Giúp thanh niên bán sản phẩm OCOP trên các nền tảng số

Ngày 12/8, tại huyện Sông Mã (tỉnh Sơn La), Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Tỉnh đoàn Sơn La đã tổ chức chương trình tập huấn tăng cường kỹ năng bán các sản phẩm OCOP qua phương tiện số cho thanh niên nông thôn.
cac-tiktoker-livestream-cho-phien-ocop-son-la-ve-mien-nong-san-thu-hut-hon-500000-luot-xem-7413-1692024281.jpg

Các tiktoker livestream chợ phiên OCOP Sơn La về miền nông sản thu hút hơn 500 nghìn lượt xem.

Tại chương trình, đoàn viên, thanh niên tỉnh Sơn La đã được tập huấn kỹ năng bán các sản phẩm OCOP trên nền các tảng thương mại điện tử xã hội, như: hướng dẫn xây dựng, phát triển kênh, các bước sáng tạo nội dung video; quy trình vận hành, phương thức và tối ưu hiệu quả bán hàng trên nền tảng số; các giải pháp livestream thu hút người xem và khách hàng; cách thức truyền đạt thông tin về sản phẩm với khách hàng thông qua hoạt động livestream…

Các nhà sáng tạo nội dung nổi tiếng trên các nền tảng số đã livestream bán hàng trực tiếp trên nền tảng số đối với các sản phẩm OCOP của thanh niên, nông sản, đặc sản của tỉnh Sơn La, gồm: nhãn Sông Mã, long nhãn, thịt trâu gác bếp, tỏi đen, mật ong…

cac-chuyen-gia-da-giai-dap-nhung-kho-khan-vuong-mac-cua-cac-chu-the-ocop-trong-viec-van-hanh-ban-hang-tren-nen-tang-so-2238-1692024461.jpg
Các chuyên gia giải đáp những khó khăn, vướng mắc của các chủ thể OCOP trong việc vận hành bán hàng trên nền tảng số.

Sau hơn 4 giờ với 12 phiên livestream các nhà sáng tạo nội dung trên các nền tảng mạng xã hội đã bán được 5 tấn nhãn Sông Mã, 2.350 đơn hàng, doanh thu đạt gần 500 triệu đồng. Qua đó góp phần giới thiệu nhiều sản phẩm đặc trưng của Sơn La đến đông đảo người tiêu dùng trong nước.

Tại diễn đàn “Khai thác tiềm năng kinh tế số trong xúc tiến quảng bá sản phẩm OCOP”, các hợp tác xã, tổ hợp tác thanh niên, doanh nghiệp trẻ, hộ sản xuất kinh doanh, các chủ thể OCOP và đoàn viên, thanh niên đã tập trung thảo luận về 3 vấn đề gồm: khai thác tiềm năng kinh tế số trong phát triển quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP; kinh tế số từ góc nhìn của thương mại điện tử và quảng bá tài nguyên bản địa trên không gian số. 

Bên cạnh đó, các chuyên gia đã giải đáp những khó khăn, vướng mắc của các chủ thể OCOP trong việc vận hành bán hàng trên nền tảng số. Các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp cùng các đoàn viên thanh niên tỉnh Sơn La cũng trực tiếp nêu những khó khăn, vướng mắc cũng như được giải đáp trong việc vận hành bán hàng trên nền tảng số. 

livestream-ban-hang-truc-tiep-san-pham-ocop-cua-thanh-nien-nong-san-dac-san-cua-tinh-tren-nen-tang-tiktok-8515-1692024461.jpg
Livestream bán hàng trực tiếp sản phẩm OCOP của thanh niên, nông sản, đặc sản của tỉnh Sơn La trên nền tảng TikTok.

Đồng chí Cầm Thị Huyền Trang, Bí thư Tỉnh đoàn Sơn La, cho biết, qua diễn đàn lần này, đã góp phần giúp đoàn viên, thanh niên, các chủ thể OCOP tiếp cận được những kiến thức và kỹ năng cần thiết để phát triển trên các nền tảng số, định hướng tư duy và khai thác tiềm năng kinh tế số để nâng cao hiệu quả trong xúc tiến quảng bá sản phẩm OCOP.

Thời gian tới, Tỉnh đoàn Sơn La sẽ tiếp tục đồng hành với thanh niên tổ chức các diễn đàn, hội thảo, tập huấn chuyên sâu hơn nữa về Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, trong đó có nội dung chuyển đổi số. Mục tiêu thúc đẩy hoạt động sản xuất và thương mại sản phẩm OCOP hiệu quả, đặc biệt là tham gia thương mại điện tử và bán hàng online. 

Hiện tỉnh Sơn La đã có 110 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó có 1 sản phẩm 5 sao; 51 sản phẩm OCOP đạt 4 sao; 58 sản phẩm OCOP đạt 3 sao. Các sản phẩm được chứng nhận OCOP đã gia tăng về số lượng, kiểu dáng, mẫu mã, chất lượng sản phẩm được nâng cao, dần hình thành nhóm sản phẩm đặc trưng của vùng, miền của tỉnh, đáp ứng tốt cho nhu cầu của thị trường.