
Chiến dịch giải phóng Thừa Thiên- Huế
Tháng 3/1975. Sư đoàn 325 có nhiệm vụ tiến công hướng chủ yếu của Quân đoàn 2
Bước 1: Phải tiêu diệt 2 cụm quân địch ở dãy Hòn Kim Sắc và các cao điểm 494; 520; 560 do 2 tiểu đoàn biệt động quân nguỵ chiếm giữ;
Bước 2: Sau khi đã tiêu diệt được 2 cụm quân địch trên thì nhanh chóng thọc xuống cắt đứt hoàn toàn đường số 1. Đây là trận then chốt mở đầu cuộc hợp vây tiêu diệt lớn quân địch.
Trung đoàn 18 được giao nhiệm vụ tiến công trên hướng chủ yếu của Sư đoàn 325:
Bước 1: Tiêu diệt tiểu đoàn 61 biệt động quân nguỵ trên các cao điểm: 494; 520; 560.
Bước 2: Nhanh chóng thọc xuống đường số 1, cắt đứt đoạn từ cầu Bạch Thạch đến Ràng Bò (dài khoảng 4km). Lúc này đồng chí Nguyễn Đức Huy đảm nhiệm chức Phó Tư lệnh Sư đoàn 325, được Bộ Tư lệnh Sư đoàn phân công xuống tăng cường trực tiếp chỉ huy Trung đoàn 18 từ khâu chuẩn bị và cả quá trình chiến đấu.

5 giờ 45, ngày 21/3/1975 giờ “G” của chiến dịch bắt đầu: Ngay trong những giờ đầu, Tiểu đoàn 7 đã tiêu diệt được các cao điểm 494; 520; nhưng điểm cao 560 có sở chỉ huy của tiểu đoàn biệt động quân 61 nguỵ, được xây dựng công sự và chướng ngại vật kiên cố vững chắc, chúng chống trả quyết liệt, nên suốt gần 2 giờ chiến đấu, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 18 mới đánh chiếm được 1 phần cao điểm 560, thương vong nhiều nên phải tạm dừng tấn công để củng cố và tìm cách đánh phù hợp. Đồng chí Nguyễn Đức Huy đã quyết định điều Đại đội 7 của Tiểu đoàn 8 lên tăng cường cho Tiểu đoàn 9, đồng thời chỉ định đồng chí Vũ Trọng Hoá- Tham mưu phó Trung đoàn 18 lên tăng cường chỉ huy. Đến 15 giờ, ngày 21/3/1975, toàn bộ tiểu đoàn 61 biệt động quân nguỵ đã bị tiêu diệt, tên tiểu đoàn trưởng bị bắt sống; Trung đoàn 18 đã hoàn thành bước 1 của chiến dịch.
Để nhanh chóng thực hiện bước 2: Thọc xuống đường số 1, đồng chí Nguyễn Đức Huy đã bàn với Ban chỉ huy trung đoàn 18, tăng cường chỉ huy xuống 1 cấp, đồng chí Phạm Hồng Lẫm- trung đoàn trưởng- trung đoàn 18 xuống chỉ huy tiểu đoàn 8 thọc xuống cắt đường số 1 ở khu vực cầu Bạch Thạch; đồng chí Vũ Trọng Hoá, Tham mưu phó trung đoàn xuống trực tiếp chỉ huy tiểu đoàn 7, thọc xuống cắt đường số 1 ở khu vực Ràng Bò; còn đồng chí Nguyễn Đức Huy, Phó Tư lệnh sư đoàn trực tiếp cùng với đồng chí Hồ Sỹ Khuyên- Chính uỷ Trung đoàn chỉ huy trung đoàn 18 thay đồng chí trung đoàn trưởng Phạm Hồng Lẫm.
Sau khi được phân công tăng cường chỉ huy xuống 1 cấp, các tiểu đoàn theo góc phương vị thọc xuống đường số 1. Tiểu đoàn 8 phải đi qua chân cao điểm 200, ở đây có 1 đại đội nguỵ chiếm giữ, chúng chặn đánh quyết liệt. Để đảm bảo cho tiểu đoàn 8 thọc sâu, nhanh chóng cắt đường số 1 và giảm thương vong cho bộ đội, đồng chí Nguyễn Đức Huy đã tổ chức bố trí một trận địa hoả lực hỗn hợp gồm: 1 đại đội cối 120ly; 1 trung đội DKZ 75ly; 1 đại đội cối 82ly; 1 trung đội 12,7ly, tập trung hoả lực chế áp quân địch ở cao điểm 200; do đó đến 10 giờ, ngày 23/3/1975, Tiểu đoàn 8 đã đánh chiếm được cầu Bạch Thạch và cây Đa Đá Bạc; tiểu đoàn 7 cũng đánh chiếm được khu vực Ràng Bò. Như vậy, đến 10 giờ, ngày 23/3/1975, Trung đoàn 18 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cắt được đường số 1 dài khoảng hơn 4km từ cầu Bạch Thạch đến Ràng Bò, khiến cho hàng ngàn xe cơ giới các loại của địch rút chạy từ Huế để về Đà Nẵng bị ùn ứ trên đường số 1, cùng với hơn 5 vạn quân địch bị ta bao vây tiêu diệt và bị bắt sống.
Lá cờ giải phóng của cách mạng do Tiểu đội trưởng Nguyễn Văn Phương cùng các chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn 2 Trung đoàn101 đã được kéo lên trên đỉnh Phú Văn Lâu vào lúc 13 giờ, ngày 25 tháng 3 năm 1975, báo hiệu: Thành phố Huế đã hoàn toàn giải phóng.
Ngay sau đó, Sư đoàn 325 nhanh chóng Phát triển đánh chiếm đèo Hải Vân và bán đảo Sơn Trà Đà Nẵng, cùng đơn vị bạn giải phóng thành phố Đà Nẵng.
Với chiến công đánh chiếm bán đảo Sơn Trà – cụm quân cảng quan trọng bậc nhất của địch ở đầu phía Bắc của miền Nam Việt Nam, cùng đồng thời kết thúc chiến dịch Thừa Thiên- Huế, Đà Nẵng có ý nghĩa chiến lược là ta đã tiêu diệt và bắt trên 10 vạn quân địch, xoá sổ nhiều sư đoàn tinh nhuệ của chúng như sư đoàn thuỷ quân lục chiến, sư đoàn lính nhày dù, sư đoàn bộ binh số 1, cùng nhiều thiết đoàn xe tăng, xe thiết giáp được trang bị hùng hậu nhất trong số lực lượng quân nguỵ ở miền Nam Việt Nam. Ta đã thu hàng vạn vũ khí, hàng ngàn xe pháo các loại, cùng nhiều kho tàng quan trọng khác. Ta cũng đập tan tập đoàn quân mạnh nhất do trung tướng nguỵ Ngô Quang Trưởng, từng được mệnh danh là tài giỏi nhất của quân nguỵ chỉ huy. Ta đã giải phóng hoàn toàn một vùng rộng lớn đến hàng vạn km2 với gần 5 triệu dân. Góp phần quyết định tạo nên thắng lợi vang dội của Đại thắng mùa xuân năm 1975, mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng.
(Còn tiếp)
HN, ngày 07/5/2025
HMS (Sưu tầm)
Ảnh do Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy cung cấp