* Đôi điều về cây cau
Cây cau được trồng ở các khu vực ở nhiều nước châu Á như: Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan... Cau là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, chi phí đầu tư không cao. Cau được thương lái lựa chọn thu mua làm kẹo là loại cau non, hạt nhỏ vừa độ dầy, được luộc ở nước sôi rồi sấy khô, đóng vào bao bì xuất khẩu sang Trung Quốc và một số nước để làm kẹo. Loại kẹo này có vị ngọt the như kẹo gừng, có công dụng chống viêm họng, giữ ấm cơ thể nên rất được người dân Trung Quốc và một số nước ưa chuộng.
Theo các nhà khoa học, chỉ sau trồng 5 năm là cây cau có thể cho thu hoạch. Vòng đời của cây cau cũng kéo dài trên 20 năm, nên người trồng cau sẽ thu lãi rất cao so với nhiều loại cây trồng khác. Đất trồng cau nên chọn đất thịt, giàu dinh dưỡng, có khả năng giữ nước, thoát nước tốt. Không nên chọn đất nhiều rác, xác thực vật mục để tránh giun và bệnh gây hại cây. 1 ha có thể trồng 3 nghìn cây cau, nếu chăm sóc, bón phân đầy đủ dinh dưỡng như các cây trồng khác có thể đạt sản lượng 20 tấn/1 năm. Nếu theo giá thời điểm hiện tại giữa tháng 10/2024, 1 ha cau có sản lượng như vậy, giá trị kinh tế thu về gấp hơn nhiều lần so với cây cà phê, nếu giá thấp mà nông dân bán ra chỉ còn 10.000 đồng/1kg, thì giá trị sản xuất đạt được từ loại cây này vẫn ở mức từ 100 đến 200 triệu đồng/1ha/1 năm.
* Đến với “Vương quốc cau” miền núi Sơn Tây…
Đến đầu tháng 10 năm nay, giá cau tươi đạt đỉnh điểm 90.000 đồng/kg, cao nhất từ trước đến nay, các tháng trước đó giá cau các đại lý thu mua từ 50.000 đồng và liên tục tăng lên từ 5.000 đến 10.000 đồng/kg người trồng cau có thu nhập cao ngoài mong đợi.
Huyện Sơn Tây được xem là huyện miền núi có diện tích cau nhiều nhất tỉnh Quảng Ngãi nên nhiều người xem nơi đây là “Vương quốc cau”. Theo thống kê, đến nay toàn huyện Sơn Tây hiện có khoảng 1.400 đến 1.500 ha cau, trong đó có khoảng 75 % diện tích cho quả. Mùa thu hoạch cau ở huyện miền núi Sơn Tây bắt đầu từ tháng 8 âm lịch, kết thúc cuối năm âm lịch.
Gia đình anh Đinh Văn Nhóc (xã Sơn Dung) trồng được khoảng 4ha cau, trong đó, hơn một nửa diện tích đang thu hoạch, bình quân mỗi ngày anh thu hoạch khoảng 60 đến 70kg cau tươi. Với giá cau anh đã bán ra từ 70.000 đồng đến trên 80.000 đồng/kg, anh Nhóc thu về mỗi tháng hơn 100 triệu đồng; Giống như gia đình anh Nhóc, gia đình anh Đinh Văn Dương (xã Sơn Dung) có hơn 2.000 gốc cau đang thu hoạch, nhờ giá cau cao và kéo dài nhiều tháng, gia đình anh có khoản thu nhập đáng kể. Với giá cau như đã bán mấy tháng qua, mỗi tháng tôi thu về gần 100 triệu đồng, anh Dương chia sẻ. Sở hữu hơn 500 cây cau đang cho trái, anh Đinh Văn Sinh ở xã Sơn Tinh cho biết hơn 3 tháng nay, gia đình anh đã bán giá theo từng thời điểm từ 55 - 75 nghìn đồng/kg, thu về được hơn 120 triệu đồng, nhờ giá cau cao, gia đình tôi có thêm khoản thu nhập khá để lo các khoản chi phí trong gia đình cũng như cho các con được yên tâm học hành.
Riêng đối với gia đình anh Đinh Văn Rẫy, ở xã Sơn Liên cũng có hàng nghìn cây cau cho thu hoạch, là hộ trồng cau lâu năm và nhiều nhất ở xã. Theo anh Rẫy, cây cau là cây dễ trồng, ít chăm sóc, 5 năm là có trái, 20 năm cây mới già cỗi, gần 20 năm qua, anh liên tục mở rộng diện tích, dù giá cau biến động lên xuống thất thường. Nhiều năm trước, với giá dao động 15.000 đến 25.000 đồng/kg, gia đình anh cũng thu về hàng trăm triệu mỗi vụ; có năm giá cau rớt chỉ còn 3.000-5.000 đồng/kg, vì số lượng cau nhiều nên cũng có nguồn thu khá. Anh Rẫy bộc bạch: Với giá cau liên tục tăng cao chưa năm nào như năm nay, đầu tháng 10 này giá mua từ 80.000 đồng đến 85.000 đồng một kg. Mỗi ngày tôi hái bán 5-7 cây khoảng 50-60 kg là thu về 4-5 triệu đồng, hai tháng qua tôi bán cau thu về hơn 400 triệu đồng. Nếu giá cả ổn định đến Tết, vườn cau của tôi có thể thu về gần tiền tỷ.
Nhờ tiền bán cau khá nên hàng nghìn gia đình ở huyện Sơn Tây có đời sống khá giả, có điều kiện sửa sang nhà cửa, mua các vật dụng cần thiết như xe máy, tivi, tủ lạnh, mua lương thục, thực phẩm dự trữ mùa mưa bão đến gần, mua sách vở cho con đi học…
Nhớ lại, từ những năm 2000, huyện Sơn Tây đã có phong trào và khuyến khích bà con dân tộc Ca Dong trong huyện trồng cau, để phát triển cây cau với diện tích lớn, ban đầu huyện mua cây giống cấp phát cho người dân trồng cau. Từ năm 2018, huyện Sơn Tây đã đưa cây cau vào nhóm cây trồng chủ lực của huyện để góp phần xóa đói, giảm nghèo và xây dựng Dự án hình thành vùng chuyên canh cây cau. Từ năm 2019 đến nay, huyện miền núi Sơn Tây trồng mới khoảng 900 ha cau. Mục tiêu đến năm 2025 sẽ hình thành vùng chuyên canh cây cau tập trung khoảng 2.000ha trên địa bàn 9 xã, nhiều nhất là các xã Sơn Dung, Sơn Long, Sơn Mùa, Sơn Tân, Sơn Tinh…
Đây là bước khởi đầu để huyện Sơn Tây thực hiện vùng chuyên canh cây cau có quy mô lớn. Tổng kinh phí thực hiện việc cấp cau giống cho người dân là 5 tỷ đồng, từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo. Theo đó, mỗi hộ được hỗ trợ ít nhất 1.850 cây cau, tương ứng với diện tích trồng 0,75 ha; ngoài việc hỗ trợ cau giống, hàng chục hộ mua về trồng từ 10.000 đến 15.000 cây, tương ứng với 3,5 đến 5 ha.
Theo số liệu chưa đầy đủ, đến nay, huyện miền núi Sơn Tây có khoảng 700 hộ có số lượng cây trồng từ 1.000 cây cau trở lên. Toàn huyện hiện có gần 20 cơ sở thu mua, chế biến cau với công suất khoảng 8.000 – 10.000 tấn/vụ.
… Về huyện trung du Nghĩa Hành
Bà Phạm Thị Truyền (59 tuổi), ở xã Hành Minh (Nghĩa Hành) cho biết, gia đình tôi có khoảng 200 cây cau đang cho trái. Trong 2 đợt thu hoạch vừa qua, tôi bán được hơn 1,4 tấn với giá theo từng thời điểm từ 65 - 70 nghìn đồng/kg, thu về hơn 110 triệu đồng.
Chị Bùi Thị Sâm, một thương lái thu mua cau ở xã Hành Thuận (Nghĩa Hành) cho biết, chưa năm nào giá lại cao như năm nay. Trong đó, loại cau quả dài, da xanh, đặc ruột được thương lái tìm mua, trả giá cao ngất ngưởng.
Ông Phan Công Huân - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nghĩa Hành cho biết, theo số liệu chưa đầy đủ, đến nay Huyện Nghĩa Hành có gần 750 ha cau, diện tích cau năm nay tăng gần 60 hecta so với cùng kỳ năm 2023, với sản lượng hàng năm khoảng 9.000 tấn.
Nguyên nhân tăng diện tích là do giá cau thu mua tại các vườn những năm gần đây luôn ở mức cao, nên nông dân mạnh dạn tăng diện tích trồng mới. Sản lượng thu hoạch cau trong 6 tháng đầu năm 2024 ước tính là 3.150 tấn, tăng 101 tấn so với cùng kỳ năm trước. Trong 6 tháng cuối năm mới chính thức thu hoạch vụ cau, khả năng năm nay toàn huyện đạt sản lượng hơn 10.000 tấn. Năm nay, giá cau tăng mạnh từ 60 - 90 đồng/kg (tùy loại), người trồng cau cả tỉnh rất vui vì được mùa, được giá.
Ngoài huyện Sơn Tây và Nghĩa Hành là hai huyện có diện tích cây cau lớn, những năm qua bà con nông dân ở huyện Tư Nghĩa, Mộ Đức... cũng chuyển đổi nhiều diện tích sang trồng cau lên đến cả vài ba trăm ha, trong đó cây cau đến thời kỳ cho quả với diện tích cả trăm ha.
* Cần có định hướng, giải pháp phát triển đối với cây cau
Vì lợi nhuận cao từ cây cau nên trong những năm gần đây, nhiều nông dân ở các địa phương tỉnh Quảng Ngãi trồng cau thay cho các loại cây trồng kém hiệu quả khác với diện tích không nhỏ.
Trước việc người dân đang tích cực trồng cau vì giá tăng, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi cũng đã khuyến cáo người dân không nên phá vỡ cơ cấu cây trồng để phát triển diện tích cây cau một cách ồ ạt. Vì trong những năm qua, việc giá thu mua cau không ổn định, hoàn toàn phụ thuộc vào nước ngoài, trong ước chưa có doanh nghiệp nào thu mua với giá ổn định.
Tuy nhiên, theo báo cáo sản xuất trồng trọt năm 2024 của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Quảng Ngãi cho thấy ngoài cây lúa là cây chủ lực hàng năm gieo sạ 2 vụ trên 73.000 ha; các loại cây trồng khác như: cây ngô cả năm trồng trên 9.000 ha; cây lạc gần 6.300 ha; rau các loại trên 12.000 ha; đậu các loại hơn 2.600 ha; diện tích trồng sắn 12.640 ha. Năm 2024 diện tích chuyển đổi sang trồng cây lâu năm toàn tỉnh chỉ 25,8 ha?. Trong báo cáo này hoàn toàn không có diện tích cây cau ở các địa phương, trong khi diện tích cau trên địa bàn tỉnh có chiều hướng phát triển mạnh và nguồn thu nhập từ cây cau hàng năm cũng lên đến hàng chục tỷ đồng, góp phần lớn cho việc cải thiện, nâng cao đời sống, góp phần xóa đói giảm nghèo của người nông dân từ đồng bằng đến miền núi trong tỉnh.
Để tránh việc được mùa mất giá, được giá mất mùa (Riêng năm nay được mùa, được giá), ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ngãi cần có định hướng, tính toán đưa ra các giải pháp cụ thể để hướng dẫn người nông dân ở các địa phương trong tỉnh phát triển trên diện tích cây cau theo hướng bền vững. Đặc biệt là tìm đầu ra ổn định cho cây cau, đưa cây cau vào danh sách cây trồng lâu năm trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Và có nên chăng, nhà máy bánh kẹo Quảng Ngãi (Công ty CP Đường Quảng Ngãi) cần nghiên cứu, đầu tư từ khâu thu mua, chế biến đến sản xuất kẹo cau để xuất khẩu sang các thị trường trong khu vực Châu Á. Nếu được như vậy niềm vui của người nông dân trồng cau Quảng Ngãi mới được trọn vẹn.
NĐL.