Chiến lược quản trị dữ liệu của thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030

Trong quá trình chuyển đổi số, thành phố Hồ Chí Minh đã gặp nhiều khó khăn, và những rào cản do việc thiếu cách tiếp cận toàn diện của Thành phố đối với việc chuyển đổi chính quyền số, luồng dữ liệu hạn chế không chỉ ở việc ra quyết định mà còn do phát triển kinh tế số và nghiêm trọng hơn là thiếu cơ chế triển khai với nguồn kinh phí đầy đủ và việc tổ chức thực hiện.
smart-city-hochiminh-city-1678091104.jpg

Chuyển đổi số và tác động của Cách mạng Công nghiệp 4.0 ảnh hưởng lớn đến hầu hết mọi ngành, làm thay đổi nhanh chóng cách hoạt động của các doanh nghiệp cũng như cách kết nối với thế giới số; tác động sâu sắc đến thay đổi cuộc sống hàng ngày của nhân loại. Chính phủ các nước đang trải qua quá trình chuyển đổi số để cải thiện hiệu suất, tính minh bạch và tiết kiệm chi phí sản xuất; đây là cơ hội có ý nghĩa quan trọng cho việc phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19. Tầm quan trọng của một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo hỗ trợ quá trình chuyển đổi này đã được thể hiện trong chiến lược nền tảng để mở rộng nền kinh tế số, xây dựng năng lực trong các công nghệ mới nổi và đặt ra các ưu tiên trong tăng trưởng số.

mo-hinh-du-lieu-cua-tp-hcm-1678091176.png

Mô hình dữ liệu của TP. Hồ Chí Minh (ảnh sưu tầm)

Chiến lược Quản trị dữ liệu có vai trò quan trọng, giúp tận dụng tiềm năng dữ liệu để nâng cao hiệu quả quản lý, đồng thời thúc đẩy tăng năng suất và đổi mới, hướng tới kinh tế - xã hội số toàn diện và bền vững. Chiến lược này cũng là nền tảng hình thành khung pháp lý về thu thập, lưu trữ, chia sẻ và sử dụng dữ liệu phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, tạo môi trường  thuận lợi cho dữ liệu thông suốt trong hoạt động thương mại và đầu tư của doanh nghiệp. 

Thực hiện kế hoạch của Ủy ban chuyển đổi số quốc gia về “Tạo lập và khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới”. Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động đề ra nhiều giải pháp nhằm triển khai đô thị thông minh; xác định “dữ liệu số” là nền tảng, là chìa khóa để chuyển đổi số toàn diện trong phát triển kinh tế. Xây dựng xã hội số, chính quyền số và mở mang, phát triển đô thị thông minh, sáng tạo là những việc làm cần thiết.

Ngày 06/02/2023, Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành Quyết định số 328/QĐ-UBND về phê duyệt Chiến lược quản trị dữ liệu đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 nhằm tạo lập cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin nền tảng; số hóa, sử dụng hiệu quả dữ liệu số; thúc đẩy chia sẻ, sử dụng và tái sử dụng dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước, hướng đến quản trị và điều hành, ra quyết định dựa trên dữ liệu; cung cấp dữ liệu thống nhất, tin cậy, bảo mật và an toàn cho người dân, doanh nghiệp và các nhà nghiên cứu khai thác sử dụng nhằm tạo giá trị gia tăng và phát triển kinh tế dữ liệu; cung cấp dịch vụ thân thiện và hiệu quả cho người dân, tăng năng suất lao động, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số một cách toàn diện và bền vững. 

tp-hcm-chien-luoc-du-lieu-3130-1677837734-1678091305.jpg

Chiến lược dữ liệu của Thành phố hướng đến:

Cụ thể hóa các nhiệm vụ về triển khai các kho dữ liệu dùng chung với việc mở rộng hệ thống thông tin chuyên ngành và số hóa, sử dụng hiệu quả dữ liệu số được xác định trong Chương trình Chuyển đổi số, xây dựng Thành phố trở thành đô thị thông minh và kiến trúc chính quyền điện tử cho thành phố.

Tạo lập các cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin nền tảng phục vụ mục tiêu chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh.

Thúc đẩy trao đổi, chia sẻ, sử dụng và tái sử dụng dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước, hướng đến quản trị và điều hành, ra quyết định dựa trên dữ liệu.

Chuẩn hóa các nhóm dữ liệu đảm bảo kết nối, chia sẻ, ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06 tháng 01 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Cung cấp dữ liệu thống nhất, tin cậy, bảo mật và an toàn để khai thác sử dụng nhằm tạo giá trị gia tăng, tạo tiền đề phát triển kinh tế dữ liệu, góp phần phát triển kinh tế, xã hội.

Nâng cao năng lực và kỹ năng của đội ngũ công chức về quản trị dữ liệu, xác định rõ vai trò và trách nhiệm của từng đơn vị trong việc tạo lập, quản lý, giám quản và sử dụng dữ liệu số.

Theo đó, từ nay đến năm 2025, Chiến lược dữ liệu sẽ tập trung vào 03 nhóm chính đó là: Dữ liệu về người dân (bao gồm dữ liệu hành chính, hộ tịch; y tế giáo dục va an sinh); tài chính, tài chính - doanh nghiệp với dữ liệu tổng hợp, thống kê thu chi ngân sách, quản lý đầu tư công và dữ liệu về doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể; dữ liệu đô thị-đất đai. Về đất đai và đô thị sẽ tập trung vào dữ liệu đất đai, nền tảng thông tin địa lý, các nhóm ngành vật liệu ngành xây dựng, giao thông và quy hoạch kiến trúc.

Nhằm cập nhật, khai thác dữ liệu phục vụ công tác quản lý, phát triển đô thị; chỉ tiêu chủ yếu cần đạt đến năm 2025 là 100% hệ thống thông tin quản lý về đất đai, cấp phép xây dựng theo quy hoạch thống nhất trên địa bàn thành phố; tạo lập được dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử của người dân, dữ liệu về an sinh; dữ liệu về thành lập, tình hình hoạt động doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể; dữ liệu về thu - chi ngân sách và giải ngân đầu tư công. Phấn đấu để 100% cơ sở dữ liệu được lưu trữ, quản lý tại Trung tâm dữ liệu Thành phố, đảm bảo an toàn thông tin theo quy định.

Từ thực tiễn triển khai kế hoạch, ban chỉ đạo Thành phố đã rút ra:

Chuyển đổi số và quản trị dữ liệu là một hành trình, cần phải cải tiến  phù hợp với các tiến bộ công nghệ theo thời gian; cách tiếp cận toàn Thành phố cần được phối hợp chặt chẽ và đồng sáng tạo về dịch vụ; Phải thành lập cơ quan chủ trì để thúc đẩy, điều phối và thiết kế giải pháp nhằm cải thiện việc tích hợp và thiết kế các dịch vụ số; dịch vụ công phải thích ứng để biến công dân và doanh nghiệp trở thành trọng tâm thay vì hoạt động riêng biệt để tạo ra các “hòn đảo” tự động hóa.

Chiến lược quản trị dữ liệu của thành phố là kết quả cụ thể của mối quan hệ hợp tác hiệu quả giữa Ngân hàng Thế giới trong khuôn khổ Chương trình hợp tác chung với Ngân hàng Thế giới và nhóm công tác chuyển đổi số. Sự đồng thuận của các cấp, cả lãnh đạo và kỹ thuật để triển khai theo cách tiếp cận tổng thể để xây dựng kế hoạch chuyển đổi thống nhất, phù hợp với các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của Thành phố. Qua đó, giúp Thành phố tránh được tình trạng phân mảnh, tăng hiệu quả và tạo điều kiện cho chuyển đổi số sâu rộng trong những năm tới và nhờ đó, Thành phố sẽ trở nên cạnh tranh và đáng sống hơn. 

Từ năm 1990 đến nay,  thương mại toàn cầu về dịch vụ dựa trên dữ liệu đã phát triển theo cấp số nhân và hiện chiếm một nửa kim ngạch thương mại dịch vụ toàn thế giới. Vấn đề đặt ra là làm như thế nào để Tp.HCM tận dụng được giá tri từ dữ liệu của mình cho mục tiêu tăng năng suất và năng lực cạnh tranh?

Từ góc nhìn của một định chế tài chính toàn cầu, Trưởng Đại diện Ngân hàng Thế giới (W.B) giới tại Việt Nam Carolyn Turck đã gợi ra 3 hành động cụ thể để thực hiện Chiến lược một cách  hiệu quả đó là. Chứng minh giá trị của việc chia sẻ dữ liệu dùng chung, đầu tư xây dựng thể chế phù hợp để quản lý tài sản dữ liệu một cách an toàn, tối đa hóa giá trị của tài sản dữ liệu và thứ ba là tính cấp bách của việc phân bổ đủ kinh phí để tạo ra các tài sản dữ liệu cốt lõi và xây dựng hạ tầng số đảm bảo khả năng tương tác của các hệ thống dữ liệu và thông tin. Chỉ có như vậy, các hành động cải cách chuyển đổi số mới có thể thúc đẩy tăng năng suất, tăng năng lực cạnh tranh và phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.

Nhìn chung, nếu không có thể chế hiệu quả, các chính sách quản lý dữ liệu liên quan và các kế hoạch chuyển đổi số khó có thể triển khai hoặc thực thi hiệu quả và hạ tầng số dự định đầu tư cũng sẽ không phát huy hết tiềm năng./.