Dự Hội nghị tại điểm cầu Bộ VHTTDL còn có đại diện các Bộ: Quốc phòng; Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Công Thương, Tài nguyên và Môi trường; Lao động – Thương binh và xã hội; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và lãnh đạo các Cục, vụ, đơn vị chuyên môn của Bộ VHTTDL.
Dự Hội nghị tại điểm cầu trụ sở UBND các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng có các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND các tỉnh và đại diện các Sở, ban, ngành có liên quan.
Tại Hội nghị, lãnh đạo UBND các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng đã lần lượt báo cáo về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trong 4 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn.
Trong đó, tình hình sản xuất, kinh doanh; tình hình kinh tế - xã hội của Đắk Lắk, Đắk Nông trong 4 tháng đầu năm nhìn chung tiếp tục phát triển ổn định, hầu hết các chỉ tiêu đều tăng so với cùng kỳ. Riêng Lâm Đồng tốc độ tăng trưởng kinh tế trong Quý I năm 2024 có dấu hiệu chậm lại, giảm 2,63% so với cùng kỳ.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Đắk Lắk, trong 4 tháng đầu năm 2024, giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn đạt trên 12.333 tỷ đồng, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn kịch bản tăng trưởng quý I của tỉnh đề ra khoảng 1.533 tỉ đồng. Quy mô nền kinh tế ổn định, duy trì ở mức khá (giá trị GRDP đứng đầu khu vực Tây Nguyên). Huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 7.846 tỉ đồng, tăng 6,34%".
Chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh Đắk Lắk tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2023; xuất khẩu tăng 36%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 5,8%; số doanh nghiệp thành lập mới tăng 7,1%; khách du lịch đến tỉnh tăng trên 3%, doanh thu du lịch tăng 7%.
Đối với tỉnh Đắk Nông: Tổng thu NSNN trên địa bàn luỹ kế từ đầu năm đến nay là gần 1.070 tỉ đồng, đạt 36,29% dự toán Trung ương giao, đạt 32,43% dự toán địa phương giao. Trong đó, thu nội địa đạt 1.020,7 tỉ đồng; thu thuế XNK do Hải quan thu là 44,5 tỉ đồng. Tổng chi NSĐP đạt 3.715,2 tỉ đồng.
Trong những tháng đầu năm 2024, tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Đắk Nông diễn ra trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức.
Tại Lâm Đồng, tăng trưởng kinh tế quý I năm 2024 có dấu hiệu chậm lại (tăng 3%), giảm 2,63% so với cùng kỳ (quý I năm 2023 đạt 5,63%), đứng thứ 54/63 tỉnh thành phố; đặc biệt khu vực công nghiệp xây dựng giảm 2,58%, khu vực dịch vụ tăng thấp 4,82%.
Tổng thu ngân sách nhà nước trong quý I.2024 đạt 3.996,4 tỷ đồng, bằng 30,53% so với dự toán Trung ương giao, bằng 28,24% dự toán địa phương, bằng 98,85% so với cùng kỳ.
Trong 4 tháng đầu năm 2024, tổng lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Lâm Đồng đạt 3,34 triệu lượt (tăng 7,7%, đạt 34,4% kế hoạch); trong đó, khách quốc tế đạt: 210 nghìn lượt (tăng 25,7%, đạt 38,2% kế hoạch); khách lưu trú đạt 2,35 triệu lượt (tăng 13,8%, đạt 30,9% kế hoạch).
Đại diện các địa phương cũng nêu rõ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại địa phương và trình bày các đề xuất, kiến nghị.
Tại Hội nghị, đại diện các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phát biểu ý kiến, làm rõ vấn đề liên quan đến lĩnh vực phụ trách của 3 địa phương. Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cũng thông tin đến 3 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng liên quan đến vấn đề phát triển du lịch của mỗi địa phương.
Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, trên cơ sở nghiên cứu báo cáo của 3 địa phương về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu cùng các ý kiến phát biểu tại Hội nghị, thay mặt cơ quan được Chính phủ giao, Bộ trưởng bày tỏ đồng tình cao với các đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội của 3 địa phương Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng.
"Trong tổng thể chung, cả 3 địa phương của vùng đất Tây Nguyên đã có rất nhiều nỗ lực, cố gắng trong triển khai các Nghị quyết của Chính phủ, Quốc hội với quyết tâm cao nhất để thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển", Bộ trưởng chia sẻ.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, nhìn từ kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2024 của Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, có thể thấy các địa phương đều có sự phát triển. Nổi bật trên một số mặt sau:
Thứ nhất, giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn mỗi địa phương đều cao. Đây là tín hiệu rất đáng mừng. Thứ hai, thu ngân sách địa phương đạt và vượt kế hoạch do HĐND tỉnh đề ra đầu năm và có cơ sở phấn đấu để đạt được mục tiêu vào cuối năm. Thứ ba, trong bối cảnh khó khăn nhưng các địa phương vẫn thu hút được các nhà đầu tư, triển khai các dự án đầu tư để thúc đẩy kinh tế - xã hội, tạo động lực phát triển, công ăn việc làm cho người dân và góp phần tăng thu ngân sách cho địa phương. Thứ tư, các địa phương đã luôn đồng hành cùng các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Giao thông vận tải để thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm quốc gia về hạ tầng giao thông, khắc phục những khó khăn, điểm nghẽn, đảm bảo đúng tiến độ giải ngân.
"Những kết quả này về kinh tế là rất đáng trân trọng. Chúng tôi sẽ có báo cáo đầy đủ, cụ thể nhất đến Chính phủ để có sự đánh giá khi so sánh với các địa phương khác trên cả nước", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho hay.
Bên cạnh phát triển kinh tế - xã hội, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, thời gian qua, dưới sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, 3 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng đã làm tốt công tác đảm bảo an sinh xã hội cho đồng bào. An ninh chính trị, trật tự xã hội được đảm bảo, quốc phòng an ninh được giữ vững, tạo điều kiện, tiền đề để ổn định phát triển.
"Đó là những tín hiệu tích cực mà qua hội nghị hôm nay chúng tôi chia vui với các địa phương và cũng sẽ báo cáo với Chính phủ", Bộ trưởng bày tỏ.
Nhận diện các khó khăn, thách thức đối với 3 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, có những khó khăn khách quan nhưng cũng có cả những khó khăn do nguyên nhân chủ quan.
Trong đó, diễn biến bất thường của thời tiết, nhất là biến đổi khí hậu, sạt lở, lũ quét, hạn hán, cháy rừng... đã gây thiệt hại lớn cho các địa phương của Tây Nguyên.
Bên cạnh đó, còn có những khó khăn, bất cập tồn tại từ nhiều năm trước nhưng chưa được giải quyết căn cơ, dứt điểm. Đó là những khó khăn liên quan đến các vấn đề tài nguyên, khoáng sản, nhất là các vấn đề liên quan đến khai thác bô xít.
Phân tích kỹ các khó khăn mà 3 địa phương gặp phải, Bộ trưởng cho rằng các kiến nghị, đề xuất được các địa phương nêu ra đều là chính đáng và bày tỏ mong muốn, đại diện các bộ, ngành sẽ tiếp thu và trả lời thỏa đáng đối với các địa phương trên tinh thần cùng kiến tạo để phát triển.
Riêng với Bộ VHTTDL, Bộ trưởng cho biết, đối với vấn đề phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái, 3 địa phương có thể liên hệ trực tiếp với Trường cao đẳng Du lịch tại Đà Lạt (Lâm Đồng) để được hướng dẫn cụ thể. Đồng thời, Bộ VHTTDL sẽ chỉ đạo các đơn vị phối hợp, hỗ trợ tốt nhất cho các địa phương.
Bộ trưởng cũng mong muốn các địa phương chủ động với phương châm "những gì đã đúng, đã rõ thì triển khai, không nhất thiết phải xin, chờ hướng dẫn", tránh chậm trễ khi triển khai công việc.
"Bộ VHTTDL sẽ cùng các bộ, ngành chia sẻ với địa phương để hướng tới mục tiêu phát triển", Bộ trưởng chia sẻ.