Professor Dao Duy Anh is a scientist who nurtures talents for future generations
Since the founding of the Democratic Republic of Vietnam (September 1945) until now, it is rare for any family to be successful with two consecutive Ho Chi Minh science awards awarded to both generations of father and son and the names of They are associated with the beautiful and bustling streets of Hanoi Capital. Along with the noble course awards awarded, Dao Duy Anh also has great contributions in training historical and posthumous scientists. His descendant was recognized by the French Agricultural Research Institute as an Academician at the age of 45. On the 120th anniversary of the birth of this outstanding scientist (April 25, 1904), the article records some details about His revolutionary life and scientific training activities.
Cuộc đời và sự nghiệp
Đào Duy Anh, chữ Hán viết là: 陶維英 sinh ngày 25 tháng 4 năm1904 và mất ngày 01 tháng 4 năm1988. Ông là lãnh tụ cách mạng tiền bối; nhà sử học, địa lý, từ điển, ngôn ngữ học và là nhà nghiên cứu văn hóa, tôn giáo, văn học dân gian nổi tiếng; được xem là người mở đầu cho nhiều ngành khoa học xã hội ở Việt Nam.
Sinh ra tại tỉnh Thanh Hóa, nhưng dòng họ Đào quê ông vốn ở làng Khúc Thủy, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội, đến đời ông nội mới chuyển cư vào sống ở đất Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Là con trưởng trong một gia đình đông con, cha mất sớm, ông phảỉ tự kiếm sống và giúp mẹ nuôi dạy các em còn nhỏ, nhiều người em trai của ông sau này đều đã trở thành những hoạt động chính trị, nhà báo, nhà sử học nổi tiếng như Đào Duy Kỳ, Đào Hùng, Đào Phan. (Wikipedia 2023).
Sau khi đỗ Thành chung tại Quốc học Huế; năm1923, Ông vào dạy học ở Trường Tiểu học Đồng Hới, nơi đại tướng Võ Nguyên Giáp từng là học trò. Chịu ảnh hưởng của các trào lưu yêu nước đang dấy lên ngày ấy như phong trào đấu tranh đòi "ân xá" cho cụ Phan Bội Châu năm 1925, và đám tang cụ Phan Chu Trinh vào năm 1926. Cuối năm 1925, ông tham gia Hội Quảng Tri Đồng Hới đón cụ Phan Bội Châu trên đường từ Hà Nội vào Huế. Năm 1926, ông từ chức giáo học, vào Đà Nẵng và có ý định đến Sài Gòn. Trên đường vào Đà Nẵng, ông gặp cụ Phan Bội Châu đang bị giam lỏng ở chùa Phổ Quang, và đến Quảng Nam gặp Huỳnh Thúc Kháng là Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ. Ông đã giúp cụ Huỳnh sáng lập báo Tiếng ân. Với vai trò Thư ký tòa soạn, ông đã thét Tiếng dân trong nhiều cuộc đấu tranh tại kinh thành Huế. Cũng trong năm1926, Đào Duy Anh tham gia Việt Nam Cách mạng Đảng sau đổi thành Tân Việt Cách mạng Đảng, là tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam và trở thành Tổng Bí thư của Đảng.
Trên cương vị Tổng Bí thư Đảng Tân Việt, năm 1928, ông lập NXB Quan hải tùng thư, có sự cộng tác của những trí thức nổi tiếng như Võ Liêm Sơn, Trần Đình Nam, Phan Đăng Lưu… Với bút danh Vệ Thạch (Chim Tinh vệ), ông đã cho xuất bản hàng loạt sách phổ cập để người đọc làm quen với tư tưởng khoa học và duy vật lịch sử như Lịch sử các học thuyết kinh tế, Lịch sử nhân loại, Phụ nữ vận động, Tôn giáo Xã hội và Dân tộc. Đó là những trước tác đầu tay của học giả trong mục tiêu truyền bá chủ nghĩa Mác và tư tưởng khoa học tiến bộ, góp phần vào phong trào đấu tranh chính trị và văn hóa thời bấy giờ. Ông lấy biệt hiệu là Vệ Thạch ví mình như chim tinh vệ nguyện suốt đời ngậm đá lấp biển học mênh mông bát ngát.
Tháng 7/1929, Đào Duy Anh bị chính quyền thực dân bắt giam cho đến đầu năm 1930 mới được ra tù. Ra tù, ông dừng hoạt động chính trị và chuyển sang lĩnh vực văn hóa, được xem là bước ngoặt lớn trong cuộc đời. Ông đã giành hầu hết thời gian chuyên tâm nghiên cứu văn hóa, bắt đầu từ Từ điển rồi đến văn hóa, văn học và lịch sử. Lĩnh vực nghiên cứu ông dốc nhiều tâm sức nhất đó là khoa học lịch sử, đặc biệt là Cổ sử Việt Nam, coi đây là phương tiện tốt nhất để thức tỉnh hồn nước, đặc biệt là nhận diện ở tầm học thuật và khẳng định vị thế của Việt Nam trong nền sử học khu vực và thế giới.
Sau Cách mạng tháng Tám 1945, ông được mời giảng dạy Lịch sử tại Đại học Văn khoa Hà Nội. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ông hoạt động trong Chi hội văn nghệ Liên khu IV và là Ủy viên Ban vận động Đại hội văn hóa toàn quốc từ năm 1946. Năm1950, được mời ra Việt Bắc làm Trưởng ban Sử-Địa thuộc Vụ Văn học Nghệ thuật, Bộ Giáo dục. Năm 1952, trở về Thanh Hóa giảng dạy tại trường Dự bị Đại học. Sau đó giảng day ở Đại học Sư phạm và Đại học Văn khoa Hà Nội. Năm 1956, ông được cử làm Chủ nhiệm Bộ môn Cổ sử Việt Nam tạị Đại học Tổng hợp. Từ năm 1955đến1960, ông là Chủ nhiệm khoa Sử Trường Đại học Sư phạm và Đại học Tổng hợp, sau đó chuyển về Viện Sử học thuộc Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam với nhiều công lao to lớn trong đào tạo nhiều lớp cán bộ nghiên cứu Sử học nước nhà.
Từ 1960 đến 1970, ông đã dịch, hiệu đính và chú giải nhiều bộ sách lớn về văn hoá, sử học như: Lịch triều hiến chương loại chí tạp lục của Lê Quý Đôn, Ức Trai thi tập, Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi, Thơ chữ Hán của Nguyễn Du... Ngoài ra ông còn biên khảo chữ nôm về nguồn gốc, cấu tạo, diễn biến và dịch Khoá Thư lục của Trần Thái Tông.
Ngày 01 tháng 4 năm1988, ông qua đời tại Hà Nội, thọ 84 tuổi. Cho đến cuối đời, Đào Duy Anh đã thực hiện trên 30 công trình về nghiên cứu và dịch thuật cổ văn được in thành hơn 60 tập sách bắt đầu từ năm 1927. Với những công trình tiêu biểu là: Hán-Việt từ điển (1932); Pháp Việt từ điển (1936); Việt-Nam văn hóa sử cương (1938); Khổng giáo phê bình tiểu luận (1938); Trung Hoa sử cương (1942); Thảo luận về Kim Vân Kiều (1943); Lịch sử Việt Nam(1956); Cổ sử Việt Nam (1956);Lịch sử cổ đại Việt Nam (1957) gồm 4 tập: "Nguồn gốc dân tộc Việt Nam", "Vấn đề An Dương Vương và nhà nước Âu Lạc", "Văn hóa đồ đồng và trống đồng Lạc Việt", "Giai đoạn quá độ sang chế độ phong kiến"; Vấn đề hình thành của dân tộc Việt Nam (1957); Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỷ XIX (2 tập, 1958); Đất nước Việt Nam qua các đời (1964); Từ điển Truyện Kiều (viết xong năm 1965 và xuất bản năm 1974) Chữ Nôm, nguồn gốc, cấu tạo và diễn biến (1975).
Cùng với biên soạn ông đã hiệu đính, biên dịch và chú giải nhiều công trình nghiên cứu như Lịch triều hiến chương loại chí (1961-1962); Đại Nam thực lục(1962 - 1977); Phủ biên tạp lục (1964); Đại Việt sử ký toàn thư (1967 - 1968); Đại Nam nhất thống chí (1969 - 1971); Binh thư yếu lược (1970); Gia Định thành thông chí;Nguyễn Trãi toàn tập (1969);Khóa hư lục(1974);Sở từ (1974);Truyện Hoa Tiên(1978);Thơ chữ Hán Nguyễn Du (1988) và Hồi ký Nhớ nghĩ chiều hôm xuất bản năm1989. Ngoài ra ,ông còn biên dịch và chú giải cả Kinh Thi, Đạo Đức Kinh và học thuyết của Lão Tử.
Là một trong số ít người Việt Nam được ghi tên trong bộ từ điển Larousse với tư cách là một nhà bách khoa toàn thư. Tên của ông đã được đặt cho các con đường tại quận Phú Nhuận (TP Hồ Chí Minh), quận Đống Đa (TP Hà Nội), thành phố Thanh Hóa va thành phố Hạ Long.
Là một trong những người có công xây dựng nền khoa học xã hội-nhân văn hiện đại, Đào Duy Anh đã đóng góp nhiều công sức trong lĩnh vực nghiên cứu. Ông là Người đặt cơ sở cho nền từ điển học hiện đại. Trên lĩnh vực nghiên cứu văn hóa, văn học, tác phẩm Việt Nam văn hóa sử cương của ông cùng với Văn minh An Nam (La Civilization Annamite,1944) của Nguyễn Văn Huyên đã trở thành những công trình nền móng để hình thành nền văn hóa Việt Nam. Trong sử học, với những tư liệu tích lũy nhiều năm và tham khảo những công trình khoa học nước ngoài, ông đã tiến hành nhiều đề tài nghiên cứu rất cơ bản về lịch sử Việt Nam, nhất là lịch sử cổ đại và trung đại như vấn đề phân kỳ lịch sử, nguồn gốc dân tộc, vấn đề chế độ chiếm hữu nô lệ, chế độ phong kiến và sự hình thành các dân tộc. Sau ngày qua đời, tên của ông đã được đặt cho một đường phố tại thủ đô Hà Nội.
Năm 2000, ông được Nhà nước tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ. Đối với Đại học Sư phạm Hà Nội, ông là một trong số người có công đầu với tư cách là giáo sư sử học. Hầu hết những người dạy sử ở Đại học Sư phạm và ĐHQG Hà Nội hiện nay đều là học trò cũ của giáo sư. Trong giới sử học, khi nói đến Đào Duy Anh ai cũng biết, ông là người có công to lớn trong xây dựng nền sử học. Ở ông nổi bật đó chính là tinh thần tự học, tự nghiên cứu, là lòng hăng say tích lũy tri thức, không ngừng bổ sung, cập nhật và ý thức tìm tòi, khám phá trong học thuật. Ông đã góp phần đào tạo thế hệ những nhà sử học uyên bác, xứng đáng là cây đại thụ của nền sử học hiện đại nước nhà.
Tình cảm của học trò và những thế hệ đời sau đối với Giáo sư Đào Duy Anh
Giáo sư Hà Văn Tấn, một trong những học trò nổi tiếng của ông cho biết “Giáo sư dạy chúng tôi bằng tấm gương lao động nghiêm túc. Là một bác học, ông muốn chúng tôi phải hiểu biết thật nhiều. Do vậy, ông buộc chúng tôi phải học, Ông là người khuyên chúng tôi phải học tiếng Nga và các cổ ngữ Phương Đông. Ông nói, không hiểu văn hóa Trung Quốc, văn hóa Ấn Độ, các anh không thể nào hiểu đầy đủ văn hóa Việt Nam”. Có thể nói, những công trình nghiên cứu khoa học với lòng say mê, nhiệt huyết của mình, Giáo sư Đào Duy Anh đã trở thành một “chiến sĩ” anh dũng trên mặt trận nghiên cứu khoa học xã hội. Những đóng góp của ông cho hậu thế là một khối “tài sản” khổng lồ. Ông chính là “tượng đài” để các thế hệ những nhà nghiên cứu khoa học xã hội noi theo (Bảo tàng lịch sử Quốc gia 2019).
Trao đổi cùng chúng tôi trước lúc về cõi vĩnh hằng, Viện sỹ, Anh hùng Lao động Nông nghiệp thờ kỳ Đổi Mới, là con trai trưởng của ông cho biết, GS Đào Duy Anh mồ côi cha từ nhỏ đã phải sớm đi làm phụ giúp mẹ nuôi các em ăn học. Từ nhỏ ông đã tiếp thu được thói quen nghiên cứu, tinh trung thực mẫu mực và sức làm việc không mệt mỏi của một người giàu trí tuệ và nghị lực. Mặc dù bận rộn rộn với trăm công nghìn việc, song cha ông vẫn không quên nhiệm vụ giáo dục con cái qua những công việc hàng ngày. Do các trường học chỉ dạy bằng tiếng Anh và tiếng Pháp nên đã phải dạy thêm tiếng Việt và chữ Hán tại nhà. Cùng với giáo dục gia đình, cha ông còn khuyến khích con cháu sớm tham gia những hoạt động xã hội như tham quan, du lịch nên từ nhỏ các con ông đã biết may vá, làm từ thiện và tạo được thói quen nghiêm túc trong học hỏi, nghiên cứu. Tấm gương làm việc của người cha và giáo dục gia đình đã giúp nhà khoa học rèn luyện trong quân ngũ và vượt qua những được những khó khăn ban đầu khi 1 chữ Nga chưa hề biết để chỉ sau 5 năm học đã hoàn thành xuất sắc chương trình đại học và bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ nông học của người Việt đầu tiên tại Liên bang Xô Viết (Lê Thành Ý 2006).
Trên chiếu văn ở ngõ Văn Chương Hà Nội, nhà báo Sơn Tùng đã nhiều lần xúc động chia sẻ những ký ức về Thầy Đào Duy Anh. Ông bồi hồi kể lại về 2 bộ từ điển Hán-Việt và Pháp-Việt in năm 1932 và 1936 là 2 cuốn sách nhập môn đạo học Thầy Đào của ông, đặc biệt Việt Nam văn hóa sử cương là cuốn khai tâm mở chí cho ông đi vào văn hóa sử dân tộc, Thầy Đào từng viết Hai tiếng văn hóa là chỉ chung tất cả các phương diện minh họa của loài người nên có thể nói rằng văn hóa là sinh hoạt. Chính khách đương thời từng ca ngợi Đào duy Anh là bậc thiên nhân, học một biết đến nghìn lần, lại có cái đức đắc khổ trung khổ, phương vi nhân thượng nhân (Nuốt được cái khổ trong cái khổ mới làm được hơn người). Cụ Nghè Mai, cháu của Tiên Điền Nguyễn Du từng nói, Đào Duy Anh chỉ có một mảnh bằng Thành Chung thời bảo hộ vậy mà khi ra khỏi nhà tù đế quốc Pháp đã làm nên bộ Từ điển Hán Việt, Từ điển Pháp-Việt; viết Việt Nam văn hóa sử cương; Khổng giáo phê bình tiểu luận, Trung hoa sử cương... Như ta đây, khi đã là ông Nghè rồi Duy Anh mới ra đời, vậy ta chỉ là người vô dụng mà thôi!
Trước lúc lên đường vào chiến trường Nam Bộ, nhà văn, Sơn tùng có cơ may gặp lại Thầy Đào và không quên mang theo bộ sách Lịch sử và Nguồn gốc dân tộc Việt của Thầy. Tại miền Đông Nam bộ, nhà văn đã vô cùng xúc động khi nghe Giáo sư Lê Thiết với giọng Sài gòm ấm áp nói ra, thiếu Hán học là thiệt thòi rất lớn, tôi phải ăn mày chữ từ bộ Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh (Sơn Tùng 2005).
Những năm cuối đời, vào năm 1983, khi cuốn Búp Sen Xanh của Sơn Tùng gặp nạn, Thầy Đào không nói gì tới nạn mà chỉ chia sẻ bằng việc tin cẩn gửi tặng tác giả hai bộ sách quý Nguồn gốc dân tộc , Lịch sử Việt Nam và bản thảo hồi ký Nhớ nghĩ chiều hôm đã giao cho con cái và những người thân trong gia đình lưu giữ với lời đề tặng “Thân ái ký tặng bạn quý Sơn Tùng với niềm tin chúng ta sẽ còn sống mãi” mà nhà văn đã luôn trân trọng trong cả cuộc đời.
Giáo sư Phan Huy Lê, một trong tứ trụ của nền sử học hiện đại Việt Nam từng chia sẻ: “Lần đầu tiên tôi được biết GS. Đào Duy Anh vào năm 1952. Sau khi tốt nghiệp phổ thông Phan Đình Phùng ở Hà Tĩnh, tôi ra Thanh Hóa học Dự bị đại học. Tôi không bao giờ quên được những buổi giảng bài của Thầy Đào về lịch sử Việt Nam vào ban đêm tại sân đình hay sân nhà tư nhân ở vùng Cầu Kè, chợ Đu Thọ Xuân, Thanh Hóa. Để tránh máy bay địch, chúng tôi học ban đêm, mỗi người mang theo một bàn xếp nhỏ với chiếc đèn dầu tự chế có tấm bìa che chỉ đủ ánh sáng ghi chép. Thầy Đào ngồi trên ghế cao, chậm rãi giảng bài bằng trí nhớ của mình. Học trò nhìn lên không thấy Thầy mà chỉ nghe qua lời giảng đều đều nhưng khúc chiết và sâu sắc. Năm 1954, tôi ra Hà Nội để học tiếp năm thứ hai ban Sử - Địa, Trường Đại học Sư phạm. Năm 1956 sau khi tốt nghiệp, tôi được làm trợ lý tại Bộ môn Cổ sử Việt Nam do GS. làm Chủ nhiệm. Tôi được vinh dự học và làm việc dưới sự hướng dẫn của Thầy đến khi Thầy chuyển sang Bộ Giáo dục rồi Viện Sử học. Đó là chặng đường chập chững khi tôi bước vào nghề viết Sử mà vai trò của Thầy hết sức quan trọng trong định hướng khoa học và hình thành phong cách cho cả cuộc đời nghiên cứu khoa học của tôi (Phan Huy Lê 2021)".
Ông ghi nhận, lĩnh vực khoa học mà GS. Đào Duy Anh dốc nhiều tâm lực nghiên cứu đó là Sử học. Chí hướng khoa học này được xác định ngay sau khi ra tù năm 1930 và được chuẩn bị rất công phu. GS suy nghĩ "phải chuyên tâm nghiên cứu lịch sử vì chỉ có hiểu biết đầy đủ lịch sử dân tộc mới có thể chắt lọc ra đâu là những yếu tố truyền thống, đâu là những yếu tố ngoại lai". Ông nhận thấy, hành trang cần thiết đi vào lĩnh vực khoa học là cơ sở kiến thức rộng về lịch sử thế giới, về Lịch sử Đông Tây và những ngành khoa học liên quan về xã hội như: Triết học, Kinh tế, Dân tộc và Xã hội học.., đặc biệt là về phương pháp luận sử học và tư liệu lịch sử. GS đã thuê chép và tìm mua được nhiều sách quý, xây dựng cho mình một tủ sách Hán Nôm phong phú gồm nhiều thư tịch của Việt Nam và Trung Quốc. Ông đã dành nhiều thời gian đi về các thế gia, các dòng họ từ Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh vào đến Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định để thu thập các loại tư liệu lịch sử. Năm 1938, ông đã ra Hà Nội gặp Nguyễn Văn Tố và nhóm Tri Tân để chuẩn bị xuất bản bộ Tùng thư sử học và bộ Tùng thư văn học.
Về phương pháp luận sử học, ông tìm hiểu cuốn Sử học khái luận thuộc trường phái của chủ nghĩa thực chứng và tham khảo kinh nghiệm nghiên cứu, biểu thị qua các công trình khoa học có giá trị của các học giả Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản, nhất là những tác phẩm viết theo quan điểm mác xít của học giả Trung Quốc; GS đã vận dụng thành tựu của phép huấn hỗ của các nhà kinh học đời Hán, phép khảo cứ đời Minh, Thanh kết hợp với phương pháp văn bản học hiện đại của phương Tây. Trên cơ sở đó, bắt đầu sự nghiệp sử học của mình bằng công việc dịch và chú giải Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn và nghiên cứu cổ sử Việt Nam từ thời tiền sử, nguồn gốc dân tộc đến văn hóa Đông Sơn, kháng chiến chống Tần, và nhà nước Âu Lạc…
GS. Đào Duy Anh tham gia đào tạo các khóa sinh viên của Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Tổng hợp Hà Nội, những thế hệ sử gia đầu tiên của nền đại học Việt Nam độc lập, nhiều người đã giữ vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển nền Sử học hiện đại của đất nước trước khi chuyển Viện Sử học. Ông thôi công tác giảng dạy để chuyên tâm vào một lĩnh vực phù hợp với điều kiện công tác mới và đã không ngừng cống hiến cho nền học thuật của đất nước với nhiều tác phẩm để đời cho các thế hệ mai sau.
Thay cho lời kết
Đào Duy Anh là nhà sử học, địa lý, từ điển học, ngôn ngữ học, nhà nghiên cứu văn hóa, tôn giáo, văn học dân gian nổi tiếng của Việt Nam. Ông được xem là người mở đầu cho nhiều ngành khoa học xã hội Việt Nam. Với trình độ học vấn Thành Chung, bằng tấm gương lao động và tự học, tự nghiên cứu nghiêm túc suốt cả cuộc đời, ông đã trở thành nhà khoa học lỗi lạc, người đặt cơ sở cho nền từ điển học hiện đại Việt Nam. Là một trong những người xây dựng nền khoa học xã hội nhân văn hiện đại, Đào Duy Anh đã có nhiều đóng góp trong lĩnh vực nghiên cứu của một trong những học giả lớn của thế kỷ XX. Ông không chỉ để lại cho đất nước sự nghiệp khoa học nhân văn đồ sộ và đa dạng mà còn đào tạo, xây dựng những thế hệ nghiên cứu với nhiều đóng góp trong xây dựng đất nước. Bài viết hy vọng là một nén tâm hương thành kính tưởng nhớ 45 năm ngày mất và 120 năm sinh của ông./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bảo tàng Lịch sử Quốc gia 2019 Giáo sư Đào Duy Anh - Cây đại thụ của nền sử học Việt Nam hiện đại;
2. Sơn Tùng (2005) Ký ức về Thầy Đào Duy Anh Chiếu văn ngõ Văn Chương 2005;
3. Phan Huy Lê (2021) Giáo sư Đào Duy Anh, nhà sử học và văn hóa lớn
Kỷ yếu kỷ niệm100 năm thành lập Đại học Quốc gia Hà Nội 12.2021;
4. Lê Thành Ý (2006) Cả cuộc đời gắn bó với sự nghiệp nông nghiệp và phát triển nông thôn;
5. Báo Giáo dục và Thời đại số Xuân Mậu Tuất 2006.