Chuyển đổi số giúp thay đổi toàn diện du lịch nông thôn

07/10/2022 17:35

Phát triển du lịch nông thôn cần gắn với chuyển đổi số và hướng tới các mục tiêu phát triển điểm đến và sản phẩm du lịch chất lượng cao.

du lich nong thon nthon moi (1)

Chuyển đổi số sẽ góp phần tạo khí thế mới cho du lịch nông thôn trong thời gian tới. Ảnh: Phạm Hiếu.

Kinh nghiệm từ Quảng Ninh

Chia sẻ về kinh nghiệm ứng dụng chuyển đổi số trong du lịch tại Hội nghị triển khai Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021 - 2025 ngày 6/10, đại diện tỉnh Quảng Ninh cho biết, du lịch đã được tỉnh xác định là một ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.

Sau thời gian dài đóng băng do ảnh hưởng của Covid-19, việc áp dụng công nghệ số vào phát triển sản phẩm, tiếp cận, tăng trải nghiệm cho du khách có đóng góp lớn, làm thay đổi diện mạo du lịch địa phương.

Đặc biệt, với việc triển khai thực hiện chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, ngành du lịch Quảng Ninh xác định chuyển đổi số là giải pháp, cũng là hướng đi tất yếu giúp du lịch tăng tốc bứt phá và phát triển bền vững trong giai đoạn tiếp theo.

“Có thể thấy, dịch bệnh Covid-19 đã tác động rất lớn đến việc thay đổi hành vi và xu hướng của khách du lịch. Nhu cầu đặt tour du lịch online, phương thức tiếp cận khách hàng, quảng bá, giao dịch, thanh toán dịch vụ đang chuyển dần sang môi trường số, xu hướng du lịch "không chạm" của du khách đã trở thành sự ưu tiên hàng đầu trong ngành du lịch hậu Covid-19. Do đó, chuyển đổi số đang trở thành lựa chọn của những tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch nếu muốn tồn tại, phát triển trong thời kỳ cách mạng 4.0”, đại diện tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh.

Empty

Du lịch đã được tỉnh Quảng Ninh xác định là một ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Ảnh: Huy Bình.

Nhằm triển khai có hiệu quả mô hình chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng Hệ thống du lịch thông minh nhằm hỗ trợ du khách được trải nghiệm du lịch một cách tốt nhất, hỗ trợ các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ du lịch hiệu quả và hỗ trợ các cơ quan quản lý du lịch phân tích, dự báo số liệu, đẩy mạnh quảng bá và quản lý hoạt động du lịch.

Tỉnh cũng tạo lập một môi trường tương tác số cho các doanh nghiệp, khách du lịch và người dân một cách thuận tiện và minh bạch đảm bảo việc thực hiện đúng đắn các chủ trương của tỉnh trong phát triển du lịch. Đồng thời, địa phương đã cung cấp công cụ hiện đại, thông minh thu thập các thông tin cần thiết cho công tác quản lý và hỗ trợ lãnh đạo tỉnh trong công tác kiểm tra, kiểm soát tình hình thực hiện quy hoạch du lịch cũng như ra các quyết định chính xác nâng cao hiệu quả công tác quản lý du lịch.

Đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh đã ứng dụng công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển du lịch nông thôn gắn với triển khai thực hiện Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 2/8/2022 của Chính phủ về Phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 và Quyết định số 924/QĐ-TTg ngày 2/8/2022 của Chính phủ về Phê duyệt Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh giai đoạn 2021 - 2025.

Empty

Quảng Ninh đã xây dựng ngân hàng hình ảnh, số hóa các thông tin, tài liệu về các điểm du lịch nông thôn, để nhằm hỗ trợ và tăng trải nghiệm cho khách du lịch. Ảnh: Huy Bình.

Trong đó, trọng tâm là lập bản đồ số các sản phẩm du lịch nông thôn, hỗ trợ kết nối sản phẩm du lịch nông thôn với các sản phẩm du lịch khác phục vụ cho việc xúc tiến du lịch nông thôn. Xây dựng cơ sở dữ liệu thống nhất từ tỉnh đến cơ sở phục vụ cho việc quản lý, quảng bá và xúc tiến du lịch nông thôn.

Xây dựng ngân hàng hình ảnh, số hóa các thông tin, tài liệu về các điểm du lịch nông thôn, tăng cường ứng dụng dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR) và thực tế ảo tăng cường (AR) để từng bước hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh nhằm hỗ trợ và tăng trải nghiệm cho khách du lịch, tạo điều kiện cho khách du lịch trải nghiệm các hoạt động, dịch vụ du lịch nông thôn an toàn, thuận tiện và thân thiện.

Xây dựng chuyên trang điện tử (website, triển lãm, hội chợ du lịch ảo, các sản phẩm truyền thông số...) về du lịch nông thôn gắn với giới thiệu, quảng bá điểm du lịch nông thôn; khai thác thế mạnh truyền thông trên các nền tảng xã hội.

Vừa qua, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký Quyết định số 924/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021 - 2025. Mục tiêu tổng quát của Chương trình nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xây dựng NTM, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn - thành thị, từng bước hướng tới NTM thông minh.

Empty

Phát triển du lịch nông thôn gắn với chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ cấp bách. Ảnh: Phạm Hiếu.

Nhân rộng mô hình làng du lịch thông minh

Tại hội nghị, các đại biểu đều chung quan điểm, trong định hướng chung phát triển ngành du lịch, du lịch nông thôn đang là hướng đi mới được kỳ vọng sẽ mang lại một nguồn thu ổn định cho những doanh nghiệp du lịch. Chính vì vậy, phát triển du lịch nông thôn gắn với chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ cấp bách.

Cụ thể, phát triển du lịch nông thôn phải gắn với chuyển đổi số và hướng tới các mục tiêu phát triển điểm đến và sản phẩm du lịch chất lượng cao với mô hình Làng du lịch thông minh. Đó là việc sử dụng ứng dụng công nghệ kết hợp với khai thác các giá trị bản địa, truyền thống, sức mạnh cộng đồng, hình thành điểm đến có sản phẩm đặc trưng, chất lượng cao.

Cùng với đó là kết nối, vận dụng các hoạt động truyền thống với các ứng dụng mới như quảng cáo trực tuyến, đặt tour trực tuyến - booking online (đối với tour, homestay, ẩm thực, dịch vụ trải nghiệm...), thanh toán trực tuyến nhằm đưa đến cho khách du lịch những trải nghiệm tốt nhất. Hình thành hệ thống Làng du lịch thông minh trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Thực hiện xúc tiến, quảng bá, rút ngắn khoảng cách, đưa những giá trị truyền thống, đặc sắc nhất của khu vực nông thôn đến với khu vực đô thị, thu hút du khách về với khu vực nông thôn thông qua các kết nối ứng dụng công nghệ như website, mạng xã hội, công cụ tìm kiếm trực tuyến….

Empty

Phát triển du lịch nông thôn phải gắn với chuyển đổi số và hướng tới các mục tiêu phát triển điểm đến và sản phẩm du lịch chất lượng cao với mô hình Làng du lịch thông minh. Ảnh: Phạm Hiếu.

Đồng thời, xây dựng, phát triển các kênh phân phối, sàn giao dịch trực tuyến kết nối với thị trường gửi khách phục vụ riêng cho quảng bá điểm đến và thúc đẩy sản phẩm du lịch nông thôn; hỗ trợ các hộ gia đình, điểm du lịch cộng đồng trực tiếp đăng ký, chào bán sản phẩm du lịch nông thôn trên cơ sở kết nối với các kênh thông tin, xúc tiến quảng bá của ngành du lịch và ngành nông nghiệp, kết hợp với thúc đẩy tiêu thụ nông sản địa phương thông qua hoạt động du lịch.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh, việc ứng dụng chuyển đổi số trong xây dựng NTM sẽ hỗ trợ một cách tích cực trong khâu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đồng thời giúp truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông lâm thủy sản và xây dựng chính quyền điện tử. Từ đó, giúp nông thôn phát triển bền vững, trở thành nơi đáng sống theo chủ trương của Chính phủ, Bộ NN-PTNT.

Ông Trần Nhật Lam, Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương cho rằng: "Một trong những tiêu chí của xã NTM nâng cao là cần có một làng thông minh. Chúng tôi sẽ hỗ trợ các địa phương kết hợp những tiêu chí văn minh với tiêu chí về làng thông minh để nâng cao giá trị, bản sắc của du lịch tại các miền quê. Qua đó xây dựng hình ảnh nông thôn năng động, xanh - sạch - đẹp, là điểm du lịch hấp dẫn, đồng thời nâng cao thu nhập cho cộng đồng người dân”.

Bạn đang đọc bài viết "Chuyển đổi số giúp thay đổi toàn diện du lịch nông thôn" tại chuyên mục Nông thôn mới. Hotline: 0846460404 - Liên hệ Quảng cáo: 0912563309