Theo tin từ Bộ NN&PTNT, 9 tháng nông lâm thuỷ sản xuất khẩu ước đạt 40,8 tỷ USD tăng 15,2% so với cùng kỳ, nhập khẩu ước khoảng 33,9 tỷ USD (tăng 5,7%), xuất siêu khoảng 6,9 tỷ USD tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước.
Tính riêng về xuất khẩu, nhóm nông sản chính trên 16,8 tỷ USD, tăng 7,5%; lâm sản chính khoảng 13,3 tỷ USD, tăng 10,8%; thủy sản trên 8,5 tỷ USD, tăng 38,0%; chăn nuôi 265,5 triệu USD, giảm 18,4%.
Đến nay, có 7 sản phẩm/nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD là: cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, sản phẩm gỗ.
Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất,đạt trên 10,5 tỷ USD (chiếm 25,8% thị phần); đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc khoảng 7,4 tỷ USD (chiếm 18,2% thị phần); thứ 3 là thị trường Nhật Bản với giá trị xuất khẩu đạt trên 3,1 tỷ USD (chiếm 7,6%); thứ 4 là thị trường Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu đạt trên 1,9 tỷ USD (chiếm 4,7%).
Để đạt được một số chỉ tiêu chính của năm 2022 như tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thuỷ sản đạt 55 tỷ USD (cao hơn Chính phủ giao 5 tỷ USD) thì toàn ngành đang thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp.
Đối với xúc tiến thương mại quốc tế, mở cửa thị trường, thúc đẩy xuất khẩu, Bộ sẽ chủ động cùng Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao nghiên cứu, phân tích, dự báo thị trường, cơ hội và thách thức; đánh giá tác động và tham mưu Thủ tướng Chính phủ có đối sách, kịch bản thích ứng với diễn biến cung - cầu nông lâm thủy sản trên thế giới, nhất là đối với hàng lương thực, thực phẩm (như mới đây là chính sách “phát triển nông nghiệp bền vững” của Thái Lan, Châu Âu ban hành “Chính sách nông nghiệp chung mới”, Ấn độ hạn chế xuất khẩu gạo, Trung Quốc dần nới lỏng hạn chế xuất nhập khẩu khi thực thi chính sách “Zero Covid”…).
Đồng thời, thúc đẩy nâng cao trình độ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ; gia tăng chế biến để nâng cao năng suất; nghiên cứu chọn tạo giống, quy trình thâm canh nhằm tăng năng suất, chất lượng nông sản.