Đà Lạt đang trên con đường trở thành một trung tâm nông nghiệp công nghệ cao của Việt Nam.

Theo báo cáo của UBND thành phố, trong năm 2022 và 2023, Đà Lạt đã triển khai hàng loạt các mô hình nông nghiệp công nghệ cao với sự đa dạng về cây trồng, vật nuôi và quy mô... đều hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm thiểu chi phí và tạo ra các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao.

20220810094144images2471920-t3b-anh-2-22-1722913679.jpg

Đà Lạt đang trên con đường trở thành một trung tâm nông nghiệp công nghệ cao của Việt Nam. Ảnh: Internet

Đặc biệt, việc ứng dụng các công nghệ hiện đại như hệ thống tưới tự động, cảm biến tự động, nhà kính, nhà lưới đã giúp nông dân Đà Lạt tiết kiệm nước tưới, giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Trong đó,từ các mô hình trồng dâu tây công nghệ cao, trồng ớt ngọt trên giá thể, trồng hoa lay ơn nhập khẩu đến các mô hình nông nghiệp thông minh.

Đồng thời, theo thống kê của cơ quan chức năng, tại Đà Lạt, có tổng cộng 6.208 ha đất nông nghiệp được áp dụng hệ thống tưới tiên tiến tiết kiệm nước và công nghệ cảm biến tự động. Khâu gieo ươm giống rau, hoa đã được cơ giới hóa từ khâu rửa vỉ, đóng giá thể và gieo hạt bằng máy cho năng suất lao động tăng gấp 5 - 7 lần so với làm thủ công. Ngoài các công nghệ đã được áp dụng rộng rãi trong sản xuất như nhà kính, nhà lưới, tưới tự động,...; các công nghệ mới như canh tác thủy canh, giá thể (70 ha); đến nay, tổng diện tích ứng dụng công nghệ cảm biến, điều khiển qua hệ thống công nghệ thông tin đạt 75 ha. Công nghệ IoT, nông nghiệp thông minh (350 ha), nông nghiệp hữu cơ đã từng bước được ứng dụng trong sản xuất.

Với những nỗ lực không ngừng, Đà Lạt đã xây dựng được thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao. Chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm) đã góp phần phát triển đa dạng về mẫu mã, nâng cao về chất lượng của các mặt hàng nông sản địa phương, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Các sản phẩm OCOP của Đà Lạt không chỉ được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng mà còn có mặt trên nhiều thị trường quốc tế. Hiện Đà Lạt có 82 sản phẩm của 32 chủ thể được chứng nhận sản phẩm OCOP (trong đó 2 sản phẩm 5 sao, 16 sản phẩm 4 sao, 64 sản phẩm 3 sao). Các sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP là những sản phẩm đặc trưng của Đà Lạt như sản phẩm từ Atiso, cà phê, dâu tây, phúc bồn tử, hồng treo gió, đông trùng hạ thảo...

Hơn thế nữa, thành công của Đà Lạt trong việc chuyển đổi số nông nghiệp không thể không kể đến sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lâm Đồng cùng với các đơn vị liên quan đã triển khai nhiều chương trình, dự án hỗ trợ nông dân tiếp cận và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Bên cạnh đó, việc hợp tác với các doanh nghiệp, hợp tác xã và các tổ chức quốc tế đã giúp Đà Lạt tiếp cận được những công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới và xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả để từ đó nhân rộng mô hình ngày càng rộng rãi.

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số nông nghiệp tại Đà Lạt vẫn đối diện với một số thách thức nhất định như chi phí đầu tư cao, thiếu hụt nguồn nhân lực và khó khăn trong việc tiếp cận thị trường tiêu thụ. Để vượt qua những thách thức này, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa chính quyền địa phương, nông dân, doanh nghiệp, các tổ chức khoa học để đẩy mạnh việc chuyển đổi số trong nông nghiệp. Đồng thời, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao nhận thức của cộng đồng về lợi ích của việc áp dụng công nghệ trong nông nghiệp cũng là yếu tố quan trọng rất cần chính quyền quan tâm, hỗ trợ.

Đà Lạt đang trên con đường trở thành một trung tâm nông nghiệp công nghệ cao của Việt Nam. Với những thành tựu đã đạt được và những tiềm năng còn rất lớn, Đà Lạt hứa hẹn sẽ mang đến nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.