Chỉ số giá lương thực thế giới đã giảm đáng kể trong tháng 7, nhưng theo chuyên gia Tổ chức Nông lương Liên Hợp quốc (FAO) vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn.
Theo đó,chỉ số giá lương thực của FAO đạt trung bình 140,9 điểm trong tháng 7, giảm 8,6% so với tháng 6, đánh dấu mức giảm hàng tháng thứ tư liên tiếp kể từ khi đạt mức cao nhất mọi thời đại vào hồi đầu năm nay. Tuy nhiên, chỉ số theo dõi những thay đổi hàng tháng giá cả thế giới của các loại hàng hóa thực phẩm thiết yếu thường xuyên được giao dịch, vẫn cao hơn tới 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Việc giá lương thực, hàng hóa giảm từ mức rất cao là điều đáng mừng, đặc biệt là khi nhìn từ quan điểm tiếp cận lương thực. Tuy nhiên, vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn, bao gồm giá phân bón vẫn neo cao có thể ảnh hưởng đến triển vọng sản xuất nông nghiệp trong tương lai, cũng như sinh kế của nông dân. Tiếp đến, triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đạm và biến động tiền tệ phức tạp, tất cả đều gây ra những căng thẳng nghiêm trọng cho an ninh lương thực toàn cầu”, chuyên gia kinh tế trưởng FAO Maximo Torero cho biết.
Theo ghi nhận của FAO, chỉ số giá dầu thực vật đã giảm 19,2% trong tháng 7 so với tháng 6, đánh dấu mức thấp nhất trong vòng 10 tháng. Báo cáo giá quốc tế đối với tất cả các loại dầu đều giảm, trong đó giá dầu cọ giảm do triển vọng xuất khẩu dồi dào ở Indonesia. Giá dầu hạt cải cũng đáp ứng với kỳ vọng về nguồn cung mùa vụ mới dồi dào và giá dầu đậu nành cũng xuống thấp do nhu cầu sụt giảm. Giá dầu hướng dương cũng giảm rõ rệt trong bối cảnh nhu cầu nhập khẩu thế giới giảm, bất chấp những bất ổn hậu cần tiếp tục ở khu vực Biển Đen. Ngoài ra giá dầu thô giảm cũng gây áp lực giảm giá đối với nhóm dầu thực vật.
Chỉ số giá ngũ cốc của FAO trong tháng 7 đã giảm 11,5%, tuy nhiên vẫn cao hơn 16,6% so với hồi tháng 7 năm 2021. Theo đó, giá của tất cả các loại ngũ cốc chủ lực đều giảm, dẫn đầu là lúa mì, trong đó giá thế giới giảm tới 14,5%, một phần do thỏa thuận đạt được giữa Ukraine và Nga về việc hủy bỏ lệnh cấm xuất khẩu từ các cảng quan trọng ở Biển Đen và một phần đến từ các vụ thu hoạch đang diễn ra ở Bắc bán cầu. Giá ngô cũng giảm 10,7%, một phần cũng nhờ thỏa thuận trên cũng như khả năng cung ứng theo mùa tăng ở Argentina và Brazil. Giá gạo thế giới cũng lần đầu tiên giảm trong năm nay.
Chỉ số giá đường cũng giảm 3,8% so với tháng trước, trong bối cảnh lo ngại về triển vọng kinh tế toàn cầu tiếp tục suy thoái, đồng real Brazil suy yếu và giá ethanol giảm dẫn đến sản lượng đường ở Brazil trong tháng lớn hơn dự kiến. Ngoài ra, các tín hiệu tăng cường xuất khẩu cũng như triển vọng sản xuất thuận lợi ở Ấn Độ cũng góp phần làm giảm giá đường thế giới. Trong khi đó, thời tiết khô hạn và nắng nóng ở Liên minh châu Âu đã làm dấy lên những lo ngại mới về sản lượng củ cải đường và là yếu tố ngăn chặn đà giảm giá mạnh hơn.
Về chỉ số giá sữa của FAO cũng ghi nhận giảm 2,5% so với hồi tháng 6, trong bối cảnh hoạt động giao dịch mờ nhạt, nhưng giá sữa vẫn cao hơn trung bình 25,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá bột sữa và bơ cũng giảm, trong khi giá pho mát vẫn ổn định, do nhu cầu cao điểm mùa du lịch ở châu Âu.