Tôi thuộc thế hệ sinh viên khóa 6 (1961-1965) Học Viện Nông lâm (HVNL) tiền thân của Học viện Nông nghiệp Việt Nam ngày nay. Chúng tôi may mắn là thế hệ sinh viên cuối cùng được học môn Sinh lý Thực vật do thầy Đào Thế Tuấn trực tiếp giảng dạy. Lúc này thầy đang là Trưởng ban Khoa học và Trưởng Bộ môn Sinh lý Thực vật của HVNL. Bởi vì từ năm 1963, thầy Tuấn chuyển sang công tác tại Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam. Là những sinh viên còn non nớt, sau năm học thứ nhất toàn học các môn cơ bản, chúng tôi háo hức chờ đón môn khoa học cơ sở đầu tiên, môn Sinh lý Thực Vật (SLTV) mà nghe các anh chị khóa trên cho biết, đây là môn “xương sống”, một trong những môn quan trọng và thú vị nhất của chương trình đào tạo.
Càng hồi hộp hơn là chờ đón thầy giáo của môn học là thầy Đào Thế Tuấn, Tiến sĩ Khoa học Nông học Việt Nam đầu tiên được Liên Xô đào tạo. Thầy đã có quá trình đào tạo rất xuất sắc vừa tốt nghiệp đại học vừa bảo vệ thành công luận án tiến sĩ chỉ trong 5 năm. Thời đó, không như bây giờ, tiến sĩ còn hiếm lắm, cả trường mới chỉ có thầy Lương Định Của, thầy Đào Thế Tuấn là tiến sĩ. Tôi cứ ấn tượng mãi về buổi giảng đầu tiên của thầy hôm ấy. Thầy cao to, đĩnh đạc, trông như các “ông tây”, khuôn mặt rất trí tuệ và phúc hậu. Giọng nói của thầy trầm ấm, phảng phất âm điệu miền Trung nghe rất truyền cảm. Thầy mở đầu môn học với những lời đơn giản nhưng khúc triết, sâu sắc khiến tôi ghi nhớ mãi cho tới hôm nay. Thầy nói: “SLTV là môn khoa học cơ sở của ngành trồng trọt, môn học sẽ làm sáng tỏ bản chất đời sống thực vật, làm rõ các chức năng sinh lý của cây, trên cơ sở đó có thể điều khiển sự sinh trưởng phát triển, hình thành năng suất, phẩm chất của cây theo ý muốn của con người. Chính vì thế, nhà SLTV vĩ đại ngườì Nga Timiryazev đã nói, SLTV là cơ sở của trồng trọt hợp lý; nhà SLTV luôn phải có ước mơ làm thế nào để thu được hai bông lúa, nơi mà trước đây chỉ có 1 bông”. Chúng tôi bị cuốn hút bởi môn học và cách giảng dạy đầy thuyết phục của thầy. Thầy vừa giúp chúng tôi khai phá bản chất đời sống thực vật, vừa thổi vào chúng tôi ngọn lửa khát khao mơ ước có thể vận dụng các hiểu biết mới mẻ này để điều khiển cây trồng theo ý muốn.
Thế rồi, với môn học của thầy, chúng tôi được hiểu cấu trúc và chức năng của tế bào thực vật, biết được các chức năng sinh lý của cây, tổng hợp hoạt động của các chức năng sinh lý của cây đã làm cây sinh trưởng phát triển ra sao? Ra hoa kết quả thế nào? Cây chống chịu với điều kiện bất thuận ra sao, bản chất của mỗi tính chống chịu đó là gì? Mỗi quá trình ấy con người lại có thể can thiệp và điều khiển chúng theo ý muốn. Thầy đã cho thấy một triết lý rất mạch lạc, logic: “Muốn điều khiển cây có năng suất cao, phải hiểu được các quá trình sinh lý dẫn đến việc hình thành năng suất, trên cơ sở đó tìm các biện pháp điều khiển các quá trình đó theo định hướng mong muốn. Mọi biện pháp kỹ thuật trồng trọt chỉ có thể xây dựng đúng đắn khi có cơ sở sinh lý”. Chính dựa trên triết lý này, thầy Đào Thế Tuấn cùng các đồng nghiệp đã dày công nghiên cứu, tổng kết và viết thành cuốn sách: “Sinh lý của ruộng lúa năng suất cao”. Cuốn sách đã cho thấy cơ sở sinh lý của các biện pháp kỹ thuật từ chọn tạo giống lúa đến mật độ trồng, bón phân, tưới nước… để thu được năng suất lúa cao nhất. Có thể nói, cuốn sách là cẩm nang của các nhà kỹ thuật trồng lúa, đã được vận dụng rất thành công trong phong trào thâm canh tăng năng suất lúa của Việt Nam. Theo lời dạy của thầy, sau này định hướng nghiên cứu khoa học chính của tôi là điều khiển quá trình phát sinh hình thái của cây trồng theo ý muốn, dựa trên cơ sở sinh lý của cây. Đó là các hướng công trình và kèm theo là các tiến bộ kỹ thuật đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận:
1) Nghiên cứu điều khiển sự nảy mầm của củ khoai tây sau thu hoạch (phá ngủ - dormancy breaking). Dựa trên cơ sở sinh lý là làm tăng tính thấm của membrane tế bào nhờ các chất CS2 và Thioure phối hợp với chất kích thích mọc mầm GA3.
2) Nghiên cứu điều khiển sự ra hoa của cây theo ý muốn (hoa loa kèn, hoa lan hồ điệp dựa trên cơ sở phản ứng xuân hóa (vernalisation); hoa cúc, hoa thanh long dựa trên cơ sở phản ứng của phytocrome với ánh sáng ngắt đêm (night break) đối với phản ứng ra hoa theo quang chu kỳ của cây.
3) Nghiên cứu điều khiển sự ra chồi và hình thành củ minituber khoai tây trong điều kiện trồng khí canh. Dựa vào cơ chế thúc đẩy phát sinh chồi khi phá ưu thế ngọn và phản ứng tạo “sốc” sinh lý về pH và dinh dưỡng để thúc đẩy stolon phát sinh củ.
4) Nghiên cứu sự phát sinh hình thái của mô nuôi cấy vận dụng trong nhân giống nhiều loại cây hoa (lan) và cây ăn quả (dứa), qua điều khiển khiển tỷ lệ các nhóm chất điều tiết sinh trưởng Cytokinin/Auxin.
Tôi yêu và say đắm khoa học SLTV từ những bài giảng đầu tiên về SLTV của thầy, và mơ ước sau này có dịp được hoạt động trong lĩnh vực này. Có lẽ đây là một mối nhân duyên trời định Mặc dù được đào tạo theo chuyên ngành nông hóa; sau khi ra trường công tác (9/1965), tôi may mắn được nhà trường và các thầy cô Bộ môn Sinh lý và Sinh hóa Thực vật giữ lại, làm công tác giảng dạy và nghiên cứu. Từ đó, cho đến nay cuộc đời tôi gắn liền với chuyên môn SLTV. Trong hoạt động chuyên môn của mình, tôi lại có dịp tiếp tục học tập, gặp gỡ và làm việc với thầy Đào Thế Tuấn và đều có những kỷ niệm sâu sắc.
Tôi muốn kể lại một câu chuyện rất đặc biệt, ít người biết, khi hoạt động trong chương trình khoai tây của Bộ Nông nghiệp & PTNT do thầy làm chủ nhiệm chương trình. Vào giai đoạn cuối thập kỷ 1970-1980, đất nước chúng ta rất thiếu lương thực. Trước bối cảnh ấy, GS.VS. Đào Thế Tuấn đã đề xuất giải pháp phát triển khoai tây ở Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) như 1 cứu cánh về mặt lương thực. Theo GS, vụ Đông ở ĐBSH có thể trồng được 200.000 ha khoai tây, chỉ cần đạt năng suất tối thiểu là 10 tấn/ha, chúng ta có thể thu được ngay 2 triệu tấn lương thực mà không hề ảnh hưởng đến diện tích trồng lúa. Thực hiện chương trình này, diện tích khoai tây ở Việt Nam tăng vọt từ 20-30 ngàn ha lên trên 100.000 ha vào năm 1979-1980. Chúng tôi ở ĐHNN1 được giao nhiệm vụ tham gia vào nhóm nghiên cứu các biện pháp nhân giống khoai tây của chương trình. Lúc đó, tôi và các đồng nghiệp ở Bộ môn SLTV ĐHNN1 đã nghiên cứu rất thành công biện pháp phá ngủ khoai tây sau thu hoạch, biến củ khoai tây vừa thu hoạch có thể nẩy mầm với tỷ lệ rất cao > 90% ngay sau 7-10 ngày xử lý. Thông thường củ khoai tây sau thu hoạch phải trải qua giai đoạn ngủ nghỉ từ 2-3 tháng mới nẩy mầm đem trồng được. Biện pháp này cho phép chủ động tạo củ giống trồng thêm một vụ khoai xuân, không phải phụ thuộc vào nguồn khoai giống nhập ngoại. Nghiên cứu đã được thử nghiệm khá thành công ở một số địa phương qua một số vụ. Nhưng vụ Đông Xuân năm 1986-1987, khi triển khai ở quy mô khá lớn thì gặp trục trặc. Tuy kết quả phá ngủ vẫn thành công, tỷ lệ củ nảy mầm vẫn rất cao, nhưng khi trồng thì gần 50% diện tích khoai phá ngủ mọc rất chậm, gần một tháng cây vẫn chưa lên khỏi mặt đất. Các hợp tác xã phản ánh lên báo chí và đòi bồi thường. Tổng cục An ninh phải vào cuộc (vì sợ có vấn đề phá hoại sản xuất). May mắn, chúng tôi kịp thời phát hiện được nguyên nhân khoai không mọc được là do độ ẩm đất quá thấp.
Vụ Xuân năm ấy bị hạn, khác với vụ Xuân mọi năm đều có mưa phùn ẩm ướt. Củ khoai tây phá ngủ là củ khoai tây tươi mọng nước, tế bào có sức hút nước thấp hơn nhiều củ khoai tây giống thông thường (đã qua bảo quản), nên không thể hút được nước từ đất có độ ẩm thấp (nói cách khác đất có thế nước thấp hơn, hay có sức hút nước cao hơn củ khoai tây phá ngủ). Bằng chứng cho thấy, ruộng khoai ở các nơi được tưới hoặc vô tình bị tràn nước qua, cây mọc 100% và rất đều. Lúc đó có phong trào “Những việc cần làm ngay” do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh phát động, mọi vụ việc đã có thư từ lên báo chí phải trả lời ngay cho công luận. Bộ Nông nghiệp cùng Tổng cục An ninh đã tổ chức hội nghị xem xét sự kiện phá ngủ khoai tây. Sau báo cáo giải trình của tôi, với những minh chứng về tình hình mọc của khoai tây phá ngủ ở các điều kiện độ ẩm đất khác nhau, với số liệu đo sức hút nước của củ khoai tây và độ ẩm đất; cùng với sự thành khẩn, dũng cảm, nhận đền bù thiệt hại cho các hợp tác xã, mọi khúc mắc đã được làm sáng tỏ. Đông đảo người dự và lãnh đạo các hợp tác xã có mặt đã giải tỏa được bức xúc và đồng tình không “bắt đền” thầy Thạch. GS.VS. Đào Thế Tuấn, đại diện cho Bộ và chương trình khoai tây đã phát biểu tổng kết. Thầy khen ngợi chúng tôi đã nghiên cứu thành công tiến bộ kỹ thuật phá ngủ khoai tây, nhưng nhắc nhở một tiến bộ kỹ thuật khi đưa ra áp dụng rộng rãi cần được khảo nghiệm kỹ, phải xây dựng được quy trình sử dụng hoàn chỉnh.
Nếu như trong quy trình trồng khoai tây giống phá ngủ có đề xuất giải pháp tưới trước khi trồng, chắc sẽ không có cuộc họp hôm nay. Thầy còn nói vui: “Bác sĩ thì nhìn đâu cũng thấy VI TRÙNG, an ninh nhìn đâu cũng thấy ĐỊCH TA, còn đây là thầy Thạch của chúng ta”. Thầy ân cần vỗ vai động viên tôi tiếp tục nghiên cứu, đóng góp nhiều hơn nữa cho chương trình khoai tây. Tôi vô cùng cảm động, đây là bài học rất thấm thía cho tôi. Tôi biết ơn mãi sự phán xét rất công minh, đầy lòng vị tha và bảo vệ cán bộ của thầy. Sau một số năm tiếp tục thử nghiệm, hoàn thiện, quy trình phá ngủ khoai tây của chúng tôi đã được Hội đồng Khoa học của Bộ Nông nghiệp đánh giá xuất sắc, và công nhận là tiến bộ kỹ thuật cho sử dụng rộng rãi ngoài sản xuất.
Là một thầy giáo công tác trong lĩnh vực đào tạo đại học, tôi cũng muốn nói thêm thầy Đào Thế Tuấn còn là một nhà giáo dục đại học lỗi lạc. Ngay từ khi thầy giảng dạy môn SLTV cho lớp tôi cách đây 60 năm, thầy đã áp dụng cách dạy và học theo kiểu nghiên cứu cho chúng tôi. Đây chính là một trong những phương pháp đào tạo đại học đang được Bộ giáo dục đào tạo tuyên truyền phát triển. Thầy cho biết, ở Nga từ học sinh là “ученик” tương tự như từ sách giáo khoa “учебник”, trong khi từ sinh viên là “студент - student” bắt nguồn từ từ nghiên cứu “study”. Vì thế, không thể dạy và học ở đại học theo cách của trường phổ thông.
Dạy và học ở đại học phải theo cách nghiên cứu. Thầy cho thành lập nhóm nghiên cứu của sinh viên, giao cho nhóm thực hiện những đề tài nhỏ hoặc thu thập, đọc, dịch các thông tin khoa học mới về lĩnh vực đang học. Sinh viên trong nhóm nghiên cứu ngoài giờ lên lớp, được lên phòng thí nghiệm của bộ môn để thực hiện những đề tài, dưới sự hướng dẫn của các thầy cô. Qua cách đào tạo này, nhiều sinh viên đã sớm định hướng được hướng đi sau này, yêu nghề và làm quen với nghiên cứu, trình độ ngoại ngữ cũng được nâng lên. Tôi cũng thật may mắn được thầy dung nạp vào nhóm nghiên cứu sinh viên và sớm trở thành học trò “yêu” của thầy. Vận dụng cách đào tạo này của thầy, tôi cũng đã góp phần đào tạo được không ít kỹ sư nông nghiệp có tài năng trong sự nghiệp làm thầy của mình ở Đại học Nông nghiệp 1 và Học viện Nông nghiệp Việt Nam sau này.
Từ sâu thẳm trái tim tôi muốn nói, tôi thật may mắn và tự hào được là học trò của thầy, nhà sinh lý thực vật uyên bác, nhà khoa học nông nghiệp xuất sắc mà tôi luôn ngưỡng mộ, luôn lấy thầy làm tấm gương để học hỏi và phấn đấu.