Động đất liên tiếp ở Kon Tum và Quảng Nam

TH
Ngày 27/8, 3 trận động đất liên tiếp xảy ra ở Kon Plông, Kon Tum có độ lớn cao nhất là 3.0. Khu vực huyện Nam Trà My (Quảng Nam) cũng ghi nhận động đất có độ lớn 3.0.

Trung tâm Báo tin Động đất và Cảnh báo Sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu vừa phát đi bản tin động đất huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Theo đó, vào hồi 15 giờ 00 phút 40 giây ngày 27/8, một trận động đất có độ lớn 3.0 đã xảy ra ở tọa độ 15.151N-108.07E, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,2km. Đây là trận động đất có cường độ nhỏ nên ít không gây thiệt hại về người và tài sản. Viện Vật lý Địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.

Động đất liên tiếp ở Kon Tum và Quảng Nam - Ảnh 2.

Hồ chứa thủy điện là nguyên nhân gây động đất kích thích ở Kon Tum và Quảng Nam.

Cùng ngày, 3 trận động đất liên tiếp lại xảy ra ở Kon Tum nằm trong chuỗi chu kỳ động đất kích thích những ngày qua tại đây.

Theo Trung tâm Báo tin Động đất và Cảnh báo Sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu, vào hồi 12  giờ 39  phút 18  giây (giờ Hà Nội) ngày 27/08/ 2022  một trận động đất có độ lớn  2.5  xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.863  độ vĩ Bắc, 108.238  độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1  km. Động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum

Trước đó, vào hồi 09  giờ 58  phút 22  giây (giờ Hà Nội) ngày 27/8, một trận động đất có độ lớn  3.0  xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.851  độ vĩ Bắc, 108.230  độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1  km. Trận động đất có độ lớn 2.5 xảy ra vào lúc 03 giờ 52 phút 24 giây (giờ Hà Nội), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km.

Tính từ ngày 1/8, tại Kon Plông, Kon Tum đã xảy ra tổng cộng 28 trận động đất, trong đó 4 ngày gần đây (từ ngày 23/8) đã ghi nhận đến 17 trận động đất tại đây.

PGS.TS Nguyễn Hồng Phương, chuyên gia địa chấn Viện Vật lý địa cầu lý giải, động đất tại Kon Plông, địa bàn có thủy điện Thượng Kon Tum có điểm chung với hiện tượng ở đập thủy điện Sông Tranh 2 (Quảng Nam) - đều là động đất kích thích, xảy ra ở khu vực hồ chứa.

Động đất kích thích có quy luật dễ hiểu, phần lớn xảy ra ở khu vực có hồ chứa hoạt động, nhất là hồ thủy điện hoặc hồ chứa tích nước lớn. Ông phân tích, khi hồ chứa tích nước, lượng nước gây ra sức ép lớn xuống đáy hồ, kết hợp với những đứt gãy địa phương (dù nhỏ), gia tăng ứng suất của cột nước lớn sẽ gây ra động đất kích thích.

Các trận động đất kích thích thường là một chu kỳ, xảy ra sau thời gian tích nước và thời kỳ mùa mưa. Khi đã lên một đỉnh nào đó sẽ bắt đầu nhỏ dần đi, thành chuỗi các trận động đất trung bình và vừa, sau đó tắt dần.

Thủy điện Thượng Kon Tum phát điện tổ máy số 1 từ 24/3/2021. Bắt đầu từ tháng 4/2021, động đất liên tiếp xuất hiện tại Kon Plông và các huyện lân cận, tần suất các trận cũng tăng lên đột biến sau đó. Từ năm 1903 đến năm 2020, khu vực huyện Kon Plông chỉ ghi nhận khoảng 33 trận động đất có độ lớn từ 2,5 trở lên. Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay đã xảy ra khoảng gần 200 trận động đất mới.

Tại thủy điện sông Tranh 2 cũng từng gây rung chấn cùng những tiếng nổ lớn xảy ra trong lòng đất hai huyện Bắc Trà My và Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) sau khi hồ chứa tích nước. Động đất gia tăng nhanh về cường độ và tần suất, đỉnh điểm là trận động đất mạnh 4,7 độ ngày 16/11/2012. Động đất khu vực này vẫn kéo dài cả 10 năm, gần nhất là trận 2,7 độ ngày 11/3/2022.

Thủy điện Thượng Kon Tum và sông Tranh 2 có điểm chung là cùng nằm trên đường đứt gãy Rào Quán - A Lưới.

Thủy điện Thượng Kon Tum với nhà máy có cả đường ngầm dẫn nước kéo dài khoảng 18 km, ứng suất đè xuống rất lớn, khả năng xảy ra động đất kích thích nhiều hơn.