Theo CNBC, chính phủ Ấn Độ cho biết các đơn hàng có thư tín dụng (L/C) được phát hành trước lệnh cấm sẽ vẫn được xuất khẩu. Nước này cũng cho phép xuất khẩu theo yêu cầu từ những quốc gia "đang cố gắng đáp ứng nhu cầu an ninh lương thực".
Ấn Độ là nhà sản xuất lúa mì lớn thứ 2 thế giới. Nhu cầu nhập khẩu lúa mì từ nước này tăng lên sau khi nguồn cung của khu vực Biển Đen sụt giảm vì xung đột Nga - Ukraine.
Lệnh cấm của Ấn Độ có thể đẩy giá toàn cầu lên mức đỉnh mới và ảnh hưởng đến người tiêu dùng nghèo ở châu Á và châu Phi.
Giá thực phẩm và năng lượng tăng đã đẩy lạm phát tiêu dùng hàng năm của Ấn Độ lên mức cao nhất trong 8 năm vào tháng 4.
Giá lúa mì ở Ấn Độ đã tăng lên mức cao kỷ lục 25.000 rupee (322,71 USD)/tấn tại một số thị trường giao ngay. Để so sánh, mức giá hỗ trợ tối thiểu cố định của chính phủ là 20.150 rupee.
Đợt nắng nóng làm giảm sản lượng lúa mì tại Ấn Độ. Giá trong nước đạt mức cao kỷ lục vì nhu cầu xuất khẩu tăng mạnh. Ảnh: Reuters. |
Đầu tuần này, Ấn Độ vạch ra mục tiêu xuất khẩu kỷ lục cho năm tài chính 2022/23, bắt đầu từ ngày 1/4. Tuy nhiên, theo một chủ đại lý có trụ sở tại New Delhi, đợt nắng nóng đột ngột vào giữa tháng 3 khiến quy mô cây trồng bị thu hẹp hơn dự kiến khoảng 100 triệu tấn, thậm chí hơn.
Trong tháng 4, Ấn Độ đã xuất khẩu kỷ lục 1,4 triệu tấn lúa mì. Nước này cũng ký kết các thỏa thuận để xuất khẩu khoảng 1,5 triệu tấn vào tháng 5.
“Lệnh cấm của Ấn Độ sẽ nâng giá lúa mì toàn cầu. Hiện, không còn nước cung cấp lớn nào trên thị trường”, chủ đại lý nói với CNBC.
Thời gian qua, nhiều quốc gia đang gia tăng bảo hộ nhằm đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh giá nông sản tăng cao. Indonesia đã cấm xuất khẩu dầu cọ, còn Serbia và Kazakhstan áp đặt hạn ngạch với các lô hàng ngũ cốc.