Theo một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Geosystems and Geoenvironment, sự gia tăng nồng độ oxy là một quá trình diễn biến chậm xảy ra cách đây 2,8-1,8 tỷ năm.
Sự xuất hiện của oxy trên Trái đất gắn liền với chuyển động của các lục địa
Theo giả thuyết “Sự kiện oxy hóa lớn”, nồng độ oxy tăng nhanh vào khoảng 2,4 tỷ năm trước, sau đó giảm mạnh trong 200 triệu năm tiếp theo. Tuy nhiên, kết quả phân tích thành phần hóa học của các khoáng chất hình thành trong đá và dưới đáy biển cho thấy, quá trình gia tăng nồng độ oxy trong khí quyển xảy ra trong hơn một tỷ năm, với đỉnh điểm là khoảng 21%, xảy ra gần 1,9 tỷ năm trước.
Quá trình tích tụ chậm làm gia tăng nồng độ oxy có liên quan đến sự va chạm của các mảng lục địa hình thành nên các siêu lục địa và sự tiến hóa của vi khuẩn lam (vi khuẩn tạo ra oxy) trong các đại dương.
Việc thay đổi thành phần hóa học của các loại khoáng chất trong vỏ Trái đất tương quan với sự gia tăng nồng độ oxy do các chất kim loại mới hình thành nhờ quá trình oxy hóa, những chất kim loại này chỉ trở nên phổ biến do nồng độ oxy gia tăng.
Việc gia tăng nồng độ oxy cũng đi kèm với việc giảm khí carbon dioxide và metan, tạo ra những điều kiện thân thiện hơn cho sự sống trong đại dương và khí quyển.
Trước đó, các đại dương cổ đại chứa rất nhiều nguyên tố độc hại như thạch tín và thủy ngân. Trong quá trình va chạm của các lục địa, đã diễn ra quá trình hình thành núi, góp phần làm trôi các chất dinh dưỡng vào đại dương, kích thích vi sinh vật sinh sôi và gia tăng sản xuất oxy sinh học.