Vị tân “Trưởng thôn” nhậm chức nửa cuối tháng 3/2024 với những khẳng định sẽ gần dân, sát dân, sẽ bố trí lịch tiếp dân với trách nhiệm là người lãnh đạo đứng đầu địa phương, lắng nghe dân bày rỏ tâm tư, nguyện vọng. Ông chỉ đạo bộ phận tiếp dân nhận được đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo không được mở ra đọc mà phải để nguyên trình báo cho “Trưởng thôn” tự bóc ra xem rồi có ý kiến giải quyết. Biết vậy, bà con dân làng rất mừng vì vị tiền nhiệm do tay sớm “nhúng chàm” hầu như đều lảng tránh tiếp dân, toàn ủi cho bộ phận văn phòng tiếp dân, ghi nhận ý kiến báo cáo với lãnh đạo xin ý kiến chỉ đạo.
Nhưng rồi tân “Trưởng thôn” cũng sớm “đánh trống bỏ dùi”, chỉ là chiêu trò mỵ dân. Vì chỉ hai tháng sau, ông ta buông bỏ tiếp dân, phó mặc cho bộ phận văn phòng tái diễn cách tiếp dân y như cũ, làm cho dân làng chán ngán. Cho nên trường hợp ông N.Q làm đơn tố giác tội phạm có ghi rõ họ và tên, địa chỉ, kèm theo tài liệu, chứng cứ chứng minh về trường hợp P.V.H kê khai gian dối đã nhận tiền bồi thường giải phóng mặt bằng hơn 2, 1 tỷ đồng về tài sản, cây cối có trên “đất quỹ 2” từ ngân sách phường. Dân làng gọi trường hợp P.V.H là kẻ “cướp cạn giữa ban ngày”, khẩn thiết đề nghị cơ quan chức năng điều tra làm rõ để thu hồi lại số tiền tỷ bị chiếm đoạt trái phép nhưng cứ đùn đẩy trách nhiệm theo cái gọi là “cứt trâu để lâu hoá bùn”. Ông N.Q cũng hy vọng, tin vào lời hứa của tân “Trưởng thôn” sẽ ra tay chỉ đạo kết luận, xử lý vụ khai khống chiếm đoạt số tiền lừa đảo nói trên về cho ngân sách Nhà nước nhưng chờ dài cổ cũng chẳng động tỉnh gì, gây bức xúc dư luận xã hội.
Rồi đến hài kịch "thói đao đức giả" thể hiện qua “Tâm thư” của tân “Trưởng thôn” được phơi bày trên báo chí và mạng xã hội với những lời tâm huyết, trăn trở về công tác cán bộ, cho rằng "đội ngũ cán bộ của địa phương vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Công tác tuyển dụng, đào tạo, bố trí, sử dụng, điều động, luân chuyển, đánh giá cán bộ có lúc, có nơi chưa thực chất, dẫn đến bố trí cán bộ chưa phù hợp. Một bộ phận cán bộ trình độ, năng lực không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; một số ít suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, thiếu trách nhiệm, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước, tham nhũng, tiêu cực, bị xử lý kỷ luật và xử lý hình sự. Đây là bài học đắt giá cần rút ra trong công tác cán bộ và phát huy trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác cán bộ.”
Tân "Trưởng thôn" còn lên gân cam kết mạnh mẽ trong "Tâm thư" về việc lựa chọn cán bộ theo các tiêu chí đạo đức, năng lực, phẩm chất chính trị, và sự công khai, minh bạch. Ông nhấn mạnh công tác cán bộ phải đảm bảo chọn lựa những người thực sự có đức, có tài, vì dân vì nước, với những tiêu chí rõ ràng về đạo đức và hiệu quả công việc; cam kết sẽ không để lọt vào các cấp uỷ những cá nhân có biểu hiện tham nhũng, tiêu cực, tham vọng quyền lực và lợi ích nhóm.
Tuy nhiên, thực tiễn lại đi ngược lại hoàn toàn với những lời tân "Trưởng thôn" hứa trong "Tâm thư". Dân làng nơi đây đã không khỏi ngỡ ngàng và bức xúc khi chứng kiến tân "Trưởng thôn" tiếp tục tái diễn những sai phạm mà người tiền nhiệm đã mắc phải. Đặc biệt là việc luân chuyển, bổ nhiệm những người thiếu phẩm chất, năng lực, nhưng lại được đưa vào những vị trí quyền lực như quyết định bổ nhiệm con rể, con đẻ của cựu Bí thư, Chủ tịch tỉnh đều vừa bị khởi tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo khoản 3 Điều 356 Bộ luật Hình sự, đã làm dấy lên những câu hỏi về tính minh bạch và đạo đức trong công tác lãnh đạo của vị tân "Trưởng thôn".
Điều đáng nói ở đây là những lời nói trong "Tâm thư" của tân “Trưởng thôn” rõ ràng là cam kết của một lãnh đạo muốn thực hiện cải cách, xây dựng bộ máy trong hệ thống chính trị của địa phương trong sạch và minh bạch, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Nhưng hành động của tân “Trưởng thôn” lại hoàn toàn mâu thuẫn với những lời cam kết đó, làm dấy lên sự hoài nghi về đạo đức và trách nhiệm của người đứng đầu. Khi những "con sâu làm rầu nồi canh" không được loại bỏ, mà lại tiếp tục được nâng đỡ và tạo cơ hội, chính là lúc niềm tin của dân làng vào tân “Trưởng thôn” bị suy giảm trầm trọng.
Trong lúc đang có nhiều ý trái chiều thì tân “Trưởng thôn” lại một lần nữa bị bêu tên trên phương tiện truyền thông khi ở nơi công tác cũ đã vi phạm quy định trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, gây hậu quả nghiêm trọng, làm giảm uy tín của tổ chức đảng và chính quyền địa phương, đến mức phải thi hành kỷ luật. Cơ quan chức năng đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật tân “Trưởng thôn”. Đây là cái giá phải trả của "thói đạo đức giả" của tân "Trưởng thôn" từng bước bị lật tẩy do tay đã "nhúng chàm", chờ cấp có thẩm quyền thi hành kỷ luật, rất có thể lại vào "nhà đá" bóc lịch như người tiền nhiệm về tội "nhận hối lộ".
Thực tế này cho thấy một sự thật đau lòng rằng, công tác cán bộ nếu không được thực hiện nghiêm túc, không có sự kiên quyết trong việc loại bỏ những cá nhân không đủ phẩm chất, không đủ năng lực, sẽ dẫn đến những hệ lụy khó lường. Vị tân "Trưởng thôn", thay vì rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc từ sai lầm của người tiền nhiệm, lại tiếp tục phạm phải những sai lầm tương tự. Điều này khiến cho người dân không khỏi thất vọng và lo ngại về tương lai của địa phương.
Chuyện của vị tân "Trưởng thôn" không chỉ phản ánh sự thiếu trách nhiệm trong công tác lãnh đạo mà còn là một lời cảnh tỉnh về việc cần phải có sự minh bạch, công khai và chính trực trong công tác tuyển dụng và bổ nhiệm cán bộ. Để xây dựng bộ máy lãnh đạo, quản lý trong sạch, mạnh mẽ, và hiệu quả, mỗi cán bộ, đặc biệt là người đứng đầu, cần phải thực sự hiểu và thực hiện đúng những cam kết của mình, không chỉ bằng lời nói mà còn bằng hành động cụ thể, mạnh mẽ và quyết liệt.
Bài học mà vị "Trưởng thôn" cần rút ra chính là không bao giờ được "giẫm vào vết xe đổ" của người tiền nhiệm. Đạo đức và trách nhiệm là yếu tố cốt lõi trong việc xây dựng một bộ máy trong sạch và minh bạch. Dù có dùng mọi mánh khoé, che đậy tinh vi mà “nói không đi đôi với làm” thì “thói đạo đức giả” cũng lòi mặt ra. Do vậy, chỉ khi nào mỗi cán bộ lãnh đạo thực sự nhìn nhận và thực hiện đúng những cam kết của mình, thì công tác cán bộ mới có thể thực sự đem lại kết quả tích cực, làm nền tảng cho sự phát triển bền vững và công bằng của xã hội.
Câu chuyện về vị tân "Trưởng thôn" không chỉ là một ví dụ điển hình của “thói đạo đức giả” mà còn là lời cảnh tỉnh đối với những cán bộ có trách nhiệm, nhất là người đứng đầu, trong việc xây dựng bộ máy lãnh đạo, quản lý ở địa phương. Nếu người đứng đầu không liêm, chính và minh bạch trong công tác cán bộ, thì những cam kết chỉ là lời hứa suông, và cuối cùng sẽ chỉ càng suy yếu, hư hỏng, không thể đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân.
Bác Hồ từng căn dặn “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hay thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Đảng ta xác định, sau khi có đường lối đúng thì cán bộ là nhân tố quyết định, công tác cán bộ là “then chốt” của nhiệm vụ "then chốt”.
Tổng Bí thư Tô Lâm nhiều lần nhấn mạnh: “Cán bộ và công tác cán bộ là vấn đề “rất trọng yếu”, “quyết định mọi việc”, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc đang đặt ra cấp thiết".
Số phận của tân "Trưởng thôn" sẽ được đề cập trong Chuyện làng - Chuyện phố những kỳ tiếp theo.
Q.Y