giảm số hộ nhưng số người tham gia vào sản xuất nông nghiệp hàng hóa với quy mô khác nhau lại có xu thế gia tăng. Đây là tiền đề để phát triển các hình thức HTX.
Sản xuất nông-lâm và thủy sản ở nước ta được tổ chức theo 3 hình thức chủ yếu, bao gồm hộ gia đình, hợp tác xã và doanh nghiệp. Kết quả điều tra Thống kê năm 2020 cho thấy, cả nước có 9.123.018 đơn vị sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản. Trong đó, có 9.108.129 hộ sản xuất, 7.418 hợp tác xã và 7.471 doanh nghiệp. Quy mô sản xuất hộ được mở rộng, đặc biệt là mô hình trang trại. Số thửa đất sản xuất nông nghiệp bình quân 1 hộ đã tăng từ 2,5 thửa (2016) lên 2,8 thửa (2020) và diện tích bình quân 1 thửa đã từ 1.843,1 m2 tăng lên 2.026,3m2. Vào thời điểm 01tháng 7 năm 2020, cả nước có 20.611 trang trại; bao gồm: 5.910 trang trại trồng trọt, 11.688 trang trại chăn nuôi, 2.782 trang trại nuôi trồng thủy sản, 139 trang trại lâm nghiệp và 53 trang trại tổng hợp. Ngoài ra, còn có 39 trang trại sản xuất muối.
Do quá trình phát triển công nghiệp, dịch vụ và đô thị hóa chưa hút mạnh lao động ra khỏi nông thôn nên số hộ và dân số nông thôn còn lớn. Nếu số hộ nông thôn cả nước ngày 1/7/2011 là 15,35 triệu hộ thì đến đến 01thàng 7 năm 2016 đã lên 15,99 triệu hộ, tăng 4,2%; số hộ sản xuất nông lâm thủy sản tuy giảm 1,86%, nhưng vẫn còn trên 9.108.129 hộ nên tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún trong nông nghiệp vẫn còn phổ biến.
Từ đất đai canh tác của nhiều hộ còn quá nhỏ, từng hộ không đủ điều kiện trang bị công cụ cần thiết cho sản xuất theo mùa vụ; ở nhiều nơi, nông dân còn canh tác theo kiểu thuê lao động, dẫn đến hiệu quả thấp. Theo các nhà phân tích, đây là biến thái đáng quan ngại, nó khác so với nghề nông trên thế giới, cần được nghiên cứu kỹ và có giải pháp xử ký phù hợp trong bối cảnh trình độ sản xuất kinh doanh và tư duy kinh tế của tuyệt đại đa số nông dân còn trong tình trạng sản xuất nhỏ, kỹ thuật và kinh nghiệp nặng tính truyền thống, chất lượng hàng hóa thấp, gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận thị trường và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Nhìn chung, quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất cho phát triển nông sản hàng hóa còn chậm, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Tình trạng bỏ ruộng không canh tác, không sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả diễn ra ở nhiều nơi, khiến nhu cầu liên kết hộ nông dân trong sản xuất kinh doanh càng trở nên cấp thiết; mặt khác, thực trạng cũng bộc lộ những hạn chế cần tháo gỡ về thể chế phát triển kinh tế hộ và sự vận động của quan hệ ruộng đất trong sản xuát nông sản hàng hóa và kinh tế hợp tác ở các vùng, miền.
Thực trạng phát triển HTX nông nghiệp
Sau thời gian tập trung tập thể hóa (1958 -1978) dẫn đến khủng hoảng rồi dần giải thể nhiều HTX, khoán 10 và Luật đất đai năm 1993 đã khẳng định hộ nông dân là đơn vị kinh tế tự chủ và phòng trào HTX bị suy thoái là do chưa xác định được rõ phương hướng và mô hình đổi mới. Từ khi ban hành Luật HTX và dưới tác động của phát triển nông nghiệp hàng hóa và hội nhập quốc tế, quá trình đổi mới và phát triển HTX nông nghiệp đã đi theo mô hình mới và có bước phát triển tích cực. Tính đến 31/12/2021, cả nước có 18.327 HTX nông nghiệp và 79 Liên hiệp HTX nông nghiệp. Như vậy là sau 10 năm thực hiện Luật HTX, số lượng HTXNN cả nước đã tăng thêm 7.917 HTX. Chất lượng và hiệu quả hoạt động của HTX đã cải thiện đáng kể với tỷ lệ xếp loại khá, tốt từ 10% (năm 2013) tăng lên 33% (năm 2016) và trên 60% vào năm 2020. Số lượng Tổ hợp tác (THT) có giám, tính đến cuối năm 2021, cả nước còn 34.871 THT giảm hơn 1/2 so với năm 2001; nhiều THT hoạt động hiệu quả đã phát triển thành HTX. Sự phát triển HTX sản xuất nông sản hàng hóa là bước tiến quan trọng, phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn. Trong 10 năm HTX đã có tiến bộ cả về lượng và chất; khắc phục được tình trạng yếu kém kéo dài. Trong thực tiễn, ngày càng xuất hiện đa dạng mô hình HTX hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, hoạt động HTX vẫn còn bộc lộ những hạn chế, bất cập dưới đây:
Số lượng HTX còn ít, số hộ gia đình và cá nhân tham gia HTX không nhiều, hết năm 2021, cả nước có khoảng 3,23 triệu thành viên giảm 1,87 triệu so với năm 2013. Tổng số thành viên trong các THT là 628 nghìn người, giảm 237 nghìn so với năm 2001 Những kết quả đạt được là chậm so với yêu cầu đặt ra trong Nghị quyết 13 của Trung ương Đảng 5 (khóa IX).
Số HTX thành lập mới tuy gia tăng, nhưng số hoạt động hiệu quả còn thấp và thiếu bền vững; quy mô đất đai, sản xuất và doanh thu của các HTX có tăng nhưng còn nhỏ. Số đông HTX mới liên kết ngang giữa các hộ nông dân ở các khâu sản xuất; dịch vụ, chế biến, bảo quản; số có khả năng liên kết hiệu quả với doanh nghiệp, chế biến và tiêu thụ nông sản chưa nhiều đạt khoảng 24% tổng số HTX; nếu tính tổng thể cả số hộ nông dân hợp đồng bao tiêu sản phấm với HTX và doanh nghiệp, con số này chỉ khoảng 10%. Riêng số HTX và liên hiệp HTX liên kết theo vùng và ngành hàng từ sản xuất của hộ nông dân đến cung ứng dịch vụ, thu mua, bảo quản, chế biến và tiêu thụ trên thị trường đang còn rất hiếm.
Về đất đai, ngoài khó khăn trong tích tụ, tập trung, cải tạo ruộng đất ở quy mô thích hợp và hiệu quả cho phát triển nông nghiệp hàng hóa lớn; các HTX còn gặp nhiều khó khăn trong sử dụng đất nông nghiệp, nhất là đất lúa, đất xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông nội đồng, nhà xưởng, kho tàng, cơ sở chế biến và chuyển đổi mục đích sử dụng .
Thực trạng phát triển hình thức liên kết sản xuất kinh doanh nông nghiệp
Cùng với kinh tế Hộ nông dân, sự phát triển HTX và các loại hình doanh nghiệp nông nghiệp hàng hóa hoặc liên kết sản xuất kinh doanh giữa các chủ thể cũng đã có bước phát triển tích cực, với những hình thức và cấp độ đa dạng.
Quá trình liên kết ngang giữa các hộ nông dân đã hình thành những Tổ hợp tác, Nhóm sản xuất và các HTX tự nguyện kiểu mới. Phong trào cũng đã xuất hiện ngày càng nhiều loại hình liên kết dọc giữa các đơn vị tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với hộ nông dân và HTX như liên kết bao tiêu sán phẩm; bao tiêu sản phẩm theo hợp đồng có sự hỗ trợ đầu tư về giống, vốn và hướng dẫn kỹ thuật; liên kết sản phẩm có sự hỗ trợ đầu tư để hình thành vùng nguyên liệu.Về mức độ liên kết trách nhiệm, lợi ích và chia sẻ rủi ro được thực hiện chủ yếu theo hợp đồng không chia sẻ rủi ro . Đây là hình thức liên kết theo kiểu “mua đứt, bán đoạn” chiếm đa số trong các dạng liên kết, kể cả lĩnh vực thu mua lúa gạo.
Liên kết có chia sẻ về trách nhiệm, lợi ích và rủi ro trong sản xuất kinh doanh là một hướng đi phù hợp với đòi hỏi đặc thù của nông nghiệp kinh doanh hiệu quả và bền vững; hình thức liên kết cung cấp dịch vụ hỗ trợ sản xuất như giống, phân bón, bảo vệ thực vật đã cung cấp nhiều dịch vụ khoa học-công nghệ thiết thực Ngoài ra,liên kết góp vốn sản xuất kinh doanh cũng là môt nội dung đã được thực hiện ở nhiều địa phương.
Thực tiễn cho thấy, quả trình liên kết trong sản xuất nông nghiệp gia tăng, đã góp phần quan trọng vào thúc đẩy phát triền nông nghiệp, nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất kinh doanh, mang lại lợi ích lớn hơn cho hộ nông dân và các chủ thể liên kết. Nhờ đó, đã hình thành được một số vùng sản xuất tập trung gắn với doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ nông sản.
Tỷ lệ nông sản tiêu thụ qua hợp đồng tăng lên là xu thế tích cực cần được đẩy mạnh. Tuy nhiên, do số lượng doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp còn quá ít, chỉ chiếm 1% tổng số doanh nghiệp cả nước và số lượng HTX không nhiều,thể chế liên kết bất cập; nên mức độ liên kết trong sản xuất kinh doanh nông nghiệp còn ít về quy mô, phạm vi và thấp về trình độ; nhìn chung, chưa bền vững. Theo đó, lợi thế đầu tư và phát triển nông nghiệp theo bề rộng có chiều suy giảm. Điều này cho thấy, cần có những giải pháp đồng bộ để chuyển mạnh sang phát triển theo chiều sâu, nâng cao giá trị gia tăng gắn với tích tụ tập trung ruộng đất bằng các giải pháp hợp lý và hiệu quả thông qua nâng cao trạng thái và trình độ của kinh tế hộ nông dân trong liên kết với các chủ thể khác nhau
4. Về những định hướng phát triển kinh tế hợp tác và hoàn thiện thể chế đất đai
Để thúc đẩy phát triển HTX và các hình thức liên kết trong nông nghiệp cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Dưới đây là vấn đề đã được các nhà nghiên cứu và quản lý phân tích, gợi ra:
i)Trước hết là thực hiện đồng bộ những giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển hộ nông dân theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao
Hộ nông dân là đơn vị nền tảng của phát triển HTX và các hình thực liên kết với doanh nghiệp. Thực tiễn KTHND ở nước ta đã đặt ra nhiệm vụ phải nâng cao trạng thái và trình độ phù hợp với điều kiện của từng vùng, từng lĩnh vực nhằm đảm bảo nâng cao mức sống gắn với phát triển bền vững và thúc đẩy quá trình phát triển, phân công kinh tế hộ phù hợp và hiệu quả trong phát triển sản xuất nông sản hàng hóa. Viêt Nam còn khoảng 70% dân số sống ở nông thôn và gần 60% lao động nông nghiệp. Sự cất cánh mạnh chỉ có thể đạt được nếu đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước để rút bớt lao động và giảm số hộ trong nông nghiệp. Đây là động lực để thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn và phát triển nông sản hàng hóa.Hiện nay trình độ của gần 10 triệu hộ nông dân còn rất khác nhau, cần nhận thức rõ tồn tại khách quan của trình độ kinh tế này để định hướng và có giải phù hợp nhằm nâng cao trình độ cho những nhóm hộ khác biệt. Theo đó, có thể phân thành 3 nhóm dưới đây:
- Nhóm thứ nhất là hàng triệu hộ còn trong trình độ sản xuất tự nhiên, tự cung tự cấp ở vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, họ phải sản xuất để đảm bảo độ an toàn lương thực nhưng gặp nhiều khó khăn. Đối với nhóm hộ này, định hướng và mục tiêu phát triển cần đảm bảo được mức sống tối thiểu để vươn lên thoát nghèo bền vững với giải pháp trọng tâm là nâng cao trình độ kinh tế hộ, nâng cao năng lực nội sinh và năng lực sản xuất kinh doanh. Theo đó, cần tiếp tục hỗ trợ để nâng cao mức sống và quan trọng là thực hiện giải pháp đào tạo nghề, kỹ thuật sản xuất, phát triển sinh kế gắn với hỗ trợ phát triển điều kiện sản xuất. Ở nơi có điều kiện có thể hướng dẫn hộ nông dân đi vào sản xuất hàng hóa với sự hỗ trợ trực tiếp của nhà nước, cộng đồng hoặc các đơn vị trực tiếp đầu tư.
- Nhóm thứ hai là những hộ ở trình độ sản xuất tự cung tự cấp gắn với sản xuất hàng hóa nhỏ; nhóm này chiếm tỷ trọng lớn nhất, tập trung chủ yếu trong vùng trung du, đồng bằng Bắc Bộ và Trung bộ. Vơi nhóm hộ này, cần hướng vào nâng cao trình độ và trạng thái kinh tế hộ nông dân, tạo điều kiện để họ vượt qua được ngưỡng tái sản xuất giản đơn để đi vào sản xuất hàng hóa thông qua quá trình chuyển lao động sang phát triển ngành nghề phi nông và tăng quy mô canh tác. Đây là quá trình lâu dài và không đơn giản, nhất là ở vùng đất chật người đông, công nghiệp và dịch vụ chưa phát triển.
Cùng với chính sách và giải pháp phát triển ngành nghề phi nông, cần có cách làm phù hợp để tích tụ, tâp trung ruộng đất với quy mô cần thiết cho phát triển nông sản hàng hóa như thực hiện góp vốn bằng ruộng đất, ủy thác canh tác hoặc cho thuê, sang nhượng ruộng đất. Ngoài ra cũng cấn có những chương trình đào tạo kiến thức và kỹ năng sản xuất hàng hóa, tiếp cận thị trường, hoàn thiện hệ thống dịch vụ và tiêu thụ nông sản, đồng thời hướng dẫn và hỗ trợ thành lập các mô hình HTX và những hình thức liên kết sản xuất kinh doanh phù hợp với trình độ và quy mô sản xuất hàng hóa. Ở những nơi điều kiện thị trường ổn định, có thể hỗ trợ hộ nông dân tham gia vào chuỗi sản xuất hàng hóa nông sản chất lượng cao
-Nhóm thứ ba là những hộ sản xuất nông sản hàng hóa. Nhóm hộ có xu hướng gia tăng, nhưng tỷ trọng còn nhỏ, chiếm khoảng 10 - 15 % số hộ nông dân cả nước, chủ yếu ở Đồng bằng Sông Cửu Long và Đông Nam Bộ. Đối với nhóm hộ này, cần tiếp tục nâng cao quy mô, hiệu quả và chất lượng sản xuất kinh doanh, hình thành những vùng chuyên sản xuất nông sản hàng hóa, đủ sức tham gia vào chuỗi gia trị toàn cầu. Để phát triển theo định hướng này, cần có chính sách và chương trình đào tạo nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng và quy trình sản xuất kinh doanh tiên tiến để nâng cao khả năng ứng dụng giống mới với chất lượng cao vào sản xuất và nâng cao năng lực tiếp cận thị trường. Thẻo đó, Nhà nước cần hoàn thiện cơ chế chính sách, hướng dẫn và hỗ trợ đẩy mạnh liên kết sản xuất kinh doanh gắn các đơn vị chế biến, cung cấp dịch vụ và doanh nghiệp thương mại với hộ nông dân và HTX nông nghiệp . Ngoài triển khai áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật phù hợp, Nhà nước cần đặc biệt quan tâm xây dựng các chương trình, cơ chế và hình thức đào tạo “chủ hộ nông dân thế hệ mới” với kiến thức và kỹ năng quản lý sản xuất kinh doanh tổng hợp nhăm đáp ứng yêu cầu của nền nông nghiệp hiện đại trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
(2) - Đẩy mạnh đổi mới và phát triển HTX đa dạng trong các khu vực, ngành hàng và chuỗi sản xuất kinh doanh.
Theo các nhà phân tích, để phát triển hợp tác xã nông nghiệp trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế cần quán triệt các nhận thức sau:
(i)- Đổi mới và phát triển mô hình HTX cần đặt trong định hướng chung là chuyển mạnh thể chể phát triển nông nghiệp từ chiều rộng sang chiều sâu, phù hợp với điều kiện của từng vùng, lĩnh vực và sản phẩm; gắn với hình thành những liên kết hiệu quả và bền vững giữa hộ nông dân với doanh nghiệp, theo hướng có trách nhiệm, đảm bảo lợi ích và chia sẻ rủi ro;
(ii) - Đổi mới và phát triển HTX nông nghiệp phải lấy đơn vị kinh tế hộ nông dân làm đơn vị cơ sở để hình thành mô hình phù hợp với điều kiện đa dạng, đa tầng của trình độ kinh tế hộ trong điều kiện đặc thù của mỗi vùng, miền, lĩnh vực và sản phẩm nhằm hinh thành vùng sản xuất nông sản, chuỗi kinh doanh đa dạng và tham gia vào thị trường nông sản toàn cầu;
(iii) - Đẩy mạnh đổi mới và phát triển đa dạng hình thức hợp tác trong các khu vực,ngành hàng và chuỗi sản xuất kinh doanh; tạo liên kết bền vững với doanh nghiệp và đáp ứng nhu cầu liên kết của hộ nông dân trong sản xuất nông sản hàng hóa và hội nhập với trọng tâm là nâng cao chất lượng và hiệu quả của HTX.
Từ những vấn đề nêu ra, việc tiếp tục đổi mới HTX hiện có và xây dựng HTX nông nghiệp mới cần đảm bảo các nguyên tắc cơ bản đó là
- Đảm bảo tính dân chủ, tự nguyện, bình đẳng và công khai, minh bạch.
- Phải xuất phát từ nội dung sản xuất kinh doanh mà hộ nông dân cần hợp tác, liên kết để mang lại lợi ích thiết thực cho hộ xã viên.
- Đối với bên ngoài, HTX hoạt động theo cơ chế thị trường; đối với bên trong là những hộ xã viên HTX không theo cơ chế bao cấp, không lấy xã viên làm đối tượng kinh doanh lợi nhuận, mà cần cung ứng với những ưu đãi dịch vụ cao hơn cho hộ xã viên.
- Với những quy mô tương đối lớn, HTX cần tổ chức Ban quản trị tách biệt, đó là tổ chức gồm những xã viên có tín nhiệm cao, được Đại hôi xã viên bầu theo nhiệm kỳ và bộ máy Quản lý. Ban quản lý HTX bao gồm những người giỏi quản lý(có thể thuê ngoài) thực hiện nhiệm vụ điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh theo định hướng phát triển và nghị quyết của Ban quản trị. Ban quản lý hoạt động theo luật pháp cũng như trách nhiệm, quyền hạn và nghĩa vụ được Ban quản trị giao trong hợp đồng. Quyền, nghĩa vụ và lợi ích của các thành viên HTX đều do Đại hội xã viên bàn bạc và quyết định.
- HTX được Nhà nước bảo trợ và hỗ trợ thông qua các cơ chế chính sách ưu đãi.
Trên thực tế ở nước ta, do trình độ kinh tế hộ nông dân và trình độ phát triển nông nghiệp hàng hóa ở các vùng và từng lĩnh vực còn khác nhau nên rất cần lựa chọn hình thức và quy mô HTX thích hợp trên nguyên tắc mang lại lợi ích thiết thực và được nông dân chấp nhận. Định hướng đổi mới, phát triển HTX đối với các nhóm hộ nông dân có thể khái quát như sau:
Đối với nhóm hộ thứ nhất, sản xuất chủ yếu ở trình độ tự nhiên và tự cung tự cấp, do đó cần hình thành các hình thức hợp tác giản đơn như tổ hợp tác tương trợ giữa các hộ ở những khâu nhất định với sự giúp đỡ của nhà nước.
Đối với nhóm hộ thứ hai, tương ứng với trình độ tự cung tự cấp và sản xuất hàng hóa nhỏ, hình thức hợp tác thích ứng là dịch vụ tổng hợp. Hộ nông dân có thể góp vốn, ruộng đất với nhau để hình thành HTX cổ phần sản xuất nông sản hàng hóa.
Đối với nhóm thứ ba, đã đi vào sản xuất hàng hóa, hình thức chủ yếu sẽ là liên kết và cung cấp các dịch vụ phục vụ quá trình sản xuất hàng hóa hiệu quả và bền vững. Khi có nhiều hộ sản xuất chuyên canh hàng hóa lớn, rất cần khuyến khích và tạo điều kiện để thành lập và phát triển các liên kết theo ngành dọc, có thể thành lập doanh nghiệp từ sản xuất đến chế biến và đưa ra thị trường trong HTX nông nghiệp hoặc liên kết sản xuất kinh doanh cả về trách nhiệm, lợi ích và chia sẻ rủi ro giữa các chủ thể tham gia.
Để đẩy mạnh quá trình liên kết, Nhà nước cần đặc biệt quan tâm hoàn thiện Luật hợp tác xã, thể chế liên kết và xây dựng các chương trình, hình thức và cơ chế để đảm bảo đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý kiểu mới với kiến thức và kỹ năng sản xuất kinh doanh tổng hợp, đáp ứng yêu cầu của nông nghiệp trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
(3). - Hoàn thiện thể chế đất đai, thúc đẩy phát triển kinh tế hộ nông dân và các hình thức liên kết trong nông nghiệp
Từ điều kiện và thực tiễn phát triển kinh tế hộ và trình độ của nông nghiệp hàng hoá ở các vùng, nhà nước cần hoàn thiện thể chế thúc đẩy tích tụ, tập trung ruộng đất cho sản xuất nông nghiệp theo các hình thức chủ yếu sau đây:
(i) - Hộ nông dân liên kết ruộng đất trong HTX nông nghiệp. Đây là hình thức hộ nông dân sử dụng ruộng đất riêng biệt; nhưng thống nhất với nhau để hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung như trồng lúa gạo, rau màu, hoa quả, nuôi cá…với sự liên kết đầu tư, đảm bảo các dịch vụ đầu vào, đầu ra.
(ii) - Tích tụ ruộng đất cho hộ sản xuất giỏi thành lập trang trại sản xuất hàng hóa. Ở hình thức này, quyền sử dụng đất được chuyển cho hộ lập trang trại thông qua quá trình mua bán, sang nhượng hoặc hay thuê quyền sử dụng.
(iii) - Các hộ nông dân liên kết với doanh nghiệp hình thành vùng sản xuất nông nghiệp lớn. Trong mô hình này, quyền sử dụng ruộng đất vẫn thuộc hộ nông dân, nhưng mục đích sử dụng có sự thống nhất giữa hộ nông dân với nhau và với doanh nghiệp ở các cấp độ khác nhau, thấp nhất là doanh nghiệp hợp đồng trực tiếp với hộ nông dân để sản xuất, tiêu thụ một loại nông sản theo từng mùa vụ; cao hơn là hộ nông dân sản xuất trực tiếp theo hợp đồng ký với doanh nghiệp; cao hơn nữa là doanh nghiệp hỗ trợ kỹ thuật, đầu tư và bao tiêu sản phẩm và cao nhất là doanh nghiệp hình thành chuỗi sản xuất có hỗ trợ đầu tư, chia sẻ rủi ro và phân chia lợi ích hợp lý giữa các bên tham gia. Trong quá phát triển, mô hình tập trung ruộng đất còn sự tham gia của HTX nông nghiệp. Các HTX là cầu nối hữu cơ giữa hộ nông dân với các doanh nghiệp.
(iv) - Tích tụ cho sản xuất nông sản hàng hóa lớn, chất lượng cao là hình thức quy tụ ruộng đất vào doanh nghiệp thông qua cho thuê hoặc mua lại quyền sử dụng đất. Hình thức này không chỉ đòi hỏi điều kiện ruộng đất thuận tiện cho quy hoạch sản xuất nông sản hàng hóa lớn, mà còn phụ thuộc vào loại sản phẩm có thể sản xuất liên tục để đảm bảo sản xuất kinh doanh hiệu quả theo phương thức doanh nghiệp. Hình thức này khó phù hợp với sản xuất sản phẩm mang tính mùa vụ dài ngày, không liên tục nhưng lại lại sử dụng lao động làm thuê.
Mỗi hình thức tích tụ, tập trung ruộng đất đều có những ưu thế và hạn chế trong điều kiện ruộng đất, trình độ sản xuất và loại hình nông sản khác nhau. Việc lựa chọn hình thức phù hợp và hiệu quả cần được xem xét trong từng trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam có thể nhận thấy, hình thức phổ biến hiện nay là mô hình hộ nông dân sản xuất hàng hóa liên kết ruộng đất với nhau trong HTX nông nghiệp để hình thành vùng sản xuất tập trung; đồng thời với từng bước tích tụ ruộng đất để hình thành những hộ nông dân trang trại.
Vấn đề không chỉ ở chỗ tích tụ, tập trung ruộng đất ở quy mô lớn là có nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn; mà quan trọng là phương thức, mô hình và trình độ sản xuất nông nghiệp đó thế nào. Điều này cho thấy, quy mô sử dụng ruộng đất lớn của hộ nông dân hay doanh nghiệp chưa phải là nhân tố quyết định để phát triển nền nông nghiệp hàng hóa lớn.
Để thực hiện hiệu quả xu hướng phát triển nông sản hàng hóa, các nhà nghiên cứu và quản lý cho rằng cần quan tâm thực hiện một số giải pháp dưới đây:
- Hoàn thiện cơ sở pháp lý về quyền sử dụng đất đai, chế định rõ quyền tài sản để hộ nông dân thực sự là đơn vị kinh tế tự chủ trong phát triển nông nghiệp hàng hóa. Hoàn thiện cơ chế, chính sách đất đai đối với các loại hình HTX, giúp HTX phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng để phát triển bền vững và hiệu quả. Theo đó, cần xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý minh bạch cho các hình thức tích tụ,tập trung ruộng đất; hoàn thiện luật pháp, chính sách và thể chế thị trường ruộng đất để thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn có chất lượng cao.
- Đẩy mạnh đổi mới và phát triển hệ thống doanh nghiệp nông nghiệp, nhất là doanh nghiệp công nghệ cao làm nền tảng cho liên kết phát triển kinh tế hộ nông dân và HTX trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Từ đây, doanh nghiệp cần trở thành trung tâm kết nối hộ nông dân với HTX và thị trường trong nền nông nghiệp hiện đại.
- Hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ cao; gắn với xây dựng, phát triển và hoàn thiện hình thức liên kết sản xuất kinh doanh giữa hộ nông dân trong các HTX, với doanh nghiệp và những chủ thể khác cả về trách nhiệm, nghĩa vụ, lợi ích và chia sẻ rủi ro nhằm sử dụng tiết kiệm và hiệu quả đất đai, tài nguyên cho sự phát triển nông nghiệp sinh thái hiện đại và bền vững./.