Đà Nẵng gặp khó khăn trong việc thu hút đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao

Mặc dù đã đầu tư ngân sách vào việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật đến tận chân tường rào, nhiều khu vực nông nghiệp công nghệ cao tại Đà Nẵng vẫn gặp khó khăn trong việc thu hút các nhà đầu tư. Các vướng mắc về đất đai hiện đang là trở ngại rất lớn.
a10-1-1719367094.jpg
Các vướng mắc về đất đai hiện đang là trở ngại rất lớn.

Tại địa bàn huyện Hòa Vang hiện đã có 3 vùng sản xuất các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNCNC) được quy hoạch chi tiết 1/500 với tổng diện tích 65,9ha. Đó là vùng NNCNC Hòa Khương-Hòa Phong (16,2 ha), vùng NNCNC Hòa Phú (20,9 ha), vùng NNCNC Hòa Khương (28,8ha). Theo chủ trương của thành phố, các vùng NNCNC này sẽ được thành phố dùng ngân sách đầu tư hạ tầng kỹ thuật đến hàng rào dự án và không thực hiện thu hồi, giải phóng mặt bằng. Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn làm chủ đầu tư kiêm điều hành dự án, UBND huyện Hòa Vang chủ trì phối hợp với Ban Hỗ trợ và Xúc tiến đầu tư hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy hoạch thông qua hình thức nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định. Hiện nay vùng NNCNC Hòa Phú đã phê duyệt chủ trương đầu tư hạ tầng kỹ thuật từ cuối năm 2022 với tổng mức đầu tư 1,18 tỷ đồng. Mặc dù đã hoàn thành xong dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật nhưng dự án chưa thể bàn giao do chưa có chủ thể quản lý.

UBND huyện Hòa Vang cho biết, hiện trạng đất đai của vùng NNCNC Hòa Phú có tổng cộng 156 thửa, diện tích 20,9 ha với tổng số 187 hộ sản xuất, tổng kinh phí đền bù khái toán cho vùng này hơn 137 tỷ đồng. Huyện Hòa Vang đã tổ chức họp dân và triển khai kêu gọi, thu hút đầu tư nhưng do vướng về thủ tục đất đai, người dân và doanh nghiệp trong vùng dự án không thống nhất việc thực hiện nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định. Với người nông dân dù có đất trong vùng nhưng họ không dám đầu tư sản xuất NNCNC bởi lẽ không đảm bảo năng lực về vốn, kỹ năng quản lý, tổ chức sản xuất. Vì vậy họ chỉ muốn bán đất để doanh nghiệp đầu tư dự án NNCNC. Tuy vậy, doanh nghiệp muốn đầu tư thì phải bỏ chi phí thuê mua lại đất của người dân, mà chi phí này rất lớn. Đơn cử như ở vùng NNCNC Hòa Phú, doanh nghiệp muốn đầu tư dự án vào khu đất 20,9 ha, khi đi khảo sát phải bồi thường tới 137 tỷ đồng nên họ không tham gia.

Trong khi đó, tại vùng NNCNC Hòa Khương-Hòa Phong rộng 16,2 ha đã được phê duyệt chủ trương đầu tư hạ tầng kỹ thuật từ tháng 3-2023 với tổng kinh phí hơn 6,6 tỷ đồng. Sở Xây dựng đã phê duyệt Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng và kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Hiện nay Ban QLDA chưa thực hiện công tác lựa chọn nhà thầu, ký kết Hợp đồng xây dựng để khởi công do còn vướng mắc trong việc bàn giao đưa vào sử dụng và quản lý sau khi hoàn thành đầu tư. Vùng NNCNC Hòa Khương-Hòa Phong hiện có 116 thửa đất, tổng diện tích hơn 15,9ha, trong đó có hơn 1,3 ngàn m2 đất ở của 3 hộ dân, còn lại là đất trồng cây lâu năm do UBND xã quản lý (đất chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất). Tổng số hộ sản xuất là 64 hộ, hiện tại đang trồng keo lá tràm. Khái toán kinh phí bồi thường hỗ trợ toàn vùng hơn 52,7 tỷ đồng.

Theo huyện Hòa Vang, đối với vùng NNCNC Hòa Khương-Hòa Phong đã có nhiều nhà đầu tư quan tâm, trong đó có 2 nhà đầu tư gồm Công ty Cổ phần Hợp Linh Giang Vang Sim Bà Nà và Công ty Vì cộng đồng đã gửi hồ sơ đăng ký tham gia qua Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư. Trong đó Công ty Cổ phần Hợp Linh Giang Vang Sim Bà Nà đã được Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư đề xuất Dự án trồng nhân giống cây sim và ứng dụng công nghệ cao và chế biến chế phẩm từ quả sim tại vùng NNCNC Hòa Khương-Hòa Phong. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa hoàn thành các thủ tục thu hút đầu tư và việc hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện dự án thông qua hình thức nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định có nhiều vướng mắc, khó thực hiện. Riêng vùng NNCNC Hòa Khương diện tích 28.8ha hiện đã phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 nhưng chưa phê duyệt chủ trương đầu tư dự án hạ tầng kỹ thuật nên chưa triển khai dự án.

Trong thời gian tới, Đà Nẵng đã yêu cầu huyện Hòa Vang chủ động xây dựng phương án để sớm đưa vào hoạt động vùng NNCNC Hòa Phú, đồng thời đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn để tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tiếp cận chính sách và triển khai các mô hình, dự án sản xuất NNCNC. Với 2 vùng NNCNC còn lại, Đà Nẵng yêu cầu khẩn trương thi công dự án hàng rào kỹ thuật tới chân tường rào của vùng, đồng thời đang tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, nhất là về đất đai, hỗ trợ thủ tục để thu hút nhà đầu tư triển khai các dự án trong vùng.