Ngày 21/3, Hội nghị quốc gia huy động nguồn lực thực hiện các giải pháp nông nghiệp thuận thiên tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã diễn ra tại Cà Mau, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) chủ trì tổ chức.
Bộ trưởng NN&PTNT - Lê Minh Hoan cho rằng, ĐBSCL với thế mạnh là nông nghiệp, chủ lực với lúa gạo, thủy sản, trái cây… Sản phẩm nông nghiệp trong vùng xuất đi nhiều nước trên thế giới.
Theo ông Hoan, dù biến đổi khí hậu đặt ra nhiều thách thức cho hoạt động sản xuất của người dân trong vùng ĐBSCL, nhưng nước tới đâu lúa lên tới đó, thách thức đâu con người vượt qua đó.
Nói về nông nghiệp thuận thiên, ông Hoan cho rằng, thuận thiên không phải không làm gì, đó là quá trình con người thích nghi, hài hòa với tự nhiên có kiểm soát thuận. Nông nghiệp thuận thiện là nương theo các quy luật tự nhiên để đem lại lợi ích cho con người và bảo vệ hệ sinh thái.
"Từ hàng trăm năm trước, nông dân ĐBSCL đã thích ứng với nông nghiệp thuận thiên trên nền tôm – cá, lúa – cá, lúa – tôm… thuận theo mùa lũ - mùa khô, nước ngọt - nước mặn", ông Hoan nói.
Tọa đàm phát triển nông nghiệp thuận thiên – vai trò kết nối và thúc đẩy của các đối tác cho Đồng bằng sông Cửu Long.
Chia sẻ tại hội nghị, ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho biết, mô hình tôm - lúa là một hình thức canh tác nông nghiệp độc đáo, thuận thiên gắn liền với vùng ĐBSCL.
Vào mùa khô, xâm nhập mặn từ biển vào sâu đất liền, các vùng đất ven biển, ven sông trở thành môi trường lý tưởng để nuôi tôm. Khi đến mùa mưa, nguồn nước ngọt về, các vùng đất phì nhiêu này lại thành cánh đồng lúa màu mỡ. Chu trình luân chuyển qua hai mùa nước, hai môi trường sống đối lập này tạo nên sự cân bằng, tính bền vững cho mô hình tôm - lúa.
“Mô hình tôm - lúa nếu triển khai như hiện tại người dân phải bỏ ra số tiền rất nhỏ cho lúa giống, tôm giống, nhưng có thể đạt doanh thu từ 250 - 500 triệu đồng/ha/năm. Để đạt được 1 - 2,5 tỷ đồng/ha/năm cho mô hình tôm - lúa cần liên kết hợp tác lại thành thửa ruộng lớn, cánh đồng tôm - lúa lớn”, ông Quang nói.