Đánh thức tiềm năng vùng cao Bắc Yên

Thiên nhiên kỳ vĩ, rừng chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi, cùng nét độc đáo về văn hóa và tôn giáo tại huyện miền núi Bắc Yên (tỉnh Sơn La) được “đánh thức”, mở ra triển vọng mới trong phát triển kinh tế- xã hội.

Tôn giáo trong đời sống các dân tộc

Trong chuyến khảo sát, nắm bắt tình hình tôn giáo tại huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La vừa qua, Đoàn công tác của Ban Thường trực Trung ương Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam được lãnh đạo Huyện ủy Bắc Yên đón tiếp và chia sẻ nhiều thông tin ý nghĩa về đời sống tôn giáo, Phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

anh1-1747711304.png

Từ phải qua trái: Ông Nguyễn Văn Toàn- Phó Chủ tịch, ông Vũ Thành Nam- Chánh Văn phòng, bà Nguyễn Thị Quỳnh- Phó Chánh Văn phòng Trung ương Ủy ban ĐKCG Việt Nam tại Huyện ủy Bắc Yên. (ảnh: Mạnh Cường)

Ông Đỗ Văn Xiêm- Phó Bí thư thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện, kiêm Trưởng ban Chỉ đạo công tác tôn giáo huyện Bắc Yên cho biết: Trên địa bàn huyện có 3 tôn giáo: Tin Lành, Phật giáo, Công giáo với tổng số trên 4.000 tín đồ, chủ yếu là người dân tộc thiểu số, riêng Công giáo có 716 tín hữu (676 tín hữu người Mông, 40 tín hữu người Kinh) sinh sống tại 12 xã.

Từ đặc điểm 95% dân số của huyện là đồng bào các dân tộc thiểu số, đoàn công tác và ban ngành chức năng đã tập trung làm rõ những ảnh hưởng của tôn giáo trong đời sống các dân tộc tại Bắc Yên. Theo đó, các tín đồ tôn giáo chung sống đoàn kết, gắn bó cùng cộng đồng các dân tộc, cùng nhau xây dựng quê hương, thực hiện các chương trình phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, của huyện, từng bước thoát nghèo, vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no.

“Nhiều người dân tộc thiểu số là tín đồ đạo Công giáo  có thay đổi tích cực, từ bỏ hủ tục, tích cực tham gia xây dựng đời sống văn hóa tại khu dân cư, sống đoàn kết, yêu thương; quan tâm cho con em học hành,…”, ông Đỗ Văn Xiêm nói.

anh2-1747711304.png

Ông Đỗ Văn Xiêm phát biểu với đoàn công tác của Trung ương Ủy ban ĐKCG Việt Nam. (ảnh: Mạnh Cường)

Đánh giá của huyện Bắc Yên cho thấy, tình hình tôn giáo trên địa bàn cơ bản ổn định, tôn giáo hoạt động thuần túy; đời sống kinh tế- xã hội, công tác xóa đói, giảm nghèo ở các xã có đồng bào tôn giáo sinh sống được cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả; an ninh chính trị, an toàn xã hội được giữ vững, không xảy ra các vụ việc phức tạp liên quan đến tôn giáo.

Lãnh đạo huyện Bắc Yên cũng cho biết một số hạn chế trong công tác tôn giáo như: các giáo điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung hiện nay chưa được cấp có thẩm quyền công nhận; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào các dân tộc thiểu số, bao gồm đồng bào tôn giáo còn khá cao. Huyện đã có nhiều nỗ lực và bình quân mỗi năm giảm 4,67% hộ nghèo. Giai đoạn 2022-2025, áp dụng tiêu chí mới, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện còn 28.81%.

Đánh thức tiềm năng du lịch

Để nắm bắt rõ hơn đời sống kinh tế- xã hội của đồng bào các dân tộc, bao gồm đồng bào tôn giáo, Đoàn công tác của Ban Thường trực Trung ương Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam đã tìm hiểu thực tế tại xã Tà Xùa, nơi có nhiều người Công giáo sinh sống tại bản Bẹ và bản Tà Xùa.

Xã Tà Xùa nằm ở độ cao gần 1.800 m so với mặt nước biển, quanh năm khí hậu mát mẻ, mùa đông thường xuyên có mây phủ kín với cái lạnh đặc trưng. Do vậy, những cây chè cổ thụ đã hấp thụ tinh túy của thiên nhiên và đất trời, tạo nên thương hiệu chè cổ thụ shan tuyết có hương vị thanh tao. Trong đó bản Bẹ cách trung tâm xã khoảng 7 km nổi tiếng với rừng chè shan tuyết cổ thụ trên 200 năm tuổi, có những cây 282 tuổi được công nhận là Cây Di sản.

anh33-1747711304.jpeg

Đồng bào H’Mông bản Bẹ, xã Tà Xùa hái chè shan tuyết cổ thụ. (ảnh: An Luých)

Ông Mùa A Sang- Phó chủ tịch UBND xã Tà Xùa cho biết, những năm gần đây, khách du lịch thường tìm đến bản Bẹ để xem tận mắt, sờ tận tay những cây chè cổ thụ; xem bà con dân tộc H Mông bác thang hái chè; thưởng thức vị thanh tao của trà cổ thụ tại Không gian Văn hóa Trà của Công ty TNHH Trà và Đặc Sản Tây Bắc, với các các loại trà quý mang thương hiệu Shanam, như: Bạch Trà Mây, Hồng Trà Shan Tuyết, Trà Chum San Tuyết,… Mỗi loại có vị riêng, song đều được tuyển chọn từ những cây chè sạch cổ thụ trăm năm tuổi.

Tiếp đoàn công tác của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tại Không gian Văn hóa Trà, đại diện Công ty TNHH Trà và Đặc Sản Tây Bắc cho biết: Bí quyết độc đáo của trà Shanam là kỹ thuật để chè tự lên men nhằm chuyển hóa các chất tanin thành chất hữu ích khác, nên khi uống trà Shanam sẽ không gây mất ngủ mà vẫn giữ được vị tinh túy. Trà lên men càng để lâu năm uống càng ngon, càng quý; để nửa thế kỷ sẽ quý vô giá. Dòng trà này pha đến 8 nước vẫn thơm ngon tự nhiên.

anh4-1747711304.png

Một số sản phẩm trà quý tại Không gian văn hóa trà Shanam, trong đó có trà ép thành bánh để càng lâu càng quý. (ảnh: An Luých)

Theo lãnh đạo xã Tà Xùa, đường từ trung tâm xã đến bản Bẹ trước kia vô cùng khó đi nên thương lái chẳng màng tới, người dân hái chè đem bán chỉ được giá rất thấp.

Tiềm năng phát triển kinh tế du lịch từ cây chè cổ thụ được đánh thức từ khi có Công ty TNHH Trà và Đặc Sản Tây Bắc đầu tư cơ sở chế biến chè ngay tại bản Bẹ, giá chè nguyên liệu Công ty thu mua từ người dân bản địa cao hơn hẳn, đời sống của đồng bào từ đấy dần khấm khá lên. Bây giờ, điện, đường đã thuận tiện hơn rất nhiều, khách du lịch tìm đến bản nhiều hơn. Nắm bắt cơ hội này, huyện đã định hướng tập trung phát triển sản phẩm trà gắn với du lịch sinh thái; khai thác quần thể  cây chè cổ thụ thành điểm tham quan, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bên cạnh chè cổ thụ, Tà Xùa đang nổi lên trên bản đồ du lịch Việt Nam với các địa danh: Sống lưng khủng long Tà Xùa, thảo nguyên Tà Xùa, rừng nguyên sinh, mỏm đá cá heo... Trong đó, đoạn núi "Sống lưng khủng long" được coi là một trong những nơi ngắm mây đẹp nhất miền Bắc.

Năm 2024, tỉnh Sơn La đã phê duyệt đồ án Quy hoạch chung Khu du lịch Tà Xùa và các vùng phụ cận, nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển du lịch; phấn đấu đến năm 2030 Tà Xùa trở thành khu du lịch cấp tỉnh, là điểm trung tâm kết nối du lịch với các khu, điểm du lịch của các tỉnh Sơn La, Yên Bái, Phú Thọ, Lai Châu, Điện Biên.

Với những tiềm năng thiên nhiên và văn hóa được đánh thức, tương lai không xa, Tà Xùa nói riêng, Bắc Yên nói chung sẽ có bước phát triển mới, đời sống kinh tế - xã hội nơi đồng bào các dân tộc và đồng bào tôn giáo cũng sẽ khởi sắc./.