Chân dung một vị Tướng trận mạc (số 8)

Đó là Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, nguyên Phó Tư lệnh- Tham mưu trưởng Quân khu II, nguyên Tham mưu phó Quân khu Thủ đô, nguyên Tham mưu trưởng Mặt trận Vị Xuyên- Hà Tuyên, nguyên Trưởng Ban liên lạc CCB toàn quốc Mặt Trận Vị Xuyên- Hà Tuyên. Hiện đang được đề nghị phong tặng Danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân
dt1-huy1-1747101169.jpg
 

THAM GIA CHỈ HUY CHIẾN ĐẦU VÀ CÔNG TÁC TẠI QUÂN KHU II

(1984-1996)

Tham mưu trưởng Tiền phương Quân khu II tại Vị Xuyên- Hà Tuyên

Tháng 4/1984, Mặt trận Vị Xuyên, Hà Tuyên lại nóng bỏng, do tập đoàn phản động bành trướng Trung Quốc phát động cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lần thứ 2 nhằm tấn công lấn chiến lãnh thổ Vị Xuyên, Hà Tuyên (Nay là tỉnh Hà Giang) với quy mô lớn. Sau gần một năm chống quân xâm lược, quân và dân ta đã tiêu diệt được nhiều sinh lực địch, song chúng đã ỷ lại quân đông, vũ khí nhiều, lấn chiếm và chốt giữ trái phép 29 điểm trên đất ta, có nơi sâu vào cả 1000m ở Bắc suối Thanh Thuỷ, Vị Xuyên, Hà Giang. (Cuộc chiến tranh này đã kéo dài từ tháng 4/1984 đến tháng 10/1989 mới kết thúc).

dt1msh1-1747101118.jpg

Ảnh do Tướng Huy cung cấp (Chụp tại SCH tiền phương QKII, tại thị xã Hà Giang năm 1985- Thiếu tướng Lê Duy Mật đứng Giữa, đ.c Nguyễn Đức Huy đứng ngoài cùng bên phải)

 

Tháng 3/1985, đồng chí Nguyễn Đức Huy đang làm Tham mưu phó Quân khu Thủ đô thì được Bộ Quốc phòng điều lên tăng cường cho chỉ huy chiến đấu tại Quân khu II với cương vị là Tham mưu phó Quân khu, trực tiếp làm Tham mưu trưởng tiền phương Quân khu II tại Vị Xuyên- Hà Tuyên. Lúc này, Trung tướng Nguyễn Hữu An đang là Phó Tư lệnh- Tham mưu trưởng Quân khu 2, Tư lệnh Tiền phương Quân khu II tại Vị Xuyên- Hà Tuyên. (Thay cho đồng chí Thiếu tướng Lê Duy Mật). Trung tướng Nguyễn Hữu An, nguyên là Tư lệnh Quân đoàn 2, đồng chí Nguyễn Đức Huy nguyên là Tư lệnh sư đoàn 325, trực tiếp dưới quyền chỉ huy của Tướng An nên đã rất hiểu nhau. Sau khi giới thiệu tình hình chiến đấu gần một năm của toàn Mặt trận Vị Xuyên, nhất là sau chiến dịch “MB84” không thành công, thương vong nhiều, nên một số cán bộ chiến sĩ có tư tưởng bi quan, thiếu tin tưởng vào cách đánh của Quân khu và cho rằng: “Địch đánh đâu ta mất đó, ta đánh được nhưng không giữ được”; nên đồng chí Tư lệnh Nguyễn Hữu An yêu cầu đồng chí Nguyễn Đức Huy cùng cơ quan Tham mưu tiền phương Quân khu 2, nghiên cứu tìm lấy một mục tiêu vừa phải, chuẩn bị thật kỹ, đánh được, giữ được để giải quyết tư tưởng bi quan, củng cố quyết tâm cho cán bộ chiến sĩ toàn Mặt trận.

Trận tiến công đánh chiếm và giữ A6b (từ ngày 31/5 đến ngày 11/6/1985)

Chấp hành chỉ thị của Tư lệnh Nguyễn Hữu An, đồng chí Nguyễn Đức Huy đã cùng với cơ quan Tham mưu tiền phương Quân khu 2 để thời gian đi thị sát chiến trường, tìm hiểu bố trí của địch của ta và thực địa địa hình; tìm hiểu nguyên nhân tại sao đánh được lại không giữ được. Sau đó cùng với cơ quan Tham mưu của Mặt trận xác định mục tiêu đánh chiếm A6b (địch gọi là 211), báo cáo lên Tư lệnh Nguyễn Hữu An và được Tư lệnh phê chuẩn, đồng thời giao luôn nhiệm vụ cho đồng chí Huy trực tiếp chỉ huy trận đánh này. Cơ quan Tham mưu thống nhất chọn Đại đội 5 Tiểu đoàn 5 Trung đoàn 567 (Quân khu 1) sang tăng cường (Mang phiên hiệu e982 f313) đưa về phía sau huấn luyện khoảng 20 ngày, chọn trước các đồng chí có tinh thần quyết tâm cao và có kỹ- chiến thuật tốt để làm lực lượng đánh chiếm; số còn lại làm dự bị và lực lượng chốt giữ phòng ngự. Các loại đạn dược, vật chất đem sẵn lên tập kết giấu tại các trận địa của ta gần đó; hoả lực các loại cũng được nghiên cứu phân công bố trí từng khu vực để chi viện trực tiếp cho bộ binh chiến đấu, ngăn chặn quân tăng viện từ phía sau ra và chế áp các trận địa pháo binh địch. Sở chỉ huy tiền phương của Mặt trận được bố trí ở cao điểm X để thuận tiện chỉ huy trận đánh.

Rạng sáng ngày 31/5/1985, Ta bắt đầu nổ súng pháo hoả chuẩn bị, sau 1 giờ ta đã đánh chiếm được A6b; lực lượng dự bị làn Đai đội 7 Tiểu đoàn 5 Trung đoàn 567, vào tăng viện để chốt giữ trận địa mới chiếm được, đồng thời đưa vũ khí, đạn dược, trang bị, cùng vật chất vào để củng cố công sự trận địa chuẩn bị cho đánh địch phản kích.

Sáng ngày 01/6/1985, Trung Quốc bắn hàng ngàn quả đạn pháo vào khu vực A6b, sau đó huy động lực lượng từ cao điểm 233, 300, 400 tấn công phản kích hòng chiếm lại trận địa 211 (A6b). Trong ngày, địch tổ chức 5 đợt tấn công đều bị ta đánh bại, hằng trăm tên địch chết trước tiền duyên trận địa. Liên tiếp 10 ngày sau (01-11/6/1985), địch huy động 2 trung đoàn bộ binh (trung đoàn 595; sư đoàn 199 và trung đoàn 197, sư đoàn 199) tấn công đánh chiếm 211 (A6b) song đều bị quân ta bẻ gãy đánh bại tất cả các đợt tấn công, hàng nghìn tên địch bỏ mạng và xoá sổ trung đoàn 595 sư đoàn 199, sau đó trung đoàn này bị giải thể, trung đoàn 597, sư đoàn 199 cũng bị đánh thiệt hại nặng.

Mạng “Thiết Huyết” của Trung Quốc đã viết: “Trận huyết chiến cao điểm 211 (A6b) kéo dài 11 ngày. Hai tiểu đoàn của trung đoàn 595, sư đoàn 199 bị quân đội Việt Nam đánh tan. Tiểu đoàn 3, trung đoàn 597 dự bị cũng bị thiệt hại nặng. Cả trung đoàn 595 mất sức chiến đấu phải đưa về phía sau chỉnh đốn và thành lập trung đoàn 598 thay thế. Trung Quốc đánh giá đây là một thất bại cay đắng trên mặt trận xâm lược biên giới Việt Nam.

Sau trận đánh và chốt giữ A6b, đã giải quyết được tư tưởng bi quan và củng cố niềm tin, quyết tâm chiến đấu cán bộ, chiến sĩ toàn Mặt trận.

Đại đội 5, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 567, và Trung đoàn 567 Sư đoàn 322, Quân đoàn 26, Quân khu 1, đã được Đảng và Nhà nước phong tặng Danh hiệu “AHLL VT ND” ngày 29/8/1985.

(Còn tiếp)

Hà Nội, ngày 13/5/2025

HMS (Sưu tầm)

TTNL