Vị Tướng của nhân dân, danh Tướng vì hòa bình
Tên tuổi, cuộc đời và sự cống hiến vĩ đại của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trở thành niềm tự hào, kiêu hãnh không chỉ của nhân dân Việt Nam mà còn là thần tượng của các dân tộc yêu chuộm hòa bình trên thế giới. Việt Nam, Hồ chí Minh, Võ Nguyên Giáp đã trở thành tên gọi trìu mến, yêu thương của các dân tộc trên trái đất này.
“Tướng Giáp, trong suốt một chiều dài của lịch sử hiện đại, được ghi danh không chỉ như một danh tướng thắng cả quân Pháp và quân Mỹ, mà còn như một tướng soái vĩ đại nhất của thế kỷ XX, và chắc là của lịch sử nhân loại. Nhưng còn một sự thật đau lòng nữa, là cùng thời với tướng Giáp, nhiều người thuộc thế hệ trẻ ở cả hai phía cuộc chiến, hoặc đã phải nằm xuống do chiến tranh, hoặc những năm đẹp nhất của tuổi xuân quên mình vì thời chiến…Những mất mát như thế kết tinh trong lời bình có phần nuối tiếc của tướng Giáp: Nếu không có chiến tranh, chắc tôi vẫn làm nghề giáo”, Tiana cho rằng những ghi chép như trên Lady Borton (Hoa Kỳ) là những bằng chứng sinh động về Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà cả nhận loại cần phải biết. Đại tướng thực sự là danh tướng vì hòa bình, sự xuất hiện của ông trên cõi đời này là để kết thúc chiến tranh mang lại niềm hạnh phúc cho nhân loại yêu chuộng hòa bình khắp thế giới.
Những thước phim của Tiana đã ghi lại một cách chân thực nhất về tình cảm của nhân dân Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế dành cho một vị tướng đã đánh bại cả đế quốc thực dân kiểu Pháp và đế quốc thực dân kiểu Mỹ trong thế kỷ XX. Trên cánh đồng Mường Thanh lịch sử năm xưa, Tiana đã bắt gặp những cụ già trên 90 tuổi người đồng bào các dân tộc thiểu số từng sống trong những ngày bão lửa chống Pháp. Trong sâu thẳm ký ức của họ vẫn in đậm hình ảnh Tướng Giáp vị anh hùng của một dân tộc anh hùng như trong sử thi của đồng bào, Người đã đến để xua đi những đám mây đen trên bầu trời và cả những điều bất công trên mặt đất.
Hay tại những khu nghĩa địa tưởng niệm những cựu binh đã ngã xuống trong chiến tranh Việt Nam, Tiana đã gặp những cựu binh già còn sống để hỏi về cảm nghĩ của họ về Tướng Giáp. Thật bất ngờ, họ không chỉ dành cho Tướng Giáp một sự ngưỡng mộ về một vị tướng có tài thao lược trên chiến trường mà họ còn ca ngợi Tướng Giáp là vị tướng của công lý và hòa bình. Một vị tướng biết tập hợp sức mạnh tinh thần, biến ý chí đấu tranh chính nghĩa của nhân dân để đè bẹp mọi vũ khí hiện đại và sức mạnh vật chất hùng mạnh nhất hành tinh trong thế kỷ XX.
Võ công truyền Quốc sử, Văn đức quán nhân tâm
Tiana rất ấn tượng khi biết chữ Võ (武) gồm có bộ “Qua”- binh đao và bộ “Chỉ” - dừng lại. Võ đạo chân chính đích thực khi đạt tới tuyệt đỉnh công phu không phải dùng để uy hiếp kẻ yếu hay để chống lại kẻ mạnh mà phải thu phục nhân tâm, “dừng lại” binh đao như huyền thoại Lý Tiểu Long từng dạy cô.
Đây cũng là tinh thần “thượng văn” của ông cha ta ngàn đời: “Đạp quân thù xuống đất đen. Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa”. Bác Hồ đặt tên thường gọi cho một vị tướng võ điều binh khiển tướng lẫy lừng trên chiến trường như Đại tướng là “Văn”. Phải chăng Bác mong muốn Đại tướng làm việc Võ trên nền tảng nhân Văn hướng thiện: “Văn lo vận nước Văn thành Võ/ Võ thấu lòng dân Võ hóa Văn”.
Tiana vô cùng xúc động không chỉ bởi những trang sử hay lời kể của những nhân chứng, những lời bình luận giới của sử gia trên toàn thế giới mà còn bởi những câu chuyện đời thường rất cảm động về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Từ việc nhỏ như Đại tướng không bao giờ quên việc chụp ảnh lưu niệm với người thợ chụp ảnh, với phóng viên ở cuối buổi làm việc vì học phải mệt mài chụp ảnh cho người khác trong suốt buổi làm việc hay khi ký tặng sách cho khách đến thăm, cũng như lối sống giản dị hòa đồng với thiên nhiên, gần gũi chan hòa với đồng chí đồng đội trong mỗi lần gặp gỡ. Và đặc biệt là lòng tôn kính vô hạn của Đại tướng với Bác Hồ muôn vàn kính yêu…Những điều đó như một lẽ sống tự nhiên trong con người Đại tướng!
Người viết bài dâng cuốn sách Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lòng dân được xuất bản năm 2019 theo tâm nguyên của cố nhà báo Đỗ Phượng
Những năm tháng giúp việc Nhà báo Đỗ Phượng, nguyên TGĐ TTXVN, một người đồng chí thân thiết gần gũi với Đại tướng trong suốt những năm kháng chiến chống Pháp đến khi Người ra đi về cõi vĩnh hằng, người viết bài này vinh hạnh có nhiều dịp được tiếp xúc với Đại tướng cùng nhà báo Đỗ Phượng và ghi lại những câu chuyện cảm động về Người. Cũng nhờ đó, mà chúng tôi mới quen Tiana Alexandra và được xem những tư liệu đồ sộ về Việt Nam và Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Viện phim Đông Dương của cô. Còn Tiana tranh thủ tiếp cận những tư liệu, những câu chuyện cảm động về Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ những người có duyên được giúp việc gần gũi bên Người. Cô vô cùng xúc động khi nghe câu chuyện Đại tướng từ chối làm sách riêng về mình, mà chúng tôi may mắn là những người trong cuộc.
Đó là, nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2004), những phóng viên của TTXVN từng theo Đại tướng qua các thời kỳ có nguyện vọng làm một cuốn sách ảnh về Đại tướng. Hôm đó, nhà báo Đỗ Phượng mang bản thảo cuốn sách đến xin ý kiến Đại tướng. Lật mở từng trang một cách trân trọng. Song Đại tướng chợt buồn với những giọt nước mắt lăn chậm trên gò má đã nhăn nhoe. Đại tướng xúc động: “Cảm ơn những ý tưởng tốt đẹp của các đồng chí. Nhưng tuyệt đối không được làm sách ảnh riêng về tôi trong khi hàng vạn đồng bào chiến sĩ đã ngã xuống trong những cuộc vệ quốc vĩ đại của dân tộc đến nay nhiều người chưa tìm thấy hài cốt, nhiều người chưa có một tấm ảnh nhỏ để thờ. Thành thật xin lỗi các đồng chí”.
Lời nói đó bật lên từ trong sâu thẳm tấm lòng, có lẽ còn là mệnh lệnh của trái tim, là niềm trăn trở ngày đêm của một vị tướng thương xót trân trọng tất thảy sự hi sinh của đồng bào chiến sĩ. Chính tấm lòng vì dân vì nước từ những việc rất nhỏ càng giúp chúng ta cảm nhận rõ hơn về sự vĩ đại của một nhân cách lớn. Nhân cách cánh vĩ đại của Đại tướng đến từ những cách ứng xử với những việc rất nhỏ. Tiana không chỉ nghe được nhiều câu chuyện cảm động như thế từ những người giúp việc gần gũi Đại tướng, mà trong hành trình đi vòng quanh thế giới để tìm kiếm nhân chứng đã từng tham gia hai cuộc chiến tại Việt Nam, cô đã trực tiếp ghi lại những lời tâm sự của chính những người lính ở bên kia chiến tuyến với Đại tướng. Người thương yêu chiến sĩ đồng bào, quý trọng từng giọt máu của cấp dưới, quan hệ giữa Đại tướng với người lính là quan hệ anh em, cha con ruột thịt gần gũi.
Tiana lặng lẽ ngồi chịu tang Đại tướng trong ngày Quốc tang
Đại tướng về với cõi Bác Hồ thượng thọ 103 tuổi (Mùng 04/10/2013). Trong dòng người thể hiện khí phách dân tộc hôm ấy, người ngoại tộc để tang Đại tướng như người thân trong gia đình có Nhà báo Đỗ Phượng và Tiana. Tiana ngồi gần linh cữu Đại tướng buồn rũ tiếc thương Đại tướng. Sự cứng cỏi mạnh mẽ thường ngày của cô không còn nữa! Cặp mắt sâu thâm quầng nhìn xa xăm, cô nhớ lại những phút giây hạnh phúc bên Người. Phút giây này, cô nhớ về Đại tướng, nhớ về Bác Hồ và bao thế hệ cha anh đã ngã xuống cho non sông vẹn toàn thống nhất, cho đất nước phồn vinh thịnh vượng, cho dân tộc mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững!
Ngày Quốc tang Đại tướng, Tiana ghi lại những thước phim cuối cùng trong hành trình 25 năm làm phim về bậc thầy của cách mạnh. Cả dân tộc hướng về Đảo Yến (Quảng Bình), nơi Người ngàn năm yên nghỉ hướng ra biển Đông gắn với lời dặn của tiền nhân: “Biển Đông vạn dặm dang tay giữ. Đất Việt muôn năm vững trị bình”. Đây cũng là di nguyện thiêng liêng của Bác Hồ để lại qua người giúp việc gần gũi bên Người là cụ Cù Văn Chước, mà người viết bài may mắn làm giao liên chuyển thông tin trên tới những người có trách nhiệm.
25 năm “Từ Hollywood tới Hà Nội” là hành trình đầy tự hào của nữ đạo diễn người Mỹ gốc Việt tìm về với cội nguồn, Tiana Alexandra. Cô luôn tự hào về người chồng, nhà biên kịch lừng danh Hollywood Stirling Silliphant một người Mỹ yêu Việt Nam, quý trọng Bác Hồ và Đại tướng; về huyền thoại võ thuật Lý Tiểu Long, một người thầy, người anh đã làm thay đổi cuộc đời và số phận của cô; Đặc biệt, cô luôn tự hào về vị tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp với tấm lòng thành kính trân trọng, người học trò xuất sắc của lãnh tụ Hồ Chí Minh, người anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng như GS. AHLĐ Vũ Khiêu đã viết:
Võ công truyền quốc sử,
Văn đức quán nhân tâm.