
Mỗi bước xa thêm vững niềm tin
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đào tạo cán bộ Việt Nam để kịp bổ sung cho các chiến trường, Đảng Cộng sản và nhân dân Trung Quốc đã giúp đỡ cho Trường Lục quân Việt Nam chuyển sang Vân Nam, Trung Quốc. Nhà trường đóng cách Côn Minh chừng 50 cây số. Sau khi hoàn thành niệm vụ ở Tổng đội chiêu sinh khoá 7, Nguyễn Đức Huy được cử sang học lớp sĩ quan lục quân từ năm 1951 đến năm 1953. Được sự quan tâm đào tạo để trở thành cán bộ nguồn là niềm vinh dự lớn đối với anh.
Từ Hà Giang đến Côn Minh xa hàng ngàn cây số. Lộ trình ấy phải đi bộ qua Ma Ni Phố, Diên Sơn… rồi Khai Viễn, đến Khai Viễn mới được đi tàu hoả lên Côn Minh.
Đồng chí Nguyễn Đức Huy năm 1948, tại Việt Bắc
Tới được địa điểm dừng chân của trường, Nguyễn Đức Huy được biên chế vào Đại đội 9, Tiểu đoàn 2. Trong học tập, anh học rất giỏi. Lại kết hợp với bản tính nhanh nhẹn và hoà đồng nên Nguyễn Đức Huy được anh em bàu vào “Cách uỷ hội” tức Hội đồng quân nhân, cách mạng trực tiếp phụ trách tổ phát thanh tuyên truyền.
Sau chiến dịch Biên giới (1950), bên ta cũng đang phát động đẩy mạnh tấn công địch để giành thắng lợi to lớn hơn trên khắp các mặt trận. Một cuộc chỉnh quân chính trị với chủ đề “Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi” được mở ra.
Kết thúc lớp học Lục quân khoá 7, trở về nước, Nguyễn Đức Huy được bổ sung vào bộ đội địa phương tỉnh Thái Nguyên. Lúc đầu làm Trung đội phó. Sau ba tháng được bổ nhiệm Trung đội trưởng. Đầu năm 1954, được bổ nhiệm Đại phó kiêm quyền Đại đội trưởng Đại đội 8 thuộc Tiểu đoàn 75 của tỉnh đội Thái Nguyên.
Gia đình Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy năm 2020.
Lúc này Thái Nguyên không bị địch chiếm. Chủ trương của lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên là đưa bộ đội địa phương của mình xuống tham gia đánh giặc ở Bắc Giang- lấy thực tiễn chiến trận làm phương pháp rèn luyện tốt nhất cho bộ đội. Để phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ, Đại đội của đồng chí Nguyễn Đức Huy được giao nhiệm vụ đánh địch từ Mỏ Thổ đến Núi Thờ, Song Mai, Đa Mai… Địa bàn hoạt động của đơn vị là ngoại vi thị xã Bắc Giang là vành đai trắng, nhà cửa cây cối bị đốt và san phẳng không có người ở.
Khu vực này, địch xây dựng hai vị trí kiên cố là Mỏ Thổ và Núi Thờ (chùa Lai) để khống chế khu vực vành đai trắng, bảo vệ cho thị xã Bắc Giang. Mỏ Thổ là một núi đất rất cao khởi lên nhô ra ngoài cùng để chặn con đường từ Bắc Giang lên Thái Nguyên. Địch đã xây dựng ở đây thành cứ điểm kiên cố với nhiều lô cốt boong ke và hàng chục lớp rào kẽm gai bao bọc. Đã mấy lần ta đưa quân tấn công vào nhưng đều không được. Rút kinh nghiệm, lần này ta không tấn công trực diện vào cứ điểm mà tiến hành phục kích đánh quân tiếp tế, nhằm tiêu hao sinh lực địch và quấy rối chúng.
Sau khi cùng cán bộ Trung đội đi trinh sát địch và nghiên cứu địa hình, Đại đội trưởng Huy quyết định phục kích bằng cách độn thổ để đánh địch sau khi chúng tiếp tế cho Mỏ Thổ trở về. Phương án tác chiến cụ thể là: Dùng một trung đội đào hầm bí mật dưới các lùm cây và đây sẽ là lực lượng tấn công trực tiếp. Một tiểu đội khác sẽ làm nhiệm vụ khoá đuôi, khi nổ súng kiên quyết không cho địch chạy thoát về Mỏ Thổ. Tiểu đội khác có súng trung liên sẽ làm nhiệm vụ đánh vỗ mặt chặn đầu. Một trung đội tăng cường sẽ làm lực lượng dự bị. Hai khẩu cối 60 ly sẽ là hoả lực tấn công trực tiếp vào đội hình địch và khi phát hoả sẽ là hiệu lệnh tấn công cho toàn trận đánh…
Kế hoạch được triển khai đã hai ngày, nhưng địch vẫn chưa xuất hiện. Bộ đội “Độn thổ” đã ăn hết cơm nắm, phải tiết kiệm cả nước uống.
Bước sang ngày thứ ba. Từ sáng sớm, pháo địch từ Song Mai, Đa Mai đã bắn rải rác trên đường từ Núi Thờ đến Mỏ Thổ. Ta phán đoàn hôm nay địch sẽ đi tiếp tế cho Mỏ Thổ. Mọi bộ phận đã vào vị trí chiến đấu. Trinh sát có nhiệm vụ theo dõi chặt chẽ mọi động thái của quân địch. Trong khoảng thời gian từ 8 giờ 30 phút đến 9 giờ, cối 120 ly và súng 12, 7 ly của địch ở Núi Thờ và Mỏ Thổ bắt đầu bắn khống chế đường đi. Đến 9 giờ, một trung đội địch xuất hiện từ Núi Thờ đi Mỏ Thổ. Chúng đi rất thận trọng, vừa đi vừa cho lực lượng lùng sục cả hai bên đường. Gần 10 giờ trưa, chúng đi vào trận địa phục kích của ta. Tại đây, chúng dừng lại bắn loạn xạ. Mọi người nín thở, nếu để lộ, phải đánh địch trong lúc chúng đang đề phòng, sẽ rất bất lợi cho ta. Năm mười phút trôi qua, không thấy động tĩnh gì nên lũ khỉ ấy lại cắn đuôi nhau về Mỏ Thổ. Mọi người thở phào nhẹ nhõm. Một chút hân hoan phải kìm nén để tiếp tục chuẩn bị bước vào trận đánh khi lũ giặc kia trở về.
Khoảng 3 giờ chiều, ta phát hiện đoàn quân tiếp tế kia đã rời Mỏ Thổ quay về. Với tâm lý buổi sáng đi đã an toàn, khi trở về, chúng rất chủ quan không thèm dòm ngó lùng sục, không cả bắn pháo dọn đường. Sau một tiếng đồng hồ, toàn bộ đội hình địch đã lọt vào trận địa phục kích của ta, tốp đi trước đã gần tới chạm điểm chặn đầu, còn toàn bộ người và ngựa kế sau đã vào đúng khu vực quân ta “độn thổ”. Từ vị trí mai phục của mình, Đại đội trưởng Huy căng mắt theo dõi. Khi bước chân của lũ giặc kia đã đặt đúng vào vị trí đã dự tính giữa thế trận phục kích của ta, anh mới phát lệnh cho nổ súng. Cả hai khẩu cối 60 ly của ta đồng loạt khai hoả nhả đạn. Một loạt, rồi hai loạt đều trúng giữa đội hình địch. Bọn chúng thực sự hoảng loạn. Lúc đầu bọn chúng nhận định là chỉ bị ta pháo kích nên đồng loạt nằm rạp xuống rìa đường để tránh và bắn loạn xạ ra hai bên. Lập tức, bộ phận “độn thổ” của ta bật nắp hầm xông lên bắn tới tấp vào đội hình địch. Thấy có bộ binh, quân địch hiểu ngay là đã rơi vào ổ phục kích của ta nên mạnh thằng nào thằng nấy chạy. Trung liên của ta nhả đạn chặn đầu, một số thằng trúng đạn ngã quỵ. Bộ binh ta xông tới, lựu đạn, súng trường cứ thế mà nã thẳng vào đội hình địch.
Sau 10 phút chiến đấu, hơn một chục tên địch cùng mấy con ngựa đã bị ta tiêu diệt và thu giữ. Số còn lại không dám chống cự, chúng bỏ chạy thục mạng vào sườn núi phía đông. Lúc này, pháo địch ở Bắc Giang với cối 120 ly, súng 12, 7 ly ở Mỏ Thổ và Núi Thờ bắn hỗ trợ vào khu vực diễn ra trận đánh. Đại đội trưởng Huy lập tức ra lệnh cho bộ đội ta nhanh chóng thu dọn chiến lợi phẩm và dời khỏi trận địa.
Kết quả trận này, ta đã tiêu diệt hơn 10 tên địch, thu được mười mấy khẩu súng. Trong số đó có khẩu tiểu liên Tuyn. Đây là loại súng mới hiện đại nhất mà địch vừa đưa sang chiến trường Đông Dương. Quân ta không có ai thương vong, hoàn toàn vô sự. Thắng lợi này tuy nhỏ, nhưng đây là lần đầu tiên bộ đội địa phương của tỉnh Thái Nguyên sang hoạt động trên chiến trường xa lạ thuộc địa phận tỉnh bạn đã đánh thắng giặc. Đó là sự cổ vũ tinh thần rất lớn làm tăng thêm quyết tâm chiến đấu của bộ đội ta.
Sau trận thắng đó, đại đội của Nguyễn Đức Huy tiếp tục ở lại hoạt động quấy rối các trận địa pháo của địch ở Song Mai, Đa Mai, tập kích vào cứ điểm phòng ngự của địch ở Núi Thờ, Mỏ Thổ và đánh lực lượng cơ động của địch ở khu vực chung quanh Bắc Giang, nhằm thực hiện tốt chủ trương tiêu hao lực lượng địch để phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, khoảng cuối tháng 8, Nguyễn Đức Huy lại được trên cử đi học bổ túc lớp cán bộ đại đội ở trường Sĩ quan Lục quân Trần Quốc Tuấn trên đất Trung Quốc. Sau hai năm học tập trên đất bạn, được xếp loại học viên xuất sắc. Nguyễn Đức Huy được chọn giữ lại làm cán bộ khung của trường trong các khoá 10 và 11. Một niềm vui mới đến: Trường được chuyển về nước. bố trí ở khu vực sân bay Bạch Mai; khoá đầu tiên được khai giảng tại đây là khoá 10. Nguyễn Đức Huy được phân công làm cán bộ khung của Tiểu đoàn 1.
Kết thúc khoá 10, Trường lại được lệnh chuyển lên đứng chân của Công trường 50 ở khu vực Sơn Tây. Ở đây chưa có nhà cửa gì, do vậy, cán bộ và học viên phải đục đá ong làm gạch xây dựng doanh trại. Kể từ khoá 11 trở đi, Trường Sỹ quan Lục quân Việt Nam chuyển sang huấn luyện đào tạo cán bộ binh chủng hợp thành cho đến tận ngày nay.
Kết thúc khoá 11, Nguyễn Đức Huy được điều về Quân khu 3 để bổ sung cho Trung đoàn 238 với cương vị Đại đội trưởng. Sau đó, đồng chí Huy lại nhận nhiệm vụ làm Trưởng Tiểu ban Quân lực Trung đoàn. Cuối năm 1960, Trung đoàn 328 giải thể, đồng chí Huy lại được điều về Sư đoàn 320 làn Trưởng Tiểu ban Quân lực Trung đoàn pháo binh 54, rồi về Ban Quân lực Sư đoàn 320.
Đầu năm 1963, đồng chí Nguyễn Đức Huy được cử đi học lớp cán bộ Trung- Cao chuyên đào tạo cán bộ cho cấp tiểu đoàn và trung đoàn. Thời gian đào tạo của khoá này là 3 năm. Nhưng đến năm 1964, đế quốc Mỹ ngang nhiên gây ra sự kiện “Vịnh Bắc Bộ”, lấy cớ đem không quân, hải quân ra đánh phá miền Bắc. Khoá học đành phải rút xuống còn 2 năm, đến giữa năm 1965 thì bế mạc. Sau đó, Nguyễn Đức Huy được điều về công tác tại Sư đoàn 304 và sẵn sàng vào Nam chiến đấu.
Một hậu phương vững chắc
Tháng 7 năm 1960, Nguyễn Đức Huy kết hôn với người con gái tên là Nguyễn Thị Minh Thuận (sinh năm 1937), quê ở thị xã Thái Bình. Nhạc phụ là lão thành cách mạng, tham gia hoạt động từ trước năm 1930. Sau lễ cưới một thời gian, chị Nguyễn Thị Minh Thuận đi học 2 năm ở Trường Sư phạm Hải Phòng, tốt nghiệp về dạy ở Trường Phổ thông cấp II Thái Phiên, Hải Phòng.
Để ổn định cuộc sống gia đình, trước khi Nguyễn Đức Huy vào Nam chiến đấu, anh đã bàn với vợ và xin chuyển cho vợ về dạy học tại Thái Bình để nhờ ông bà ngoại giúp đỡ. Vì lúc này, con cả Đức Hùng mới 5 tuổi, con thứ Đức Cường mới 3 tuổi. Được tỉnh Thái Bình tiếp nhận, cô giáo Minh Thuận cùng 2 con nhỏ đã chuyển về thị xã Thái Bình. Một điều đáng mừng là ông bà ngoại còn khoẻ mạnh và toàn thể anh chị em bên vợ cũng rất vui vẻ, phấn khởi khi được gần gũi con cháu nên đã hết lòng giúp đỡ để chàng rể Nguyễn Đức Huy an tâm công tác, chiến đấu. Đây thực sự là nguồn động viên rất lớn cho Nguyễn Đức Huy trong suốt những năm tháng chiến đấu ở chiến trường, cho tới khi giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.
Ở hậu phương, như mọi gia đình khác trong thời kì chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, cuộc sống của gia đình cô giáo Nguyễn Thị Minh Thuận gặp nhiều khó khăn, vừa phải công tác, vừa phải một mình nuôi dạy hai con nhỏ, rồi năm 1970, lại có thêm con thứ ba là Nam Thắng, năm 1974, sinh con út là Nam Thái; đến năm 1976, lại nhận nuôi thêm bé gái con của một Việt kiều ở Lào về nuôi dạy khi cháu mới 5,6 tuổi mà mồ côi cả cha lẫn mẹ; sau đặt tên con là Nguyễn Thị Vân Anh, nên cô giáo Minh Thuận đã khó khăn còn thêm vất vả khó khăn hơn. Nhưng vượt lên tất cả là lòng yêu chồng thương con rất mực, cô giáo không một lời phàn nàn, luôn tận tuỵ chăm sóc các con. Để có thêm thu nhập nuôi con ăn học, nên ngoài công việc dạy học ở trường, khi về nhà, cô giáo Minh Thuận còn đi làm thêm các công việc lao động khác. Sự chịu thương, chịu khó, đảm đang lo toan công việc trong gia đình, tấm lòng nhân hậu, yêu chồng, thương con nên cả 5 người con đều đã học hết phổ thông cấp III và trưởng thành, thành đạt. Người con trai cả là Nguyễn Đức Hùng thi vào Trường Đại học Kỹ thuật Quân sự đạt điểm rất cao và được cử sang học tại Liên Xô đào tạo Thuyền trưởng hải quân, sau này đã trở thành sĩ quan Hải quân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Con thứ hai là Nguyễn Đức Cường, là Sĩ quan Phòng không của Quân chủng Phòng không Không quân. Con trai thứ ba là Nguyễn Nam Thắng, sau khi tốt nghiệp cấp III đi hợp tác lao động tại Cộng hoà Dân chủ Đức. Con trai út thứ tư là Nguyễn Nam Thái, tu nghiệp tại Hà Lan với bằng thạc sỹ, chuyên ngành quản lý bất động sản. Còn cô con gái nuôi Nguyễn Thị Vân Anh hiện là Quân nhân chuyên nghiệp của Quân đội nhân dân Việt Nam. Giờ đây, các con của ông bà đã có gia đình riêng có dâu hiền rể thảo, có sự nghiệp ổn định. Đó cũng là điều đền đáp xứng đáng của các con đối với cô giáo- người mẹ Nguyễn Thị Minh Thuận và người cha- Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy.
(Còn tiếp)
HN, ngày 03/5/2025
Ảnh chân dung Thiếu tướng và gia đình Nguyễn Đức Huy
HMS (Sưu tầm)