Vĩnh Phúc: Thôn Chùa thân thiện, xanh - sạch - đẹp

Xây dựng “thôn thông minh” mang lại nhiều tiện ích cho người dân khu vực nông thôn trong thời đại công nghệ 4.0. Trong quá trình hoàn thiện các tiêu chí xây dựng NTM kiểu mẫu, xã Ngũ Kiên, huyện Vĩnh Tường đã chọn thôn Chùa làm điểm xây dựng thôn NTM thông minh. Sau một thời gian thực hiệncác tiêu chí đã hoàn thành và được cấp trên công nhận, đến nay, thôn Chùa như khoác lên mình tấm áo mới hòa quyện giữa thiên nhiên thân thiện, môi trường xanh - sạch - đẹp và sự tiện ích của các dịch vụ hiện đại thời công nghệ số.
thon-chua-ngu-kien-1720583863.jpg
Cán bộ thôn Chùa, xã Ngũ Kiên hướng dẫn người dân tải app địa chỉ số cho từng hộ gia đình. Ảnh: Dương Hà

Đại diện lãnh đạo xã Ngũ Kiên cho biết: Việc xây dựng mô hình NTM thông minh là một nhiệm vụ mới, đòi hỏi người dân phải có sự hiểu biết về CNTT, đây cũng là cái khó khăn nhất trong thời điểm đầu khi xã mới triển khai thực hiện. Nhưng với sự quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền từ xã đến thôn, đã tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao trong nhân dân và hôm nay đã có thành quả xứng đáng.
Việc gắn mã địa chỉ số, các công việc của thôn, xã đã xong, ngay sau khi có mẫu thống nhất của Bộ TT&TT, xã  triển khai hoàn tất việc gắn biển địa chỉ và cấp quyền truy cập cho người dùng.
Mô hình thôn thông minh là một trong những tiêu chí để xã đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu. Bởi vậy, trên cơ sở thành công từ mô hình này, xã sẽ tiếp tục nâng cao các tiêu chí NTM thông minh tại thôn Chùa và nhân rộng mô hình ra toàn xã, hướng tới mục tiêu không ngừng nâng cao đời sống nhân dân trong thời đại mới.
Khi chúng tôi ngỏ ý muốn xuống nhà đồng chí trưởng thôn và một hộ dân ở thôn Chùa để phỏng vấn, Chủ tịch UBND xã Ngũ Kiên Hoàng Văn Chương đưa chiếc điện thoại và hướng dẫn chúng tôi: Chỉ cần mở App mã địa chỉ trên điện thoại thông minh là sẽ được chỉ dẫn đến chính xác địa chỉ nhà của của bất kỳ hộ nào trong thôn mà không cần phải hỏi thăm.
Hiện nay, 100% hộ dân thôn Chùa đã gắn mã địa chỉ trên nền tảng bản đồ số, xác định vị trí tọa độ trên GPS để kết hợp với các dịch vụ tiện ích khác như bản đồ dịch tễ, bản đồ vùng an toàn dịch bệnh, bản đồ du lịch, bản đồ giáo dục…
Đến thăm quan thôn Chùa, dừng chân tại nhà văn hóa, chúng tôi cảm nhận không khí sôi động, vui tươi của người dân đang tập luyện TDTT theo tiếng nhạc rộn ràng được phát từ chiếc loa có kết nốt wifi miễn phí.

Bí thư Chi bộ thôn Chùa Phan Duy Hợi cho biết: Hiện nay, nhà văn hóa thôn đã lắp đặt mạng wifi miễn phí. Các địa điểm công cộng và các hộ dân cũng phủ sóng 3G, 4G. Nhờ vậy, người dân có nhu cầu tìm hiểu pháp luật, văn hóa văn nghệ thể thao, học tập, giải trí đều được đáp ứng đầy đủ.
Cán bộ thôn cũng đã ứng dụng nền tảng công nghệ số để thông tin các chủ trương, chính sách đến người dân một cách nhanh chóng, kịp thời. Ban phát triển xây dựng thôn thông minh thôn Chùa thành lập trang Zalo “Thôn Chùa với pháp luật” và trang facebook “Thôn Chùa - Ngũ Kiên miền quê đáng sống”, tuyên truyền nếp sống văn minh, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; cập nhật lịch phun thuốc trừ sâu, tiêm phòng gia súc gia cầm, lịch gieo cấy, kế hoạch phòng chống thiên tai, chi trả tiền bồi thường GPMB…

Có wifi miễn phí còn rất tiện ích cho người dân đóng tiền điện, nước, nộp học phí, mua bán hàng hóa hoặc tư vấn khám chữa bệnh mà không cần phải đến trực tiếp.

Nhắc đến tiêu chí số 2 về y tế của thôn thông minh, Trưởng thôn Chùa Đỗ Thị Nguyệt phấn khởi chia sẻ thêm: Ban phát triển xây dựng thôn thông minh thôn Chùa đã phối hợp với Phòng khám đa khoa Hà Nội – Vĩnh Tường, Trung tâm Y Tế huyện Vĩnh Tường, Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội để thực hiện tư vấn sức khỏe, khám chữa bệnh từ xa cho nhân dân trong thôn.

Từ khi triển khai đến nay, nhờ tích cực tuyên truyền, vận động, nhân dân thôn Chùa đã thay đổi tư duy, cách nghĩ về khám chữa bệnh, nhiều người bị ốm đã chủ động tìm hiểu, mở ứng dụng trao đổi trực tiếp với bác sĩ và được tư vấn, điều trị bệnh rất tận tình, đạt kết quả tốt, bởi vậy, người dân ngày càng tin tưởng, khai thác tiện ích của y tế điện tử. Đến nay, tỷ lệ dân số trong thôn có sổ khám chữa bệnh điện tử đạt 100%; hơn 70% người dân thường xuyên sử dựng ứng dụng khám bệnh từ xa.
Tại chợ Chùa - khu chợ tập trung đông các tiểu thương kinh doanh, buôn bán đa dạng các mặt hàng. Mặc dù ở nông thôn, người dân chủ yếu vẫn làm nông nghiệp nhưng trước các quầy hàng từ điện máy, hàng gia dụng, tạp hóa đến các mặt hàng thực phẩm, rau củ quả… đều có bảng quét mã QR. Người mua hàng thay vì dùng tiền mặt chỉ cần quét mã qua điện thoại là có thể thanh toán chi phí.
Quan sát, chúng tôi cảm nhận thấy người dân ở đây hào hứng, thích thú với hình thức thanh toán này. Một bác nông dân có nụ cười hồn hậu, dí dỏm chia sẻ: “Có cái quét mã này tiện thật, mấy lần đi chợ quên tiền tôi vẫn mua được rau, thịt về nhà mà không lo bà xã phàn nàn! Đã vậy quét mã không lo tiền giả và nguy cơ lây nhiễm virus như dùng tiền mặt!”

Dù chỉ là một câu nói vui nhưng cũng thể hiện rõ sự phấn khởi của người dân nơi đây trước đổi mới của làng quê mình thời công nghệ số. Được biết, UBND xã Ngũ Kiên đã phối hợp với Ngân hàng Viettinbank mở tài khoàn cá nhân cho nhân dân thôn Chùa, hiện hơn 91% công dân trưởng thành trong thôn có tài khoản thanh toán trực tuyến.
100% hộ kinh doanh thôn Chùa vừa kết hợp bán hàng theo phương thức truyền thống vừa sử dụng mạng xã hội facebook, zalo, livestream để quảng bá sản phẩm và bán hàng.
Theo đánh giá của chính quyền địa phương, thông qua những tiện ích của công nghệ số, hoạt động kinh doanh, thương mại, dịch vụ của thôn trở nên sôi động hơn, sự tương tác giữa người mua - người bán diễn ra thuận tiện.
Nhiều mặt hàng, nhất là nông sản của người dân được giới thiệu, quảng bá rộng rãi, tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng, lượng hàng bán ra lớn, doanh thu từ kinh doanh thương mại nhờ vậy tăng lên.