Theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, lao động nam đủ tuổi nghỉ hưu, đóng bảo hiểm xã hội 15 năm thì mức hưởng bằng 40% bình quân tiền lương tháng đóng. Từ 16 đến 20 năm, mỗi năm tính thêm 1%. Từ năm thứ 20 trở đi, tỷ lệ hưởng lương hưu là 45%, cứ đóng mỗi năm tính thêm 2% cho đến khi hưởng tối đa 75%.
Lao động nữ đủ tuổi nghỉ hưu, đóng bảo hiểm xã hội 15 năm thì mức hưởng bằng 45% bình quân tiền lương làm căn cứ đóng. Mỗi năm sau đó hưởng thêm 2% cho đến khi đạt tỷ lệ tối đa 75%.
Như vậy, cùng đóng bảo hiểm xã hội 15 năm, nữ hưởng lương hưu 45%, nam chỉ 40%.
Dẫn ý kiến của cán bộ công đoàn, người lao động tại các buổi đối thoại trước đó kiến nghị, phóng viên đặt câu: Bộ Luật lao động đã điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu của nam và nữ tiệm cận nhau, nam 62 và nữ 60. Vậy tại sao khi sửa luật BHXH không thay đổi cách tính để giảm tỉ lệ chênh lệch lương hưu của nam và nữ tương ứng với độ tuổi nghỉ hưu?
Lý giải sự không điều chỉnh theo tuổi lao động, ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ LĐTBXH) Nguyễn Duy Cường cho biết: Việc không điểu chỉnh này do tính đến việc cân đối Quỹ BHXH. Bên cạnh đó, Luật mới kế thừa từ Luật Bảo hiểm xã hội 2014, không thay đổi công thức tính lương hưu.
Ban soạn thảo chỉ bổ sung cách tính tỉ lệ lương hưu với lao động nam đóng từ 15 năm đến dưới 20 năm, vì Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành không có quy định với nhóm này. Đồng thời để đảm bảo việc sửa Luật BHXH đóng 15 năm được lĩnh lương hưu.
Tỷ lệ hưởng lương hưu bình quân với mỗi năm tham gia bảo hiểm xã hội của các nước trên thế giới chỉ khoảng 1,7%; Trung Quốc, Hàn Quốc khoảng 1%. Riêng Việt Nam, tỷ lệ này theo luật hiện hành là 2,14% với nam và 2,5% với nữ.
Căn cứ theo tỷ lệ này, mức hưởng của lao động nam ban đầu được đề xuất 2,25% mỗi năm, đóng đủ 15 năm hưởng 33,75%. Như vậy sẽ rất thiệt thòi. Sau khi tiếp thu góp ý của đại biểu Quốc hội, đánh giá kỹ tác động lẫn khả năng cân đối của Quỹ Hưu trí tử tuất, mức hưởng lương hưu được điều chỉnh lên 40%, tăng 6,25% so với đề xuất trước đó.
Để đạt mức hưởng 75%, nam giới cần đóng BHXH 35 năm, nữ giới chỉ cần cần đóng BHXH có 30 năm.