Đồng Tháp cam kết bố trí đủ vốn đối ứng phù hợp theo kế hoạch của dự án Các trung tâm Đổi mới Sáng tạo Xanh trong Nông nghiệp và thực phẩm

Phát biểu tại buổi làm việc với đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 15/03/2021, ông Huỳnh Minh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cam kết sẽ bố trí đủ vốn đối ứng phù hợp theo kế hoạch của dự án Các trung tâm Đổi mới Sáng tạo Xanh trong Nông nghiệp và thực phẩm Việt Nam (GIC). Cùng với đó, tỉnh sẽ phân công cụ thể các sở, ngành để tham gia triển khai thực hiện các hợp phần của dự án một cách tốt nhất, góp phần phát triển chung cho nền nông nghiệp cũng như thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Dự án GIC do Chính phủ Đức tài trợ và nguồn đối ứng từ Chính phủ Việt Nam; cơ quan chủ quản là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với mục tiêu thúc đẩy việc giới thiệu và nhân rộng các mô hình, giải pháp đổi mới, sáng tạo thông qua nhiều sản phẩm nông nghiệp khác nhau, góp phần phát triển nông thôn bền vững tại đồng bằng sông Cửu Long. 

Đồng Tháp là 1 trong 6 tỉnh, thành vùng ĐBSCL, gồm: Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Sóc Trăng và TP Cần Thơ được lựa chọn tham gia dự án “Các trung tâm đổi mới sáng tạo xanh trong nông nghiệp và thực phẩm – GIC”. Dự án có tổng vốn đầu tư 7 triệu Euro, do Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức tài trợ bằng nguồn vốn ODA không hoàn lại. UBND tỉnh Kiên Giang cam kết bố trí kinh phí đối ứng khoảng 700.000 Euro (tương đương hơn 1,9 tỷ đồng) để tham gia thực hiện dự án “Các trung tâm đổi mới sáng tạo xanh trong nông nghiệp và thực phẩm – GIC” tại địa phương.

dt1-7-1672243673.jpg
Đồng Tháp là địa phương sớm tham gia dự án Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Xanh

Khi triển khai thực hiện sẽ có 20.000 nông hộ được hỗ trợ ứng dụng các giải pháp sáng tạo trong chuỗi giá trị gạo, xoài có hiệu suất canh tác được cải thiện nhờ nâng cao chất lượng nông sản một cách bền vững; 20.000 nông hộ có thu nhập trung bình được hỗ trợ áp dụng các giải pháp sáng tạo trong chuỗi giá trị gạo tăng 15% và trong chuỗi giá trị cây xoài tăng 20%; 60% nông hộ áp dụng các giải pháp sáng tạo thông minh nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu; 70% doanh nghiệp, hợp tác xã cải thiện 3/5 chỉ số về doanh thu, số lượng khách hàng, các quan hệ kinh doanh được thiết lập, chi phí sản xuất và đầu tư...Cũng như tiếp cận các giải pháp phát triển chuỗi giá trị của gạo và trái cây là hai ngành thế mạnh của địa phương.

Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp mong muốn tiếp cận các giải pháp tạo ra công ăn việc làm, chú trong đến những chủ thể quan trọng cho phát triển nông thôn bền vững là người phụ nữ và thanh niên; Các giải pháp liên quan đến người nông dân và sức khỏe người tiêu dùng, bao gồm các giải pháp bảo vệ môi trường và sử dụng hóa chất nông nghiệp có trách nhiệm; Các giải pháp thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu như hạn hán và ngập lụt, tập trung vào các giải pháp canh tác nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu...