Phóng sự của Đài Truyền hình Kỹ thuật số Việt Nam
Lễ hội truyền thống làng cổ Bát Tràng đang được biết đến là một trong những lễ hội độc đáo nhất của thủ đô ngàn năm văn hiến. Với những sản phẩm gốm sứ nổi tiếng khắp năm châu và di sản văn hóa và nghệ thuật độc đáo, lễ hội truyền thốnglàng cổ Bát Tràng trở thành một điểm đến vui chơi trải nghiệm văn hóa không thể bỏ qua cho du khách thập phương và bạn bè quốc tế trong dịp cuối tuần.
Lễ hội truyền thống làng cổ Bát Tràng được tổ chức tại đình Bát Tràng, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm - là nơi thờ sáu vị thần có công trong việc giúp dân giữ nước. Với nhiều hoạt động hấp dẫn như rước nước, cúng tế và lễ hội văn nghệ, Ủy ban nhân dân xã Bát Tràng cho biết việc tổ chức lễ hội là dịp để các thế hệ tưởng nhớ các đức tổ nghề gốm và các bậc tiền nhân đã truyền dạy cách để tạo ra các sản phẩm gốm Bát Tràng tinh xảo, mang tâm hồn của người Việt Nam.
Ông Phạm Huy Khôi, Chủ tịch UBND xã Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) cho biết: "Sau một năm làm ăn vất vả, trong dịp đầu xuân, người dân Bát Tràng hồ hởi và rất mong mỏi đến ngày Hội làng để có dịp tri ân đến các bậc Thành Hoàng làng - người đã giúp cho người dân có công việc và cuộc sống ấm no như ngày hôm nay."
Thông qua Lễ hội, người dân trong làng cầu mong "mưa thuận gió hòa", "sản xuất - tiêu thụ hanh thông". Xưa kia lễ hội kéo dài 15 ngày trong tháng 2 Âm lịch nhưng ngày nay lễ hội chỉ tổ chức trong 03 ngày 14, 15 và 16 tháng 2 Âm lịch (tức ngày 23, 24 25 tháng 03/2024).
Ông Naran Mike, du khách Australia, rất thích thú với Lễ hội làng gốm. Ông chia sẻ: "Tôi thấy thật vinh dự được đến thăm làng gốm. Chúng tôi đi dọc đường làng nhận thấy có rất nhiều hoạt động khác nhau cùng rất nhiều màu sắc. Mọi người ai nấy cũng rất vui. Tôi cảm thấy người dân rất hưởng ứng các hoạt động của lễ hội."
Trong khuôn khổ lễ hội năm 2024, sự kiện Trung tâm thiết kế sáng tạo phát triển nghề gốm - di sản quốc gia, giới thiệu quảng bá sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch xã Bát Tràng đã diễn ra. Đến với lễ hội làng nghề Bát Tràng, du khách còn có cơ hội để mua sắm những sản phẩm gốm tinh xảo được chế tác tỉ mỉ dưới bàn tay của những nghệ nhân tài hoa.
"Đây là ngày hội vui xuân của bà con. Tất cả các vùng, các nơi về dự lễ hội của làng. Riêng với Bát Tràng, đây là dịp để truyền tải thông tin và giới thiệu về du lịch, sản phẩm Bát Tràng đối với sự phát triển du lịch của thành phố trong những năm sắp tới," - Ông Vương Mạnh Tuấn, Chủ nhiệm CLB Nghệ nhân, Thợ giỏi làng gốm Bát Tràng chia sẻ.
Được biết, hiện phòng văn hóa thông tin huyện Gia Lâm đang phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận Lễ hội Bát Tràng là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.