Từ "hạt cơ bản" đến "siêu lúa"
Trao đổi với PV, GS.TSKH Trần Duy Quý, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp, cho biết: Những năm 1960, phong trào Cách mạng xanh (CMX) nông nghiệp lan rộng toàn cầu. Việt Nam tham gia cuộc CMX thông qua du nhập giống lúa từ Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI). Với những sáng tạo của nhà nông và sự cần cù, chịu sương chịu nắng, các giống lúa từ nước ngoài đều phát triển tốt tại nước ta. CMX ngành lúa gạo Việt Nam đánh dấu sự thành công trong nghiên cứu, ứng dụng giống lúa mới.
Sau Đổi mới, năm 1989, Việt Nam chuyển sang xuất khẩu gạo, chấm dứt thời kỳ thiếu gạo. Nhờ tự chủ trong sản xuất, khoa học lúa gạo Việt Nam khởi sắc với nhiều bước tiến lớn trong nghiên cứu giống lúa.
Một trong những nghiên cứu mang tính đột phá trong chọn tạo giống lúa ở nước ta là giống lúa DT10. Đây là giống lúa thuần thâm canh năng suất cao, chống đổ tốt, và có khả năng chịu sâu bệnh, đặc biệt là chịu được điều kiện mặn và thiếu lân.
Tháng 12/1990, Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp Thực phẩm công nhận DT10 là giống lúa quốc gia, chính thức được đưa vào canh tác nhờ những ưu điểm vượt trội. Giống DT10 có khả năng thích nghi rộng, năng suất cao (6-8 tấn/ha, cao hơn 40% so với năng suất trung bình); thể hiện khả năng chống chịu sâu bệnh đạo ôn, bạc lá, rầy nâu tốt.
DT10 còn vươn ra các nước trồng lúa khác ở châu Á và châu Phi. Vụ đông xuân 1997 tại Iraq, DT10 được trồng trên diện tích đại trà và đạt năng suất kỷ lục, bình quân 11 tấn/ha. Năm 1998, Phó Tổng thống Iraq đã sang Việt Nam ký hợp tác về Nông nghiệp, đến thăm Viện Di truyền Nông nghiệp để cảm ơn nhóm tác giả giống DT10 nổi tiếng.
Việc nghiên cứu, sản xuất thành công giống DT10 mở đầu cho hàng loạt đột phá khoa học về bộ giống năng suất cao, chất lượng tốt, chịu thâm canh, chống chịu sâu bệnh, thích ứng rộng với nhiều điều kiện sinh thái. Từ năm 1990, các giống như DT10 đã xuất sắc thay thế các giống lúa nhập nội từ IRRI (Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế).
Dựa trên những thành tựu đó, nhà khoa học nông nghiệp Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, chọn tạo các giống lúa thuần năng suất cao, thay thế hoàn toàn các giống nhập nội từ Trung Quốc. Gần đây, sự manh nha của các giống siêu lúa, năng suất cao dần thay thế một phần các giống lúa lai từ Trung Quốc.
Đó là những bước tiến quan trọng, đánh dấu sự đổi mới và hiệu quả trong nghiên cứu giống lúa tại Việt Nam, tiến tới sự tự chủ trong công tác chọn tạo giống.
Nỗi buồn nhà khoa học đầu ngành
GS.TSKH Trần Duy Quý là thành viên nhóm nghiên cứu ngày đó, cùng với người đứng đầu là GS.TSKH Phan Phải, KS Bùi Huy Thủy, KS Nguyễn Văn Bích. Sự thành công của giống DT10 đã đem lại cho các nhà khoa học của Viện Di truyền nông nghiệp nhiều giải thưởng danh giá về khoa học công nghệ.
Theo GS.TSKH Trần Duy Quý, khi tiếp xúc với giới khoa học nước ngoài từ lúc đào tạo cao học ở Liên Xô, trí tuệ của các nhà khoa học Việt Nam được đánh giá rất cao, dù đất nước suốt gần trăm năm phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh.
Trong bối cảnh vô cùng gian khó, Nhà nước đã đầu tư nhiều cho khoa học, thậm chí một số chuyên gia từng làm việc cho chính quyền cũ, cũng về chung tay xây dựng đất nước thống nhất. Các chuyên gia nước ngoài được mời về Việt Nam cộng tác.
Tuy nhiên, có một điều mà GS Quý thấy buồn, là sau 53 năm cống hiến cho cây lúa, hạt gạo, ông thấy thực trạng là một số nhà khoa học bỏ ra ngoài làm thuê. “Có lúc họ thiếu đề tài để triển khai; song có thời điểm lại bị quá tải. Công việc thiếu cân bằng, ít nhiều đã ảnh hưởng đến khả năng cống hiến của người nghiên cứu”.
Một điều nữa khiến vị nguyên Viện trưởng lo ngại, là cơ chế, suất đầu tư, cơ sở hạ tầng và đặc biệt là môi trường làm khoa học ở Việt Nam còn “một số điểm chưa bằng” các nước trong khu vực và trên thế giới. Nếu coi là tốt, thì chỉ tập trung ở một số Viện, Trường lớn.
Ở góc độ vĩ mô, chuyên gia nghiên cứu lúa nhận thấy, trên thực tế, sự đầu tư cho KH&CN còn thiếu trọng tâm. “Một số công trình nghiên cứu của Việt Nam khi mang ra thế giới được đánh giá rất cao, song chúng ta không thể áp dụng vào thực tiễn Việt Nam, do bị lệch hướng. Nhiều khi nghiên cứu rồi chỉ để đăng trên tạp chí khoa học”, GS Quý phân tích.
Nhà khoa học nông nghiệp đầu ngành di truyền chọn giống hoàn toàn đồng tình với gợi mở của Bộ trưởng Lê Minh Hoan về việc “nghiên cứu bắt nguồn từ nhu cầu, thực tiễn cuộc sống”. Đó là chìa khóa để giải quyết mọi khó khăn.
Khẳng định tầm quan trọng của nghiên cứu lúa gạo, GS.TSKH Trần Duy Quý nói Việt Nam ngày nay có thể tự túc lương thực, xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, là do Nhà nước đã mở cơ chế, có chính sách hợp lý cho giới nghiên cứu.
“Nói cụ thể hơn, Khoán 10 ra đời giúp chúng ta đủ ăn, song lúc này cây giống hoàn toàn phụ thuộc vào IRRI. Sau này, giống lúa lai lại phụ thuộc vào Trung Quốc. Quá trình này kéo dài khoảng 40 năm”, ông Quý nói.
10 năm trở lại đây, khi Nhà nước có những công trình trọng điểm cấp quốc gia, thì Việt Nam có thể được coi là đã vươn lên làm chủ hoàn toàn cuộc chơi. Có thể kể đến Chương trình KC.04, do GS Trần Duy Quý làm chủ nhiệm 2 khóa, trọng tâm công nghệ sinh học phục vụ Nông lâm ngư nghiệp. Ngoài ‘cởi trói’ về chính sách, Nhà nước còn tạo điều kiện cho máy móc hiện đại vào Việt Nam.
Nhưng “cuộc chơi cây lúa” còn một điểm khó, đó là Việt Nam mới tự túc được 40% giống lúa lai, còn lại phải nhập, đa phần từ Trung Quốc. Diện tích lúa lai ở Việt Nam hiện còn khoảng nửa triệu ha, trong khi nghiên cứu lúa lai là điều rất khó. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có thế mạnh ở lúa thuần qua tuyển chọn, cho năng suất không kém gì lúa lai. Ông Quý lấy dẫn chứng giống lúa NPT-3 cho năng suất tới 12 tấn/vụ, nếu thâm canh đúng. Đây là giống lúa được Nhà nước công nhận vào tháng 12/2017.
Ngoài ra, có thể kể đến các giống đang khảo nghiệm như NPT-4, NPT-5, năng suất 9 tấn/ha, đang được thử nghiệm ở Nigeria, châu Phi. “Tôi gửi đi 10 giống, trong đó có gần một nửa được FAO xếp top đầu trong số 100 giống lúa thử nghiệm tại châu Phi. Đó là niềm tự hào, và sự tự tin về năng lực nghiên cứu lúa của Việt Nam”.
Châu Phi là thị trường tiềm năng của cây lúa Việt Nam. Dẫn chứng là chuyến thăm của Tổng thống Sierra Leone, ông Julius Maada Bio, tới Hà Nội tháng 3 năm ngoái. GS Trần Duy Quý cùng các nhà khoa học đã tặng nước bạn 6 giống lúa, song điều đáng tiếc là Sierra Leone chưa có kinh phí triển khai. Với Bản ghi nhớ ký ngày 8/11/2023 giữa Việt Nam - Sierra Leone - FAO, cùng những cam kết sắp tới về Hợp tác Nam - Nam, quốc gia châu Phi này sẽ được tăng cường chuỗi giá trị lúa gạo.
Không gì là không thể Minh chứng rõ hơn về gợi ý của Bộ trưởng Lê Minh Hoan, khi cho rằng khoa học bắt nguồn từ thực tiễn sẽ làm được những điều trước kia tưởng rằng không thể, GS Trần Duy Quý nói về câu chuyện của Tiến sĩ Trần Tấn Phương, người định hướng và tham gia chọn tạo nhiều giống lúa thơm ST, là đồng tác giả các giống lúa ST5, ST13 và là tác giả chính của nhiều giống lúa thơm ST khác. “Ban đầu, dưới sự hướng dẫn của tôi và PGS.TS.AHLĐ Nguyễn Thị Trâm, anh Phương miệt mài dưới đồng ruộng ngày đêm. Anh Phương chọn lai 12 cặp giống lúa bố mẹ ngon nhất của Việt Nam, từ Bắc vào Nam. Ý tưởng bị một số chuyên gia phản đối, song kết quả đã chứng minh điều ngược lại”. Cách làm là chọn lọc, loại trừ. Cụ thể, ông Phương chọn màu hoa đen và trắng, quả nhăn hoặc không nhăn, từ đó lập trình và cho ra kết quả là các giống lúa ST nổi tiếng. Ông Phương hiện là Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Sóc Trăng. “Các giống lúa gạo của Việt Nam vừa ngon vừa ngắn ngày, năng suất cao. Đó là sự khác biệt”, GS.TSKH Trần Duy Quý nói. |