Một câu hỏi hơi vớ vẩn chợt đến với tôi, khi giai điệu bài hát “Biển nhớ” từ đáy sâu ký ức trỗi dậy.
Ngày mai em đi
Biển nhớ tên em gọi về
Gọi hồn liễu rũ lê thê
Gọi bờ cát trắng đêm khuya…
Và tôi bỗng nhớ đến bộ phim Áo đen trắng ám ảnh suốt một thời tuổi trẻ vất vưởng của tôi, chiếu từ mấy chục năm trước tại Hà Nội - phim "Bản giao hưởng dang dở" (nguyên tác: La symphony inachevée) kể về cuộc đời nhạc sĩ thiên tài Áo Franz Schubert: Sau khi cô người yêu buộc phải ngậm ngùi chia tay với Schubert vì gia đình phản đối quyết liệt, cô nói trong nước mắt: "Đừng buồn anh ạ, bởi một người như anh có cái mà những người khác không có, đó là sự bất tử..."
Lời động viên đó hẳn không thể làm vợi nỗi buồn của chàng nhạc sĩ nghèo, anh ngơ ngác đi lang thang trên con đường đất chìm ngập trong biển lúa mỳ. Ngay sau đó, chồng hình chuyển cảnh sang người nhạc sĩ bước từng bước lên bậc thang Nhà thờ, và "Bản giao hưởng dang dở" nổi tiếng bắt đầu dâng lên, cùng với những dòng chữ phim cuối xuất hiện cho đến khi hết bản nhạc…
Phải chăng nhạc sĩ TCS khi hình thành giai điệu “Biển nhớ” cũng từng sống trong nỗi buồn tuyệt vọng về Tình yêu dang dở, Khát vọng đang tìm kiếm, Sự nghiệp còn mờ mịt, Cuộc sống như Hố thẳm... Và ông đã nhớ tiếc về những gì tốt đẹp đã có và cần phải có trong cõi đời phù du đương ngập tràn khói đạn, sự giết chóc, nỗi hận thù; ông mượn giọt mưa tủi hờn, biển động, ngọn liễu rủ, tiếng gió lộng… để bộc lộ “nỗi sầu hoang vu” của mình…
Tôi thiển nghĩ, bất cứ nhạc sĩ tên tuổi nào để lại được dấu ấn trong lòng người bằng dù chỉ một, hai bài hát - cũng đã là niềm hạnh phúc to lớn. TCS cũng không ngoại lệ. Và với riêng tôi, chỉ bài hát Biển nhớ, cùng Hạ trắng, Diễm xưa cũng đã chứa đựng tất cả nỗi cô đơn ngậm ngùi, sự nuối tiếc thầm lặng, niềm xót xa cho vẻ đẹp và mơ ước cứ mỗi lúc một lùi xa… Vâng, chỉ từng đó giai điệu & ca từ cũng đủ để tôi yêu quý ông cho tới khi nhắm mắt xuôi tay… Những năm tháng mới ra trường, trong một căn phòng khu tập thể giáo viên trát đất mái tranh, những lúc buồn tôi thường ôm ghi-ta hát Biển Nhớ; nó giúp cho nỗi buồn riêng chợt trở thành mênh mông hơn và khiến cho nỗi buồn ấy dường cũng có thêm một ý nghĩa gì đó - ít nhất là cuộc sống bớt trống trải, bớt vô vị, để giây lát quên nỗi đau đời và thương thân mình “Tuổi hai mươi ẩm mốc một góc rừng”…
Dạo chuẩn bị làm phim “Ông bầu ca nhạc” (VFC sản xuất), trong khi nghe nhạc sĩ Lê Lôi bác tôi bổ túc thêm cho về âm nhạc, tôi có hỏi ông về nhạc sĩ TCS và bài “Biển nhớ”. Ông bảo: “Đã mang danh nhạc sĩ thì phải có sáng tác khí nhạc; nhưng với trường hợp TCS thì khá đặc biệt, TCS sẽ sống lâu dài trong lòng người Việt chỉ với danh nghĩa nhạc sĩ của ca khúc. Ca khúc của ông khác biệt với tất cả các dòng ca khúc, tất cả các nhạc sĩ khác - trong mélodie (giai điệu) lẫn ca từ. Chính bác cũng đang tự hỏi mình xem cái khác biệt đó là gì?…”
Khi viết tới đây, tôi được FB Nguyễn Xuân Diện thông báo: “Nhà sản xuất phim E&T tuyên bố với báo chí: Ngay từ đầu, chúng tôi đã khẳng định và còn ghi rõ trong phim “Lấy cảm hứng từ nhân vật có thật,” chỉ lấy cảm hứng và kể câu chuyện bằng ngôn ngữ điện ảnh chứ không copy y nguyên sự thật ngoài đời vào trong phim!”
Tôi hơi tức mình, có bình luận ngắn: “Giống như một lời thách thức công luận hùng hồn, nhưng hóa ra thành chuyện "treo đầu dê bán thịt chó" mất rồi! Nói là chỉ “mượn”, không coppy lý lịch có thật, song để “móc túi” khán giả thì buộc phải dùng tên thật ngoài đời! Còn ai muốn nói nói gì thì nói, hãy mua vé xem lại phim chúng tôi để thấy đầu phim đã ghi rành rành, giấy trắng mực đen đây nhé: là chỉ "mượn" cuộc đời, tên tuổi các ngài nổi tiếng đó thôi!”
Nhưng sau đó thì chợt buồn thăm thẳm… Cái nỗi buồn trong Biển Nhớ, Diễm xưa của Trịnh năm nào chắc chưa thể có sự thất vọng về tình người, trong cái thời buổi người ta đâu còn biết coi trọng Danh dự, Sự thật bằng lời lãi doanh thu!…