
Tham gia mặt trận phía Tây (Lào)
Trong bối cảnh sau khi giành được chính quyền trên toàn quốc, năm 1975, bạn đã yêu cầu ta rút toàn bộ bộ đội tình nguyện về nước. Nhiều đơn vị quân đội tình nguyện của ta đã rút khỏi nước bạn Lào trong năm 1975-1976. Chỉ còn một bộ phận nhỏ đang trong quá trình rút tiếp.
Khu vực Nam Lào là vùng kinh tế trù phú nhất, các tỉnh Sa-va-na-khẹt, Pắk Xế, Chăm- pa- xắc… là vựa lúa của cả nước nhưng vẫn nằm trong vùng kiểm soát của lực lượng phản động Bun Ừm.
Tháng 8 năm 1976, đồng chí Phạm Minh Tâm là Tư lệnh Sư đoàn 325 đi học ở Học viện Quân sự cấp cao, đồng chí Nguyễn Đức Huy- phó Tư lệnh Sư đoàn được giao đảm nhiệm Quyền Tư lệnh Sư đoàn 325.
Trung tuần tháng 10 năm 1976, Sư đoàn 325 nhận được lệnh tổ chức lực lượng cán bộ chỉ huy đi trinh sát trước trên địa bàn tỉnh Sa-va-na-khẹt. Từ Đông Hà, Quảng Trị theo đường 9 đến thị xã Sa-va-na-khẹt dài trên 300 cây số. Đường 9 thường xuyên bị địch đánh phá. Nhiều đoàn xe quân sự của bạn đã bị phục kích bắn cháy gây tổn thất về người và phương tiện kỹ thuật. Do đó, việc đưa lực lượng sang trinh sát trên đất bạn phải được tổ chức chặt chẽ và bảo đảm an toàn tuyệt đối. Lực lượng cán bộ chỉ huy đi trinh sát khoảng 100 người, bao gồm các cán bộ Đại đội trưởng, Tiểu đoàn trưởng của Trung đoàn 101, Một bộ phận chỉ huy nhẹ của Sư đoàn và một số phân đội trinh sát, thông tin của Trung đoàn và Sư đoàn. Theo sự phân công đồng chí Quyền Tư lệnh Sư đoàn Nguyễn Đức Huy được giao nhiệm vụ chỉ huy. Tất cả đều đi bằng xe vận tải hai cầu, không dùng xe con chỉ huy. Trên mỗi xe đều có lắp thêm súng 12,7 ly và đại liên để tăng cường hoả lực đề phòng xảy ra tác chiến dọc đường.
Sau một ngày hành quân căng thẳng, đoàn cán bộ của Sư đoàn 325 đã đến được thị trấn Sê Nô an toàn vào lức 5 giờ chiều.
Đồng chí Nguyễn Đức Huy vào làm việc với các đồng chí Bộ Tư lệnh Quân khu Nam Lào. Đồng chí Huy đã thông báo tình hình và âm mưu của kẻ địch mà Việt Nam nắm được. Đồng chí còn nói rõ ý định của Việt Nam là muốn đưa Sư đoàn 325 sang tăng cường giúp bạn để đề phòng bạo loạn vào ngày Quốc khánh mồng 2 tháng 12. Sau khi nghe xong, đồng chí Tham mưu trưởng Quân khu Nam Lào nói là hiện nay chưa nhận được mệnh lệnh gì về việc quân đội Việt Nam sang giúp Lào. Do đó phải đợi báo cáo về Viêng Chăn để xin chỉ thị và đề nghị bộ đội Việt Nam cứ rút về nước, nếu có mệnh lệnh gì đồng chí sẽ đề nghị sau.
Sáng hôm sau, đoàn cán bộ của ta vẫn tranh thủ thời cơ đi xem xét địa hình thị xã Sa-va-na-khẹt và tuyến bờ sông Mê Kông. Sau đó, đồng chí Nguyễn Đức Huy đã đề xuất với đồng chí Tham mưu trưởng Quân khu Nam Lào là để bộ đội Việt Nam đưa trước một Đại đội xe bọc thép lội nước sang bờ Tây sông Sê Pôn để cơ động được thuận lợi khi có yêu cầu. Nhưng đồng chí Tham mưu trưởng của bạn không đồng ý, mà chỉ cho để lại một đài 15w cùng cán bộ chỉ huy của Việt Nam thường trực ở đó, để có tình huống gì thì liên hệ được kịp thời…
Sau khi về nước, do ý thức được tình hình phức tạp trên nước bạn, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 325 đã làm mọi công tác chuẩn bị để khi có lệnh sẵn sàng cơ động được ngay.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho Sư đoàn 325 đi làm nhiệm vụ giúp bạn, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 đã tăng cường cho Sư đoàn thêm Tiểu đoàn 9 Trung đoàn 66 thuộc Sư đoàn 304, một Tiểu đoàn Công binh cầu phà, một Đại đội xe bọc thép lội nước, một Tiểu đoàn xe vận tải chở quân. Đặc biệt, Sư đoàn còn được trang bị thêm một số xe GMC đã được cải tạo. Những xe này có lắp giá súng 12,7 ly và súng đại liên ở hai bên sườn xe. Phía trước xe còn được hàn thêm một lớp ghi sắt có thể chất bao cát để tạo thành lô cốt cơ động tăng độ an toàn cho bộ đội trong quá trình hành quân chiến dấu.
Đúng như dự kiến của Quân đoàn 2 và Sư đoàn 325, chỉ ít ngày sau khi đoàn cán bộ chỉ huy đi trinh sát về nước. Bộ Tư lệnh Quân khu Nam Lào đã phải điện sang đề nghị đưa bộ đội tình nguyện Việt Nam sang giúp họ gấp. Đồng thời, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 cũng nhận được lệnh của Bộ Quốc phòng phải đưa ngay lực lượng của Sư đoàn 325 sang giúp bạn. Yêu cầu đơn vị này phải hành quân cấp tốc trong ba ngày bộ đội ta phải có mặt tại thị xã Sa-va-na-khẹt trước ngày 2 tháng 12 năm 1976.
Do đã được chuẩn bị trước, nên khi nhận được lệnh, bộ đội ta có thể lên đường được ngay.
Đúng ngày 1 tháng 12 năm 1976, toàn bộ đội hình Trung đoàn 101, Tiểu đoàn pháo 105 ly của Trung đoàn 84, Tiểu đoàn cao xạ hai nòng 37 ly, Đại đội xe bọc thép lội nước và Sở chỉ huy nhẹ của Sư đoàn 325 do đồng chí Nguyễn Đức Huy chỉ huy đã có mặt tại địa điểm tập kết trên đất bạn và nhanh chóng triển khai đội hình chiến đấu theo kế hoạch.
Theo tin bạn cho biết, khi lực lượng bộ đội tình nguyện Việt Nam vừa có mặt ở Sa-va-na-khẹt, địch đã báo cho nhau rằng tương quan lực lượng đã thay đổi, nên chúng không thể thực hiện ý đồ bạo loạn lật đổ như đã dự định mà phải rút về các căn cứ vùng sâu của chúng.
Việc Sư doàn 325 sang đến Sa-va-na-khẹt, đã làm sụp đổ mưu đồ bạo loạn lật đổ cướp chính quyền cách mạng Lào vào ngày 2 tháng 12 năm 1976 của bè lũ phản động tại Lào.
Sau đó, vào các năm 1976,1977,1978, Sư đoàn 325 đã nhiều lần cùng quân đội bạn Lào triển khai truy quét địch để giải phóng hoàn toàn những vùng rộng lớn của các tỉnh: Sa-va-na-khẹt, Pắks Xế, Chăm-pa-sắc. Đặc biệt là đã giải phóng được vùng Ken Cốc là miền đồng bằng- vựa lúa của cả nước Lào thoát khỏi tay quân phản động Bun Ừm.
Đầu năm 1979, Sư đoàn 325 lại rút về nước. Trước mắt Sư đoàn là cuộc hành quân tham gia góp phần chiến đấu tiêu diệt bè lũ diệt chủng Pôn Pốt tại Campuchia để cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi học diệt chủng và hồi sinh đất nước chùa tháp.
Cuối năm 1980, đồng chí Nguyễn Đức Huy được cử đi học lớp cao cấp tại Học viện Chính trị Nguyễn Ái Quốc.
Sau khi kết thúc khoá học, ông được điều về làm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 354, rồi làm Phó Tham mưu trưởng Quân khu Thủ đô.
Tuy thời gian công tác tại Quân khu Thủ đô không dài, nhưng trong bốn, năm năm ở đó, đồng chí Huy đã có những đóng góp không nhỏ trong việc xây dựng cơ quan Tham mưu Quân khu Thủ đô và đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp đối với đồng chí, đồng đội trong và ngoài đơn vị.
(Còn tiếp)
Hà Nội, ngày 10/5/2025
HMS (Sưu tầm)