Trong công cuộc xây dựng và Phát triển đất nước hiện nay, báo chí không đơn thuần là phương tiện truyền tải thông tin, mà còn là công cụ sắc bén trong việc định hướng dư luận xã hội, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái thù địch, lan tỏa các giá trị chân - thiện - mỹ, xây dựng niềm tin và khát vọng phát triển dân tộc. Muốn thực hiện sứ mệnh đó, không thể thiếu một nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại - mà yếu tố cốt lõi chính là môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí.
Phong trào “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam và Báo Nhân Dân phát động từ năm 2022 đã đặt ra một yêu cầu tất yếu đối với báo giới cả nước trong bối cảnh thông tin đa chiều, mạng xã hội phát triển mạnh mẽ và không gian truyền thông ngày càng phức tạp. Tại tỉnh Vĩnh Phúc với vị trí chiến lược trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, báo chí tỉnh nhà vừa là tiếng nói phản ánh sự phát triển năng động, vừa là kênh đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực - phong trào này đã được triển khai nghiêm túc, đồng bộ và mang lại những chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, thực tiễn cũng chỉ ra rằng, việc xây dựng môi trường văn hóa báo chí không phải là công việc ngắn hạn, càng không thể chỉ dừng ở hình thức, phong trào. Đây phải là một quá trình kiên trì cải biến từ nhận thức đến hành động, từ cơ chế đến con người, gắn chặt với yêu cầu nâng cao chất lượng sản phẩm báo chí, đạo đức người làm báo và văn hóa tổ chức trong từng cơ quan truyền thông.

Văn hóa - Nền tảng của báo chí chuyên nghiệp
Văn hóa trong cơ quan báo chí không phải là khẩu hiệu hay nghi thức hành chính. Đó là tập hợp các giá trị cốt lõi được thể hiện qua tác phong làm việc, thái độ nghề nghiệp, tinh thần trách nhiệm với công chúng và chuẩn mực đạo đức trong mỗi sản phẩm báo chí. Một cơ quan báo chí văn hóa là nơi mọi thành viên đều hiểu rõ trách nhiệm xã hội, thượng tôn sự thật, đề cao tính nhân văn, trung thực với công chúng và tuân thủ nghiêm pháp luật.
Tại Vĩnh Phúc, Hội Nhà báo tỉnh, các cơ quan báo chí: Báo Vĩnh Phúc, Đài PT-TH Vĩnh Phúc, Tạp chí Văn nghệ Vĩnh Phúc và Văn phòng đại diện, phóng viên thường trú các báo, tạp chí Trung ương thường trú trên địa bàn đã triển khai các chương trình hành động cụ thể: ban hành quy chế nội bộ, tổ chức sinh hoạt chuyên đề, gắn nội dung thi đua với tiêu chí đạo đức nghề nghiệp, từ đó góp phần hình thành môi trường làm việc chuyên nghiệp, dân chủ, kỷ cương. Đáng chú ý, trong nhiều năm gần đây, không có hội viên nhà báo nào vi phạm pháp luật, vi phạm 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, vi phạm quy tắc sử dụng mạng xã hội hay có biểu hiện lệch chuẩn về đạo đức nghề nghiệp - điều này phản ánh rõ hiệu quả của quá trình xây dựng cơ quan báo chí văn hóa và văn hóa người làm báo.
Sự phát triển của môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí Vĩnh Phúc còn được thể hiện qua chất lượng và số lượng tác phẩm báo chí ngày càng được nâng cao. Từ năm 2022 đến nay, Hội Nhà báo tỉnh Vĩnh Phúc rất tích cực phát động tới toàn thể hội viên phong trào sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao. Thường trực Hội đã chỉ đạo các chi hội nhà báo trực thuộc tổ chức cho hội viên đăng ký sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao thuộc Chương trình hỗ trợ các tác phẩm báo chí địa phương giai đoạn 2020-2025 theo Quyết định 558 của Thủ tướng Chính phủ, mỗi năm đặt hàng 25-30 tác phẩm báo chí. Trong các năm 2022, 2023, 2024, Hội đã hỗ trợ gần 80 tác phẩm báo chí chất lượng cao, trong đó mỗi năm hỗ trợ 2 tác phẩm báo chí chất lượng cao trọng điểm với mức hỗ trợ 10 triệu đồng/tác phẩm. Đây là mức hỗ trợ cao nhất của cả nước trong thực hiện Chương trình này của Chính phủ.
Song song với đó, Hội phát động nhiều cuộc thi báo chí chuyên đề: “Bác Hồ với Vĩnh Phúc”, “Vĩnh Phúc phòng, chống dịch Covid - 19”, “Vĩnh Phúc chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Văn hóa, du lịch, xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu tỉnh Vĩnh Phúc”, “Lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng” tỉnh Vĩnh Phúc... nhận được sự tham gia tích cực của hội viên nhà báo, trên 200 tác phẩm báo chí xuất sắc được trao giải, thiết thực phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh, đồng thời động viên, khuyến khích phong trào sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao trong hội viên.
Một điểm nổi bật trong phong trào này là Hội Nhà báo tỉnh Vĩnh Phúc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là cơ quan thường trực tổ chức Giải báo chí tỉnh Vĩnh Phúc hàng năm. Trong các năm 2023, 2024, 2025, Hội đồng Giải đã trao thưởng cho 107 tác phẩm báo chí xuất sắc tham dự Giải. Các tác phẩm báo chí xuất sắc được trao giải tạo hiệu ứng lan tỏa lớn, tạo ra nguồn thông tin chất lượng cao, có sức thuyết phục độc giả, công chúng tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Hội viên nhà báo tỉnh Vĩnh Phúc rất tích cực tham gia các Giải Báo chí của Trung ương và liên tục đạt thành tích cao khi tham gia các Giải báo chí: Giải Khuyến khích, Giải C, Giải B Giải Búa liềm vàng; Giải Khuyến khích Giải Báo chí Quốc gia; Giải Đồng, Giải Bạc Liên hoan Phát thanh, Liên hoan truyền hình toàn quốc. Hội Nhà báo tỉnh, Báo Vĩnh Phúc đạt giải thưởng Tập thể xuất sắc tại Giải Búa liềm vàng, Giải Diên hồng...
Những kết quả này cho thấy báo chí Vĩnh Phúc đang từng bước khẳng định vị thế, không ngừng đổi mới nội dung và hình thức, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Những thách thức cần nhìn nhận thẳng thắn

Song song với những kết quả tích cực, không thể phủ nhận rằng, môi trường báo chí hiện nay vẫn đang đối mặt với nhiều sức ép, cả từ bên trong lẫn bên ngoài. Cạnh tranh thông tin khốc liệt, áp lực lượt xem, lượt tương tác dễ khiến một bộ phận nhỏ nhà báo chạy theo giật gân, thiếu kiểm chứng, làm lu mờ giá trị cốt lõi là tính chính xác và trách nhiệm xã hội.
Do đó, muốn tiếp tục xây dựng môi trường văn hóa báo chí bền vững, cần bắt đầu từ ba trụ cột: đào tạo con người - ứng dụng công nghệ - hoàn thiện cơ chế.
Về đào tạo con người: Đào tạo không chỉ là đào tạo kỹ năng mà còn là bồi đắp bản lĩnh, đạo đức và tư duy độc lập cho người làm báo để xây dựng đội ngũ nhà báo “vừa hồng, vừa chuyên”, biết viết đúng, viết sâu, viết có trách nhiệm, hoàn thành tốt trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của người làm báo Việt Nam.
Về chuyển đổi số - động lực cho báo chí hiện đại: Môi trường văn hóa không thể hình thành trên một hạ tầng kỹ thuật lạc hậu. Ứng dụng công nghệ hiện đại vào quy trình sản xuất, kiểm duyệt và phân phối nội dung sẽ giúp tăng tính minh bạch, chuẩn hóa hoạt động báo chí. Song song với đó, cần đào tạo kỹ năng số cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên… để họ làm chủ công nghệ, phục vụ tốt hơn công chúng.
Về hoàn thiện cơ chế thi đua - đánh giá minh bạch: Không thể nói đến xây dựng văn hóa nếu thiếu đi hệ thống đánh giá hiệu quả, minh bạch, công bằng. Do đó, đối với các sản phẩm báo chí cần có tiêu chí cụ thể để đo lường việc thực hiện các giá trị văn hóa báo chí: từ chất lượng tác phẩm, mức độ tương tác, phản hồi tích cực từ công chúng đến thái độ nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội. Khen thưởng, kỷ luật cần rõ ràng, công khai, đúng người, đúng việc - đó là cách để nuôi dưỡng động lực cống hiến.
Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí không phải là công việc của riêng cơ quan báo chí hay cá nhân nào. Đó là trách nhiệm chung của các cơ quan báo chí và của từng hội viên nhà báo. Trong hành trình phát triển báo chí hiện đại, báo chí Vĩnh Phúc đã duy trì, mở rộng và nâng tầm phong trào xây dựng cơ quan báo chí và văn hóa người làm báo, cùng báo chí cả nước xứng đáng với vai trò là lực lượng tiên phong trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, là nhịp cầu kết nối giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân, là tiếng nói của lương tri, công lý và khát vọng vươn lên của cả dân tộc.