Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn: Nhà nghiên cứu khoa học kỹ thuật và kinh tế xã hội Nông nghiệp

Vừa qua, Nhà xuất bản Dân trí phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa xuất bản cuốn sách "Đào Thế Tuấn - Nhà Khoa học Nông nghiệp uyên bác". Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam xin giới thiệu bài viết “Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn: Nhà nghiên cứu khoa học kỹ thuật và kinh tế xã hội Nông nghiệp” của tác giả GS.TS. Nguyễn Văn Luật nguyên Viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long trong cuốn sách quý nói trên.

Thông tin đại chúng về sự đóng góp cho nền khoa học nông nghiệp nước nhà của GS.VS. Đào Thế Tuấn, bao gồm cả những thông tin qua Google, là khá phong phú về nghiên cứu kinh tế xã hội nông nghiệp; nhưng hầu như lại thiếu vắng thông tin về nghiên cứu khoa học kỹ thuật, như về cơ sở sinh lý thực vật cho kỹ thuật chăm bón cho ruộng lúa năng suất cao mà GS Tuấn có nhiều thành tựu, mặc dầu khó có thể đánh giá kết quả nghiên cứu về lĩnh vực nào có ảnh hưởng đến nông nghiệp nhiều hơn. Cái khó là ở chỗ một đằng ở phạm vi vi mô, một đằng lại ở phạm vi vĩ mô. Tuy nhiên, đây lại là một đặc điểm của GS.VS. Tuấn: Vừa là nhà nghiên cứu đề xuất nhiều vấn đề thuộc về vi mô - cơ sở sinh lý thực vật cho kỹ thuật bón phân cho lúa; đồng thời nhiều vấn để vĩ mô - về kinh tế phát triển nông thôn, nông dân và nông nghiệp gọi tắt là tam nông. Nhiều đề xuất của Viện sĩ Tuấn có giá trị về thực tiễn cũng như lý luận, vì Anh Tuấn đã dựa trên cơ sở nhận định, suy nghĩ sâu rộng nên hình thành những ý tưởng, những việc làm để minh chứng mà tác giả bài viết này hy vọng sẽ giới thiệu được phần nào đó.

ffaa-1663304057.png
GS.TS Nguyễn Văn Luật. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Một khởi đầu tốt đẹp

Sự khởi đầu tốt đẹp của GS.VS Tuấn phải kể đến quá trình hoạt động của anh trước khi bước vào giai đoạn hoạt động nghiên cứu khoa học nông nghiệp, giai đoạn hoạt động dài nhất trong cả cưộc đời của anh. Anh tham gia Việt Minh từ rất sớm, vào Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 6 tháng 5 năm 1949 và chuyển chính thức ngày 9 tháng 10 năm 1949. Năm 1953, học đại học tại Trường Đại học Nông nghiệp Tashkent, Liên Xô. Cuối năm 1958, báo cáo tốt nghiệp của ông được trình bày thẳng để lấy bằng Tiến sĩ Nông học. Từ năm 1958, anh công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại Học viện Nông lâm, tiền thân của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam và Học viện Nông nghiệp hiện nay.

Sau khi hoàn thành xuất sắc giai đoạn học tập ở Liên Xô về, anh được phân công làm việc phù hợp với ngành nghề được đào tạo: Trưởng Ban Trồng trọt, rồi Phó Viện trưởng rồi Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam. Về hoạt động trong hội nghề nghiệp, anh là người vừa đề xướng, vừa làm Chủ tịch Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam. Hội này hoạt động cho đến nay do GS.TSKH. Trần Duy Quý làm Chủ tịch; có con trai cả của anh, PGS.TS. Đào Thế Anh là Phó Chủ tịch Hội.

Một kết thúc vẻ vang

Kết quả hoạt đng nghiên cứu khoa học nông nghiệp của anh đã được nhà nước ghi nhận bằng nhiều danh hiệu vẻ vang như Anh hùng Lao động thời đổi mới và Giải thưởng Hồ Chí Minh do Chủ tịch nước tặng (2000). Anh còn nhận được nhiều danh hiệu và huân chương danh giá khác, như Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Nông nghiệp Liên Xô (1985); Huân chương Công trạng Nông nghiệp (2009) và Huân chương Cành cọ Hàn lâm của Pháp (1991) do Chính phủ Pháp trao tặng; Giải thưởng Quốc tế René Dumont dành cho các nhà nông học của các nước đang phát triển (2003).

Hai lãnh vực nghiên cứu

1/ Về nghiên cứu khoa học kỹ thuật mà Google ghi được tóm tắt như sau

  • Sinh lý ruộng lúa năng suất cao (xuất bản 1970).
  • Ứng dụng phương pháp mô hình hoá toán học để xây dựng quy trình kỹ thuật trồng lúa cho cấp huyện.
  • Công nghệ sản xuất lúa ở Đồng bằng sông Hồng.
  • Hệ thống nông nghiệp phát triển bền vững.

Bốn vấn đề rộng lớn trên là từ nhiều kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm; ở ruộng thí nghiệm tại cơ sở Văn Điển, Hà Nội của Viện KHKTNN; và ở địa bàn sản xuất như ở tỉnh Hưng Yên, Nam Định và nhiều nơi khác thuộc Đồng bằng sông Hồng. Anh đã đào tạo nhân lực chất lượng cao từ Bộ môn Sinh lý Thực vật, và đã phát huy tác dụng ấn tượng như PGS.TS. Nguyễn Văn Uyển, GS.TS. Mai Văn Quyền, PGS.TS. Phạm Văn Chương,... hay những chuyên gia tay nghề cao trong phòng thí nghiệm như Kỹ sư Đại tá Phạm Bình Nhưỡng, Cử nhân Ngô Thị Yến Mai,... Tôi không được làm việc trực tiếp với anh nhiều, không có trải nghiệm nhiều; nhưng có những kỷ niệm và ưa thích những báo cáo khoa học, những bài viết, kể cả những phát biểu ý kiến của anh. Anh ra trường và về nước làm việc trước anh chị em khóa 1 chúng tôi vài năm, khi chúng tôi đã hoàn thành các môn học cơ bản (toán, lý, hóa...), khoa học cơ sở (địa chất, khí tượng thủy văn, sinh lý thực vật...), nhưng nhà trường vẫn bố trí anh trình bày bổ sung môn Sinh lý Thực vật, một trong những môn anh học ở Liên Xô, nội dung và cách trình bày của anh khá ấn tượng.

2/ Về kinh tế xã hội nông nghiệp

Trên cơ sở nghiên cứu những kết quả nghiên cứu kiến quan ở trong và ngoài nước, nghiên cứu thực trạng tam nông “Nông nghiệp, Nông dân, Nông thôn” ở Việt Nam; GS.VS. Đào Thế Tuấn đã có nhiều phát biểu với hàng loạt vấn đề về tam nông. Những ý kiến, những đề xuất của anh được nhiều chuyên gia đồng thuận, trong đó có tôi. Tất nhiên cũng có những ý kiến bổ sung, có những ý kiến trái chiều, chủ yếu do chưa có mô hình trong sản xuất có đủ sức thuyết phục. Tôi tin rằng những nhà khoa học kế thừa sự nghiệp của anh, gồm cả con trai anh là Đào Thế Anh, sẽ dần thực hiện được nhiều suy nghĩ, ý tưởng của anh.

ffa-1663304017.jpg
Cuốn sách quý về Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn

Anh đã theo dõi và phân tích sự thất bại trong thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn trong và ngoài nước từ sau Chiến tranh Thế giới Lần thứ 2 đến nay và đã giới thiệu nhiều suy nghĩ của mình, có suy nghĩ đã được hoàn thiện thành ý tưởng; liên hệ với thực tế xã hội nông thôn đến nay, tôi nhận thức được một số suy nghĩ của anh như sau:

1. Việc phát triển nông thôn trong thời gian qua do nhiều bộ làm, thiếu một chương trình tổng hợp có sự phối hợp với nhau. Chúng ta cần một nền kinh tế nông thôn bao gồm cả nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ; xây dựng được thị trường nông thôn, đi đôi với việc phát triển vốn con người, trong đó có cả sức khỏe và việc làm.

Tôi đồng thuận với anh khi liên hệ với tình hình ở nông thôn ĐBSCL, thì sự đóng góp vào GDP của dịch vụ nhiều nơi chỉ dưới 10%, của công nghiệp và xây dựng độ 20%; còn là sự đóng góp của sản xuất nông nghiệp, chủ yếu từ sản xuất lúa gạo; mà chỉ trông vào sản xuất lúa gạo, trong đó có gạo xuất khẩu thì nông dân đâu kiếm được nhiều tiền.

Phong trào xây dựng Nông thôn mới (NTM) với 19 tiêu chí nằm trong Chương trình Mục tiêu Quốc gia, bao gồm khá đầy đủ những điều liên quan với những bức xúc của giáo sư và những người qua tâm tới đời sống của nông dân, tình trạng lạc hậu ở nông thôn. Xây dựng NTM được Đảng và Chính phủ phát động các ngành các cấp cả nước tham gia, khởi đầu là 11 xã NTM trọng điểm do Nhà nước chỉ đạo. Mỗi tỉnh/thành lại xây dựng một số xã NTM của địa phương. Đồng hành với Chương trình Mục tiêu Quốc gia này, các viện nghiên cứu, các nhà khoa học về nông nghiệp đã có những việc làm, những nghiên cứu hưởng ứng, trong đó có Viện Khoa học KTNN Việt Nam.

2. Việc phát triển nông thôn thường được tiến hành theo cách tiếp cận từ trên xuống, không có sự tham gia của quần chúng và của các tác nhân quan trọng nhất trong hệ thống kinh tế xã hội của nông thôn, không phát huy được tính năng động của địa phương.

Dựa vào 19 tiêu chí của NTM mà tổng kết rút kinh nghiệm, do nông dân tự xây dựng NTM đã khang trang, thậm chí giầu có mà thường thì vùng nào cũng có mô hình loại này. Như ở xã Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường có phong trào xây dựng NTM thực sự mới từ 2008, đã có nhiều thành tựu lớn, trên cơ sở xã này đã có tập quán phát triển thương nghiệp từ trước. Người dân xã này đã có nhiều ô tô chạy khắp nước để giao thương, tuy vậy vẫn phát triển nông nghiệp tốt, đến nay xã đã có trên 48 doanh nghiệp. Hồi đầu những năm 70, chúng tôi lên Vĩnh Phú giúp Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc xây dựng những mô hình làm vụ Xuân, một trong những điểm mô hình là xã Tứ Trưng cũng thuộc huyện Vĩnh Tường, chúng tôi thường xuyên đi qua xã Thổ Tang, thấy dân khá giả hơn nhiều xã khác. Nếu như quan tâm đầy đủ hơn nữa theo cách tiếp cận “từ dưới lên”, có lẽ thành tựu sẽ lớn hơn, sẽ có nhiều kinh nghiệm bổ ích cho phong trào NTM từ những nơi dân tự xây dựng NTM.

Xung quanh việc nghiên cứu phát biểu trên của anh Tuấn, nhiều nhà khoa học, có tôi trong đó, có băn khoăn về hiện trạng thường theo cách tiếp cận từ trên xuống, mà không quan tâm đầy đủ cách tiếp cận từ dưới lên. Có khá nhiều mô hình trong nông nghiệp có tính tự phát, song lại phát huy được ra sản xuất đại trà tốt đẹp. Trong khí đó, nhiều đề tài, dự án sau nghiệm thu “đắp chiếu”, hay lưu trữ vào ngăn kéo. Nếu một phần các  đề tài nghiên cứu đi đúng vào yêu cầu của thực tiễn thì chắc nông nghiệp, nông thôn sẽ phát triển hơn rất nhiều so với hiện nay.  Trong khi nông dân đã chế tạo được nhiều loại máy nông nghiệp được sử dụng rộng rãi và hiệu quả như  doanh nghiệp tư nhân Bùi Văn Ngọ có máy nông nghiệp xuất khẩu sang 24 nước và vùng lãnh thổ.  Viện Lúa ĐBSCL tuy không có chức năng  về chế tạo máy nông nghiệp, nhưng đã dựa vào nguyên tắc chung mà chế tạo được máy bóc bẹ tách hạt ngô các cỡ; nhất là cải tiến dụng cụ gieo sạ lúa theo hàng do Viện Lúa quốc tế  sáng tạo (IRRISEEDER), bằng cách thay hai bàn trượt bằng hai bánh lồng nhỏ nên đưa vào được sản xuất lúa ở cả nước, nhiều năm liên tục được sử dụng trên 15-17% diện tích lúa cả nước. IRRI đã tổ chức hội thảo thăm đồng với các nước trong vùng về dụng cụ này, tại Viện Lúa ĐBSCL.

3. Có điều chúng ta mải mê theo học thuyết Mác Lenin, mà quên đi nhiều học thuyết khác; ví dụ sản xuất nông nghiệp lý luận của nữ tác giả người Đan Mạch  Boserup, giải thích các điều kiện để có thể đa canh, đa dạng hóa. Theo học thuyết này, dân số là động cơ để người ta phát triển đa dạng hóa các hoạt động sản xuất.

Suy nghĩ của anh Tuấn cũng tương tự như suy nghĩ của thầy Của, thầy Đáp và nhiều nhà khoa học khác, nhiều người khác. Bởi vì, nghiên cứu khoa học, nhất là nghiên cứu khoa học nông nghiệp là một khoa học thực nghiệm, thì phương pháp so sánh là cách tất yếu làm cơ sở cho tư duy khách quan, né tránh lối suy nghĩ duy lý trí. Anh Tuấn đã thể hiện suy nghĩ trên có khác với nhiều người, vì có liên hệ với nhiều suy nghĩ, ý tưởng khác. Ví dụ như sản xuất nông nghiệp, lý luận của nữ tác giả người Đan Mạch  Boserup, giải thích các điều kiện để có thể đa canh, đa dạng hóa.

  Anh Tuấn đã có đề nghị cần có tổ chức với đủ thẩm quyền và điều kiện hoạt động độc lập để kiểm tra tác động của một số đề tài/dự án  sau nghiệm thu. Những công trình có tác dụng lớn mà không có tài trợ của Nhà nước cần được xem xét, được tài trợ và khen thưởng thỏa đáng mới công bằng; chứ không chỉ với công trình do Nhà nước cấp vốn và làm đủ thủ tục từ phê duyệt đến nghiệm thu trước hội đồng nhiều khi chỉ để đủ thủ tục.

GS.VS. Đào Thế Tuấn với năng lực cao của mình đã có nhiều kết quả nghiên cứu, xung quanh những vấn đề lớn về Tam nông như nêu trên. Giáo sư đã đã có nhiều nỗ lực không để cho những công trình trên “đắp chăn”, mà đã tổ chức xây dựng nhiều mô hình ngay tại nông thôn, để gắn lý thuyết với thực tế ở một địa bàn cụ thể, trong những hoạt động cụ thể. Một minh chứng là giáo sư đã sáng lập Hội Khoa học Phát triển Nông thôn, đã phát hành “Bản tin Phát triển Nông thôn ” về sau phát triển thành Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn, chứa đựng nhiều thông tin và kết quả nghiên cứu có giá trị.

Chỉ cần đọc qua danh sách các hội viên ban đầu, chúng đã có thể thấy khả năng về tri thức, kinh nghiệm và sức làm việc vì nông dân, nông thôn. Xin kể qua vài vị mà tôi biết như ông Nguyễn Phượng Vĩ, nguyên Vụ trưởng Vụ Chính sách Bộ Nông nghiệp và PTNT; ông Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách PTNT, ông Trần Khải, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư, Chủ tịch Hội Khoa học Đất Việt Nam,... nhiều vị là cán bộ địa phương, như ông Cm Đoản, Phó chủ tịch  UBND tỉnh  Sơn La; ông Trần Văn Túy, PCT UBND tỉnh Bắc Ninh,... và cũng đã có các hội viên trẻ tuổi, như Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam; Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia .

GS.VS. Đào Thế Tuấn vừa là người sáng lập, vừa là chủ tịch đầu tiên của Hội Khoa học Phát triển Nông thôn, là một nhà khoa học uyên thâm, hết mình nghiên cứu nhiều lãnh vực cho sự phát triển nông nghiệp, nông thôn, và an sinh cho nông dân. Ngay trong tác phong hàng ngày cũng thể hiện sự “hết mình” này, nếu ai chưa quen biết có thể phật ý. Anh Việt Chi, nguyên Vụ trưởng Vụ Trồng trọt cùng tôi đã có lần trao đổi về giáo sư: Anh Tuấn khi nói chuyện với mình nhiều khi quên béng khách ngồi bên. Đấy là “sự quên” không đáng chê trách, vì anh mải suy nghĩ điều gì đó với tầm nhìn sâu rộng.