Đổi mới thể chế kinh tế hướng tới quốc gia có thu nhập trung bình cao trước năm 2030

11/03/2023 10:12

Kinh nghiệm thế giới cho thấy, đa số các nước khi chạm ngưỡng thu nhập trung bình cao, tốc độ tăng trưởng chậm dần; nhiều yếu tố bất ổn xuất hiện, trong khi phải đối mặt với vấn nạn già hoá dân số, mất an sinh xã hội, suy thoái môi trường và cạn kiệt tài nguyên…, dẫn đến rất ít nước vượt qua được bẫy thu nhập trung bình để trở thành quốc gia có thu nhập cao.

Những nỗ lực cải cách, phát triển kinh tế từ năm 1986 đến nay đã đưa Việt Nam từ một nước kém phát triển thành quốc gia có quy mô GDP nằm trong nhóm 30 nền kinh tế lớn nhất toàn cầu. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), vào năm 2021, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đạt 3.590 USD. Với mức thu nhập này, Việt Nam đang tiến sát đến ngưỡng khởi đầu của nhóm nước có thu nhập trung bình cao. Đây là thời điểm quan trọng để xem xét, đánh giá lại thể chế kinh tế, nhằm chuẩn bị tốt để bước vào giai đoạn thu nhập trung bình cao; trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn do Đại dịch Covid-19 và những xung đột quốc tế, dẫn đến lạm phát, thắt chặt tiền tệ, gây nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu.

Nhằm phát hiện những nút thắt thể chế kinh tế, đề xuất chính sách tiếp tục duy trì đà tăng trưởng; mới đây, Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội đã phối hợp cùng Fraser Institute (một viện nghiên cứu của Canada) tổ chức Toạ đàm “Đổi mới thể chế kinh tế tại Việt Nam hướng tới nước có thu nhập trung bình cao trước năm 2030”. Đối thoại đã tập trung vào:

- Phân tích sự phát triển của nền kinh tế thị trường trong mối tương quan giữa các quốc gia trong khu vực theo bộ chỉ số Tự do kinh tế thế giới Economic Freedom of the World (EFW).

- Rà soát thể chế kinh tế vĩ mô bao gồm khung khổ chính sách tín dụng, tỷ giá, tài khoá,…và thể chế liên quan đến thị trường, đặc biệt là thị trường vốn để phát hiện nút thắt cản trở sự phát triển của nền kinh tế.

- Thảo luận và đưa ra khuyến nghị chính sách nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế

Tham gia sự kiện có: Trưởng nhóm nghiên cứu tự do kinh tế của Fraser Institute, TS Fred Mc.Mahon. Ông còn là người quản lý Mạng lưới Tự do Kinh tế toàn cầu thuộc Liên minh các chuyên gia, cố vấn kinh tế của gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tổ chức này đã xây dựng Báo cáo Tự do Kinh tế Thế giới (Economic Freedom of the World Report) và tổ chức xếp hạng hàng năm về tự do kinh tế hằng năm của các quốc gia. Tham gia Diễn đàn còn có nhóm các nhà khoa học, quản lý và đào tạo nổi tiếng trong nước như GS.TS Tô Trung Thành, TS Cấn Văn Lực, Bà Phạm Chi Lan và Ông Đinh Tuấn Minh.

Tầm quan trọng của Tự do kinh tế và bẫy thu nhập trung bình

kinh-te-1-1678504010.jpg

Tăng trưởng GDP Việt Nam đạt bình quân 5,9%/năm trong giai đoạn 2011-2020, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới. Ảnh: Internet.

Theo giới nghiên cứu, Quy mô Chính phủ, thuế quan; hệ thống luật pháp, quyền sở hữu, giá trị đồng tiền, tự do thương mại và các quy định quản lý phù hợp sẽ tạo ra năng suất cao và chất lương tăng trưởng tốt. Ngoài ra, sự phát triển của xã hội dân sinh cùng với niềm tin, sự thay đổi cách thức con người phát triển, sự lựa chọn cá nhân và cuộc sống được cải thiện với sự cởi mở  cũng là những nhân tố quan trọng tạo nên tự do kinh tế.

Hầu hết các quốc gia Bắc Âu đều nằm trong nhóm 5 của tự do kinh tế. Đan Mạch là quốc gia có nền kinh tế tự do hàng thứ 5 trên thế giới; thị trường tự do ở nước này đứng trên Hoa Kỳ, Canada và Vương quốc Anh. Trong thời đại tự do hóa thương mại, kinh tế thị trường và tự do kinh tế mang lại nhiều lợi ích. Những ích lợi lớn thường rơi vào nước có mức tự do kinh tế cao; ở những nơi nghèo đói hoặc từng bị tàn phá, sự thịnh vương khó kế thừa. Các quốc gia Hàn Quốc, Singapore, Botswana, Chile và Ireland… trở nên thịnh vợng hơn sau khi tăng cường tự do kinh tế. Những nơi từng thịnh vượng hoặc tương đối thịnh vượng như Argentina, Iran, Venezuela và thậm chí cả Vương quốc Anh vào những năm 1960 và 1970 đã rơi vào tình trạng nghèo đói hoặc rối loạn kinh tế do suy giảm tự do kinh tế ( Fred Mc, Mahon 2023).

Nghiên cứu nhiều nền kinh tế, các nhà phân tích đã rút ra: Động lực tăng trưởng bao gồm các nhân tố: Lực lượng lao động có kỹ năng, được đào tạo, có kỷ luật trong công việc; tiềm năng tăng trưởng và chính sách kinh tế mạnh mẽ. Trong đó, chính sách kinh tế mạnh được cho là nhân tố cốt lõi trong tăng trưởng gần đây của Việt Nam.

kinh-te-2-1678504096.jpg

Đại lộ Thăng Long - Thủ đô Hà Nội (Ảnh Tuyengiao.vn)

Theo Fred Mc.Mahon, Việt Nam là một quốc gia tương đối nghèo, đó là lợi thế để dễ dàng bắt kịp sự phát triển của những nền kinh tế hiện tại và thúc đẩy các cải tiến và hình thành cơ chế mới. Với chi phí và tiền công lao động thấp, Việt Nam có nhiều khả năng thu hút đầu tư. Đây là đòn bẩy quan trọng cho xây dựng cơ sở hạ tầng, gia tăng năng suất và nâng cao chất lượng tăng trưởng, giúp gia tăng thu nhập đầu người đồng thời với tăng năng suất và tỷ lệ tăng trưởng.

Nghiên cứu mức tăng trưởng trung bình hàng năm của một số quốc gia, trong ASEAN cho thấy, Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng mạnh, trung bình đạt 6% trong những năm gần đây. Nhưng sẽ mờ nhạt nếu thiếu khả năng cải thiện tự do kinh tế.

Các quốc gia giàu có, thường có xu hướng tăng trưởng chậm lại và những nước đi sau có thể  bắt kịp. Nhìn vào Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan có thể thấy, Tự do kinh tế tạo động lực để có thể vượt qua được bẫy thu nhập trung bình. Đây cũng là lý do minh chứng cư dân ở các quốc gia tự do kinh tế có cuộc sống tốt hơn. Mức tăng trưởng trung bình hàng năm của 5 nền kinh tế lớn nhất ASEAN giai đoạn  1970-1980 được thể hiện trong bảng 1

Bảng 1. Mức tăng trưởng bình quân hàng năm giai đoạn 1970-1980 của 5 nước ASEAN

Đơn vị %

Nước

 

Indonesia

 

Malayasia

Philippines

Thai lan

Việt Nam

Mức tăng  %

7

8.6

5,9

7.3

6

Nguồn Fred McMahon 2.2023

Phân tích mức độ tăng trưởng GDP trung bình hàng năm và sự thịnh vượng của Viêt Nam giai đoạn từ năm 1995 đến 2020, giới nghiên cứu nhận thấy, tăng trưởng GDP liên tục gia tăng từ năm 1995, đến năm 2006 có sự dao động, nhưng vẫn đạt trên 5% , còn GDP bình quân đầu người liên tục gia tăng, đã từ 1000USD năm 1995 tăng lên khoảng 3.400 USD vào năm 2020.

kinh-te-3-1678504220.jpg

Ứng dụng khoa học - kỹ thuật tăng năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường (Ảnh: Tư liệu)

Một số cảnh báo tương lai đối với Việt nam

Để Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh khi trở nên giàu có, chính sách kinh tế phải trở nên cạnh tranh mạnh hơn. Từ thực tiễn phát triển nhanh và thực hiện hiệu quả cải cách kinh tế ở nhiều nước nghèo có thể nhận thấy, mức tăng trưởng cao thường xuất phát từ điểm khởi đầu thấp, nếu không tiếp tục cải cách thể chế và mở rộng tự do kinh tế, mức tăng trưởng của nhiều nước bị chậm lại và rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Nghiên cứu tình hình phát triển tại 101 nước có thu nhập trung bình từ thập niên 1960 các nhà phân tích nhận thấy, chỉ có 13 quốc gia trở thành nước thu nhập cao vào năm 2008 (Mc. Mahon 2023).

Xem xét bảng xếp hạng tự do kinh tế của 165 nước trên thế giới (bảng 2) có thể rút ra, về tổng thể Việt Nam còn nằm trong nhóm nước có năng lực cạnh tranh thấp.

Biểu 2  Bảng xếp hạng tự do cạnh tranh của Viêt Nam

Tiêu chí

Tổng thể

Quymô Chínhphủ

Luật pháp

Đồng tiền tốt

Tự do thươngmại

Quản lý

Thịtrường tín dụng

Thịtrường lao động

Thịtrường kinhdoanh

Thứ.hangj

113

64

82

135

107

88

25

129

112

Nguồn Fred McMahon 2.2023

Bảng 2 cho thấy, với  năng lực hiện tại, Việt Nam xếp hạng thứ 113 về tổng thể; nhưng thấp nhất là giá trị đồng tiền (thứ 136); cao nhất là thị trường tín dụng (thứ 25);  hệ thống luật pháp có thứ hạng 82. Theo thang phân loại điểm 10, cấu phần pháp lý của Việt Nam còn thấp thua nhiều lần so vơi bình quân chung của thế giới, ĐA-TBD và những nước có thu nhập cao.

Trong cấu phần Thương mại, bao gồm cả thuế quan và rào cản thương mại phi thuế quan, chi phí tuân thủ trong xuất nhập khẩu, kiểm soát về dịch chuyển vốn và con người cũng như tự do thương mại quốc tế; Việt Nam đứng thứ 107 về tự do thương mại.

Cấu phần về quy định quản lý bao gồm cả chi phí bắt buộc đối với sa thải lao động, yêu cầu hành chính, hành chính công, chi phí tuân thủ, thuế và quy định quản lý kinh doanh; So với mức bình quân chung thế giới, Việt Nam xếp thứ 112,thấp hơn nhiều các nước thu nhập cao và ĐA-TBD.

Phân tích mức độ tự do kinh tế ở Đông Á-TBD, Singapore, Hàn Quốc và Việt Nam theo thang điểm 10 trong giai đoạn từ 1979 đến 2020 cho thấy, Singapore đạt mức cao nhất (từ 6,7 điểm  năm 1979 lên 8,7 điểm vaò năm 2019) ĐA-TBD từ 6,1 lên 7,4 trong cùng thời gian, Hàn Quốc từ 5,5 lên 7,5 điểm và Việt Nam ở mức thấp nhất,  năm 1979 đạt 5,4 và  lên 6,5 trong năm 2020.

Tương ứng với mức độ tự do kinh tế, GDP bình quân đầu người ở các quốc gia nghiên cứu đều có mức tăng cao trong giai đoạn từ 1984 đến 2020. Singapore đã tăng trên 3 lần từ 19,000 USD lên trên 60.000USD, Hàn Quốc từ khoảng 5.000 USD lên 30.000 USD (gấp 6 lần); ĐA-TBD từ trên 1.000 USD lên 12.000 USD. Việt Nam có mức gia tăng nhanh, nhưng đến năm 2020 mới đạt thu nhập bình quân đầu người khoảng 3.400 USD.

Phù hợp với mở rộng tự do kinh tế, tăng trưởng từ năm 1983 của Chile đã vượt qua mức trung bình của châu Mỹ Latinh. Tương tự, từ năm 1992 mức tăng trưởng của Ireland đã vượt qua trung bình của Liên minh châu Âu . Từ năm 1978 đến 2020; điểm số tự do kinh tế của Botswana đã từ 5 tăng lên 7,5 trong khi  Châu Phi Hạ Sahara chỉ từ 4,7 lên 6,7 khiến tăng trưởng của Botswana luôn dẫn trước mức tăng GDP trung bình của Châu Phi Hạ Sahara.

Phân tích tình hình Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu, các nhà phân tích nhận thấy, Người dân tháo vát, có kỷ luật và học thức cơ bản. Việt Nam có vị trí chiến lược quan trọng trên thế giới và mô hình kinh tế đang chuyển đổi có thể mang lại lợi ích lớn. Với chính sách kinh tế cạnh tranh, đất nước sẽ ngày càng thịnh vượng, nhiều khả năng trở thành quốc gia có thu nhập cao!

Vấn đề cần được quan tâm dưới góc nhìn nghiên cứu

Theo bộ chỉ số tự do kinh tế thế giới (EFW), Việt Nam đang tiệm cận dần với nhóm nước thu nhập trung bình cao ở các chỉ số thành phần về quy mô chính phủ, hệ thống pháp luật, quyền sở hữu, quy định quản lý thị trường tín dụng, lao động và kinh doanh; song vẫn còn có khoảng cách khá xa ở các chỉ số thành phần về đồng tiền tốt và thương mại quốc tế.

Dưới góc nhìn nghiên cứu, các nhà phân tích và hoạch định chính sách cho rằng, cần ưu tiên quan tâm về cải cách thể chế kinh tế để có những đột phá về giá trị đồng tiền với hệ số tương quan cao khi điểm của Việt Nam còn thấp và thúc đẩy mạnh tự do thương mại quốc tế; tiếp tục duy trì và cải cách hệ thống pháp luật và quyền sở hữu, quy mô chính phủ, các quy định về quản lý thị trường, tín dụng, lao động và sản xuất kinh doanh. Theo đó, những vấn đề nổi lên tập trung vào tự do thương mại quốc tế, đồng tiền tốt hơn. Ngoài ra cũng cần lưu ý rà soát về những chỉ tiêu còn yếu ở các cấu phần.

Về tự do thương mại quốc tế, vấn đề cần quan tâm giải quyết là nội dung của những rào cản pháp lý thương mại, bao gồm cả rào cản thương mại phi thuế quan; hiệu quả quá trình thông quan và chi phí tuân thủ trong xuất nhập khẩu. Tiêu chí này dựa trên dữ liệu thu thập từ câu hỏi liên quan đến chi phí cho các thủ tục bắt buộc để nhập khẩu một container chứa hàng hóa khô không chứa các mặt hàng độc hại hoặc quân sự; kiểm soát về dịch chuyển vốn và con người bao gồm độ mở tài chính theo luật định; kiểm soát vốn quỹ tiền tệ với 13 loại hình kiểm soát vốn quốc tế và mức độ tự do cho người nước ngoài, phản ảnh qua sự tự do du lịch hoặc công tác ngắn hạn. Trong tự do thương mại quốc tế, cần rà soát lại các hàng rào phi thuế quan theo hướng rõ ràng, minh bạch và ổn định; kiên trì cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan để giám chi phí liên quan đến những thủ tục bắt buộc. Ngoài ra, cũng cần rà soát lại quy định về kiểm soát vốn, để thị trường vốn hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Mặt khác, cũng cần rà soát lại quy định về thị thực để mở rộng phạm vi công dân của các quốc gia được miễn visa.

Giá trị đồng tiền gia tăng phản ánh qua độ lệch chuẩn lạm phát và rào cản pháp lý thương mại. Trong cải cách thể chế theo bộ chỉ số tự do kinh tế toàn cầu, cần tiếp tục kiên trì ổn định vĩ mô, đảm bảo lạm phát ổn định ở mức 3-4%, nghiên cứu xem xét lại chế độ tỷ giá hối đoái, cho phép nhà đầu tư tư nhân được tham gia thị trường ngoại hối tại các sàn giao dịch, từ đó cải thiện chỉ tiêu về “Tự do sở hữu tài khoản ngoại tệ tại ngân hàng”.

Nhìn nhận về hệ thống tài chính, giới nghiên cứu cho rằng, Qui mô hệ thống tài chính ở Việt Nam đã tăng khá nhanh với mức bình quân gần 14%/năm trong 11 năm gần đây và tổng tài sản của 4 Ngân hàng thương mại (NHTM) lớn nhất đạt 315 tỷ USD, tương đương 79% GDP trong năm 2022. Tuy nhiên, các định chế tài chính lớn của Việt Nam vẫn còn nhỏ so với khu vực. (chưa có NHTM nào trong nhóm 100 NHTM lớn nhất Châu Á-TBD ). Đáng lưu ý là, tỷ lệ sở hữu Nhà nước còn ở mức cao với tổng tài sản của khối NHTM sở hữu Nhà nước chiếm 45% hệ thống các tổ chức tín dụng, cao hơn Indonesia (38%), Thái Lan (20%) và Philippines (13%); Trong khi năng lực tăng vốn chủ sở hữu từ nguồn Nhà nước khó khăn; tỷ lệ sở hữu Nhà nước bình quân tại 4 NHTM lớn (Agribank, BIDV, Vietinbank và VCB) vẫn chiếm trên 80%; Quyền sở hữu tập trung vào một số cổ đông lớn; còn vai trò của người đại diện sở hữu, UV HĐQT độc lập khá mờ nhạt; Hoàn thiện thể chế thị trường tài chính nhằm đảm bảo phát triển lành mạnh, bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh của hệ thống tài chính được cho là yếu tố then chốt trong hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường.

Từ những phân tích nêu ra, giới nghiên cứu đề xuất cần ưu tiên cải cách thể chế kinh tế với những đột phá về tự do hóa thương mại và nâng cao giá trị đồng tiền; tiếp tục duy trì cải cách hệ thống pháp luật và quyền sở hữu, quy mô chính phủ và các quy định về quản lý thị trường tín dụng, lao động và kinh doanh.

Việc rà soát quy mô của Chính phủ nên tập trung vào đầu tư và sở hữu nhà nước về tài sản. Đối với hệ thống pháp luật và quyền sở hữu cần hướng tới tư pháp độc lập, tòa án công minh trong bảo vệ các quyền sở hữu. Về quản lý thị trường tín dụng, lao động và hoạt động kinh doanh cần lưu ý tới chi phí bắt buộc để sa thải lao động, nghĩa vụ quân sự, các yêu cầu về hành chính, hành chính công và chi phí tuân thủ. Đối với quy mô chính phủ cũng cần rà soát lại các quy định về hợp tác công tư để giảm đầu tư trực tiếp từ nhà nước, thu hút đầu tư của khu vực tư để cung cấp các dịch vụ tiện ích; rà soát lại các quy định về tài sản công cũng như tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hoá khu vực DNNN. Về hệ thống pháp luật và quyền sở hữu cũng cần đẩy mạnh hơn cải cách tư pháp để bảo vệ các doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn chân chính, sáng tạo và cải cách thủ tục hành chính trong mọi lĩnh vực kinh tế-xã hội.

Thay cho lời kết

Những nỗ lực xây dựng thể chế kinh tế thị trường trong suốt chặng đường vừa qua đã góp phần quan trọng đưa Việt Nam từ một nước có thu nhập bình quân đầu người vào đầu thập niên 1990 đạt khoảng 200 USD tăng lên 3.590 USD trong năm 2021. Với mức thu nhập bình quân đầu người hiện nay, Việt Nam có nhiều khả năng gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình cao trước năm 2030.

Trong bối cảnh chuẩn bị gia nhập nhóm nước thu nhập trung bình cao và với mục tiêu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, việc cần thiết đối với Việt Nam là tiếp tục đổi mới thể chế kinh tế, vấn đề này ngày càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Hy vọng từ những đề xuất và kiến giải của các nhà khoa học trong tọa đàm này sẽ được các nhà hoạch định chính sách tham khảo, vận dụng để đất nước sớm đứng trong hàng ngũ các nước có mức thu nhập trung bình cao./.

TS. Lê Thành Ý